Lễ Chúa Ba Ngôi

(Gio-an 16: 12-15)

 

          Khi nói về Thiên Chúa Ba Ngôi, ta quen thuộc với những hình ảnh Chúa Cha là Đấng tạo dựng, Chúa Con là Đấng cứu chuộc và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa.  Quả thực Ba Ngôi gắn liền với cuộc đời và số phận của ta.  Nhưng trong thần học của Tin Mừng Gio-an, Chúa Ba Ngôi thường được diễn tả qua mối liên hệ sống động với ta, đặc biệt trong việc Thiên Chúa tỏ ra những gì Người muốn ta tiếp nhận hoặc lắng nghe.  Thánh sử Gio-an gọi tất cả những điều Thiên Chúa muốn cho ta biết qua Chúa Giê-su là sự thật toàn vẹn.  Đoạn Tin Mừng hôm nay giúp ta suy niệm những công việc của Ba Ngôi làm để ta nhận ra được “mọi kích thước dài rộng cao sâu và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt qua sự hiểu biết” (Ep 3:18).

 

1)  “Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1:2)

 

Giữa Thiên Chúa và con người có một khoảng cách vô biên, ta không thể tự sức mình biết được những gì về Thiên Chúa nếu chính Người không tỏ ra cho ta.  Tuy nhiên, Chúa đã nối liền khoảng cách ấy bằng cách sử dụng một số người được tuyển chọn để nói thay cho Người.  Họ là các vị ngôn sứ, chuyển đạt cho ta những điều Thiên Chúa muốn mặc khải bằng ngôn ngữ loài người.  Nhưng ngôn ngữ loài người có giới hạn, nên mặc dù Thiên Chúa đã “nhiều lần nhiều cách” (Dt 1:1) nói với con người qua các vị ngôn sứ, các vị ấy vẫn không thể diễn đạt được hết những gì Thiên Chúa muốn nói.  Kinh Thánh Cựu Ước là sưu tập những điều Thiên Chúa “phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ”, nói về những gì Thiên Chúa làm cho ta và những gì ta phải thực thi để sống xứng đáng là con cái Người.  Thế mà kết quả của những lần “nói thay Thiên Chúa” chẳng là bao.  Thiên Chúa đã thay đổi đủ kiểu đủ cách để củng cố mối quan hệ mà con người vẫn xa dần.

Chẳng lẽ Thiên Chúa phải thất bại?  Không bao giờ.  Thiên Chúa còn một cách cuối cùng, Người sử dụng cách ấy “vào thời sau hết này”.  Đó là Người dùng chính Ngôi Lời để nói với nhân loại.  Không phải nói bằng Lời uy quyền như ta thường nghe trong Cựu Ước:  “Chúa phán”, nhưng bằng lời thông thường của con người dùng để nói với nhau.  Không phải bằng Lời từ trời cao vọng xuống cõi trần, nhưng là Lời “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14).  Từ đây, Thiên Chúa nói với ta bằng toàn bộ ngôn ngữ loài người, từ tiếng nói bập bẹ của trẻ thơ tới lời lẽ của người lớn, từ những cử chỉ nhỏ nhặt cho tới tất cả lối sống, để cho con người thấy thế nào là kiếp người, thế nào là một người con Thiên Chúa.  Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Lời đã trở thành những bài giảng đơn sơ dễ hiểu, nhưng chứa đựng những chân lý ngàn đời, bày tỏ những mầu nhiệm của Thiên Chúa.  Nhưng đặc biệt nhất, ngôn ngữ của Chúa Giê-su là ngôn ngữ của yêu thương, diễn tả không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng những nghĩa cử đầy tình yêu, yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân đến chết trên thập giá.  Đó là tột đỉnh của ngôn ngữ Thiên Chúa muốn nói với nhân loại:  Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một.

 

2)  “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em”

 

          Cả một đời Chúa Giê-su là để nói lên sự thật toàn vẹn rằng Thiên Chúa yêu thương nhân loại.  Nhưng bây giờ vào lúc Người đang đàm đạo với môn đệ trước khi chịu cuộc Thương Khó, sự thật toàn vẹn vẫn chưa được tỏ lộ.  Nó chỉ được tỏ lộ đầy đủ khi Chúa Giê-su chết trên thập giá để minh chứng Thiên Chúa yêu thương nhân loại đến mức độ nào.

          Tất cả những giáo lý và mặc khải Thiên Chúa muốn dạy con người đã được trình bày qua lời giảng và lối sống của Chúa Giê-su.  Nhưng Chúa lại nói Người còn nhiều điều phải nói với môn đệ, vậy “nhiều điều” ấy là gì?  Là tất cả những gì sẽ xảy ra trong cuộc Thương Khó, cái chết, sự sống lại và vinh hiển của Người.  Tóm lại là ý nghĩa của mầu nhiệm Ki-tô, một mầu nhiệm cần phải được thấm nhập vào ta, biến đổi ta thành “dưỡng tử” của Thiên Chúa và “đồng thừa tự” với Đức Ki-tô.

          Mầu nhiệm Đức Ki-tô không chỉ là một mầu nhiệm đem ra học hỏi như một môn học thuần lý, nhưng là một mầu nhiệm thực hành để suy niệm, chiêm ngưỡng và sống, như thánh Phao-lô đã nêu gương.  “Với tôi, sống là Đức Ki-tô”, hoặc “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”.  Mầu nhiệm Ki-tô là lời Thiên Chúa muốn nói với nhân loại và nhân loại có bổn phận phải lắng nghe và đón nhận, giống như “hạt giống rơi nhằm đất tốt nên sinh hoa kết quả:  hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (Mt 13:8).

 

3)  “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”

 

          Chúa Cha nói với ta.  Chúa Con là tất cả những điều Chúa Cha nói với ta.  Nhưng làm sao ta hiểu được những điều Chúa Cha nói, đó là vai trò của Chúa Thánh Thần.

          Chúa Cha phán dạy ba môn đệ trên núi Ta-bô-rê:  “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9:7).  Hãy vâng nghe lời Người nghĩa là nghe Người dạy dỗ, nhưng nhất là biết nhìn nhận ra sứ mệnh cứu thế của Người và tin vào Người.  Chúa Cha cũng đã nhắc nhở điều này:  “Để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3;16).  Các môn đệ đã đi theo Chúa Giê-su một thời gian khá dài.  Vậy mà các ông vẫn không nhận rõ thân thế, sự nghiệp và sứ mệnh của Người.  Các ông phải đợi tới khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, “xuất hiện những hình lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một.  Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2:3-4), dần dần các ông mới thấu hiểu được “nhiều điều khác” Chúa Giê-su chưa thể nói vì các ông “không có sức chịu nổi” (Ga 16:12).

          Vai trò của Chúa Thánh Thần là giúp ta hiểu Lời của Thiên Chúa, tức là tất cả những điều Kinh Thánh đã được ứng nghiệm nơi con người Đức Ki-tô.  Chúa Thánh Thần không chỉ hoạt động khi linh hứng cho các tác giả viết xuống lời Chúa, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động nơi ta khi ta đọc và suy niệm lời Chúa.  Tuy nhiên, hiểu lời Chúa không chỉ bằng trí óc, mà phải hiểu bằng đời sống của ta.  “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như một người khi xây nhà đặt nền móng trên đá” (Lc 6:47-48).  Lời Chúa nếu không được Chúa Thánh Thần tác động thì cũng chỉ trơ trơ ra đó, không ích lợi gì cho ta.  Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần chỉ đưa ta “tới sự thật toàn vẹn” khi ta cộng tác với sự hướng dẫn của Người.  Tiếp nhận trong thái độ mở lòng là công việc của ta, còn làm cho Lời sinh hoa kết quả là công việc của Chúa Thánh Thần.

          Chỉ bảo dạy dỗ ta là công việc linh hoạt của Ba Ngôi Thiên Chúa, mục đích giúp ta được dần dần biến đổi thành tạo vật mới để “được sống muôn đời”.  Chúa Cha nói với ta mọi giây mọi phút trong cuộc đời, Chúa Con hiện diện với ta “mọi ngày cho đến tận thế” và Chúa Thánh Thần đang trên đường dẫn ta “tới sự thật toàn vẹn”.  Một cách đặc biệt, Thiên Chúa Ba Ngôi đang sống trong ta, nhưng liệu ta có “sống” mầu nhiệm Ba Ngôi hay không thì lại là vấn đề khác.

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Ba Ngôi Thiên Chúa là một mầu nhiệm.  Vậy tôi đã tránh né không nghĩ đến vì không thể hiểu, hay vì tôi không nhận ra khía cạnh thực hành?

          Tôi có xác tín mình cần “nghe” được tất cả những gì Thiên Chúa muốn “nói” với tôi qua Chúa Ki-tô và “hiểu/sống” những điều ấy nhờ Chúa Thánh Thần không?  Toi sẽ làm gì để nghe và thực hành lời Chúa?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,

          xin giúp con quên mình hoàn toàn

          để ở lại trong Chúa,

          lặng lẽ và an bình

          như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.

          lạy Đấng thường hằng bất biến,

          mong sao không gì có thể khuấy động sự bình an của con,

          hay làm cho con ra khỏi Chúa;

          nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con

          tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa!

          Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,

          xin biến hồn con thành chốn trời cao,

          thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,

          nơi Chúa nghỉ ngơi.

          Ước chi

          con không bao giờ để Chúa ở đó một mình

          nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,

          với thái độ nhạy bén trong đức tin,

          cung kính tôn thờ

          và phó mình cho Chúa sáng tạo.”

                             - Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité

                                      (Trích RABBOUNI, lời nguyện 31)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi.

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C