HI VỌNG ĐÃ VƯƠN LÊN

Chúa Nhật C Ba Ngôi

 

Hi vọng là động lực sống.   Hướng sống và niềm vui sẽ mất đi, nếu không còn niềm hi vọng.  Nhưng làm cách nào nuôi niềm hi vọng trong tâm hồn ?   Đó là bí quyết của Thánh Linh.  Chỉ niềm tin nào đem lại hi vọng, mới có giá trị và tồn tại.

 

NGUỒN HI VỌNG.

Cuộc sống luôn có những biến động.  Niềm hi vọng luôn bị đe dọa khi gặp những khó khăn.  Nhưng không phải bất cứ ai gặp khó khăn đều đánh mất niềm hi vọng.  Niềm hi vọng cũng huyền nhiệm như niềm tin Kitô giáo.  Đó là lý do tại sao phải tìm hiểu niềm hi vọng do Ba Ngôi Thiên Chúa đã dành cho chúng ta !

Trước hết, chỉ có Thiên Chúa mới đem lại và bảo đảm niềm hi vọng cho chúng ta.  Vì niềm hi vọng bắt nguồn từ Thánh Linh.   Quả thế, “chúng ta không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rm 5:5)   Tình yêu Thiên Chúa là nguồn hi vọng, vì chính trong tình yêu, Thiên Chúa đã sáng tạo và cứu độ.   Không có tình yêu, chẳng có một giá trị nào hiện hữu và tồn tại.   Bởi vậy, Thiên Chúa đã đặt nền tảng niềm hi vọng trên tình yêu tức là Thánh Linh.   Chẳng có gì tạo nổi niềm hi vọng ngoài tình yêu Thiên Chúa !   Thiên Chúa yêu thương chúng ta mãnh liệt và sâu đậm, nên niềm hi vọng của chúng ta chắc chắn phải lớn lao và bền vững hơn bất cứ thực tại nào trên trần gian.  

Nhưng tình yêu chưa đủ !  Thiên Chúa muốn niềm hi vọng phải đặt vào đúng chỗ.  Mù quáng chỉ dẫn tới ảo tưỡng và sụp đổ.   Cần phải có sự thật nữa.  Bởi thế, Đức Giêsu mới hứa : “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” (Ga 16:13)   Sự thật về Thiên Chúa và sự thật về con người !   Không thấy được sự thật toàn vẹn, con người không thể được giải thoát.   Không được giải thoát, không có tình yêu và niềm hi vọng đích thực.  Thánh Linh đưa các môn đệ vào sự thật toàn vẹn của tình yêu Thiên Chúa.  Tình yêu Thiên Chúa vô cùng mãnh liệt và cao cả khiến các môn đệ không thể hiểu nổi.  Quả thực, nếu không có Thánh Linh soi sáng, làm sao nhận ra ơn cứu độ lớn lao nơi cái chết và phục sinh của Đức Kitô ?  

Thần Khí chính là sự khôn ngoan, “một sự khôn ngoan soi sáng cho thấy ý nghĩa thực tại.” (Faley 1994:387)    Thánh Linh “luôn hiện diện với Thiên Chúa trong toàn thể tiến trình tạo dựng.” (Faley 1994:384)   Ngườiø luôn hoạt động để tạo dựng một vũ trụ có trật tự.   Cuộc tạo dựng không chỉ xảy ra trong vũ trụ, nhưng cả trong Giáo hội nữa. Thần khí không chỉ hoạt động trong thời gian viết Thánh Kinh ! Nhưng Người còn hoạt động trong Giáo hội qua dòng thời gian nữa !    Muốn bảo vệ sự thật toàn vẹn, Người phải làm việc trong trật tự.   Cứ nhìn vũ trụ sẽ thấy công việc Thánh Linh làm trong Giáo hội, không thể theo ngẫu hứng hay tình cảm cá nhân !  

Hơn nữa, Thánh linh còn đưa các môn đệ vào sự thật toàn vẹn về con người.  Mục đích cuối cùng của mạc khải là giao hòa con người với Thiên Chúa và anh em.   Nhưng làm sao giao hòa với Thiên Chúa và anh em, nếu con người không biết hết sự thật về chính mình và những tương quan vô cùng phong phú của mình ?   Không có gì khó bằng khám phá chính mình.  Nhưng Thánh Linh sẽ giúp con người nhận ra sự thật khó khăn đó.   Khi biết rõ chính mình, con người sẽ khiêm tốn hơn và hạnh phúc hơn.   Khi biết rõ tương quan sâu xa giữa mình và Thiên Chúa cũng như tha nhân, con người sẽ thấy mình phải cố gắng tới mức nào.  Vì chính trong tương quan này, con người sẽ tìm được hạnh phúc tròn đầy.   Chỉ trong tương quan với anh em, con người mới trở nên hình ảnh Thiên Chúa đích thực.  Vì tự bản chất, Thiên Chúa là một tương quan.  Nếu không, đã chẳng có Ba Ngôi trong một Thiên Chúa.   Trong các tương quan phản ánh tình yêu Thiên Chúa nhất, chúng ta phải kể đến gia đình.   Chính trong gia đình, con người cảm nghiệm được tình yêu thắm thiết của Ba Ngôi.  Càng chia sẻ sâu xa tình yêu gia đình, càng đi sâu vào huyền nhiệm Thiên Chúa.

Huyền nhiệm Thiên Chúa chính là sự thật toàn vẹn, đối tượng của niềm tin.   Bởi vậy, được đưa vào sự thật toàn vẹn là “được nên công chính nhờ đức tin,” tức là được tham dự vào đời sống Thiên Chúa.   Đời sống Thiên Chúa chan hòa bình an !   Không biết được sự thật toàn vẹn đó, cuộc sống sẽ tràn ngập đau khổ.   Trái lại, nhờ Thánh Linh, mọi vấn đề sẽ được giải quyết, kể cả vấn đề đau khổ.   Tín hữu không những không sợ đau khổ, nhưng nhờ ân sủng của Thiên Chúa, họ “còn tự hào khi gặp gian truân.” (Rm 5:3)   Tín hữu không tìm cách diệt trừ hay phủ nhận đau khổ.  Vì đau khổ dính liền với thân phận làm người.   Nhưng họ quan niệm đau khổ là một thử thách cần phải vượt qua.   Cuộc vượt qua thử thách đó không dựa vào sự thật bình thường, nhưng vào sự thật toàn vẹn do Thánh Linh mạc khải.

Càng đi sâu vào sự thật toàn vẹn về Thiên Chúa và con người, càng được giải thoát.  Càng được giải thoát, càng vui tươi và bình an.  Chính Thánh Linh cảm thấy được niềm vui đó khi từ sự thật Thiên Chúa mà đến.   Người mạc khải : “Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người.” (Cn 8:30-31)   Lối nhìn trần giới hoàn toàn khác hẳn.   Khôn ngoan mang bộ mặt trang trọng, chứ không thể đi đôi với “vui chơi”.   Nhưng chính niềm vui mới là dấu chỉ hi vọng lớn lao.   Đó là lý do tại sao niềm vui tràn ngập tuổi trẻ đầy hi vọng.   Hơn nữa, càng khôn ngoan càng chứng tỏ đã nắm được chân lý toàn vẹn. Càng nắm chắc chân lý toàn vẹn, càng đặt được nền tảng sâu xa cho niềm hi vọng và niềm vui. Do đó, có một tương quan sâu xa giữa niềm hi vọng và sự khôn ngoan, sự khôn ngoan bắt nguồn từ niềm tin nơi Thiên Chúa.

Đó là lý do tại sao niềm tin phát sinh hi vọng.   Chính thánh Phaolô quả quyết : “Còn chúng tôi thì nhờ Thần khí và dựa vào đức tin mà vững lòng chờ đợi được nên  công chính như chúng tôi hi vọng.” (Gl 5:5)   Khi đặt niềm tin nơi Thiên Chúa, con người có thể tìm được niềm hi vọng vững chắc, vì Thiên Chúa hằng hữu.  Thực vậy, “vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay ; chúng ta lại còn tự hào về niềm hi vọng được hưởng  vinh quang của Thiên Chúa.” (Rm 5:2)   Đức tin là bảo đảm cho chúng ta đạt được niềm hi vọng ngay tự đời này dù đầy những bất trắc.   Hơn nữa, đức tin còn có thể giúp con người bình an giữa cuộc đời đầy sóng gió.   Thật vậy, “chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng : ai gặp gian truân thì quen chịu đựng ; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên ; ai được công nhận là người trung kiên, thì có quyền trông cậy.” (Rm 5:3-4)  “Ngay cả những thử thách cũng góp phần giúp con người hi vọng đạt tới vinh quang, và sự chịu đựng sinh ra sức mạnh củng cố niềm hi vọng.  Đó là niềm hi vọng có nền tảng, chứ không phải chỉ là ước vọng suông.” (Faley 1994:386)   Niềm hi vọng là cao điểm qui tụ tất cả sức mạnh của người tín hữu.   Không có hi vọng, không ai còn hứng khởi để vượt qua những thử thách muôn mặt.  Khi đã vượt qua những thử thách đó, con người có thể hãnh diện và đầy hi vọng.  Nhưng sức mạnh nào đã giúp họ vượt qua thử thách, nếu không phải là Thánh Linh ?   Có vượt qua thử thách của đức tin, chúng ta mới có thể theo Đức Giêsu vào chung hưởng ân sủng Thiên Chúa.   Chính đức tin và hi vọng khiến Kitô hữu khác hẳn với mọi người.   Bình thường ai cũng run sợ trước đau thương thử thách. Nhưng người Kitô hữu như tràn đầy hứng khởi và tự hào vì được trở nên giống Đức Kitô đau khổ trong sứ mệnh cứu độ.  Quả thế, thập giá là “sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa.” (1 Cr 1:18)   Nếu không trung kiên gắn bó với thánh ý Thiên Chúa, chắc chắn Đức Giêsu đã không thể đem lại vinh quang cho Thiên Chúa. Bởi thế, ai trung kiên mới có quyền hi vọng !

Niềm hi vọng này lại trở thành mấu cứ cho niềm tin và tình yêu.   Quả thực, “lòng tin và lòng mến đó phát xuất từ niềm trông cậy dành cho anh em trên trời, niềm trông cậy anh em đã được nghe loan báo khi lời chân lý là Tin Mừng đến với anh em.” (Cl 1:5)   Lời chân lý gieo niềm hi vọng cứu độ vì phát xuất từ Thiên Chúa và do chính Thánh Linh loan báo.  Quả thế, Thần Khí “sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.” (Ga 16:13)   Thánh Linh loan báo một tương lai vững chắc, chắc như chính “những biến cố vào giờ Chúa Giêsu vậy.” (NIB 1995:773)   Không phải Thánh Linh sẽ cho người tín hữu biết trước tương lai.  Thật vậy, theo Bultmann, “người tín hữu chỉ có thể đo lường được tầm quan trọng và họ mức chịu đựng khi thực sự đụng đầu với thực tế.  Họ có thể đoán trước tương lai trong niềm tin, chứ không biết trước về kiến thức.” (NIB 1995:773)  Nếu thế, Lời Chúa vô cùng cần thiết để củng cố lòng tin trước bất cứ thử thách bất ngờ nào.  Bởi vậy, vai trò Thánh Linh vô cùng quan trọng trong việc trao Lời Chúa cho cộng đoàn niềm tin và trong tương lai (x. NIB 1995:773)  Hoàn thành trọng trách đó, Thánh Linh sẽ đem lại vinh quang cho Chúa Cha và Chúa Con.  Thật vậy, “Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16:14) Loan báo Tin Mừng vừa cứu độ muôn dân vừa vinh danh Thiên Chúa. 

 

CHIỀU HƯỚNG MỚI

Thánh Linh đã thực sự trở thành ngôi vị không thể thiếu trong công cuộc cứu độ.  Điều kiện thực tế không cho phép các môn đệ hiểu tất cả những gì Chúa mạc khải trong một lúc.    Cái gì cũng phải đợi thời gian mới chín mùi được !  Chính Chúa đã nói rõ điều đó : “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.” (Ga 16:12)   Chúa Giêsu cũng tôn trọng trình tự thời gian.   Người cũng không thể đi trước thời gian hay giẫm chân lên Chúa Thánh Thần.   Tương lai thuộc về Thánh Linh.   Chính Thánh Linh vừa tiếp tục công cuộc mạc khải vừa ban sức mạnh và ánh sáng để các môn đệ được nâng lên mà nắm chắc nguồn hi vọng là Lời Chúa. Không thể tiên đoán Thánh Linh đi xa tới mức nào trong tương lai Giáo hội.   Công đồng Vatican II chứng tỏ Thánh Linh đã làm một cuộc “hiện xuống mới” giữa thời đại hôm nay.   Cuộc hiện xuống mới bắt đầu với cánh cửa Giáo hội mở ra thế giới.  Từ sau Vatican II, Giáo hội không còn tự cho mình ở trên và tách lìa trần gian.  Trái lại, “Thánh Linh trong công đồng đại kết đã dẫn Giáo hội qua một tiến trình tự đánh giá sâu sắc về mình như thành phần thế giới.” (Faley 1994:388)   Từ nay, Giáo hội không còn chỉ thấy Chúa hiện diện trong Thánh Kinh, truyền thống, các nghi thức phụng vụ, “nhưng cả trong các biểu tượng và nghi thức từ các văn hóa và tôn giáo khác nữa.” (Heim 1998:14)   Nhờ Thánh Linh hướng dẫn, Giáo hội còn “tìm sự hiện diện Thiên Chúa trong hoàn cảnh của người nghèo và bị bách hại, trong các tôn giáo thế giới, và các giáo hội Kitô giáo khác.  Có một sự khôn ngoan vô hạn trong tất cả những thực tại này, một sự khôn ngoan làm giàu cho đức tin.” (Faley 1994:388)   Khi đã thoát khỏi tình trạng tự giam hãm mình trong vòng Công giáo chật hẹp, Giáo hội có nhiều ảnh hưởng và tương quan phong phú hơn.   Giáo hội đã bắt gặp nhiều cách diễn tả và cảm nghiệm khác nhau về sự thật nơi các tôn giáo khác và các anh em Tin Lành.   Thánh Linh đã đánh thức Giáo hội sau bao thế kỷ triền miên trong những giới hạn nhân gian. 

Dĩ nhiên cuộc đối thoại với các tôn giáo và anh em Tin Lành không được xa rời  nguyên tắc “trung thành với Chúa Kitô và xác tín về ơn cứu độ dành cho mọi người.” (Heim 1998:26)     Phong trào đại kết đã có kinh nghiệm sâu xa về liên tôn và suy tư về “hệ thống chân lý và những khả năng hiệp nhất không dựa nhiều trền việc đồng thuận hoàn toàn về giáo lý.” (Heim 1998:13)   Đó là chiều cạnh lý thuyết cần thiết cho cuộc đối thoại.  Về mặt thực tế, không thể không nghĩ đến những nỗ lực của các nhà truyền giáo trong các thế kỷ qua.  Kinh nghiệm Alexandre de Rhodes, Nobili, Ricci cho thấy việc hội nhập văn hóa rất cần thiết cho việc rao giảng Tin Mừng.   Nói khác, “việc lột xác trong việc truyền giáo đòi phải đối thoại với các tôn giáo khác, hoặc ở mức độ thân thiện, giáo thuyết, hành động xã giao, hay kinh nghiệm tôn giáo.” (Heim 1998:14)   Hơn nữa, cần phải “chú ý tới tôn giáo phổ quát, thường gồm những yếu tố giao lưu văn hóa và tôn giáo đa nguyên.” (Heim 1998:14)   Chính Thánh Linh sẽ hướng dẫn Giáo hội khi mở ra chiều hướng quá sâu rộng và phong phú như thế.  Thực tế, Giáo hội vẫn tin rằng “ý thức đức tin (sensus fidei) sẽ cung cấp một nền tảng luận lý đểû đánh giá về hình thức biểu tượng của hòa điệu đa nguyên này.” (Heim 1998:14) 

Thánh Linh đang mở ra một mùa xuân tràn đầy hi vọng trong lòng Giáo hội, niềm hi vọng phát xuất tự và cũng phát sinh ra lòng tin và tình yêu.  Tương quan bộ ba tin cậy mến thật là huyền nhiệm, huyền nhiệm như chính Ba Ngôi Thiên Chúa.    Chính tương quan đó đã mở ra cho Giáo hội những chiều hướng mới đi vào một thế giới đang ngóng chờ Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ 

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP

 

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C