Chúa Nhật VI Phục Sinh

(Gio-an 14:23-29)

 

          Chúa Giê-su quả thực là chu đáo như một bà mẹ lo lắng đủ điều cho đàn con trước khi bà đi xa.  Trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã căn dặn các môn đệ những điều cấp thiết nhất, luôn luôn với  tấm lòng tràn ngập yêu thương.  Những mặc khải quan trọng nhất cũng được tỏ ra vào lúc này, như mối quan hệ yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau và với nhân loại.  Tin Mừng Gio-an đã dành trọn chương 14 để quảng diễn mặc khải ấy.  Sau khi đưa các môn đệ vào quỹ đạo yêu thương, Chúa Giê-su mới yên tâm bước vào cuộc Thương Khó đang đón chờ Người:  “Nào đứng dậy!  Ta đi khỏi đây!” (Ga 14:31).  Chúa Giê-su bắt đầu cuộc Xuất Hành với động lực duy nhất là tình yêu.

 

1)  “Thầy ra đi và đến cùng anh em”

 

          Cuộc Xuất Hành yêu thương có khởi điểm của nó.  Chúa Giê-su đã khởi đi từ trái tim của Thiên Chúa, một Thiên Chúa “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” cho nhân loại (Ga 3:16).  Mỗi cuộc xuất hành đều phải trả một giá đắt.  Ông Áp-ram rời thành Ur ra đi tìm đất Thiên Chúa hứa, phải để lại tài sản và thanh thế suốt vùng Lưỡng hà địa.  Dân Do-thái khi rời bỏ Ai-cập đi đến Đất Hứa đã phải bỏ lại mọi sản nghiệp, nhà cửa và cả những luyến tiếc mảnh đất cha ông họ đã nhận làm quê hương từ mấy trăm năm.  Cuộc ra đi của Chúa Giê-su còn đắt giá hơn không biết bao nhiêu mà kể.  Người đã bỏ cõi trời để đến “cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14).  Hành trang và phương tiện cho cuộc ra đi của Con Thiên Chúa không phải là y phục, của ăn thức uống và xa mã của nhân loại, cũng không phải là quyền năng và vinh hiển của Thiên Chúa, nhưng Người chỉ mang theo Trái Tim của Thiên Chúa và Người “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2:7).  Cuộc ra đi của Áp-ram hay dân Do-thái dầu sao cũng bị giới hạn trong thời gian và không gian.  Nhưng cuộc ra đi của Đức Ki-tô là từ vô biên và vô hạn đến thu mình trong không gian hữu hạn là Bê-lem, Do-thái và thời gian thuở hoàng đế Au-gút-tô và tổng trấn Qui-ri-ni-ô.  Nói một cách bình dân, Chúa Giê-su từ trời đến với nhân loại.

          Tuy nhiên, cuộc Xuất Hành của Chúa Giê-su không chỉ là con đường một chiều từ Thiên Chúa đến với nhân loại, mà là hai chiều, đem Thiên Chúa đến cho nhân loại và đem nhân loại về với Thiên Chúa.  Vai trò trung gian của Chúa Giê-su nối liền đường giây Thiên Chúa – con người, để chuyển tải sự sống và tình yêu của Thiên Chúa cho con người và để làm “lời” của Thiên Chúa nói với con người.  Người đến để ta được sống dồi dào (Ga 10:10) bằng Lời của Thiên Chúa, vì “ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy.  Và LỜI anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga 14:24).  Lời là nội dung những gì Thiên Chúa muốn nói với nhân loại.  Nội dung ấy gồm có Giao Ước Mới và Lề Luật Mới mà Thiên Chúa muốn ban cho ta qua Đức Ki-tô.  Để ta biết đón nhận và sống Lời, Thiên Chúa Cha đã ban cho ta một Thầy Dạy, tức Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần.  “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14:26).

Trước giờ Thương Khó, cuộc Xuất Hành từ thế gian về lại với Thiên Chúa, Chúa Giê-su muốn chia sẻ niềm vui với các môn đệ.  Chỉ trong tình yêu, họ mới có thể hiểu được ý nghĩa đích thực cuộc ra đi của Thầy.  “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đến cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14:28).

 

2)  Bình an là hoa trái của tình yêu

 

          Trước cuộc ra đi quá đột ngột của Chúa Giê-su, các môn đệ thực sự xao xuyến sợ hãi.  Không sức mạnh nào có thể giữ ta được vững vàng trước xao xuyến sợ hãi, ngoại trừ tình yêu.  Tình yêu mạnh hơn sự chết và Chúa Giê-su đã nhiều lần tỏ cho môn đệ biết Thiên Chúa Cha và Người đã yêu thương họ như thế nào.  Do đó họ không còn phải sợ hãi điều gì.  Nhưng đó chỉ là sự bình an thuộc lãnh vực tự nhiên.  Nếu là thứ bình an này thì con người cũng giúp nhau có được.  Thí dụ đứa con nhỏ tập đi chỉ sợ té, nhưng những lời yêu thương vỗ về của mẹ nó giúp nó bình an, can đảm tập đi tiếp.

          Còn bình an Chúa Giê-su và chỉ có Chúa Giê-su mới ban cho ta được thì thuộc lãnh vực siêu nhiên và là một khía cạnh diễn tả ơn cứu độ.  Đúng vậy, bình an là không còn thao thức trăn trở về thân phận của ta nữa, nhưng đã được thỏa mãn khát mong “như con nai bên dòng nước” (Thánh vịnh) hoặc như “tâm hồn được an nghỉ trong Chúa” (thánh Âu-tinh).  Ngoài Chúa Giê-su ra, không ai có thể giải phóng ta khỏi nanh vuốt của tử thần và sự dữ.  Nói khác đi, ngoài Chúa Giê-su ra, không ai có thể ban cho ta sự bình an của ơn cứu độ, vì chỉ mình Người mới là Đấng cứu độ ta.

 

3)  Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh rao giảng Lời và gieo rắc Bình an của Chúa Giê-su

 

          Vẫn trong chủ đề về Giáo Hội, ta tự hỏi Giáo Hội phải làm gì để tiếp tục cuộc Xuất Hành của Chúa Giê-su trong thế giới?  Chúa Giê-su nói về cuộc Xuất Hành của Người, cho các môn đệ biết Người đã hoàn tất:  “Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14:31).  Nghĩa là vì yêu mến Chúa Cha, Chúa Giê-su đã vui lòng “xuống thế làm người và chịu chết chuộc tội cho thiên hạ”.  Nhưng Người lại muốn dành phần cộng tác cho Giáo Hội và cho các môn đệ.  Họ sẽ là những người cùng đồng hành với Người để “về cùng Chúa Cha”.  Hóa ra trong cuộc Xuất Hành, Chúa Giê-su đã phải đi gấp đôi, còn ta chỉ phải đi một nửa đường cùng với Người tiến về nhà Cha!  Chúa Giê-su bảo các môn đệ:  “Nào đứng dậy!  Ta đi khỏi đây!” (Ga 14:31).

          Đó là lệnh lên đường cho cuộc Xuất Hành về quê thật của ta.  Ta phải đứng dậy, đừng để cho những quyến rũ trần thế kéo ghì ta xuống.  Ta đã bị tội nguyên tổ làm cho ta không ngóc đầu đứng thẳng lên được, nhưng Đức Ki-tô đã phục hồi cho ta sự công chính hoặc quyền đứng thẳng (ius + stare = justification) trước mặt Thiên Chúa.  Quê hương đích thực của ta không phải ở trần gian này, do đó “ta đi khỏi đây!” theo gót Chúa Giê-su mà “đến cùng Chúa Cha” (Ga 14:28).

          Đáp lại lệnh truyền của Chúa Giê-su, Giáo Hội không ngừng rao giảng Tin Mừng cứu độ và cố gắng đem bình an đích thực của Chúa Giê-su đến cho nhân loại.  Lời Chúa được rao giảng khắp nơi, từ nhà thờ do các linh mục trong thánh lễ cho tới nơi sinh sống làm việc và giao tế của Ki-tô hữu.  Mọi người đều phải ý thức tham gia vào cuộc Xuất Hành của Chúa Giê-su, cũng là cuộc Xuất Hành của Giáo Hội và toàn thể nhân loại, sống Lời Chúa và sống yêu thương theo gương Người, yêu mến Thiên Chúa và anh chị em, để tất cả đều được vui hưởng bình an vĩnh cửu.

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Tôi thường thầm thĩ khi cầu nguyện:  Lạy Chúa, con yêu mến Chúa!  Nhưng thực ra lời cầu nguyện ấy có nghĩa gì?  Nó có phản ảnh lời Chúa Giê-su nói ở đây không?  “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”.

          Có khi nào tôi thực sự thấy xao xuyến và sợ hãi khi nghĩ về phần rỗi của tôi không?  Tại sao?  Tại tôi không “xuất hành” với Chúa Ki-tô?  Không thực sự xác tín Chúa Ki-tô là Đấng Cứu Độ?

          Tôi đã làm gì để rao giảng Tin Mừng cho những người chung quanh và nhất là cho những người làm cùng sở làm hoặc sống cùng xóm?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Cha,

          Cha muốn cho mọi người được cứu độ

          và nhận biết chân lý,

          chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giê-su, Con Cha.

          Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người

          chưa nhận biết Đức Giê-su,

          họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

          Xin Cha thôi thúc nơi chúng con

          khát vọng truyền giáo,

          khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,

          niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,

          và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giê-su cho thế giới.

          Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực

          trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng.

          Chúng con chỉ xin đến với những người bạn gần bên,

          giúp họ quen biết Đức Giê-su và tin vào Ngài,

          qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

          Chúng con cũng cầu nguyện

cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.

Xin Cha cho những cố gắng của chúng con

sinh nhiều hoa trái.  A-men.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 69)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C