Lời Chúa có thể đem lại cho mỗi người những tâm đắc cá biệt. Riêng tôi sau hơn 4 tháng lang thang trên đất Mỹ này Lời Chúa dường như tô đậm màu sắc cô đơn của con người ngay giữa những lòng phố chợ.
Còn gì cô đơn hơn người tôi tớ đau khổ của Yahvê trong Isaia. Và cho dù Thánh Phaolô mô tả Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ từ ái và cảm thông, cũng không che lấp được sự xa cách tự nhiên giữa con người với Ngài, nên đã khuyến khích chúng ta mạnh dạn tiến tới ngai ân sủng. Riêng bài Tin Mừng, sự cô đơn còn kéo theo những tức giận ghen tuông... đến nỗi Ðức Giêsu đã phải lôi kéo môn đệ trở về với thân phận đích thực của người tôi tớ... mà cảm thông và tiếp nhận anh em mình.
Tôi đã thấy những người già neo đơn trong các nursing home, tôi đã lắng nghe những rên xiết của những gia đình tan vỡ, tôi đã thấy bao tuổi trẻ không có tương quan nào khác hơn nhà máy, văn phòng hay công việc. Tôi chứng kiến biết bao trẻ mới ra đời phải sống không phải với cha mẹ mình...Con người trên đất nước phồn vinh này dường như không còn ai là người thân thuộc trong cuộc sống. Con người bị cuốn trôi theo giòng thác kỹ nghệ và thương mại,có mặt trong một mắt xích dây chuyền, không thể tự mình di chuyển đến cạnh người yêu thương. Trên dây chuyền ấy, nhìn thấy nhau đàng sau những cỗ máy khổng lồ mà lòng chất chứa e ngại.
Trên mảnh đất nghèo khổ của quê hương, những mái tranh dột nát vẫn có gì để thương và để nhớ. Bởi vì ở đó có những trái tim biết lo cho nhau từng miếng cơm manh áo. Còn ở đây, tiện nghi, nhưng mỗi phòng là một thế giới riêng tư nhốt kín trái tim không cho nó nhìn ra nhu cầu của anh chị em mình. Có những đứa con lớn dường như chẳng bao giờ ngồi trong bàn cơm gia đình, nên cũng chẳng bao giờ thấy chúng dọn dẹp, quét nhà... ngoại trừ căn phòng của nó...phòng sinh hoạt gia đình có lẽ chỉ là để nó xem ti vi, hoặc giả đôi khi tiếp bạn bè...nó không còn chức năng như tên gọi. Vì thế tình cảm về một mái ấm gia đình có lẽ không còn bao nhiêu nơi những thế hệ tôi gặp gỡ. Có thể nó có giá trị để phô trương trong xã hội phồn vinh và tràn ngập tiếp thị, quảng cáo. Có lẽ vì thế người ta không còn quan tâm đem tâm tư và bản sắc riêng vào công việc xây mái ấm cho gia đình. Thỉnh thoảng tôi còn gặp được nơi những thành phố kỳ cựu những ngôi nhà cổ, mỗi nhà có sắc thái riêng biệt mang dấu ấn của bao tình cảm gia đình. Nhà ở Mỹ bây giờ, chỉ là những chỗ tạm trú ngoài nhà máy: nó tạm bợ như mọi chất liệu làm ra nó. Nó giống nhau từ miền này qua miền khác trên cái phần đất mênh mông này. Con người sống trong đó không phải như là thành trì riêng tư và kín ẩn của yêu thương, mà chỉ là vài canh thức nghỉ ngơi lấy sức để đi vào công xưởng.
Con người cô đơn giữa lòng phố chợ, thậm chí ngay cả cái thâm cung của tình yêu cũng đã trở nên một kỹ nghệ buôn bán.
Người nam cũng như người nữ trở thành món hàng.
Phải chăng tôi quá khắt khe và bảo thủ trong cái nhìn ?
Thực ra không phải tại xã hội này. Cũng như tại quê hương tôi giờ đây con người cũng không hơn một món hàng, và có lẽ là món hàng ế ẩm nữa là khác.
Tuy nhiên cũng như Lời Chúa cho thấy Tin Mừng không phủ nhận cái thực tại hiện sinh. Tin Mừng mở ra một lối giải thoát cho con người cô đơn : con đường chấp nhận sự cô đơn tuyệt đối, thậm chí chết trần truồng trên Thánh Giá để nói lên tiếng nói Yêu Thương với con người. Mỗi một xã hội được tổ chức dựa trên một xác tín về con đường giải thoát cho mình. Nhưng tất cả đều thất bại ngay trong nội tại của chính nó. Ở đây, người ta cho con người mọi khả năng làm đẹp cho bản thân, người ta đặt vào tay nó những phương tiện lớn lao để nó thấy mình được trân trọng, được khao khát, được tiếp đón: mà tôi thường ví Las Vegas là hình ảnh tuyệt vời cho lời giải đáp của xã hội này nhằm phá vỡ sự cô đơn. Nhưng cuối cùng, giữa lòng thành phố phồn hoa ấy, con người ở bên nhau dường như vẫn chỉ là những kẻ thù náu ẩn. Lời giải đáp của Tin Mừng : Một Người Con chết như một tôi tớ vô dụng trong vòng tay Người Mẹ mang nặng niềm tin vào hạnh phúc của những người con đang ẩn mặt trong tình yêu của Con Chí Ái. Cô đơn nghiệt ngã, nhưng là cô đơn để xé tan mọi bức màn ngăn cách, cho mọi người con tìm lại mái ấm gia đình.
Lời giải đáp thật mạnh mẽ, nhưng là lời giải đáp không phải bằng lời nói xuông sẻ mà là lời được phải nói trong những nỗi cô đơn của những con người đi làm sứ mạng truyền giáo hôm nay.
Tôi cũng sợ cô đơn như mọi người, và vì vậy, ngày lễ hôm nay trở thành khẩn thiết vì tôi tin rằng muôn triệu trái tim đang cầu nguyện cho tôi.
Tạ ơn Chúa.