MÁI ẤM GIA ĐÌNH
Lễ
Thánh Gia
1 Sm 1:20-22.24-28
Lc 2:40-52
1 Ga 3:1-2.21-24
Gia đình là đề tài bất
tận và là mối quan tâm hàng đầu của những bậc làm cha mẹ và những người làm công
tác giáo dục, xã hội, tôn giáo. Không có gia đình cũng chẳng có ai
lo cho thế hệ tương lai. Bởi vậy, muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp, cần
phải tìm ra một khuôn mẫu lý tưởng cho mọi gia đình. Khuôn mẫu đó chính là Thánh
Gia Thất.
GIA ĐÌNH NADARÉT
Gia đình Thánh Gia sống
những ngày thật êm ả tại Nadarét. Ngày ngày sống thánh thiện và tần tảo nuôi
nhau. Một trong những thói quen đạo đức đó là “hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu
trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua” (Lc 2:41). Đức Giêsu càng lớn, cha mẹ
Người càng thấy việc lên đền là chuyện đạo đức cần thiết. Bởi vậy đúng tuổi
mộng mơ nhất, cậu bé Giêsu đã cùng “cả gia đình lên đền” (Lc 2:42). Cuộc hành
trình lên Giêrusalem tượng trưng cuộc hành trình Đức Kitô về với Chúa Cha.
Nhưng chuyện bất ngờ
xảy tới, để lại dấu vết đáng ghi nhớ ngàn đời. “Xong kỳ lễ, hai ông bà trở
về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết” (Lc 2:43).
Cuộc tìm kiếm thật là cam go. “Sau ba ngày, hai ông mới tìm thấy con trong
Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy. Ai nghe cậu nói cũng kinh ngạc về
trí thông minh và những lời đối đáp của cậu” (Lc 2:46,47). Trong khung cảnh rất
thánh đó, Đức Giêsu đã cho mọi người thấy Người là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sự
khôn ngoan đó đã đứng trước một lựa chọn quyết liệt có tính cách định hướng cho
cả cuộc đời. Người chọn xa lìa cha mẹ trần gian để dấn thân vào công việc
nhà Cha trên trời. Bởi vậy, Người đã làm cho cha mẹ kinh ngạc khi nói :
“Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của
Cha con sao” ? (Lc 2:49). Ở nhà Cha để làm gì, nếu không phải để thi hành thánh
ý Chúa Cha ? Quả thực, trong ngôi nhà đó, lương thực nuôi sống Người là thánh
ý Chúa Cha (x.Ga 4:34). Suốt đời Người chỉ biết làm theo ý Chúa Cha (Ga
4:34; 6:38, 39), Đấng đã sai Người. Đó là tóm lược tất cả sứ mệnh Người trên
trần gian. Chính nhờ sự vâng phục tuyệt đối đó, Đức Giêsu đã cứu chuộc toàn
thể nhân loại.
Nhưng trước khi đạt
tới cao điểm đó, Người phải trở về thực tế cuộc sống con người. Bởi vậy,
“sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và vâng phục các ngài”
(Lc 2:51). Chính trong ngôi nhà Nadarét, Người sẽ học cách vâng phục thánh ý Chúa
Cha. Gia đình nhân loại đã trở thành môi trường thuận tiện để con người có
thể học biết và vâng phục Thiên ý. Phương tiện hữu hạn có thể trở thành nhịp
cầu đưa ta vào thiên giới. Không có gì mâu thuẫn. Rời xa những ràng buộc
trần gian chỉ có tính cách chiến lược và giai đoạn, chứ không phải là một lựa
chọn phân biệt tốt xấu hay như một phản kháng đối với giá trị trần thế.
Vì trần gian cũng do chính Chúa dựng nên.
Trải bao năm tháng sống
dưới sự chăm sóc ấm êm của cha mẹ trong ngôi nhà nhỏ bé đó, “Đức Giêsu ngày càng
thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người
ta” (Lc 2:52). Thật là một tầm vóc lý tưởng cả về tri thức, thể lực và đạo đức. Rõ
ràng Đức Giêsu cũng tuân theo định luật phát triển bình thường của con người.
Phát triển này chỉ có thể tìm thấy trong khung cảnh tình yêu gia đình. Đức
Maria và thánh Giuse đã tạo được bầu khí thân thương và một môi trường rất
thích hợp cho việc phát triển đó.
Từ thái độ “sửng sốt”
về việc làm của Người trong đền thờ tới việc “không hiểu lời Người vừa nói” (Lc
2:50), cha mẹ Người bắt đầu có những câu hỏi về “bàn tay Chúa phù hộ” (Lc 1:66)
con mình. “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”
(Lc 2:51). Đức Mẹ không dừng lại bên ngoài sự kiện. Mẹ đã biết đọc những dấu chỉ
Thiên Chúa trong cuộc đời con mình. Mẹ đã có một nỗ lực rất lớn để góp phần
vào việc giáo dục thiếu niên Giêsu. Sống trong niềm tin sâu xa vào bàn tay quan
phòng của Thiên Chúa, cả Mẹ và thánh Giuse đều rất cẩn thận làm gương sáng và đưa
ra một khuôn mẫu lý tưởng cho người con độc nhất ấy. Tương lai cha mẹ ngày
càng rực rỡ với khuôn mặt khôi ngô và dáng vẻ tuấn tú của cậu bé Giêsu. Trong
tình yêu cha mẹ, cậu hiểu được tình yêu Thiên Chúa và có thể đi vào cuộc đối
thoại thân tình với Chúa Cha. Từ cung cách làm con trong gia đình Nadarét, Đức
Giêsu ngày càng hiểu phải đối xử với Chúa Cha như thế nào.
TRONG GIA ĐÌNH THIÊN CHÚA
Thử hỏi trong cuộc sống,
bao nhiêu người có thể dám nghĩ tới một thực tại vô cùng lớn lao này : “chúng
ta được gọi là con Thiên Chúa” (1 Ga 3:1) ? “Tất cả giá trị cuộc đời chúng
ta được xây trên nền tảng đó. Không phải trong tương lai xa xôi, nhưng
ngay hiện tại, Thiên Chúa yêu thương và âu yếm gọi chúng ta là con
! Nhận thức này thúc đẩy chúng ta mạnh dạn sống như Đức Giêsu”
(Life Application Study Bible 1991:2279). Hồng ân làm con Chúa là một giá trị vượt
trên mọi thực tại trần gian. Không thể tưởng tượng vị Thượng Đế vô cùng
cao trọng như thế lại đoái đến thân phận cát bụi chúng ta. Không ai dám tin
mình lại được diễm phúc tuyệt vời như thế. Nhưng “chính Thần Khí chứng thực
cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8:16). Tất cả những
chức tước trên trần gian là cái gì so với danh dự lớn lao này ?!
Danh dự đó không phải
chỉ tìm thấy sau này trên trời. Nhưng ngay trên trần gian này, chúng ta đã
thuộc về gia đình Thiên Chúa, Đấng hằng yêu thương và lắng nghe lời chúng ta cầu
xin. Thực vậy, “bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho,
bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Ngườ.” (1
Ga 1:22). Với tư cách là con, Đức Giêsu cũng không có con đường nào khác để chiếm
lấy tình yêu Thiên Chúa. Dù đang ở giai đoạn nào trong cuộc đời, chúng ta
cũng thấy rất bình an khi sống và thi hành bổn phận trong nhà Chúa.
Bổn phận hàng đầu của
mỗi Kitô hữu là sống theo thánh ý Thiên Chúa. Còn nơi đâu sống theo thánh
ý và cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa sâu xa hơn trong mái ấm gia đình ?
Chính tương quan chằng chịt giữa cha mẹ và con cái đã giữ được hơi ấm tình yêu
Thiên Chúa trong gia đình. Hơn lúc nào, cần phải nỗ lực để nhìn thấy tình
yêu là một hồng ân trong một thế giới tình yêu đang bị phá sản. Hoa trái
tình yêu là con cái càng cần phải được nhìn nhận là một tặng phẩm Thiên Chúa
trao vào tay con người. Nhìn kỹ vào gương Thánh Gia để thấy phải làm cách
nào cho con cái ngày càng lớn “càng thêm khôn ngoan và thêm ân nghĩa trước mặt
Thiên Chúa và người ta.” (Lc 2:52) Đó mới
là những giá trị đích thực bảo đảm một tương lai tươi sáng cho toàn thể nhân loại
!
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP