CHÚA NHẬT V
PHỤC SINH, năm C
Ga 13,
31-33a.34-35
CHIA SẺ TÌNH
THƯƠNG
Đạo của Chúa
Giêsu là đạo tình thương. Người Do Thái nhất là những thượng tế, Pharisiêu và
những vị lãnh đạo tôn giáo lúc đó nói nhiều nhưng lại chẳng thực hiện điều họ
nói. Họ nói yêu thương nhưng trên môi miệng. Họ tạo ra nhiều điều luật tỏ vẻ để
tôn kính Chúa và yêu đồng loại. Kỳ thực, họ chỉ chất lên vai người khác những
gánh nặng nhưng thực chất họ chẳng thực hiện điều gì cả. Chúa Giêsu khác hẳn
các vị có chức có quyền trong đạo Do Thái. Người đến ban cho nhân loại một giới
răn mới :” Hãy yêu như Thầy yêu “. Đạo tình thương là như thế. Yêu như Chúa
yêu. Đó là giới răn Chúa trao cho các môn đệ và nhân loại.
BỐI CẢNH CỦA ĐẠO TÌNH THƯƠNG: Thánh
Gioan trong trích đoạn Tin Mừng này mô tả bữa tiệc cuối cùng Chúa Giêsu và các
môn đệ cử hành trong căn nhà Tiệc ly. Giuđa Iscarốt còn hiện diện ở đó. Bầu khí
căn phòng ngột ngạt, buồn thảm khi kẻ phản bội đang có mặt ở đó. Chúa đã vô
cùng tế nhị vạch mặt kẻ phản bội, lừa Thầy, phản bạn, bán Thầy. Giuđa nhận ra điều
đó, y đứng dậy đi ra:” Trời đã tối”. Giuđa đi ra trong bóng tối, đồng loã với
tội lỗi, với ma quỉ. Chúa Giêsu như trút được gánh nặng, tình thương Người trao
ban cho các môn đệ, giờ đây không còn bị dầy vò bởi kẻ phản bội, Người kêu
lên:” Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi
Người”( Ga 13, 31 ). Cả cuộc đời của Chúa Giêsu hướng về giờ này. Đây là giờ
cứu rỗi. Giờ của thập giá. Giờ của vinh hiển. Giờ của ánh sáng và giờ của bóng
tối. Giờ của vinh quang vì Chúa chiến thắng tử thần. Do đó, Chúa bộc bạch tất
cả nỗi niềm của mình và trao ban cho các môn đệ luật tình yêu. Ngài nói với các
môn đệ:”Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi”( Ga 13, 33 ). Giới luật yêu
thương mà Chúa trối lại cho các môn đệ và nhân loại là một lời di chúc thiêng
liêng. Yêu người sẽ gặp Chúa và yêu Chúa sẽ gặp người. Hội Thánh của Chúa ở
trần gian phải là Hội Thánh:” Yêu như Thầy yêu”.
HÃY YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU:
Lời trăn trối của Chúa Giêsu trong nhà Tiệc Ly năm xưa phải là kim chỉ nam cho mọi
người Kitô hữu muôn thời. Chúa muốn lời di chúc của Chúa trong ngày thứ năm
thánh phải giúp các môn đệ khăng khít sống hòa hợp, hiệp nhất với nhau và tình
bác ái yêu thương phải là mối giây ràng buộc mọi người. Cử chỉ rửa chân cho các
môn đệ mà Chúa thực hiện trong bữa ăn cuối cùng là bài học khiêm nhượng, yêu
thương sâu thẳm Chúa làm gương cho các môn đệ. Bí Tích Thánh Thể, Ngài thiết
lập trong nhà Tiệc Ly năm xưa nói lên tình yêu vô bờ của Chúa đối với nhân
loại. Đức bác ái yêu thương dẫn các môn đệ và nhân loại liên kết trong tiệc
Thánh Thể gợi lên hình ảnh tình thương vô biên của Chúa:” Anh em hãy yêu thương
nhau như Thầy đã yêu thương anh em”( Ga 13, 34 ). Các môn đệ và Kitô hữu càng
sống mật thiết với Chúa, càng thấy mình gần gũi anh em, đặc biệt những người
nghèo, những người ốm đau tật nguyền vv…Chúa đã chẳng nói:” Hãy cho kẻ đói ăn,
kẻ khát uống, kẻ rách rưới mặc, kẻ tù đầy thăm viếng”. Khi làm những hành động
ấy, những cử chỉ ấy là làm cho chính Chúa sao! Gương Đức Cha Gioan Cassaigne
giữa những người cùi ở Di Linh, những linh mục truyền giáo ở giữa những người
Dân Tộc thiểu số nghèo hèn, gương Mẹ Têrêsa Calcutta giữa những người hấp hối
vv…Tất cả những cử chỉ, những nghĩa cử cao quí ấy là thực hiện đạo tình thương
của Chúa giữa thế giới đầy hận thù và tranh chấp. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi
đã thực hiện đức bác ái yêu thương, đến nỗi ai nhìn vào họ cũng phải ngạc nhiên
thốt lên đầy cảm phục:” Kìa xem họ yêu thương nhau biết bao”.” Họ ca tụng Thiên
Chúa, và được toàn dân thương mến” (Cv 2, 4 ). Thiết tưởng, người Kitô hữu
trong Giáo Hội hôm nay cũng phải sống sao để bộ mặt yêu thương của Chúa luôn
được rõ nét, nổi bật và như cộng đoàn tín hữu tiên khởi :” Và Chúa cho cộng
đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”( Cv 2, 47 ).
Lạy Chúa Giêsu, xin
củng cố đức tin cho chúng con để chúng con luôn biết yêu thương nhau như Thầy
đã yêu( Ga 13, 34 ). Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT