Lễ
Giáng Sinh – Lễ Rạng Đông
(Lu-ca 2: 15-20)
Thánh lễ Nửa Đêm cho ta chiêm ngưỡng khung cảnh Thiên Chúa
đến với con người trong lịch sử nhân loại và ý nghĩa cứu độ của biến cố
ấy. Còn bài Tin Mừng của Thánh lễ Rạng
Đông mang tính cách suy niệm, trình bày những người đầu tiên được chứng kiến
Thiên Chúa làm người và phản ứng của họ trước tình yêu cứu độ của Thiên
Chúa. Mẹ Ma-ri-a, thánh Giu-se và các
người chăn chiên đại diện cho lớp người nghèo khó của nhân loại đã có những tâm
tình nào khi đứng trước Tình Yêu nhập thể của Thiên Chúa? Những việc làm của họ không những phản ảnh
những tâm tình cá nhân, mà còn trở nên những mẫu gương giúp ta biết phải làm
sao đáp lại tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
1) Hành trình đức tin tới Bê-lem
Từ cánh đồng chăn chiên tới Bê-lem khoảng cách không bao
xa, chỉ vài ba cây số. Tuy nhiên điều đó
không có nghĩa là hành trình ấy dễ dàng.
Làm sao dám bỏ cả đàn chiên lại một mình? Hơn nữa giữa đêm đông lạnh lẽo và tối tăm, đi
lại thật ngại ngùng. Những người chăn
chiên ở Do-thái ngày xưa không được liệt vào số những người tốt. Họ thường bị khinh dể vì nghề nghiệp, bị nghi
oan là hay cái thói trộm cắp. Do đó, đối
với họ “sang Bê-lem để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho biết” không
phải là việc đơn giản. Điều sứ thần báo
cho họ là một điều khó tin được. Đấng
Cứu Độ là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa mà lại là một trẻ sơ sinh bọc tã và nằm trong
máng cỏ! Nhưng đó là dấu hiệu sứ thần đã
nói cho họ biết. Dấu hiệu là cái giúp ta
nhận ra một thực tại khác, thí dụ vương miện là dấu hiệu của hoàng đế. Nhưng ở đây, một trẻ sơ sinh nghèo nàn nằm
trong máng cỏ bò lừa thì làm sao có thể là dấu hiệu của Đấng Cứu Độ, Đấng
Ki-tô, Đức Chúa được!
Đức
tin luôn đòi hỏi một thái độ liều lĩnh trong sự khiêm tốn chấp nhận thế giá của
người khác. Điều các thiên sứ loan báo
không thể tin được. Nhưng họ có đủ sự
khiêm tốn để nhìn nhận quyền năng và tình thương của Chúa, nên họ xác tín điều
sứ thần loan báo là điều chính “Chúa đã tỏ cho họ biết”. Như thế, từ lúc các thiên sứ nói với họ cho tới
lúc rời họ, họ đã có một “bước nhảy vọt của đức tin”, liều lĩnh đi tới quyết
định: “Nào ta sang Bê-lem, để xem sự
việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết”.
Tiếp
theo quyết định là thái độ vội vã của họ.
“Họ liền hối hả ra đi”. Chắc ta
còn nhớ thái độ ấy của Mẹ Ma-ri-a sau khi sứ thần truyền tin cho Mẹ đã được
thánh sử Lu-ca ghi lại: “Bà Ma-ri-a lên
đường, vội vã đi đến miền núi” (Lc 1:39).
Động lực của vội vã hối hả đều do lòng tin, hay nói khác đi, lòng tin đã
khiến cho Mẹ Ma-ri-a và các người chăn chiên nhận thấy không thể trì hoãn,
nhưng cần phải mau chóng đáp trả.
Cuối
cùng họ đã đến Bê-lem và gặp được những gì sứ thần đã báo tin. Thánh Lu-ca không ghi lại chút nào về cuộc
gặp gỡ ấy. Có lẽ ngài muốn tôn trọng
những riêng tư của mỗi nhân vật đang chăm chú hướng nhìn vào “Hài Nhi đặt nằm
trong máng cỏ”.
2) “Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng
với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”
Tột đỉnh hành trình đức tin của những người chăn chiên là ở
đây. Ta thắc mắc không biết Bà Ma-ri-a
và ông Giu-se đang chăm sóc cho Hài Nhi hay đang đắm mình trong suy tư và chiêm
ngưỡng Hài Nhi? Chắc là các ngài đang
chiêm ngưỡng Hài Nhi, vì Hài Nhi đã được đặt nằm trong máng cỏ rồi. Tuy nhiên điều ấy không quan trọng. Ta nên hiểu dụng ý của thánh Lu-ca khi ngài
lập lại hai lần “hài nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2:12 và 16). Hình ảnh trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ chiên
bò không phải là một hình ảnh lý tưởng.
Nhưng thánh sử muốn ghi lại một biểu tượng vô cùng ý nghĩa. Máng cỏ là chỗ chứa đựng nguồn sống và lẽ
sống của chiên bò thế nào, thì cũng là nơi đặt nằm Chúa Giê-su Hài Đồng, nguồn
sống mới của nhân loại như vậy. Hiểu
được ý nghĩa biểu tượng ấy, ta sẽ không còn ngạc nhiên khi nghe Chúa Giê-su qua
bài diễn từ của Người về bánh trường sinh trong hội đường Ca-phác-na-um: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi,
và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống
như vậy” (Ga 6:57).
Trong những giờ phút chiêm niệm này, cùng với Mẹ Ma-ri-a và
thánh Giu-se, các người chăn chiên đang nhớ lại từng lời của sứ thần: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng
đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm
nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là
Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này
mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một
trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”.
Bao nhiêu câu hỏi có thể đặt ra, nhưng giờ phút này không phải là lúc
trả lời bằng trí óc, mà bằng những đầu gối quỳ phục bên Hài Nhi, để họ hoàn
toàn sống sự hiện diện của Đấng Cứu Thế và sự hiện diện của chính họ.
3) “Họ liền kể lại điều đã được nói với họ về
Hài Nhi này”
Từ chiêm niệm đi tới hành động, đó là con đường của đức
tin. Đức tin được biểu lộ qua hành
động. Các người chăn chiên hành động
bằng cách kể lại câu truyện Hài Nhi Giê-su cho những người họ gặp tại miền đất
Do-thái. Cũng như ngày nay ta nói trong
Đại Hội Truyền giáo tại châu Á: chúng ta
kể lại câu truyện Chúa Giê-su cho người dân châu Á. Đó là cách rao giảng Tin Mừng, ngày xưa hay
hôm nay thì cũng theo cùng một phương thức kể truyện. Dĩ nhiên không chỉ kể bằng lời, nhưng quan
trọng hơn bằng cuộc sống hằng ngày.
Các người chăn chiên tiếp tục hành trình đức tin của
họ. Họ “ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca
tụng Thiên Chúa”. Những nẻo đường họ đi
qua, dù chỉ là nẻo đường quen thuộc trở về với bổn phận coi sóc đàn chiên, cũng
sẽ là những nẻo đường để họ sống và biểu lộ lòng tin vào ơn cứu độ Thiên Chúa
đã ban cho họ.
4) Suy nghĩ và cầu nguyện
Nhìn ngắm hang đá được trang hoàng tại nhà thờ hay tại nhà,
tôi có chú tâm vào “Hài Nhi nằm trong máng cỏ” hay chỉ thấy hoa đèn rực
rỡ? Tôi có được dăm ba phút để suy niệm
về những danh hiệu của Hài Nhi và ý nghĩa biểu tượng của máng cỏ không?
Tôi sẽ kể câu truyện Chúa Giê-su cho những người tôi gặp,
trong gia đình, nơi sở làm... như thế nào?
Cầu nguyện
“Giữa giá rét của mùa đông,
xin cho con gặp Chúa.
Giữa những long đong
và bấp bênh của phận người,
xin cho con gần Chúa.
Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi,
xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.
Lạy Chúa Giê-su bé thơ nằm trong máng cỏ,
xin cho con cảm được sự bình an của Chúa,
ngay giữa những âu lo hằng ngày.
Xin cho con đón lấy cuộc đời con
với bao điều không như ý.
Và cuối cùng,
xin cho con dám sống như Chúa
vì Chúa đã dám sống như con”.
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 59)
Lm. Đaminh Trần đình
Nhi