LỊCH SỬ TÌNH YÊU.

Chúa Nhật 2C Phục sinh.

 

Nhân loại đang chóng mặt vì những tiến bộ ngoạn mục của khoa học kỹ thuật.   Trong cơn chóng mặt đó, người ta vẽ nên những nét lịch sử nguệch ngoạc.  Đó là những nét vòng hay đường thẳng ?   Có lẽ khó kiếm được những đường thẳng trong muôn vàn nét nguệch ngoạc đó.   Tình yêu cũng có nét lịch sử riêng.   Đó là những nét vòng chung quanh cuộc đời mỗi người và cộng đoàn.

 

NHỮNG NÉT NGUỆCH NGOẠC.

Cộng đoàn ban đầu của Đức Giêsu thật nhỏ bé, nhưng cũng đủ tạo nên bao sóng gió và để lại những âm ba lớn lao trong lịch sử Giáo hội.   Các môn đệ vẫn chưa hết bàng hoàng trước cơn biến động quá lớn : Thày vừa bị giết.  Mối đe dọa Thày cũng đe dọa các môn đệ.  Quả thực, cho tới khi Thày chưa hiện ra trấn an, “nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái.” (Ga 20:19)   Tâm hồn và con người các ông rúng động.  Các sợi dây chằng chịt Thày trò đều bứt tung.   Tương lai chỉ còn là tai ương.   Niềm mong đợi duy nhất chi phối tất cả các môn đệ là sự bình an.

Bởi vậy, ngay khi sống lại, Đức Giêsu đã tìm mọi cách trấn an các môn đệ : “Bình an cho anh em !” (Ga 20:19, 21, 26)   Sau khi đã ổn định tinh thần các môn đệ, Đức Giêsu thấy phải củng cố niềm tin các ông bằng những dấu chỉ cụ thể.  “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn.” (Ga 20:20)   Mạc khải đó thật trọn vẹn.   Các ông đã thoát khỏi sự ngờ vực và sợ hãi.   Đó là lý do tại sao “các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.” (Ga 20:20)

Người ta cứ tưởng chỉ có ông Thomas là người cứng lòng tin nhất trong hàng ngũ các tông đồ.   Chỉ mình ông gây rắc rối, đòi những bằng chứng cụ thể vì nặng đầu óc duy nghiệm.   Thực ra, chẳng phải một mình ông Thomas.  Các môn đệ khác đã từng không tin lời loan báo Phục sinh của bà Maria Mácđala (Ga 20:18).   “Chỉ khi Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ (c.19) và cho họ xem tay và cạnh sường Người (c.20), các ông mới nhận ra Chúa và vui mừng. Oâng Thomas đã không hành động khác với các môn đệ khác.” (NIB: 849, vol.9)  

Nhưng một khi đã thấy Chúa, họ đều tràn ngập niềm vui.   Bình an Chúa hứa trong Ga16:20-22 đã nên trọn vẹn khi Chúa hiện ra với các môn đệ.   Đức Giêsu hiện diện như một bảo đảm hạnh phúc hiện tại và tương lai cho các môn đệ.  Nói đúng hơn, Người là niềm vui và bình an của toàn thể nhân loại.  Chính trong sự bình an lớn lao đó, Đức Giêsu muốn phóng cái nhìn của các môn đệ về một tương lai rực rỡ với sứ mệnh cao cả.  Người nói rõ : “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20:21)  Họ cũng có một sứ mệnh cứu độ như chính Đức Giêsu.   Sứ mệnh đó chỉ được thi hành với sức mạnh Thánh Linh.  Bởi đấy, Người nói :  “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.   Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20:23)   Đây không phải là một sự tha thứ bình thường.   Đó là một sự tha thứ trong quyền lực Thánh Linh.  Không phải bất cứ sự tha thứ nào cũng do Thánh linh.   Tha thứ đồng nghĩa với cứu độ.   Chính Thánh Linh đã là sức mạnh khiến Đức Giêsu có thể hoàn thành công cuộc cứu độ đó.   Nhất là sự tha thứ tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân càng cần tới quyền lực Thánh Linh.  

Hơn nữa, không nhờ cái chết và phục sinh của Con Chúa, không thể có ơn cứu độ.  Nói khác, đây là cuộc tạo dựng lần thứ hai. Nếu Thánh linh đã đóng vai chính trong việc tạo dựng lần thứ nhất.   Người cũng đóng vai cực kỳ quan trọng trong việc tạo dựng lần thứ hai.  Bởi vậy, khi bắt đầu cuộc tạo thành mới, Đức Giêsu “thổi hơi vào các ông” (Ga 20:22) như Thiên Chúa đã từng thổi sinh khí vào Adam.  Đức Giêsu làm chủ và tạo dựng một vũ trụ mới, trong đó mọi người sẽ lột xác thành tạo vật mới.   Một nền văn minh tình yêu sẽ chan hòa mặt đất.   Mọi người sẽ là anh em với nhau và cùng đều tôn xưng Đức Giêsu là Anh Cả vì cùng chung một Cha duy nhất là Thiên Chúa.  Một nền văn minh sự sống sẽ xây dựng lại tất cả từ đầu trong sức mạnh Phục sinh.  Bởi đó niềm vui sẽ chan hòa mặt đất.

 Niềm vui đó đã đến với các môn đệ khi Đức Giêsu “cho các ông xem tay và cạnh sườn.” (Ga 20:20) và khi “Người bảo ông Thomas: ‘đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy.  Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.’” (Ga 20:27)   Niềm vui đã đến vì các ông đã thấy tất cả sự thật, một sự thật đã giải thoát các ông khỏi mọi sợ hãi vàlàm cho các ông xác tín vào những điều Thầy đã hứa.  Bừng tỉnh trước sự thật đó, “ông Thomas thưa Người : ‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !’” (Ga 20:28)   Muốn có được sự bình an sau khi đã qua những cơn sóng gió, các môn đệ cần phải gặp Đức Giêsu trong niềm vui Phục sinh. Niềm vui đó chính là dấu chỉ của hồng ân cứu độ. 

Sự thật đã khuất phục Thomas cũng là sự thật sẽ giải thoát chúng ta.   Sự thật đó xuất hiện qua những dấu lạ.   Những dấu lạ đó chỉ dành cho một số ít chứng nhân Phục sinh. Không phải ai thấy dấu lạ đều có thể đọc được sự thật.  Ngược lại cũng có thể thấy  sự thật mà chẳng cần dấu lạ.   Đó là một hồng ân dành cho những người Chúa đã tuyển chọn.    Bởi đấy, Đức Giêsu mới nói : “Phúc thay những người không thấy mà tin !” (Ga 20:29)    Không thấy, nhưng nghe có đủ làm cho chúng ta tin Chúa Phục sinh chăng ?   Niềm tin không phải là kết quả của những đụng chạm, ngắm nhìn hay ăn uống với Chúa.   Tất cả chỉ là những dấu chỉ mà thôi.  Tin hoàn toàn là một nhân đức siêu nhiên, nghĩa là phải do ân sủng Thiên Chúa, chứ không do nỗ lực giác quan.  Tất cả những lần Chúa hiện ra đều nhằm giúp “anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.” (Ga 20:31)   Nói khác, sự hiện diện thể lý đó chỉ là một sự trợ lực, chứ không thể thay thế động lực chính tạo nên niềm tin vào Chúa Phục sinh.   Động lực chính đó là Thánh Linh, tác giả tạo dựng cả thiên nhiên và siêu nhiên, cả vật chất lẫn tinh thần.  Ngay cả thân xác Chúa, từ khi được tạo thành trong lòng Trinh Nữ Maria đến lúc phục sinh khỏi lòng đất, cũng đều do một tay Chúa Thánh linh tạo nên.   Chính vì thế, niềm vui và bình an mới tràn ngập tâm hồn và con người các môn đệ.   Nói khác, nơi nào có Thánh linh, nơi đó có bình an và vui mừng.

 

NIỀM VUI HÔM NAY.

Đúng hơn, bình an và niềm vui đó được chính Đức Giêsu bảo đảm.   Giữa cơn thử thách trần gian, Người vẫn lên tiếng : “Đừng sợ !  Ta là Đầu và là Cuối.  Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời ; Ta giữ chìa khóa của Tử thần và Aâm phủ.” (Kh 1:17-18)   Người là chính niềm vui và an bình của chúng ta.   Người không bị khuất phục.  Trái lại, Người nắm quyền kiểm soát cả thời gian lẫn không gian.   Ai tin tưởng vào Người sẽ không bao giờ thất vọng.   Ngày nay thất vọng đang lan tràn mặt đất.  Hôm nay vẫn có người tin vào sức mạnh bạo lực trong việc giải quyết những tranh chấp giữa người và người.  Bằng chứng Tuần Thánh vừa qua, cánh hữu bán-võ-trang tại Colombia đã vi phạm lệnh ngưng bắn, khiến cả trăm người chết, hầu hết là thường dân vô tội.  Nhưng Đức Hông Y Rubiano tại Bogota nói : “Những tổ chức đó hoàn toàn sai lầm nếu họ tưởng rằng với võ lực họ có thể làm được một cái gì giá trị.  Bất cứ phe nhóm nào dính líu vào cuộc tranh chấp này tưởng rằng hòa bình có thể thực hiện bằng vũ lực, họ hoàn toàn sai lầm.” (CWNews 18/4/2001)   Chính Đức Giêsu, nạn nhân của bạo lực, đã phục sinh để minh chứng tình yêu mạnh hơn sự chết.   Ngày nay vẫn có những tín hữu sẵn sàng hi sinh mạng sống để chứng minh Đức Giêsu Kitô đã chiến thắng tử thần.   Ngay tại một nước Hồi giáo như Malesia, một nữ tín hữu đã mạnh dạn kiện chính phủ để được chuyển đạo từ Hồi giáo sang Kitô giáo trên thẻ căn cước, mặc dù biết trước những nguy hiểm đe dọa tính mạng (CWNews 18/4/2001).

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C