CON ĐƯỜNG TÌNH TA ĐI.
Chúa Nhật 5C Phục sinh.
Mẹ là biểu tượng cao
quí nhất của tình yêu. Không thực tại
tình yêu nào sống động bằng tìnhMẹ. Mẹ
qui tụ tất cả những nét hấp dẫn nhất và quen thuộc nhất cho đời con vươn lên. Hấp dẫn vì đầy tính sáng tạo và mới mẻ. Quen thuộc vì Mẹ đầy ắp tình yêu nồng nàn và
thắm thiết nhất, vượt lên trên tất cả những mệt mỏi của thời gian. Nhưng tình mẹ chỉ diễn tả một phần nét sâu
sắc tình yêu Đức Giêsu muốn nói đến hôm nay : Tình Yêu Thiên Chúa.
NHỮNG CHIỀU KÍCH TÌNH
YÊU.
Tình yêu mầu nhiệm
như chính Thiên Chúa. Đức Giêsu đã mạc
khải tất cả những nét kỳ diệu trong tình yêu Thiên Chúa. Giữa những giới hạn cuộc đời, tình yêu vẫn
tìm được những nét vươn lên tới vô cùng.
Đó là điều đã được cảm nghiệm trong thực tế đêm tiệc ly. Giuđa có thể được coi là biểu tượng của lòng
hận thù và phản bội. “Khi Giuđa ra khỏi
phòng tiệc ly,” (Ga 13:31) tức ra khỏi cộng đồng tình yêu, “Đức Giêsu nói :
‘Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.’”
(Ga 13:31) Một biến cố bất lợi như thế
đã nhanh chóng biến thành một cơ hội để Thiên Chúa mạc khải mầu nhiệm tình
yêu. Mở đầu và kết thúc Tin Mừng hôm nay
là hai cực đối nghịch của tình yêu.
Tình huống có thể trở thành một thách đố hay một cơ hội để tình yêu vươn
lên tới mức có thể tôn vinh Thiên Chúa.
Tất cả vũ trụ được
tạo dựng để tôn vinh Thiên Chúa. Công
cuộc tạo dựng phức tạp và khó khăn chừng nào !
Nhưng mục đích cũng chỉ là tôn vinh Thiên Chúa. Tất cả vũ trụ mới đủ sức nói lên vinh quang
Thiên Chúa một phần nào. Thế mà hôm nay
nhân dịp một môn đệ phản bội rời phòng tiệc để thực hiện mưu đồ đen tối, Đức
Giêsu lại biến thành một cơ may cho ánh sáng Thiên Chúa chiếu soi. Cái nhìn của Người lúc nào cũng thấy ánh
sáng dù ngay giữa đêm tối. Thật kỳ diệu
! Chữ “tôn vinh” được nhắc tới năm lần,
chứng tỏ vinh quang Thiên Chúa sẽ tỏ rạng gấp ngàn lần qua cái chết của Đức
Giêsu. Người chết để chứng tỏ tình yêu
tuyệt vời đối với Chúa Cha. Tình yêu này
đã đem lại vinh quang vô cùng lớn lao cho Thiên Chúa. Và vinh quang Người nhận được cũng có một giá
trị vĩnh cửu và vô cùng vì phát xuất từ Thiên Chúa. Quả thế, “nếu Thiên Chúa
được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình,
và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.” (Ga 13:32)
Tình yêu quả thực là một sức mạnh đem lại vinh quang cho Thiên Chúa hơn
cả ngàn vũ trụ này.
Chính vì thế, Đức
Giêsu mới cho thấy tất cả nét hấp dẫn cực kỳ của tình yêu khi mạc khải : “Thầy
ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau.” (Ga 13:34) Chỉ tình yêu mới có khả năng canh tân mọi
sự. Nhưng điều răn thương yêu không
mới như Đức Giêsu nói. Chắc chắn Chúa
biết sách Lêvi dã truyền người Do thái phải thương yêu nhau. Ơû đây điều răn cũng hướng về các Kitô hữu
khác, theo nghĩa chặt tương tự (Ga 13:34)
Vậy tại sao Chúa dám quả quyết đó là một điều răn mới ? Mới vì đó là “lệnh truyền chính yếu của một
giao ước mới, một giao ước thiết lập tương quan giữa Thiên Chúa và dân Người
xoay quanh quả tim mới (Gr 31:31-34)” (Fahey 1994:342). Mới vì khả năng yêu không nằm trong con tim
giới hạn của con người, nhưng là trái tim vô biên của Thiên Chúa. Nói khác, chính Thánh Linh sẽ bảo đảm chắc
chắn tình yêu có thể thực hiện được trong tương quan hôm nay từ tầm mức cá nhân
tới cộng đoàn. Hơn nữa, tình yêu có một
động lực và nền tảng mới là chính Đức Giêsu, đã hiến thân chịu chết cho các môn
đệ và những người theo Chúa.
Hơn nữa, tình yêu
còn có một chiều kích và nồng độ mới.
Từ nay, tình yêu không chỉ đóng khung trong giới hạn chủng tộc hay quốc
gia. Tình yêu cũng không giới hạn trong
khuôn khổ những người cùng một tín ngưỡng hay chính kiến. Nhưng tình yêu mở tung tới một chiều kích vũ
trụ, vượt ra ngoài những biên giới vật chất.
Đúng hơn, tình yêu có chiều kích bằng Thiên Chúa, “vì Thiên Chúa là tình
yêu.” (1 Ga 4:8) Thực tế, tình yêu đã
hóa thân thành xác phàm nơi Đức Giêsu.
Nhìn vào con người và cuộc đời Người, chúng ta có thể thẩm định tất cả
chiều kích và mức độ tình yêu. Từ nay
tình yêu không chỉ là “yêu thương tha nhân như chính mình”, nhưng là “yêu thương nhau như Thầy đã yêu
thương anh em.” (Ga 13:34) Thầy yêu
thương chúng ta hơn chính mình. Thầy
yêu thương một cách vô điều kiện và vô cùng quảng đại trong cái chết cực kỳ dã
man trên khổ giá cho mọi người, kể cả những người hành hình.
Chính trong nét tình yêu vĩ đại đó, Đức
Giêsu mạc khải tình yêu như một sức mạnh đem lại vinh quang Thiên Chúa. Chẳng phải công trình hay sự nghiệp, chẳng
phải lời nói hay giáo thuyết hay ngay cả việc tử đạo nào đem lại vinh quang cho
Thiên Chúa. Nhưng chỉ tình yêu mới diễn
tả trọn vẹn vinh quang Thiên Chúa dành cho Đức Giêsu và Đức Giêsu mang lại cho
Chúa Cha. Vinh quang vượt trên thời
gian và bao trùm mọi thời gian, mặc dầu được mạc khải trong thời gian. Làm sao tình yêu có khả năng kéo vĩnh hằng
vào thời gian như thế ? Tình cách hiện
tại đã được nói đến ngay khi Đức Giêsu mở miệng : “Giờ đây, Con Người được tôn
vinh . . .” (Ga 13:31) “Quá khứ, hiện
tại và tương lai được tái thanh lọc dưới ánh sáng thời gian đang đến. Bởi vậy, trong câu Ga 13:31, Đức Giêsu loan
báo trước thời cánh chung đang đến.” (NIB 1995:732) Thời cánh chung sẽ đến với hình ảnh Con
Người ngự đến trong vinh quang, Con người từ nơi Chúa Cha xuống thế và lại trở
về cùng Chúa Cha. Trong hai nhịp lên
xuống đó, tình yêu vẫn là nhịp đập của con tim Giêsu lúc nào cũng lắng nghe và
vâng theo Thánh ý Chúa Cha. Thật vậy,
“đối với Đức Giêsu, tuân giữ giới răn Thiên Chúa là thể hiện tình yêu của Người
đối với Thiên Chúa trong lời nói và việc làm (x.Ga 12:49-50).” (NIB 1995:732)
Nói khác, chính tình yêu đã liên kết chặt chẽ Người với Thiên Chúa. Người cũng muốn tình yêu trở thành sức mạnh
đưa người tín hữu vào tương quan Thiên Chúa.
Thực thế, “nhờ hành động tình yêu, tín hữu được liên kết với Thiên Chúa.”
(NIB 1995:732) Tương quan đó bắt nguồn
từ tình yêu Thiên Chúa và Đức Giêsu.
Điểm độc đáo của giới răn mới chính là tình yêu ghi dấu tương quan giữa
Thiên Chúa và Đức Giêsu. Chính vì thế,
Người mới cho thấy ngôn ngữ quốc tế trong tiếng nói tình yêu : “Mọi người sẽ
nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương
nhau.” (Ga 13:35)
Nhưng từ tương quan con người, làm sao
con người có thể nhận ra tương quan Thiên Chúa nơi Đức Giêsu ? Vì tự bản chất tình yêu hướng về và mời gọi
tình yêu. Không có dấu chỉ nào rõ hơn về
tình yêu Thiên Chúa bằng chính tình yêu nơi những con người tin vào Đức
Giêsu. Tiếng nói con tim có thể đạt tới
mọi thụ tạo, chứ không riêng con người.
Khi đã đạt tới sự hòa hợp mọi thụ tạo và hòa giải xã hội con người hoàn
toàn với Thiên Chúa, tình yêu có sức cải biến mọi tương quan con người và mọi
cơ chế xã hội trên mọi bình diện. Chỉ
trong Nước Chúa mới đạt tới đối tượng của niềm hi vọng lớn lao đó. Nhưng ngay trên trần gian, Giáo hội có thể
là nơi phác họa phần nào hình ảnh lý tưởng Nước Thiên Chúa, vì trong Giáo hội
“không ai là người ngoại quốc” (ĐGH Gioan Phaolô II, VietCatholic
5/3/2001) Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề
cơ chế quân chủ, nhưng Giáo hội đã cải biến guồng máy để có thể trở thành nơi
đón tiếp mọi người không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa. Một sức qui tụ lớn lao như thế chắc chắn
không phải hoàn toàn do khả năng con người.
Nhưng với Thánh Linh, con người có thể thực hiện giấc mơ của Đức Giêsu
thổ lộ với Chúa Cha “để họ nên một như chúng ta là một.” (Ga 17:22) Đó là khởi sự “trời mới đất mới” ngay trên
trần gian.
ĐỔI MỚI MỌI SỰ.
Đã đến lúc Thiên Chúa “đổi mới mọi sự.”
(Kh 21:5a) Nhưng Người sẽ đổi mới mọi
sự bằng cách nào, nếu không khỡi sự từ tình yêu ? Tình yêu có khả năng “lau sạch nước mắt” (Kh
21:4), chôn vùi tử thần (x. 1 Cr 15:55), chấm dứt cảnh “tang tóc, kêu than và
đau khổ.” (Kh 21:4) Quả thực, Thiên
Chúa “đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,” (1 Cr
15:57) hiện thân sức mạnh tình yêu Thiên Chúa đang hoạt động trong Giáo hội,
một cộng đoàn do Chúa thiết lập. Cộng
đoàn đó là hệ quả tất nhiên của tình yêu Thiên Chúa. Bởi đó, cộng đoàn mới có khả năng trở thành
dấu chỉ của tình yêu đó.
Nhưng thực tế, không phải lúc nào cũng
lý tưởng như Chúa Giêsu mơ ước. Đã có
nhiều phản chứng ngay trong Giáo hội.
Trong lịch sử có nhiều hậu duệ “Giuđa ra khỏi phòng tiệc ly.” (Ga
13:31) Giáo hội nào cũng nhân danh Chúa
để tỏ những dấu hiệu ngược với “lòng thương yêu thương nhau.” (Ga 13:35) Người
ta đã quá tính toán theo cung cách người lớn, chứ không phải là “những người
con bé nhỏ của Thầy” (Ga 13:33a) để có thể lắng nghe Thầy và nghe nhau. Mỗi Giáo hội đều cố thêu dệt hình ảnh Đức
Giêsu theo lối nhìn của mình, rồi tự hào chỉ có cái nhìn của mình là chính xác
nhất. Mỗi Giáo hội đều có những bảng
phong thần riêng. Cái gì cũng gọi là
thánh. Ngay cả việc chém giết cũng gọi là
thánh chiến. Nếu không có cuộc thăm
viếng Hy lạp vừa qua của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, có lẽ chúng ta vẫn còn
mơ ngủ với những bước oai hùng của những vị “thánh” trong cuộc “thánh chiến”
cách đây tám thế kỷ. Quả thực, theo ĐGH
Gioan Phaolô II, Giáo hội cần trải qua một cuộc “thanh tẩy ký ức” để có thể
thực hiện giới răn mới của Chúa. Quá
khứ nặng nề không thể xóa nhòa trong tâm trí những anh em Chính Thống Đông
Phương về việc những anh em Kitô hữu Latinh đã tàn phá thê thảm kinh đô
Constantinople, thành trì của anh em Kitô Hữu Đông Phương. Những anh em đó đã ra đi giải phóng thánh địa
Giêrusalem, bảo đảm tự do cho việc hành hương đất thánh. Nhưng rồi họ quay trở lại tàn sát anh em
cùng một niềm tin với mình. Sự kiện đó
làm cho những anh em Công giáo đau đớn sâu xa.
Đó là những lời thú nhận khiêm tốn chính thức Đức Thánh Cha đã phát biểu
khi đến thăm Hi lạp ngày 4/5/2001.
Chắc hẳn những anh em Chính Thống không khỏi xúc động trước thái độ can
đảm đó của vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo.
Những tâm tình chân thành đó vô cùng cần
thiết để đặt nền tảng cho cuộc đại kết giữa những anh em Kitô giáo. Chúa Thánh Linh đang làm việc để xóa bỏ quá
khứ đau thương và hàn gắn những rạn nứt từ bao thế kỷ. Trong lịch sử, anh em Chính thống đã vô cùng
cay đắng trước những thái độ ngạo mạn và tàn phá của những anh em Công giáo. Cay đắng đến nỗi anh em Chính thống thà sống
dưới sự cai trị của Hồi giáo hơn là chung sống với Công giáo ! Có bao giờ chúng ta có thể hiểu thấu những
chiều kích đau thương đó từ trong cùng một cộng đoàn những người tin nơi Đức
Giêsu ?! Thực tế, “chứng từ Giáo hội
trên thế giới luôn bị tổn thương và suy yếu vì sự ghen ghét và thiếu yêu thương
trong những tiếp xúc giữa các Kitô hữu với nhau. Nhiều lúc yêu kẻ thù còn dễ hơn, vì có thể
không phải tiếp xúc với họ hằng ngày.” ( NIB 1995:734)
Thực tế thật bi đát ! Làm sao có thể chuyển từ nhận định sang hành
động để hàn gắn những vết thương đó ?
Thực ra chẳng có con đường nào khác ngoài Đức Giêsu Kitô. Người không
dừng lại ở lý thuyết. Nhưng ngay cả khi
đau khổ nhất vì chính người đệ tử thương mến phản bội, Người vẫn tìm thấy con
đường tôn vinh Thiên Chúa. Người ta đã tìm vinh danh mình quá nhiều. Vinh quang con người đã che lấp cả vinh quang
Thiên Chúa. Đó là nguyên nhân tại sao có
những đổ vỡ giữa các Giáo hội. Trong khi
Đức Giêsu xác quyết : “Tôi không tìm vinh quang cho mình. Nếu tôi tôn vinh
chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả,û” (Ga 8:50, 54) thì các môn đệ
của Chúa lại loay hoay với những tính toán làm cho vinh quang của mình ngày
càng sáng hơn anh em. Hơn lúc nào cần
đọc lại kinh Lạy Cha : “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển !” (Mt 6:9) để tìm
được sự hiệp nhất vô cùng cần thiết cho chứng từ hôm nay !
Lm. Đỗ Vân Lực, OP