SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXII - B (Thường Niên)

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên

"Lo lắng, căng thẳng" những tâm trạng bám riết mỗi con người, mỗi gia đình nhân loại: bà góa thành Sarephta thời Êlia, những luật sỹ, biệt phái thời Ðức Giêsu... cũng như anh và tôi hôm nay, chúng ta có muôn vàn điều để lo lắng và căng thẳng.

Ðiều đáng nói là : những lo lắng và căng thẳng ấy thật chính đáng đấy. Nó thật sự nói lên con người có trí tuệ và có trách nhiệm về bản thân và về những người thân của mình. Tuy nhiên, Êlia, và Ðức Giêsu đòi hỏi thật gắt gao "Ðừng lo, cứ đi và làm", "đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống".

Một cách thường tình, với một chút bột và dầu còn lại, bà góa thành Sarephta phải dành cho con và bà; cũng hết sức là thường tình : bà góa thời Ðức Giêsu có thể giữ lại cho mình hai đồng tiền ít ỏi để sống qua ngày, không ai kể cả Chúa lại có thể kết án khi các bà làm như vậy. Ở đây Lời Chúa muốn mời gọi chúng ta mở mắt để thấy không chỉ là cái thường tình mà còn là cái thường hằng : Thiên Chúa mới là đảm bảo thường hằng cho cuộc sống chúng ta. Bà góa Sarephta khi làm theo Lời Chúa đã không phải hy sinh một cách luống công: Bà và con bà vẫn còn của nuôi thân, cho dù chung quanh bà người ta chết vì đói...Cho dù Ðức Giêsu không nói gì cái gì đã xảy ra sau đó cho bà góa trong Tin Mừng, nhưng khi hành vi tuy rất bé nhỏ nhưng tràn tin yêu của bà đã được Chúa nhận biết thì chúng ta có thể quả quyết là bà tiếp tục sống sung mãn. Bài tín thư gởi tín hữu Do Thái cũng cho thấy trong hành vi của một thượng tế có cái thường tình nhưng phải mang chiều kích thường hằng nếu muốn thực sự mang sức mạnh cứu độ: Hiến Lễ mà họ tiến dâng tuy vẫn là máutheo luậtđịnh, nhưng Thượng Tế đích thật phải tiến dâng chính Máu mình, và như vậy Ngài chỉ Hiến Tế một lần và mang tính Thường Hằng.

Cái thường hằng vì vậy nằm trong chính cái thường tình, nhưng vượt qua mọi giới hạn không gian và thời gian. Ðấy là cái ý nghĩa đích thật của con người vốn được nhìn nhận là "linh ư vạn vật". Thế nhưng, cơn cám dỗ đeo đuổi con người chúng ta ngay từ ban đầu vẫn là muốn lấy cái thường tình bao trùm cái thường hằng. Muốn cái hiện sinh là Chúa, và không còn Chúa nào khác. Trong khi cái hiện sinh chỉ là "cảnh vực thần linh", nơi Thiên Chúa đến gặp gỡ con người, và nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa của mình.

Dường như cái trào lưu và xu hướng của văn minh đương đại chỉ muốn nhận chìm con người trong cái hiện sinh, và không cho nó có cơ hội để vươn tới chiều kích thường hằng. Những "cảnh vực thần linh" đã trở nên "hang trộm cướp", ngay cả những nơi tôn nghiêm nhất như Ðền Thờ, như Gia Ðình đang bị cái xu hướng văn minh hiện đại biến thành nơi buôn bán những sở thích, những tham vọng của con người, không còn là nơi con người cùng nhau gặp gỡ Thiên Chúa của mình. Ðền Thờ, Gia Ðình không còn là "nhà nguyện cầu của mọi dân tộc".

Nếu Phụng Vụ trong những tuần lễ cuối cùng này hướng về những thực tại Cánh Chung, thì tôi thiết nghĩ vấn đề chúng ta khám phá nơi Lời Chúa hôm nay, không ra ngoài trọng tâm ấy. Cái "cánh chung" của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi dân tộc không là gì khác hơn là "cái thường tình trong chiều kích thường hằng" vậy.

Có lẽ chúng ta có nhiều điều để phải bắt đầu lại để thoát ra khỏi cái xu hướng đương đại.


Trở Về Mục Lục