TÌNH YÊU VÀ QUYỀN BÍNH.

Chúa Nhật 3C Phục sinh.

 

Tình yêu và quyền bính có mâu thuẫn không ?   Quyền bính đòi chiếm hữu và kiểm soát.   Trái lại chiếm hữu và kiểm soát hoàn toàn trái ngược với tình yêu. Bởi thế, tình yêu và quyền bính hình như không đội trời chung.  Có thể tìm thấy sự mâu thuẫn này khi nghe các nhà chú giải Tin lành giải thích về quyền bính Phêrô.

 

ĐI GIĂNG CÂU.

Tất cả sáu ngư phủ chuyên nghiệp cùng ông Simôn Phêrô vất vả suốt đêm, nhưng “đêm ấy họ không bắt được gì cả.” (Ga 21:3)   Mặc dù đầy đủ phương tiện và khả năng chuyên môn, các ông cũng phải đầu hàng sau một đêm vật lộn với bóng đêm.  Thuyền nhiều, lưới tốt (Ga 21:11) và khả năng tiên đoán thời tiết chuyên nghiệp cũng không giúp các ông lướt thắng nghịch cảnh.  Hôm trước các ông đã hứa với vợ con sẽ đem về mẻ cá lớn sau chuyến giăng câu đêm qua.  Nhưng đêm đen chỉ đem đến thất vọng và thất vọng.   Không biết sẽ trả lời cho vợ con làm sao đây ? !

May thay, “khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển” (Ga 21:4)  đem niềm hi vọng lớn lao cho các ông : “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” (Ga 21:6)    Tại sao Chúa không đòi các ông chèo ra chỗ nước sâu hay ra khơi ?  Chúa có phải là một tay chuyên nghiệp đâu ?!  Các ông có thể nghi ngờ lắm chứ.   Con mắt Chúa đã thấy rất rõ bầy cá đang lúc nhúc, đùa quẫy ngay bên phải mạn thuyền !  Thật là ngược đời !   Cái nhìn của Đức Giêsu không căn cứ vào chuyên môn.   Vậy mà các ông cũng nghe.  “Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá, đếm được một trăm năm mươi ba con.” (Ga 21:7,11)   Kết quả thật trái ngược !  Nhưng đó lại là một dấu chỉ để “người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô : ‘Chúa đó !’” (Ga 21:7)

Chính nhờ người môn đệ đó quả quyết, “ông Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.” (Ga 21:7)   Lúc đó người ướt sũng, ông bơi vào bờ để đón tiếp Chúa.  Thầy trò được bữa lớn.   Đám tiệc ngay ngoài bãi biển.   Nhưng không phải là những con cá hay bánh đã nằm sẵn trên than hồng (Ga 21:9).   Chúa Giêsu không muốn ăn những thứ cá đã có sẵn trên bờ.   Người đúng là một tay sành điệu khi nói với các môn đệ : “Đem ít cá mới bắt được tới đây !” (Ga 21:10)   Những con cá lớn còn tươi rói.  Đức Giêsu trổ tài nấu ăn.  Khi đã nấu xong, Người mời gọi các môn đệ : “Anh em đến mà ăn !” (Ga 21: 12)   Người tôi tớ Thiên Chúa không bao giờ quên vai trò của mình, dù ngay khi ở giữa các môn đệ. “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.” (Lc 22:27)

“Đó là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết,” (Ga 21:14) “ở Biển Hồ Tibêria,”(Ga 21:1) thuộc miền Galilêa.  Các tông đồ đã vất vả suốt đêm nhưng vẫn vô hiệu.  “Khi trời đã sáng” (Ga 21:4), Đức Giêsu xuất hiện.  Tình hình hoàn toàn biến đổi.  “Đặt cảnh  chài cá thất bại ban đêm (c.3)  sát cảnh Chúa xuất hiện ban sáng, (c.4) có lẽ thánh Gioan có ý gợi lên biểu tượng thần học tương phản giữa ngày và đêm, ánh sáng và bóng tối (1:5; 9:4; 11:9-10; 12:35-36; 13:30)” (NIB:1995:857, vol.IX).   Nỗ lực con người chỉ là hư không, nếu không có Chúa đến can thiệp kịp thời.  Đúng như lời Chúa nói : “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5)   Trái lại, “từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.” (Ga 1:16)   Bằng chứng, “cảnh thân mật trong tương quan giữa Chúa Phục sinh và các môn đệ làm cho mọi người nhớ đến hành động Chúa Giêsu nuôi sống năm ngàn người (6:11).   Các tín hữu đầu tiên đã thấy được biểu tượng Thánh Thể trong các bữa ăn này.   Vì trong Tin Mừng Gioan, Thánh thể vẫn được hiểu là hồng ân Chúa Giêsu ban cho tín hưũ và một cách diễn tả tương quan của họ với Chúa Giêsu.” (NIB 1995:858, vol.9)   Nhưng còn hơn một biểu tượng, Thánh thể chính là của ăn nuôi sống tín hữu trên hành trình về nhà Cha.   Trong Thánh Thể, họ tìm được tất cả nguồn an ủi và sức mạnh để sống bình an với Thiên Chúa, anh em và với chính mình.   Không một hành động nào tuyệt vời bằng việc Đức Giêsu lập Phép Thánh thể, vì ở đây tín hữu sẽ cảm nghiệm tất cả tình yêu có sức cứu độ muôn dân.

Để cứu độ muôn dân, Đức Giêsu còn quan tâm đến việc chăn dắt đoàn chiên của Người.   Việc chăn dắt đoàn chiên không thể thuần túy dựa trên tình yêu.  Nói khác cần phải đi vào thực tế.  Đức Giêsu muốn thiết lập Phêrô làm người “nuôi sống” và “chăn dắt” đoàn chiên Người.   Thật vậy, ngay trong đêm bị nộp, sau khi tiên báo về việc ông Phêrô chối Chúa ba lần,  Đức Giêsu đã hứa hẹn : “Một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh.” (Lc 22:32)    Hơn nữa “truyền thống cộng đồng Phêrô liên hệ còn lưu trữ trong Mt 16:18-19 cũng nói về việc Chúa đặt ông Phêrô làm ‘tảng đá’” (The New Jerome Biblical Commentary 1990:985)  Rõ ràng như thế, nhưng vẫn có người nghĩ rằng “Đức Giêsu không chỉ định ông Phêrô làm người kế vị đặc biệt của Chúa, nhưng như một hiện thực những gì Chúa nói về tất cả các tông đồ.  Phêrô chỉ là một mẫu mực sống tình yêu Đức Giêsu.   Chúa Giêsu không trao đoàn chiên cho một mình ông Phêrô, trái lại Người nhắc ông nhớ tới ý nghĩa của tình yêu Chúa Giêsu là gì.” (NIB 1995:861)   Nếu chỉ nêu lên một biểu tượng tình yêu, tại sao Chúa không chọn “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu dấu” ?   Oâng Gioan xứng đáng làm mẫu mực tình yêu hơn Phêrô nhiều, vì ông đã trung thành với Chúa cho tới chân cây thập giá.   Trong bất cứ cộng đoàn nào, cũng phải có người đứng đầu, huống chi Giáo hội, làm sao không có người lãnh đạo toàn diện ? Trong các câu Ga 21:15-17, Đức Giêsu đã ba lần ủy thác cho Phêrô quyền “chăn dắt chiên của Thầy.”  Oâng đã được Chúa đặt làm nền tảng Giáo hội (Mt 16:16-19)

 

CON ĐƯỜNG HIỆP NHẤT.

Dĩ nhiên quyền bính trong Giáo hội không thể tách lìa tình yêu Chúa. Trái lại quyền bính ấy phải xây trên nền tảng tình yêu Chúa.  Chính vì thế, Chúa Giêsu mới cần ông Phêrô xác quyết tới ba lần : “Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21:15, 16, 17)  Quyền bính xây dựng trên một tình yêu chỉ biết phục vụ cho đến chết.  “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10:45; Mt 20:28)   Giáo hội phải bước theo Thầy chí thánh trên đường phục vụ nhân loại.   Nhưng nếu không có tổ chức, chắc chắn không thể nào thực hiện được sứ mệnh đó.  Giữa bao nhiêu tăm tối trần gian, nếu không có người lãnh đạo, làm sao biết lối đi về nhà Cha ? Ai cũng có thể nói nhân danh Chúa, làm sao phân biệt đâu là thần khí của Chúa ?  Thư Gioan căn dặn : “Anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin.  Nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không.” (1 Ga 4:1)   Không có quyền bính, làm sao phân biệt giữa những mâu thuẫn trong việc giải thích Kinh thánh và đường lối mục vụ ?  Chúa Giêsu rất thực tế khi đòi hỏi Giáo hội phải có người lãnh đạo để hướng dẫn muôn dân trong Thần Khí.   Chắc chắn Thần khí sẽ nói qua Giáo hội, chứ không thể làm việc bừa bãi theo hứng khởi hay đam mê cá nhân.   Hơn nữa, ngay cả khi chủ trương Thần khí làm việc theo hướng cá nhân, thực ra cũng là do truyền thống giáo phái hướng dẫn.

Tuy thế, ngày nay ngôi vị Giáo Hoàng vẫn là một cản trở lớn trên đường hiệp nhất.  Chính ĐHY Lehmann đã nói “quyền Giáo Hoàng là ‘cản trở chính cho tiến hành đại kết..’” (CWNews 23/4/2001)   ĐHY kêu gọi họp một công đồng mới để đưa ra một nền tảng cho ‘cộng đồng tính lớn hơn’ giữa các giám mục trên thế giới.” (CWNews 23/4/2001)  “Nhưng Người không có ý đặt vấn đề về vai trò ĐGH, Giáo Triều, hay các thượng hội đồng giám mục.  Người nói rằng ‘đã đến lúc suy nghĩ về cách thức Giáo hội nên quyết định về tương lai những vấn đề mục vụ căn bản.’  Người cũng cho biết ĐGH Gioan Phaolô II khuyến khích bàn luận xem làm sao có thể thay đổi quyền bính giáo hoàng để thích ứng với nhu cầu tân thiên niên kỷ.” (CWNews 23/4/2001)   Quả thực, Giáo hội đã bị ảnh hưởng quá lớn của nếp sống quân chủ, trong khi thể chế nhân loại hướng mạnh về dân chủ.   Thực tế, làm sao hài hòa được mọi ý kiến mà vẫn hiệp nhất được Giáo hội ?   Bởi thế, ĐHY đề nghị “suy nghĩ về toàn thể những liên hệ giữa các thượng hội đồng Giám mục, Giáo triều Roma, các nghị hội giám mục và Viện Hồng y, và định nghĩa những bổn phận chuyên biệt của mỗi bộ phận đó.” (CWNews 23/4/2001)  Thực ra, “tháng 10 năm 1999, ĐHY Carlo Maria Martini địa phận Milan đã lưu ý Thượng hội đồng Giám mục Aâu châu về một công đồng như thế có thể cung cấp “những kinh nghiệm mới và mở rộng về cộng đồng tính”  cho các giám mục trên thế giới.” (CWNews 23/4/2001)    Bao giờ đường lối dân chủ mở ra trong Giáo hội, may ra mới thấy con đường đại kết giữa những anh em cùng chung một niềm tin nơi Đức Kitô Giêsu.

 

Lm. Giuse Đỗ vân Lực, OP

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C