LỄ KÍNH HAI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊ-RÔ VÀ
PHAO-LÔ
29-6-2003
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: 2
Ti-mô-thê 4: 6-8.17-18
Phụng
vụ Lời Chúa hôm nay dành bài đọc thứ nhất để nói về nỗi gian khổ của thánh Tông
đồ Phê-rô và bài đọc thứ hai về tâm tình của thánh Phao-lô trong những ngày
cuối đời. Đoạn trích thư thứ hai gửi
môn đệ Ti-mô-thê là những dòng tâm sự thánh Phao-lô nói với ông. Quả thực đây là một bản di chúc tinh thần để
lại cho người môn đệ yêu dấu, với nội dung là nhìn lại cuộc đời và sứ vụ của
mình để nhận ra vai trò cốt yếu của Chúa hoạt động nơi mình. Không giống như những hồi ký của các vĩ nhân
đề cao sự nghiệp của họ, chúc thư của Phao-lô chỉ là những dòng đơn sơ, chân
thành và khiêm nhượng để tôn vinh quyền năng Thiên Chúa, đồng thời cũng để bày
tỏ lòng tín thác nơi Chúa “là vị Thẩm Phán chí công.”
a) Khi giờ
chết đến gần
Thái
độ của con người trước giờ chết đến gần tùy thuộc vào niềm tin của họ. Dĩ nhiên hầu như ai cũng sợ chết cả. Nhưng sau giây phút giao động ấy, người ta
có thể bình tĩnh chấp nhận và tìm thấy ý nghĩa đích thực của cái chết hay
không, đó là điều quan trọng. Vậy thánh
Phao-lô đã diễn tả giờ chết của ngài theo ý nghĩa nào? Trước hết ngài dùng một hình ảnh rất gần gũi
đối với ngài và là lẽ sống trong cuộc đời tông đồ của ngài: sắp đến giờ phải đổ máu ra làm lễ tế. Phao-lô đã nói lên ước nguyện của ngài với
tín hữu Phi-líp-phê là ngài mong họ “chiếu sáng như những vì sao trên trời và
làm rực lên Lời ban sự sống” để khỏi uổng công ngài đem Tin Mừng đến cho họ. Ngài còn mạnh mẽ cam kết: “Nếu tôi phải đổ máu ra hợp làm một với hy
lễ mà anh em lấy đức tin dâng lên Chúa, thì tôi vui mừng” (Pl 2:17). Đổ máu ra làm lễ tế không phải là một bất
hạnh, nhưng là một vinh dự. Như dầu,
rượu hoặc nước được đổ trên của lễ thời Cựu Ước, máu tử đạo của Phao-lô cũng sẽ
đổ ra làm lễ tế để làm chứng cho “Lời ban sự sống.” Hình ảnh thứ hai về giờ chết đến gần là: đến giờ tôi phải ra đi. Từ “ra đi” là đặc ngữ nói về một con tàu nhổ
neo ra khơi, hoặc về một người lính cuốn lều nhổ trại để di chuyển. Hình ảnh này thật là sống động nếu áp dụng
cho cuộc đời tông đồ của Phao-lô, giống như con tàu sau khi đã cặp nhiều bến
vùng Tiểu Á để mang Tin Mừng cho Dân ngoại và giờ đây thẳng buồm chạy tới bến
đỗ vĩnh cửu là Thiên Chúa, hoặc giống như người lính chiến sau những chiến trận
nguy hiểm và khổ cực được giải ngũ và sống trong bình an muôn đời của Thiên
Chúa. Người lính chiến ấy đã hoàn tất
nhiệm vụ được trao phó, đã “đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng
đường, đã giữ vững niềm tin” và đang chờ đợi vị Thẩm Phán tưởng thưởng.
b) Chúa luôn
hiện diện trong cuộc đời
Đi
gần hết chặng đường lữ hành trần gian, Phao-lô nhìn lại cuộc đời mình để thấy
những gì? Người đời thường chỉ thấy
những công trình của mình. Như thế
người ta mới có chất liệu để viết hồi ký, để nói lên chỗ đứng quan trọng của
mình. Nhưng Phao-lô thì khác. Ngài chỉ thấy bàn tay quan phòng của Chúa
can thiệp vào cuộc sống của ngài. Sự
hiện diện của Chúa và sức mạnh Người ban là những yếu tố để ngài thẩm định lại
tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc đời mình.
Công việc rao giảng không thể nào hoàn thành được, nếu không có Chúa
“đứng bên cạnh” và sức mạnh Người ban.
Tư thế “đứng bên cạnh” của Chúa biểu lộ tính cách tích cực và sống động,
chứ không quá tĩnh như chúng ta thường nói Chúa “ở bên cạnh.” Phao-lô còn nêu cao sự hiện diện của Chúa và
sức mạnh của Người khi nhắc tới những nguy hiểm, “hành vi hiểm độc, nanh vuốt
sư tử” ngài luôn phải đối phó khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng (1 Cr 9;
2Cr 6:1-10; 11). Càng nguy hiểm thì sự hiện diện và sức mạnh
của Chúa càng biểu lộ rõ ràng hơn.
Phao-lô xác tín được điều ấy:
“Nhưng Người (Đức Giê-su) quả quyết với tôi: ‘Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ
trọn vẹn trong sự yếu đuối’. (2 Cr 12:9).”
c) “Chúc
tụng Chúa vinh hiển đến muôn thuở muôn đời”
Kết
thúc chúc thư, người ta thường đưa ra những điều kiện này điều kiện kia... Phao-lô kết thúc chúc thư bằng tất cả tâm
tình của mình: chúc tụng Thiên Chúa. Tạ ơn là một thái độ cần thiết của Ki-tô hữu,
nhận biết sự sống và khả năng Chúa ban hoàn toàn là một ân huệ nhưng
không. Không một chút khoe khoang, kiêu
hãnh. Không cần người đời tôn vinh. Chỉ có một vị Thẩm Phán tối cao xét xử cuộc
đời chúng ta. Người đời có thể ém nhẹm
đi mặt trái của cuộc đời họ để người khác chỉ thấy được những đẹp đẽ huy hoàng
của họ. Nhưng đối với Phao-lô, một
người “nếu phải tự hào thì sẽ tự hào về những yếu đuối của mình” (2 Cr 11:30),
chỉ muốn lúc nào cũng phải để cho quyền năng Chúa được tỏ hiện. Tâm tình tạ ơn đòi người tín hữu nhận rõ
giới hạn của mình và vai trò của Chúa.
Có như thế tâm hồn họ mới sẵn sàng và khiêm tốn nhìn nhận sự can thiệp
của Chúa trong cuộc đời mình. Trong các
nghi lễ phụng vụ, Giáo Hội luôn kết thúc với lời “Tạ ơn Chúa” cốt để nhắc nhở
chúng ta rằng “Tạ ơn Chúa” phải là một thái độ căn bản để, sau khi qua phụng vụ
để thờ phượng Chúa, họ đã nhìn nhận vai trò của Chúa đối với mình, thì giờ đây
bước vào cuộc sống hằng ngày họ phải sống đúng vai trò của mình đối với Chúa.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
Tôi
có nghĩ rằng bất cứ lúc nào cũng có thể là lúc tôi “phải đổ máu ra làm lễ tế”
và “đến giờ tôi phải ra đi” không? Ý
nghĩ ấy nói gì với tôi?
Tôi
nhìn lại dĩ vãng cuộc đời mình như thế nào?
Để nuối tiếc? Để căm thù? Để vênh vang? Thái độ gương mẫu của Phao-lô dạy tôi phải làm gì?
Chia
sẻ về một lần nào đó Chúa đã cứu tôi “khỏi nanh vuốt sư tử” hoặc một “hành vi
hiểm độc”do người khác? Tôi có thực sự
cảm tạ Chúa suốt đời hay đã quên đi rồi?
Cầu nguyện kết thúc
Sau
cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài Tạ ơn Chúa, hoặc bài “Xin vĩnh biệt
mọi người, tôi ra đi lần cuối” của Tagore.
Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi