NGÔI LỜI LÀM
NGƯỜI
Thánh
Lễ Giáng Sinh Ban Ngày
Is 52:7-10
Ga 1:1-18
Dt 1:1-6
Hòa bình vẫn chưa đến. Tự do còn xa tầm tay. Thiên Chúa làm người đã
chia sẻ tất cả khổ đau đó của nhân loại. Nhưng qua đó, Người cũng muốn mạc khải
một con đường ngắn nhất đi đến hòa bình và tự do : làm Con Thiên Chúa.
MẠC KHẢI VĨ ĐẠI
Tin Mừng Gioan đã làm một cuộc cách mạng vĩ đại khi lật ngược tất cả
cái nhìn Cựu Ước. Trong khi Sáng Thế Ký quả quyết Thiên Chúa tạo dựng vạn vật từ
hư vô và con người từ bụi đất (St 1-2), Tin Mừng Gioan mạc khải : “Nhờ Ngôi Lời,
vạn vật được tạo thành” (Ga 1:3). Nghĩa là, con người và vạn vật được tạo dựng
từ tình yêu Thiên Chúa. Cái nhìn Gioan thật sâu sắc. Sáng Thế Ký chỉ nhìn hời hợt
bên ngoài, chứ không đi sâu vào tận nền tảng cấu tạo nên vạn vật. Tột đỉnh và nền
tảng cuộc tạo thành chính là Ngôi Lời. Thật vậy, “không có Người, thì chẳng có
gì được tạo thành” (Ga 1:3). Người chiếm một địa vị then chốt, không thể
thay thế nổi vì “điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh
sáng cho nhân loại” (Ga 1: 4). Tất cả đều lệ thuộc vào Người.
Người xuống trần thế như đi vào nhà mình. Nhưng thật là bi đát
: “ Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga
1:11). Chính cái bi đát này đã gây nên bi kịch cho đời Người. “Người
ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người”
(Ga 1:10). Càng không nhận biết Người, thế gian càng rơi vào tăm tối, vì “Ngôi
Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga
1:9). Không ai có thể than trách vì ánh sáng Người đã không chiếu tới. Chỉ
vì không đón nhận ánh sáng, nên thảm kịch mới xảy ra khắp nơi.
Trái lại, “những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1:12). Họ được cứu khỏi tăm
tối và đưa vào miền ánh sáng nhờ “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa
chúng ta” (Ga 1:14). Người đã dùng tất cả “vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người”
(Ga 1:14), để biến con người thành con Thiên Chúa. Nhờ đó, “tất cả chúng ta đã
lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1:16). Ơn trước tiên là chúng ta được đón
nhận vào gia đình Thiên Chúa. Nơi đây, chúng ta được hạnh phúc tôn nhận Thiên
Chúa là Cha. Khi được gia nhập gia đình Thiên Chúa, chúng ta được hoàn toàn giải
thoát khỏi bến mê tăm tối và xích xiềng nô lệ, vì tất cả sức mạnh chúng ta là
“Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1:14).
TỰ DO LÀM CON CHÚA
Làm con Thiên Chúa, chúng ta sẽ hoàn toàn tự do. Chúng ta sẽ
tìm lại được bản chất con người đích thực. Tất cả chúng ta đều là anh
em, vì cùng thuộc về gia đình Thiên Chúa. Trong nhà Chúa, chúng ta sẽ thừa
hưởng tất cả hồng ân Thiên Chúa đã hứa và thực hiện nơi công cuộc cứu độ của Đức
Giêsu Kitô. Bình an sẽ tràn ngập cõi lòng và cuộc đời chúng ta vì “trước mặt muôn
dân, Đức Chúa đã vung cánh tay thần thánh của Người : ơn cứu độ của Thiên Chúa
chúng ta” (Is 52:10) . Không một sức mạnh nào đè bẹp nổi, vì ngay giữa những
gian truân cùng cực, chúng ta luôn có “Đức Chúa an ủi dân Người” (Is 52:9).
Từ nhà Chúa, muôn sứ giả Tin Mừng ra đi loan báo ơn cứu độ cho muôn
dân. Họ là những người tình nguyện đáp lại tiếng mời gọi của Thiên Chúa.
Họ có thể là những người đang hi sinh trong những công tác Hội đồng Mục vụ, Tài
chánh, đoàn thể, ca đoàn v.v. Họ là những tu sĩ đang cúi xuống xoa
dịu vết thương đau của những người nghèo khổ tật nguyền. Họ là các vị thừa sai đang
băng mình trên những miền đồi núi, rừng thiêng nước độc để gieo vãi Tin Mừng
cho muôn dân. Họ có thể là các giáo sư hay các nhà giảng thuyết đang miệt mài
ngày tháng trong các phòng ốc hay các giảng đường để tìm mọi cách loan truyền
Tin Mừng Nước Chúa. Họ là những bạn trẻ đang hăng say dấn thân vào những công tác
xã hội hay bác ái. Tất cả đều là những chiến sĩ can trường xông pha vào trận
chiến chống lại bất công, áp bức, nghèo đói, bệnh tật. Mục tiêu lớn nhất đời họ
là xây dựng hạnh phúc và tự do đích thực cho đồng loại.
Thế giới hôm nay đang cần những người xây dựng một nền văn hóa sự sống,
chống lại văn hóa sự chết. Văn hóa sự chết đã tạo nên một thế giới đầy “các
trẻ em bị bạo lực, làm nhục và bỏ rơi, người nữ bị hãm hiếp và bóc lột, những
người trẻ, người lớn và người già bị loại trừ, hàng hàng lớp lớp nhưng người bị
đi đày và tị nạn, bạo lực và xung đột tại nhiều nơi trên thế giới” (Gioan Phaolô
II, VietCatholic 27/12/2000). Khủng khiếp hơn nữa, “ngày nay, mỗi ngày hằng trăm
ngàn trẻ em ở Mỹ, ở Việt Nam, ở Trung quốc, ở Âu châu và các nơi khác bị các loại
luật pháp mỵ dân xúm lại bóp cổ, đục bể óc, đâm chết trong cung lòng người mẹ
‘bao la như biển Thái Bình’” (Nguyễn Việt Nam 24/12/2000). Trước sức mạnh thần
chết đó, những chiến sĩ văn hóa sự sống làm sao đương đầu ?
Nhưng cũng như Đức Giêsu, “ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng
tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1:5), các chiến sĩ đó vẫn mạnh mẽ lên đường.
Họ đang tạo nên bức tranh tuyệt vời như Isaia vẫn mơ ước : “Đẹp thay trên đồi núi
bước chân người loan báo Tin Mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công
bố ơn cứu độ” (Is 52:7). Họ ra đi vì niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh ánh sáng. Đức
Giáo Hoàng mạnh mẽ khẳng quyết : “Dù cho bóng tối có xuất hiện dầy đặc như thế
nào đi nữa, niềm hi vọng chúng ta về sự chiến thắng của Aùnh sáng đã xuất hiện
trong đêm thánh này tại Bêlem còn mạnh mẽ hơn” (VietCatholic 27/12/2000). Aùnh
sáng đó đã trở thành niềm hi vọng cho một nhân loại đang khao khát tự do và hoà
bình.
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP