Lễ
Thánh Gia Thất
(Lu-ca
2: 41-52)
Thiên Chúa đã chọn làm người và tuân theo những cơ cấu và
luật lệ của nhân loại. Công trình cứu độ
là một công trình toàn diện cho con người.
Nói khác đi, ta không chỉ được cứu độ như những cá nhân riêng rẽ, không
cần liên đới với người khác hoặc độc lập với mọi hoàn cảnh xã hội, nhưng với
tính cách là một phần tử liên đới với tất cả gia đình nhân loại. Một trong những cơ cấu và môi trường sống
trong đó ta được trở nên vẹn toàn dần dần chính là gia đình, nơi ta được nuôi
dưỡng và lớn lên làm một con người theo đúng nghĩa và làm con cái Thiên
Chúa. Có lẽ đó là lý do tại sao Phụng vụ
của Giáo Hội đã đặt lễ Thánh Gia Thất ngay sau lễ Giáng Sinh, để nói lên tầm
quan trọng của gia đình đối với việc cứu độ của ta.
1) Gia đình là môi trường để con người phát
triển toàn diện, nhất là lòng đạo đức
“Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem
mừng lễ Vượt Qua”. Đây không chỉ là câu
mở đầu cho câu truyện Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se lạc mất Chúa Giê-su và tìm
thấy Người trong Đền Thờ, nhưng nó còn nói lên tình trạng đời sống đạo của
Thánh Gia Thất. Hoàn cảnh xã hội khi ấy
có lẽ giúp ta hiểu nếp sống đạo của các ngài.
Từ Na-da-rét xuống Giê-ru-sa-lem đâu phải gần gũi, vả lại phương tiện di
chuyển thường chỉ là đôi chân. Do đó một
năm mới có một lần. Các ngài là một gia
đình đạo hạnh, mong chờ chuyến đi Giê-ru-sa-lem, không phải như nhiều người đi
hành hương cho vui hoặc để gặp lại bạn bè.
Nhưng các ngài chờ đợi ngày trở về sum họp trong Nhà Thiên Chúa, với anh
chị em con cùng Cha trên trời và nhất là để biểu lộ những tâm tình thờ phượng
tin kính Thiên Chúa. Trẩy hội đền
Giê-ru-sa-lem là một cơ hội để giúp các ngài phát triển chiều kích đức tin
trong sự phát triển toàn diện con người mình.
Dĩ nhiên, ngoài việc mỗi năm một lần đi lên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem thờ
phượng Thiên Chúa, hằng ngày trong gia đình các ngài vẫn luôn trung thành với
kinh nguyện, đọc và suy niệm Sách Thánh.
Hằng tuần các ngài tham dự buổi cầu nguyện của cộng đoàn tại hội
đường. Một dẫn chứng rất cụ thể về đời
sống đạo đức của Thánh Gia Thất: các
ngài thuộc rất nhiều đoạn Kinh Thánh và sống những điều được Kinh Thánh chỉ
dạy.
Đáng tiếc nhiều gia đình hôm nay chỉ chú trọng đến mặt phát
triển thể chất và trí thức mà quên hoặc cố tình bỏ qua mặt phát triển lòng đạo
đức. Họ làm việc cần cù, cứ mỗi năm lại
đổi một chiếc xe đẹp và đắt giá hơn, dăm bảy năm lại tậu một cái nhà lớn và
sang trọng hơn. Con cái thì cha mẹ cố
gắng đưa vào những trường nổi tiếng, lấy thêm bằng nọ cấp kia. Nhưng về mặt đạo đức thì là con số
không. Đã có lần tôi nghe một người nọ
nhận xét về một ông bác sĩ: ông ta học
làm bác sĩ chứ đâu có học làm người!
Những đứa trẻ này lớn lên mà thiếu chiều phát triển đạo đức là những kẻ
khuyết tật tinh thần.
Sự
phát triển toàn diện con người của Chúa Giê-su chính là gương mẫu: “Còn Đức Giê-su, ngày càng thêm khôn ngoan,
thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:40). Sự phát triển ấy phải được thực hiện trong
môi trường đầu tiên và quan trọng nhất của đứa trẻ, tức là gia đình.
2) Gia đình là nơi giúp nhau đối phó với nghịch
cảnh và hiểu nhau
Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se “lạc mất” Chúa Giê-su, nhưng
Chúa Giê-su không “lạc”, mà Người cố ý “ở lại Giê-ru-sa-lem”. Cùng một sự kiện, nhưng mỗi người một ý, nên cần
có sự hiểu biết và cảm thông. Thánh
Lu-ca cẩn thận ghi lại một chi tiết quan trọng:
“Khi Người được mười hai tuổi...”
Tại sao có chi tiết này? Hẳn là
thánh sử có ý nói theo đạo Do-thái, tuổi mười hai là tuổi trưởng thành về mặt
tôn giáo. Như thế, em Giê-su đã trưởng
thành, em muốn tự ý “ở lại Giê-ru-sa-lem” là vì em cứ vương vấn muốn ở lại Đền
Thờ của Chúa Cha, muốn bắt tay ngay vào “bổn phận ở nhà của Cha”.
Cha mẹ Người không hiểu ý Người. Tuy nhiên các ngài không nặng lời thêm và cố
gắng tìm hiểu, vì các ngài biết con mình không vô lý và có bàn tay Thiên Chúa
can thiệp rõ ràng.
Có lẽ khi đọc câu truyện này lần đầu tiên, ta sẽ đứng về
phía cha mẹ Chúa Giê-su và chờ đợi sự trách phạt của các ngài. Nhưng câu truyện đã đi vào một ngã rẽ bất
ngờ, là không có một chút hờn giận nào nữa và mọi người vui vẻ trở về nhà. Động lực nào đã hóa giải tất cả những hiểu
lầm nhau nếu không phải là lòng yêu thương chân thành? Thánh Phao-lô thật sâu sắc khi viết bài ca
đức mến. “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền
hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc... Đức mến tha thứ tất cả,
tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13:4-7).
Bất đồng giữa trẻ Giê-su và cha mẹ đâu có nhỏ, nhưng họ đã
cố gắng giải quyết với lòng yêu thương đích thực, để không những tránh được bất
hòa mà còn tăng thêm mối cảm thông lẫn kính trọng. Mỗi người đã trở về vị trí của mình, nhưng
hòa hợp với nhau: trẻ Giê-su thì hằng
vâng phục cha mẹ, bà Ma-ri-a thì tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa của những gì xảy ra
cho đúng với ý Thiên Chúa.
3) Thánh Gia Thất, một lý do để ta đặt lại vấn
đề gia đình ngày nay
Ai cũng hiểu gia đình luôn là vấn đề nóng bỏng của mọi thời
đại. Người ta tổ chức rất nhiều cơ quan,
văn phòng để giúp vợ chồng con cái vượt qua những khủng hoảng không ngừng. Nhưng xem ra ngày nay người ta vẫn đặt nặng
vấn đề tâm lý nhiều hơn và ít khi lưu tâm khai triển “vấn đề đạo đức”.
Nhìn vào Thánh Gia Thất, ta nhận ra yếu tố chính giúp họ
xây dựng mái ấm gia đình không phải là vì họ sành tâm lý, vì họ giỏi giang lỗi
lạc, nhưng vì họ thực sự sống đức yêu thương.
Chúa Giê-su là tình yêu Thiên Chúa nhập thể. Tình Yêu đầy tràn Thánh Gia Thất. Tình Yêu vạch ra lối sống cho Thánh Gia Thất,
sống cho Thiên Chúa, sống cho nhau và sống cho tha nhân.
Nhìn lại đời sống gia đình hôm nay, tinh thần Thánh Gia
Thất thì ít, nhưng tinh thần thế gian thì đầy tràn. Được mấy gia đình còn giữ được sinh hoạt đạo
đức chung tại nhà, tại nhà thờ? Hay đời
sống đức tin đã trở thành một thứ riêng tư ai cũng muốn “tôn trọng” và không
dám xâm phạm? Cả đến bậc làm cha mẹ cũng
“nể” hoặc “sợ” con cái đến nỗi không dám nhắc bảo con cái đi dự lễ Chúa Nhật
hoặc xưng tội rước lễ nữa. Đời sống đức
tin là sợi chỉ đỏ đan kết mọi phần tử gia đình lại với nhau đã bị đứt đoạn rồi. Thế là ly dị, là bỏ nhà đi bụi đời, là gân cổ
cãi lại hoặc có khi còn “kêu cảnh sát” nữa.
Lạy Chúa tôi! Xin Thánh Gia Thất
cầu bầu nâng đỡ các gia đình hôm nay!
4) Suy nghĩ và cầu nguyện
Nhận định sự phát triển con người của tôi, tôi có nhận ra
sự khập khễnh nào không? Riêng về phương
diện đạo đức, tôi có bị tàn phế hoặc còi cọt không? Tôi phải làm gì để sửa chữa sự phát triển
lệch lạc ấy?
Gia đình tôi cần phải làm gì để phát triển tinh thần và lối
sống của Thánh Gia Thất?
Cầu nguyện
“Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng.
Xin thương nhìn đến
những gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.
Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những trẻ em cần sự săn sóc và tình thương,
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ bơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.
Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia đình là hình ảnh của Thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con.
A-men.”
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 57)
Lm. Đaminh Trần Đình
Nhi