Chúa Nhật V Phục Sinh

(Gio-an 13:31-33a.34-35)

 

          Qua những bài Tin Mừng các Chúa Nhật Phục Sinh, hình ảnh Giáo Hội mỗi ngày một phong phú thêm, từ hình ảnh giản dị Giáo Hội là sự tụ họp của Chúa Giê-su Phục Sinh và các môn đệ trong nhà đóng cửa cài then hay bên bờ Biển Hồ, cho đến hình ảnh bầy chiên dưới sự chăn dắt bảo đảm của Đấng Chăn Chiên nhân lành.  Vai trò của những người lãnh đạo trong Giáo Hội phải rập theo khuôn mẫu của Chúa Giê-su, Đấng Chăn Chiên nhân lành.  Hôm nay, bài Tin Mừng hướng về mọi phần tử trong Giáo Hội ở bất cứ tầng lớp nào, kêu gọi họ phải thực thi điều cần thiết nhất và cũng là bản chất của Giáo Hội:  “Hãy yêu thương nhau”.  Vậy yêu thương quan trọng như thế nào trong Giáo Hội?

 

1)  Điều răn mới:  hãy yêu thương nhau

 

          Trước hết ta hãy trở lại thời điểm Chúa Giê-su nói điều này:  “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.  Đó là những lời cáo biệt trong bữa Tiệc Ly, trước khi Chúa Giê-su bước vào cuộc Tử Nạn.  Hoặc nói khác đi, đây là những lời của một người sắp lìa đời trối lại cho những người thân yêu.  Do đó, những lời nói lúc này phải là những lời cần thiết nhất và quan trọng nhất:  anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.

          Đúng vậy, Chúa Giê-su phải đợi đến cuối đời Người để ban cho các môn đệ một điều răn mới.  Tại sao Người không ban cho họ ngay lúc đầu, khi kêu gọi họ làm môn đệ Người?  Bởi vì Người muốn họ nhìn lại ba năm ngắn ngủi họ đã được sống bên Người, nghe Người giảng, nhìn những việc Người làm, chứng kiến lối sống của Người và nhất là sẽ cảm nghiệm ý nghĩa cái chết sắp tới của Người, để tất cả sẽ giúp họ xác tín được tính cách mới mẻ của điều răn “như Thầy đã yêu thương anh em”.  Mẫu gương yêu thương của Chúa Giê-su là mẫu gương yêu thương của Thiên Chúa.  Tình yêu của Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một (Ga 3:16) và tình yêu của Chúa Giê-su hy sinh mạng sống vì bạn hữu (Ga 15:13) cũng chỉ là một.  Giờ đây Chúa Giê-su đưa các môn đệ vào con đường yêu thương của Chúa Cha và của chính Người.  Như vậy, tính cách mới mẻ của điều răn yêu thương không chỉ dừng lại ở gương mẫu của Chúa Giê-su, mà thực sự còn đưa ta đến gương mẫu của Thiên Chúa, hoặc đúng hơn đem ta đến với chính Thiên Chúa là Tình Yêu.  Cái vòng tròn tình yêu giữa Thiên Chúa, Chúa Giê-su và nhân loại cùng với sức sống yêu thương lưu thông giữa những giao điểm ấy đã đem lại sự mới mẻ cho điều răn yêu thương.

 

2)  Sống yêu thương nói lên căn tính của Giáo Hội

 

          Trong chủ đề về Giáo Hội của những bài Tin Mừng các Chúa Nhật Phục Sinh kéo dài, điều răn mới yêu thương nhau của Chúa Giê-su nhắc nhở ta về căn tính của Giáo Hội.  Yêu thương là dấu chỉ nói lên căn tính người môn đệ Chúa, nhưng đồng thời cũng nói lên sự hiện diện đích thực của Giáo Hội.  Giáo Hội là sự tụ họp các môn đệ Chúa Giê-su.  Nhưng nếu các môn đệ ấy không sống yêu thương thì họ đâu còn là môn đệ Chúa và như vậy Giáo Hội cũng không thể được người ta nhận biết nữa.  Chúa Giê-su căn dặn môn đệ:  “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy:  là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35).  Theo lời ấy, cộng đoàn tín hữu đầu tiên đã sống tình yêu thương, “hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung.  Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2:44-45).  Kết quả do việc họ sống dấu chỉ làm môn đệ Chúa là “họ được toàn dân thương mến.  Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2:47).  Như vậy, sống yêu thương để giúp những người chưa biết Chúa nhận ra được căn tính của Giáo Hội, đó là một cách truyền giáo thích hợp cho mọi Ki-tô hữu và mang lại kết quả to lớn nhất.  Trái lại, gieo rắc hận thù chia rẽ hoặc chửi bới phê bình một cách vô trách nhiệm chỉ khiến cho người ta nhìn Giáo Hội như một cộng đồng xôi thịt, tranh giành ảnh hưởng mà thôi.

 

3)  Sống yêu thương là tôn vinh Thiên Chúa 

         

          Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su biểu lộ tột điểm tình yêu của Thiên Chúa.  Người chịu chết là để nói lên tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại.  Giờ đây, ngay trước giờ ra đi chịu tử nạn, Chúa Giê-su đã nhìn thấy chiến thắng của tình yêu, tức là chiến thắng của Người đối với tội lỗi và đem lại sự sống mới cho nhân loại.  Người vui mừng chia sẻ chiến thắng này với các môn đệ khi Người nói:  “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13:31).  Có lẽ ta khó hiểu được tâm tình của Chúa Giê-su trong lúc Người mở đầu những lời cáo biệt như trên.  Nhưng nếu ta biết rằng sự chết và sống lại của Chúa Giê-su đã chiến thắng một kẻ thù mạnh mẽ và nguy hiểm nhất của nhân loại là sự chết và tội lỗi, thì ta mới nhận ra được sức mạnh vô địch của tình yêu và chiến thắng vô cùng oanh liệt của tình yêu.  Khí giới Chúa Giê-su sử dụng để đánh bại tội lỗi và sự chết không phải là súng đạn gươm giáo, mà là tình yêu, tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu của chính Người.

           Chúa Giê-su đã làm cho Thiên Chúa được tôn vinh bằng cách yêu thương nhân loại đến độ bằng lòng chịu chết trên thập giá.  Quả thực Người đã dạy ta một bài học hết sức thực tế và hoàn toàn ở trong khả năng của ta.  Mỗi người đều có khả năng và cơ hội để yêu thương người khác, do đó đều có khả năng và cơ hội để tôn vinh Thiên Chúa.  Nhưng vấn đề là ta có sử dụng khả năng và nắm lấy cơ hội để tôn vinh Thiên Chúa hay không.

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Tại sao tôi thường thấy khó nhận ra được điều răn yêu thương là “điều răn mới”?  Tại tôi cứ nghe lập đi lập lại điều này trong các bài giảng?  Hay tại tôi chưa khám phá ra sự mới mẻ của điều răn trong cách sống của Chúa Giê-su?

          Xét lại cách truyền giáo bằng sống yêu thương, tôi đã giúp cho người khác nhận biết Giáo Hội hay tôi đã làm cho họ tránh xa Giáo Hội?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa Giê-su thương mến,

          xin ban cho chúng con

          tỏa lan hương thơm của Chúa

          đến mọi nơi chúng con đi.

          Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con

          bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

          Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con

          để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

          Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,

          để những người chúng con tiếp xúc

          cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

          Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,

          không phải bằng lời nói suông,

          nhưng bằng cuộc sống chứng tá,

          và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.”

                                      -  Mẹ Tê-rê-xa Calcutta

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 68)

 

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C