LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA GIÊ-SU

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:  Do-thái 9: 11-15

 

          Đoạn thư hôm nay là tâm điểm của thư gửi tín hữu Do-thái.  Mục đích của thư là khích lệ tín hữu hãy tin tưởng và kiên trì khi bị thử thách, nhìn lên Đức Ki-tô như gương mẫu hy sinh.  Người đã đi qua đau khổ và cái chết để trở nên hy tế có hiệu năng tuyệt đối dâng lên Thiên Chúa.  Theo gương Đức Ki-tô và kết hợp với Người, tín hữu phải đưa công việc thờ phượng vào chính cuộc sống của mình.  Hy tế của tín hữu cần được kết hợp với hy tế ngợi khen của Đức Ki-tô, biểu lộ qua đức ái và phục vụ tha nhân, nhờ đó họ được tha thứ tội lỗi và đến cùng Thiên Chúa Cha.  Sau khi cho thấy nhược điểm của Đền Thờ, của giao ước cũ và những hy tế theo luật cũ, đoạn thư Do-thái trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay hướng về Đức Ki-tô là vị Thượng Tế thập toàn và là Đấng đã thể hiện mọi lời hứa về việc thờ phượng Thiên Chúa cách hoàn hảo, để trình bày ý nghĩa và giá trị của máu Đức Ki-tô đã đổ ra vì chúng ta.

 

a)  Sự trổi vượt của Đức Ki-tô, vị Thượng Tế thập toàn

          Để hiểu sự trổi vượt của Đức Ki-tô, chúng ta cần biết vai trò của vị tư tế thời Cựu Ước.  Tư tế là người thi hành sự trung gian giữa Thiên Chúa và dân Người qua hai hình thức:  phục vụ việc phượng tự và phục vụ Lời Chúa.  Trong việc thờ phượng, tư tế là người bảo vệ hòm bia giao ước, tiếp đón tín hữu đến nhà Chúa và chủ tọa các nghi lễ phụng vụ.  Tuy nhiên hoạt động chính yếu của ngài là dâng lễ hy tế.  Trong hoạt động này, ngài biểu lộ trọn vẹn vai trò trung gian:  tiến dâng Thiên Chúa lễ vật của tín hữu và chuyển lại cho họ phúc lành của Thiên Chúa.  Mỗi năm một lần vào ngày lễ Xá tội, vị Thượng tế lãnh đạo hàng tư tế biểu lộ vai trò trung gian tối cao của mình khi ngài dâng lễ khẩn cầu cho toàn dân được tha thứ mọi tội.

          Sự trổi vượt của Đức Ki-tô được minh chứng qua một số yếu tố liên quan tới chức vụ tư tế.  Những yếu tố này tại Đền Thờ chỉ có tính cách tương đối và tạm thời, trong khi cùng những yếu tố ấy nơi Đức Ki-tô lại là tuyệt đối và vĩnh cửu: 

-  Nơi chốn để Đức Ki-tô gặp gỡ Thiên Chúa không còn là Lều Hội Ngộ dệt bằng sợi vải quý, nhưng là chính thân thể phục sinh của Người. 

-  Đến dâng hy lễ cho Thiên Chúa, Đức Ki-tô không dùng đến máu dê bò như vị thượng tế vẫn làm, nhưng Người lấy chính máu Người đã đổ ra trên thập giá.  

-  Vị thượng tế năm nào cũng phải vào cung thánh một lần để dâng lễ xá tội và phải lập đi lập lại hoài, trong khi Đức Ki-tô vào cung thánh chỉ một lần là đủ. 

-  Hiệu năng của việc thượng tế dâng hy lễ là xá tội cho dân trong năm ấy mà thôi, còn hy tế của Đức Ki-tô thì đem lại ơn cứu chuộc vĩnh viễn.

-  Máu dê bò chỉ làm cho thân xác dân chúng được khỏi nhiễm uế, còn máu Đức Ki-tô thanh tẩy tội lỗi trong tâm hồn chúng ta.  Máu của Đức Ki-tô cao quý và giá trị hơn mọi thứ máu súc vật đến độ không thể so sánh được, vì Người là Đấng chí thánh có thể diệt trừ tội lỗi để kết hợp con người với Thiên Chúa.

-  Yếu tố quan trọng nhất nói lên sự trổi vượt của hy tế Đức Ki-tô, đó là sự hiện diện của Thánh Thần.  Thánh Thần đã đưa việc tế lễ của Chúa Giê-su từ cấp độ loài người lên cấp độ của Thiên Chúa.  Chỉ ở cấp độ Thiên Chúa, hy tế mới có đủ hiệu lực xóa bỏ tội lỗi của loài người.

 

b)  Máu Chúa Ki-tô

          Giống như mọi tôn giáo cổ xưa, Do-giáo cũng nhận máu có tính cách thần thiêng và tượng trưng cho sự sống.  Vì tính cách thần thiêng và tượng trưng ấy, máu có tầm quan trọng đặc biệt trong phụng vụ xá tội.  Ngày lễ Xá tội, vị thượng tế vào nơi cực thánh, đem theo máu các hy vật dâng lên Thiên Chúa để xin ơn xá tội cho mình và cho dân chúng.  Theo thư Do-thái, việc làm của vị thượng tế trong Cựu Ước được coi là hình bóng tiên báo Đức Ki-tô lên trời với máu mình để cứu chuộc chúng ta.

          “Những việc đưa tới sự chết” đều phát xuất từ cội nguồn là tội lỗi.  Tội lỗi đã làm chúng ta “mất máu” hoặc tiêu diệt từ từ sự sống linh hồn chúng ta.  Những việc làm tội lỗi của chúng ta được máu Chúa Giê-su xóa bỏ và phục hồi sự sống thiêng liêng nơi chúng ta.  Chúa Giê-su tiếp máu sự sống của Thiên Chúa cho chúng ta, để chúng ta được sống và sống phong phú mà “xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.”  Người đã lấy hết máu của Người để tiếp máu cho một nhân loại đang chết lần mòn vì mất máu do tội lỗi.  Người đã lấy máu ban sự sống của Thiên Chúa để tạo thành một nhân loại mới, một dân tộc được cứu chuộc.  Tuy Người cũng phải chết vì hết máu, nhưng Thiên Chúa toàn năng đã cho Người sống lại từ kẻ chết để trở nên “phúc lộc của thế giới tương lai,” tức là phúc trường sinh đã thể hiện ngay tự bây giờ.

 

c)  Bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về ý nghĩa cứu chuộc của Bí tích Thánh    

     Thể                       

          Có lẽ chúng ta quá quen với ý tưởng “Thánh Thể là của nuôi linh hồn,” nên ít khi nghĩ tới ý nghĩa cứu chuộc của Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô.  Có lẽ việc cho rước Mình Thánh mà không cho rước Máu Thánh cũng ảnh hưởng tới não trạng ấy.  Mặc dù Giáo Hội đã khẳng định rằng khi chúng ta rước Mình Thánh Chúa thì cũng chứa đựng cả Máu Thánh Chúa trong đó, chúng ta vẫn ít khi nghĩ tới ý nghĩa của Máu Thánh Chúa Ki-tô.  Máu Đức Ki-tô là máu Tân Ước.  Không có máu dê bò rẩy lên dân chúng, thì họ không được thanh tẩy;  không có máu Đức Ki-tô đổ ra, thì không có ơn tha thứ.  Cho nên máu Đức Ki-tô có hiệu lực xóa tội con người (Dt 9:18-28) và cho tội nhân được đến gần Thiên Chúa (Dt 10:19).  Hơn thế nữa, Máu Thánh Người còn bảo đảm cho việc thánh hóa (10:29;  13:12) và đem chúng ta gia nhập vào đàn chiên của Chúa Chiên Lành (13:20).

          Khi lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa một cách xứng hợp là chúng ta để cho hiệu năng cứu chuộc của Máu Thánh Chúa sinh hiệu quả đích thực:  Ai ăn thịt và uống máu Ta thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết (Ga 6:54).

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Xét lại hiện tượng “mất máu” của tôi để tìm ra nguyên do tại sao sự sống thiêng liêng của mình cứ èo uột, nếu không nói là chết đến nơi.

          Mỗi khi lãnh nhận Bí tích Hòa giải, tôi có nghĩ tới tầm quan trọng của Máu Đức Ki-tô đã đổ ra trên thập giá không?  Những suy niệm ấy sẽ giúp tôi những tâm tình nào mỗi khi đi xưng tội?

          Thư Do-thái mời gọi tôi kết hiệp với hy tế của Chúa Giê-su và sống sự kết hiệp ấy bằng cách thực thi bác ái và phục vụ.  Nói khác đi, việc rước Mình Máu Thánh Chúa phải đưa tôi đến yêu thương và phục vụ anh chị em.  Tôi đã làm như thế chưa?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài về Thánh Thể.

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi

21-6-2003


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà