(Lm.
Anphong Trần Đức Phương)
Theo Sách Tông Đồ Công Vụ( cuốn sách ghi lại
các hoạt động truyền giáo của các Thánh Tông Đồ vào thuở ban đầu của Giáo Hội),
Chúa Giêsu sau khi sống lại, đã hiện ra với các Thánh Tông Đồ nhiều lần trong
vòng “40 ngày” (Cv 1:3) Trong những lần hiện ra
đó, Chúa Giêsu Phục Sinh đã “nói
chuyện với các Ông về Nước Trời”, củng cố đức tin cho các Ông về việc Chúa thực sự đã
sống lại, chuẩn bị tâm hồn các Ông để “đón nhận Chúa Thánh Thần” và trao cho
các Ông nhiệm vụ truyền giáo “cho đến tận cùng trái đất”. Sau đó Chúa Giêsu đã
“lên Trời trước mặt các Ông” (Cv 1:1-9).
“Chúa Giêsu Lên Trời” chỉ có nghĩa là Ngài
không còn hiện ra với các Tông Đồ nữa; tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn ở cùng các
Thánh Tông Đồ và Giáo Hội Chúa, như lời Chúa đã hứa “Thầy vẫn còn ở với chúng
con mỗi ngày cho đến tận thế…” (Mat 28:20). Chúa Giêsu vẫn họat động truyền giáo
với các Thánh Tông đồ: “Các Tông đồ ra đi
rao giảng các nơi, có Chúa cùng họat động
với các Ông…) (Matcô 16,20…). Chúa
Giêsu vẫn là vị Chủ Chăn Chính của Giáo Hội. Các Đức Giáo Hòang chỉ là vị “Đại
Diện” (Vicar) của Chúa Giêsu nơi trần gian; nhưng không “kế vị” Chúa Giêsu. Qua
họat động của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu vẫn rao giãng, ban ơn Thánh hóa chúng
ta qua các phép Bí Tích, ban ơn tha tội, Tế lễ trên Bàn Thờ, nuôi dưỡng chúng
ta bằng Mình và Máu Thánh Chúa trong Bí Tích Thánh Thể…
Trước khi “Lên Trời”, Chúa Giêsu đã hứa với các
Thánh Tông Đồ là Chúa Thánh Thần sẽ đến (Cv 1:8); (Gn 16:7…). Chúa Thánh Thần
là “Đấng Bảo Trợ” (The Advocate), là “Đấng an ủi” (the “Paraclete”,
“Comforter”).
Đúng như lời Chúa Giêsu đã hứa, Chúa Thánh Thần
đã hiện xuống dưới “hình lửa” trên từng Tông Đồ và các Tông Đồ “được tràn ngập
ơn Chúa Thánh Thần” (Cv 2: 1-4). Ngày đó trùng vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Lễ Ngũ
Tuần là Đại Lễ của Do Thái Giáo, vào đúng vào ngày thứ 50 sau ngày Chúa Giêsu
sống lại (‘Pentecost’ ‘ngày thứ 50); vì thế chúng ta mừng Lễ Chúa Thánh Thần
vào ngày thứ 10 sau Lễ Chúa lên Trời. Lễ Chúa Giêsu Lên Trời được mừng vào ngày
Thứ Năm sau Chúa Nhật VI mùa Phục Sinh
(đúng 40 ngày sau Chúa Nhật Phục Sinh), nhưng thường được chuyển vào Chúa Nhật
VII mùa Phục Sinh. Như vậy Lễ Chúa Thánh Thần được mừng vào Chúa Nhật sau Chúa
Nhật VII mùa Phục Sinh; sau đó chúng ta bước sang Mùa Thường Niên, chu kỳ II.
Ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày khởi
đầu của Giáo Hội, ngày “Sinh Nhật” của Giáo Hội, cũng là ngày khởi đầu công
cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Ơn Chúa Thánh Thần đã biến cải các Tông đồ trở
nên những người can đảm, những người thông hiểu Kinh Thánh và nhớ lại các điều
Chúa Giêsu đã giảng dạy. Các Ngài không còn “đóng kín cửa vì sợ người Do Thái”
(Ga 20:19); nhưng bắt đầu rao giảng cho dân chúng đang tụ họp chung quanh nơi các Ngài ở (Cv 2:14…) và đã có nhiều người
ăn năn sám hối và xin chịu Phép Rửa để gia nhập Giáo Hội Chúa (Cv 2:41).
Từ ngày đó, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, công cuộc
truyền giáo của Giáo hội tiếp tục phát triển qua thời gian cho đến ngày nay, và
Giáo hội được mở rộng đến các dân tộc (Luca 24:47) để đem Tin Mừng tình thương
và ơn cứu rỗi đến cho mọi người, để “ai tin thì sẽ được cứu rỗi….” (Matcô
16:15…). Qua các thời gian, Chúa Thánh Thần vẫn che chở Giáo hội Chúa qua “mọi cơn gian nan khốn khó!”;
qua bao cuộc “bách hại” khủng khiếp.
Ngay từ thuở ban đầu, Giáo hội đã bị “bách hại”
mà vị tử đạo đầu tiên là Thánh Têphanô. Các Giáo hữu đầu tiên đã phải tản mát
đi khắp nơi để bảo vệ đức tin và đi đến đâu lại rao truyền Đạo Thánh Chúa cho
mọi người họ gặp gở hàng ngày; nhờ thế càng thêm nhiều người được rao giảng Tin
Mừng và gia nhập Giáo Hội Chúa. Đó là phong trào “Diaspora” của người Kytô hữu
thuở Giáo hội lúc ban đầu.
Khi Giáo hội tràn lan đi khắp nơi, tới Thủ đô
Rôma thì cuộc bách hại trở nên dử dội hơn với Néron và nhiều Hòang Đế Rôma khác,
suốt hai ba thế kỷ cho đến năm 313. Trong những cuộc bách hại đó, từ các vị
Giáo Hòang (mà đầu tiên là Thánh Phêrô), các Giám Mục, và mọi Kytô hữu đều bị
lùng bắt và bị hành hạ dã man cho đến chết, có người bị thiêu sống, có người bị
ném cho thú dử ăn thịt nơi các hý trường tại Rôma. Thánh Phaolô và các Tông Đồ
đều bị tử đạo. Thánh Gioan bị đày ra đảo Patmos . Lúc đó chẳng có một tổ chức
“Nhân quyền”nào, hoặc một tổ chức nào có thể lên tiếng để bênh vực. Các vua chúa
có tòan quyền bách đạo. Các Tin hữu không còn đường nào trốn chạy, phải vào các
Nghĩa trang để đào các hầm mộ mà trú ẩn trong ngững điều kiện thật khổ sở; đó
là các “Catacombes” đào sâu xuống đất và
dài hằng cây số. Các “Hầm
Mộ” hiện còn ở Rôma, mà khách hành hương có thể
đến thăm viếng để thấy đức tin của các tín hữu lúc ban đầu mạnh mẽ như thế nào.
Tất cả đều nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Cũng nhờ ơn Chúa Thánh Thần họat động trong
Giáo hội mà dù bách hại tàn bạo như vậy, nhưng Giáo hội tại Rôma lúc đó không
bị tiêu diệt, trái lại vẫn triển nở, vẫn lan tràn đi khắp nơi cho đến ngày nay.
Trái lại các Hòang Đế Rôma cũng như đế quốc Rôma hùng vĩ như vậy đã tan biến
đi, nay chỉ còn là “vang bóng một thời”.
Ngay tại quê hương Viêt Nam, Giáo hội lúc ban
đầu cũng bị các vua chúa triều Nguyễn bách hại thật tàn bạo và bằng nhiều cách
khôn khéo , như chủ trương “Gia Tô phân sáp…” Tất cả đều nhằm tiêu diệt Đạo Chúa, dù mới
được chớm nở tại quê hương chúng ta. Dầu vậy Giáo Hội tại Việt Nam cũng đã
không bị tiêu diệt, mà vẫn triển nở; còn các triều đại Nhà Nguyễn đều đã đi vào
dỉ vãng.
Nếu
không có Chúa Thánh Thần nâng đở che chở làm sao Giáo hội mới chớm nở ở Rôma, ở
Việt Nam, và nhiều nơi khác trên thế giới không bị tiêu diệt dù bị đàn áp tàn
bạo như vậy. Những người Cộng Sản vô thần cũng đã tìm đủ mọi cách để tiêu diệt
đức tin của các tín hữu nơi các nước họ đã chiếm được. Với những tính tóan rất
kỷ lưỡng họ đã tin tưởng mạnh mẻ là Giáo hội sẽ bị họ tiêu diệt mau chóng ở
khắp nơi họ tràn đến; nhưng chế độ Công Sản đã bị sụp đổ ở hầu hết các nơi;
nhưng Giáo hội ở các nơi đó vẫn không bị tiêu diệt mà vẫn phát triển nhờ Chúa
Thánh Thần che chở, giử gìn.
Đạo Thánh Chúa không phải chỉ bị bách hại ở một
nơi nào đó, vào một thời kỳ nào đó; nhưng luôn bị bách hại ở mọi nơi và dưới
thật nhiều hình thức khác nhau do mưu mô của “ma quỷ thế gian” bày đặt ra ; vì
“bóng tối thì luôn ghét ánh sáng…”. Chúng ta hãy luôn cầu xin Chúa Thánh Thần
ngự đến để canh tân thế giới chúng ta, để bảo vệ nhân quyền và tự do Tôn giáo,
“ hiệp nhất chúng ta nên một” trong cùng một gia dinh nhân loại và ban hòa bình cho các tâm hồn , các gia đình và
thế giới chúng ta.
Xin Chúa Thánh thần ngự đến giúp chúng ta là các
tín hữu của Chúa, luôn biết sống làm sao để “làm chứng cho Chúa” bằng chính đời sống lương thiện, công chính, và hòa hợp, yêu thương đối với mọi ngừơi. Xin Chúa Thánh thần ngự đến
để giúp chúng ta biết đem Tin Mừng tình thương của Chúa đến cho mọi ngừơi chung sống với chúng ta
trong cuộc
sống hàng ngày: trong gia đình, trong khu xóm,
nơi sở làm, trừơng học…Xin Chúa Thánh thần ngự đến để gìn giữ Gíao Hội qua mọi
cuộc bách hại, và gìn giữ chúng ta luôn nắm vững Đức Tin tinh tuyền giữa bao chủ
trương sai lạc của thế giới hôm nay.