CHÚA NHẬT II PHỤC SINH, năm C
CHÚA NHẬT LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
Ga 20, 19-31
KHÔNG SỜ VÀO LỖ ĐINH, SAO MÀ TIN ĐƯỢC ?
Cái câu chuyện
của ông Tôma vào chiều Phục Sinh đầu tiên khi Đức Giêsu sống lại, hiện ra với
các môn đệ, không có mặt của ông, ông đã từng tuyên bố thẳng thừng với các môn
đệ khác rằng nếu mắt ông không thấy, tai ông không nghe và tay ông không sờ vào
Chúa phục sinh thì ông không tin. Nói theo kiểu dân dã, ông là người thực tiễn,
ăn cây nào rào cây ấy và muốn có hoa lợi phải biết chăm bón cây cho tốt, chứ
không chỉ khơi khơi mà có ăn. Do đó, cái chuyện sống lại của Thầy đối với ông
thật khó hiểu. Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại đó, tám ngày sau, Chúa
phục sinh lại hiện ra với các môn đệ, lần này có cả Tôma. Chúa sống lại gọi
đích danh ông:” Tôma, hãy nhìn xem tay Thầy, hãy đặt ngón tay vào cạnh sườn
Thầy.Đừng cứng lòng, nhưng hãy tin” ( Ga 20, 27 ). Tôma chẳng nói lên lời nào,
ông run sợ mà thưa với Người :” Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”( Ga 20,
28 ). Cả Tôma và mọi môn đệ đều được mời gọi trở nên sứ giả của Lòng Thương Xót
của Chúa phục sinh.
TẠI SAO TÔMA LẠI ĐÒI HỎI ? : Đọc lại
Tin Mừng và theo dõi diễn tiến việc Chúa sống lại, chúng ta không khỏi ngạc
nhiên khi thấy các bà phụ nữ đạo đức đã được lãnh nhận ơn phục sinh, đón nhận
tin vui phục sinh đầu tiên. Đi từ ngạc nhiên xác Thầy bị đánh cắp khỏi mộ, các
bà đã được khơi dậy niềm tin và mau mắn chạy về loan báo Tin Mừng phục sinh cho
các môn đệ. Maria Mácđala đã được Chúa phục sinh gọi đích danh tên bà:” Maria
“. Quay lại bà thưa :” Rabboni”, nghĩa là lạy Thầy.Tại sao Gioan khi thấy mồ
trống và tấm khăn liệm gọn gàng là ông đã tin Thầy sống lại, còn Tôma đã được
các bạn trong nhóm thuật lại việc Thầy sống lại mà ông vẫn không tin. Ông đòi
phải nhìn Thấy Chúa phục sinh, nghe tiếng Chúa nói và tạy phải sờ vào lỗ đinh,
bàn tay phải thọc vào cạnh nương long sườn Chúa thì ông mới tin. Gioan nhìn
Chúa bằng con mắt đứcc tin, con mắt tình yêu. Còn Tôma chỉ muốn nhìn Chúa bằng
con mắt xác thịt, con mắt phàm trần. Gioan đã nhờ tình yêu mà chạy tới mộ nhanh
hơn Phêrô, cũng chính tình yêu đã khiến ông nhận ra Chúa đầu tiên trên biển hồ
Galilêa, chính tình yêu đã làm cho ông trở nên “ Người môn đệ Đức Giêsu thương
mến”( Ga 21, 7 ). Phêrô đã phải cố gắng vượt qua những dấu chỉ khả giác để tới
niềm tin, và Tôma cũng đã phải phấn đấu vượt qua cái nhìn của giác quan để đến
cái nhìn của đức tin. Tôma là con người rất thực tiễn, nhưng Chúa nói “ Phúc
thay những người không thấy mà tin “( Ga 20, 29 ).
CÁC MÔN ĐỆ LÀ CHỨNG NHÂN CHO LÒNG THƯƠNG
XÓT CỦA CHÚA PHỤC SINH: Như người Cha trong dụ ngôn người con hoang đàng đã
giang hai tay đón nhận đứa con hư hỏng trở về, Chúa luôn luôn nhân từ, thương
xót đón chờ những người tội lỗi quay trở về…Người mục tử hiền từ bỏ chín mươi
chín con chiên mà đi tìm một con chiên lạc. Người đàn bà vui mừng, hân hoan vì
tìm thấy đồng bạc bị mất…Các môn đệ khi nhận ra Chúa phục sinh đã không phụ
Lòng Thương Xót của Thầy. Các Ngài đã hiên ngang hiến trọn mạng sống của mình
miễn Lòng Thương Xót của Chúa được vinh danh, được tỏa sáng…Thánh Tôma, người
môn đệ của Chúa đã được Chúa hoàn toàn đáp ứng đòi hỏi xem ra quá cứng cỏi của
ông. Lòng Thương Xót của Chúa không dừng lại ở việc Người hiện ra cho các môn
đệ và cho Tôma. Chúa phục sinh ban bình an, chỉ cho mọi môn đệ thấy vết tích
của Lòng Thương Xót mà còn cho phép Tôma đụng chạm đến chính vết tích của tình
thương bao la của Chúa:” Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy
đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20, 27 ). Chúa phục sinh vẫn
mời gọi các môn đệ làm chứng về Lòng Thương Xót của Chúa, đặc biệt lòng yêu
thương vô bờ của Chúa trên thập giá:” Không có tình yêu nào cao quí bằng tình
yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ). Đức Thánh Cha
Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa theo lời Chúa gửi
gắm qua thánh nữ Maria Faustina:” Ta muốn ngày lễ kính Lòng Thương Xót là một
trợ giúp và nơi trú ẩn cho mọi linh hồn và nhất là cho những người tội lỗi đáng
thương.Trong ngày ấy, Lòng Thương Xót của Ta sẽ rộng mở, Ta sẽ tuôn đổ một đại
dương hồng ân xuống các linh hồn đến gần nguồn mạch Lòng Thương Xót của Ta”.
Lòng Thương Xót của Chúa càng được rõ nét, càng cụ thể khi Tin Mừng của thánh
Gioan 20, 19-31 thuật lại :” Chúa phục sinh hiện ra với các môn đệ hôm nay có
cả mặt Tôma nữa, Ngài ban bình an cho các ông, rồi chỉ các vết thương tình yêu
minh chứng Lòng Thương Xót của Chúa”. Ban bình an và sai các ông đi làm chứng
cho Lòng Thương Xót của Ngài:” Bình an cho anh em ! Như Cha đã sai Thầy, Thầy
cũng sai anh em”.
Lạy Chúa Giêsu
phục sinh, xin củng cố lòng tin cho chúng con để chúng con luôn là sứ giả cho
Lòng Thương Xót của Chúa”. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT