Chúa Nhật III Phục
Sinh
(Gio-an 21: 1-19)
Mỗi lần Chúa Giê-su hiện ra sau khi sống lại là một câu
truyện kỳ thú và có một ý nghĩa đặc biệt.
Hiện ra với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, Chúa muốn nói lên một tương quan mới
giữa Người với các môn đệ. Hiện ra với các
môn đệ, Chúa Giê-su phục hồi lại bình an và niềm vui họ đã đánh mất do biến cố đau
thương của Người. Lần này Chúa hiện ra với
ông Phê-rô và các bạn tại Biển Hồ Ti-bê-ri-a là để trao cho ông trọng trách
thay Người dẫn dắt đoàn chiên Giáo Hội tại trần gian. Câu truyện cho ta cái nhìn phong phú về Giáo
Hội để ta suy nghĩ và tự hỏi mình đóng vai trò nào trong Giáo Hội ấy.
1) Một mẻ lưới thành
công kỳ diệu
Khung cảnh Chúa Giê-su hiện ra lần này là bên bờ Biển Hồ
Ti-bê-ri-a. Hẳn nơi đây mang nhiều kỷ niệm
đối với Chúa và các môn đệ. Chúa đã khởi
đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng tại Ca-phác-na-um và vùng chung quanh Biển Hồ. Cũng tại đây, Người đã kêu gọi bốn môn đệ đầu
tiên và biến họ từ nay thành những kẻ đi lưới người (Lc 5:1-11). Đó cũng là nơi Giáo Hội Chúa Ki-tô thành hình. Với tất cả những dữ kiện ấy, ta dễ dàng hiểu
Giáo Hội như một chiếc lưới cá (Mt 13:47-50) và những người chài lưới là các môn
đệ Chúa. Giờ đây Chúa Phục Sinh hiện ra
với các ông trong khung cảnh đánh lưới cá quả thực là một nhắc nhở đầy ý nghĩa. Đối với các ông, đây là cơ hội để các ông nhớ
lại lời kêu gọi của Chúa và chuẩn bị bắt tay vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng để làm
cho Giáo Hội được phát triển. Các ông được
khích lệ khi nhận ra mẻ lưới thành công kỳ diệu là hình ảnh tương lai về Giáo Hội
nhờ việc rao giảng của các ông. Đối với
Giáo Hội, hình ảnh mẻ lưới cá kỳ diệu nói lên bàn tay can thiệp của Chúa Giê-su
và sức mạnh Thánh Thần làm cho Giáo Hội được lớn lên. Nếu chỉ là cố gắng riêng của các môn đệ thôi,
thì cho dù có vất vả suốt đêm họ cũng không bắt được gì cả (Ga 21:3). Nhưng họ phải hoàn toàn trông vào sự giúp đỡ
của Chúa Giê-su. Tóm lại, thánh Gio-an
muốn ghi lại khung cảnh của việc Chúa hiện ra để ta thấy được hoạt động của Chúa
Phục Sinh và Thánh Thần trong Giáo Hội.
Lời nhắc nhở của người môn đệ được Chúa Giê-su thương mến: “Chúa đó!” giúp ta luôn nhận thức sự hiện diện
của Người trong Giáo Hội. Quả thực, nhiều
lần ta bị chi phối do những cơ cấu tổ chức bề ngoài của Giáo Hội nên đã quên mất
sự hiện diện của Chúa giữa Giáo Hội. Nhất
là tại Hoa-kỳ, giáo hội ít nhiều đã sinh hoạt hoặc hành xử theo chuyển động của
một guồng máy hành chánh hơn là theo tác động sự hiện diện của Chúa Ki-tô. Như vậy, Giáo Hội không còn là một “mẻ lưới kỳ
diệu” đem người ta về với Chúa nữa, mà là một văn phòng hay một dịch vụ không hơn
không kém.
2) Bữa ăn của Thầy
với các môn đệ
Nếu sự hiện diện của Chúa Phục Sinh đã được bày tỏ qua mẻ lưới
thành công kỳ diệu thì bữa ăn của thầy trò cũng mang ý nghĩa súc tích. Trước hết, chính bàn tay của Chúa Giê-su đã sửa
soạn bữa ăn, như bà mẹ chăm sóc cho các con.
Ta thử tưởng tượng sau một đêm làm việc vất vả đói khát mà không bắt được
con cá nào, các môn đệ càng thêm thất vọng chán nản, nay “bước lên bờ, các ông
nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa” (Ga 21:9), thì
các ông cảm động biết mấy khi nhận ra tình yêu thương của Thầy tha thiết nồng nàn
đến chừng nào! Than hồng bừng bừng khác
nào ngọn lửa yêu mến đang rực lên trong trái tim Chúa. Mà Người không chỉ chuẩn bị than hồng, cá và
bánh, nhưng còn tự tay phục vụ, “cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng
làm như vậy” (Ga 21:13). Lập lại những cử
chỉ quen thuộc ấy, Chúa Giê-su muốn ta hiểu rằng tâm điểm của Giáo Hội là Bí tích
Thánh Thể. Giữa lòng Giáo Hội, việc cử hành
Bí tích Thánh Thể là nguồn lan toả tình yêu thương của Chúa Giê-su và lòng bác ái
của anh chị em cùng một đức tin vào Chúa Phục Sinh.
3) Thi hành trách
nhiệm mục tử trong tình yêu
Ta có cảm tưởng thánh Gio-an đã ghi lại hai câu truyện trên
là để dẫn ta vào cốt lõi của biến cố Chúa hiện ra ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a: Chúa trao cho ông Phê-rô sứ mệnh mục tử. Ba lần ông Phê-rô xác nhận lòng yêu mến Chúa
không chỉ là để “chuộc lại” ba lần ông chối Chúa trong cuộc Thương Khó, nhưng còn
để biểu dương tình yêu tuyệt đối của ông đối với Chúa.
Tại sao phải có tình yêu thật lớn thì mới đảm trách được sứ
mệnh mục vụ? Trách nhiệm mục tử là trách
nhiệm phục vụ, chứ không phải để được người ta phục vụ (Mc 10:42-45). Tình yêu có lớn thì mục tử mới dám “hy sinh mạng
sống” (Ga 15:13; 10:18) cho bạn hữu và cho đoàn chiên. Dĩ nhiên ai cũng phải công nhận ông Phê-rô không
có bằng cấp hay văn hoá cao, nhưng lòng mến đối với Chúa thì có lẽ không ai sánh
kịp. Vậy mà Chúa còn đòi ông phải xác nhận
lại tình yêu ấy, đủ biết tầm mức quan trọng của tình yêu trong trách nhiệm mục
tử lớn lao biết chừng nào. Nhìn vào Giáo
Hội Việt Nam hôm nay, ta thấy được điểm sáng tình yêu mục tử nơi các vị lãnh đạo,
nhất là trong những lúc khó khăn thử thách.
Cảm tạ Chúa. Tuy nhiên ta cũng không
phủ nhận là có một số ít những vị mục tử
còn nặng đầu óc bàn giấy và quan lại, khiến cho con chiên thấy rõ khoảng cách
quá xa giữa họ với vị mục tử.
Trong cuộc hiện ra với ông Phê-rô và các bạn, Chúa Giê-su đã
lập lại lời Người kêu gọi các ông khi Người bắt đầu thi hành sứ vụ: “Hãy theo Thầy”. Đáp lại lời Thầy, các ông đã bỏ mọi sự để tin
vào Chúa, đi với Chúa, học với Chúa. Giờ
đây là lúc chính các ông sẽ bắt tay vào sứ vụ mục tử, nên các ông càng cần phải
theo Chúa để học và thực hành tấm gương phục vụ của Người.
4) Chúa Phục Sinh
vẫn tiếp tục hiện ra với các môn đệ hôm nay
Sống trong lòng Giáo Hội, ta vẫn có thể cảm nghiệm được sự
hiện diện của Chúa Phục Sinh bằng nhiều cách.
Giáo Hội là một bí tích, nói lên rất nhiều thực tại. Điều quan trọng là ta có đọc được những dấu
hiệu bí tích ấy hay không. Làm sao ta ý
thức được sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội mà chính ta có bổn phận phải cộng tác,
không chỉ bằng lời giảng như các linh mục, nhưng bằng gương sáng đời sống Ki-tô? Mỗi lần ta biểu dương đức tin Ki-tô là ta giúp
cho Chúa Phục Sinh tỏ hiện trước anh chị em.
Khi ta tham dự Thánh lễ với tất cả lòng sốt sắng và thông hiệp là ta đang
tham dự bữa ăn của Chúa và các môn đệ tại bờ Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Khi ta cộng tác với linh mục và anh chị em
trong cộng đoàn để xây dựng một giáo xứ tốt đẹp là ta đáp lại lời gọi “hãy theo
Thầy” của Chúa Ki-tô. Có lẽ thay vì gọi
giáo xứ của ta là “cộng đoàn Công Giáo”, ta nên gọi là “cộng đoàn Chúa Ki-tô Phục
Sinh” thì mới nói lên được những hình ảnh dễ thương của khung cảnh Chúa Phục
Sinh hiện ra bên bờ Biển Hồ Ti-bê-ri-a.
5) Suy nghĩ và cầu
nguyện
Mỗi lần tham dự Thánh lễ, tôi có mường tượng lại những bữa ăn
của Chúa được kể trong sách Tin Mừng không?
Thánh lễ giúp tôi gắn bó với Giáo Hội như thế nào?
Gặp trường hợp sống trong một giáo xứ hay giáo phận mà vị lãnh
đạo thiếu tinh thần mục tử đích thực, tôi đã làm gì và tôi phải làm gì để mọi sự
được tốt đẹp?
Thử suy nghĩ về một hành động nói lên niềm tin vào Chúa Phục
Sinh.
Cầu nguyện
“Lạy Chúa Giê-su phục sinh,
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên chị Ma-ri-a đứng khóc lóc bên mộ.
Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Em-mau.
Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tô-ma cứng cỏi.
Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không được gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
Lạy Chúa Giê-su phục sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. A-men.”
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 86)
Lm. Đaminh Trần Đình
Nhi