Chúa Nhật Lễ Lá

(Lu-ca 22:14 – 23:56)

    

          Trình thuật Thương Khó của Chúa Giê-su giống như một hạt kim cương tuyệt vời được nhìn từ nhiều góc cạnh.  Ta có thật nhiều chi tiết dùng làm đề tài suy niệm và cầu nguyện.  Mỗi nhân vật, mỗi hành vi hoặc lời nói cũng có thể là một đề tài phong phú.  Hôm nay ta hãy chiêm ngưỡng Chúa Giê-su cầu nguyện trong cuộc Thương Khó của Người như thế nào.  Đó cũng là một bài học thực hành sống động cho ta mỗi khi phải đối phó với nghịch cảnh trong cuộc đời.

 

1)  Chúa Giê-su cầu nguyện tại núi Ô-liu trước khi cuộc tử nạn bắt đầu

 

          Chúa Giê-su sắp phải đối phó với một thử thách vô cùng lớn lao.  Thử thách này đã manh nha từ ngày Người làm một quyết định dứt khoát:  “Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem” (Lc 9:51).  Rồi khi Chúa và các môn đệ tới gần Thánh đô, “Người đi đầu, tiến lên Giê-ru-sa-lem” (Lc 19:28).  Tuy nhiên bên cạnh thái độ dứt khoát và hăng hái ấy, Chúa Giê-su vẫn cảm nghiệm cơn cám dỗ bỏ cuộc đeo đẳng bên Người, cơn cám dỗ làm theo ý riêng chứ không thi hành thánh ý Chúa Cha.  Lên Giê-ru-sa-lem có nghĩa là phải đương đầu với sức chống đối kịch liệt của những nhà lãnh đạo Do-thái:  thượng tế, nhóm Pha-ri-sêu và các kinh sư.  Tính mạng của Chúa Giê-su bị đe dọa.  Tuy nhiên, con đường mặc khải tình yêu Thiên Chúa chưa đi hết, sứ mệnh Đấng Mê-si-a của Chúa Giê-su chưa hoàn tất.  Chúa Giê-su bị giằng co giữa hai mãnh lực.  Một đàng là phải can đảm và tín thác thi hành ý Chúa Cha để chấp nhận đường khổ giá và cái chết nhục nhã vì lợi ích của toàn thể nhân loại.  Đàng khác là bản năng con người sợ hãi đau khổ và cái chết, nhưng tham vọng muốn vươn lên trong xã hội với quyền cao chức trọng.  Cám dỗ nằm trong sự giằng co ấy.

          Không biết ta phải coi cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su bắt đầu từ thời điểm nào, có thể từ lúc Chúa cùng các môn đệ đi ra núi Ô-liu và Chúa cầu nguyện trong “cơn xao xuyến bồi hồi... và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22:44).  Cho dù khởi đầu từ đó hay trước nữa thì cầu nguyện vẫn là nguồn mạch ân sủng nâng đỡ Chúa Giê-su (và cả ta nữa) trước mọi thử thách cám dỗ.  Chúa Giê-su biết rõ sức mạnh của con người có hạn.  Trong khi ăn tiệc Vượt Qua với các môn đệ trước đó ít giờ, Chúa Giê-su đã nhắn nhủ Si-mon và các bạn ông:  “Si-mon, Si-mon ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo.  Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh khỏi mất lòng tin” (Lc 22:31).  Cầu nguyện để vượt qua được giới hạn nhỏ bé của con người và để khỏi mất lòng tin nơi Thiên Chúa.  Chúa Giê-su đã làm điều đó trong vườn Ô-liu.  Người cũng sợ mất lòng tin nơi tình yêu của Chúa Cha, vì cám dỗ mất lòng tin là một cám dỗ hết sức nguy hiểm và tinh tế.  Với kinh nghiệm cá nhân, Chúa Giê-su dạy bảo môn đệ:  “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22:40).  Và khi môn đệ vẫn chưa thuộc bài cầu nguyện, Người không ngần ngại nhắc bảo họ:  “Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22:46).

          Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su ngắn gọn, nhưng đi ngay vào điểm chính, với tâm tình khiêm tốn, thân mật và kính trọng.  Cầu xin một điều có thể tốt cho mình, nhưng Chúa Giê-su lại hoàn toàn để cho Chúa Cha nhận định và xác quyết xem có thực sự là tốt cho mình hay không.  Đó là một lời cầu nguyện gương mẫu cho ta mỗi khi ta cầu xin Chúa một điều gì.  Nó nói lên tình yêu, tín thác, hoàn toàn tin vào kế hoạch của Thiên Chúa.

          Điểm làm ta phấn khởi nhất, đó là lời cầu nguyện của Chúa Giê-su có hiệu quả.  “Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người” (Lc 22:43).  Đúng thế, Chúa Giê-su cần sức mạnh đến từ tình yêu Chúa Cha, để Người thắng được Xa-tan trong cuộc Thương Khó Người sắp chịu.  Trung thành với thánh ý Chúa Cha cho đến hơi thở cuối cùng là hiệu quả của lời cầu nguyện chân thành trước giờ tử nạn vậy.

 

2)  Chúa Giê-su cầu nguyện trên thập giá

 

          Cũng lại là những lời cầu nguyện ngắn gọn và nảy sinh từ tình huống hiện tại.  Lời cầu nguyện thứ nhất là:  “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).  Thực là một lời cầu nguyện lạ lùng và không thể chấp nhận được theo lối suy nghĩ của người đời.  Ai đời lại cầu nguyện cho chính những kẻ hành hạ và đóng đinh mình!  Mẹ Tê-rê-xa Calcutta đã nói:  cầu nguyện mở rộng và biến đổi con tim loài người thành con tim của Thiên Chúa.  Có được con tim của Thiên Chúa, con tim của Tình Yêu đích thực, ta mới có thể tha thứ cho kẻ thù, vì tha thứ kẻ thù là điều vượt khả năng của con người.  Lời cầu nguyện này của Chúa Giê-su còn là lời biện hộ cho kẻ thù nữa:  vì họ không biết việc họ làm.  Không biết mà làm thì sao có tội được.  Ôi!  Chỉ có Chúa Giê-su mới kỳ cục, mới cố tình bao che cho kẻ thù như vậy!  Ấy thế mà lại là lời cầu nguyện có một không hai đấy.

          Lời cầu nguyện thứ hai trên thập giá cũng là lời cầu nguyện cuối cùng của một đời người:  “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46).  Kết thúc như thế nào thì khởi đầu cũng như vậy.  Lời cuối cùng của Chúa Giê-su nói vể Thiên Chúa là:  Cha.  Nếu đọc lại đoạn Tin Mừng Lu-ca 2:41-50, ta sẽ thấy lời đầu tiên của Người nói về Thiên Chúa cũng là Cha.  Thực vậy, mối quan hệ của Chúa Giê-su với Thiên Chúa đã được duy trì và phát triển luôn mãi, từ khi bắt đầu khôn lớn cho tới lúc tắt thở trên thập giá.  Do đó, lời “Lạy Cha” trên thập giá của Chúa Giê-su biểu lộ tột đỉnh mối quan hệ ấy và đưa Chúa Giê-su đi vào kết hiệp với Thiên Chúa trong tình yêu vĩnh cửu.

 

3)  Cầu nguyện khi gặp nghịch cảnh

 

          Bình thường khi không gặp phải khốn khó hoạn nạn, ta cầu nguyện bằng những tâm tình chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ và hối lỗi.  Nhưng khi hữu sự, ta cầu nguyện với Chúa, xin cho tai qua nạn khỏi, xin được ơn này ơn nọ.  Khi ấy, liệu ta có biết cầu nguyện như Chúa Giê-su không?  Cầu nguyện để được theo thánh ý Chúa.  Cầu nguyện để biết tha thứ cho kẻ thù.

          Nghịch cảnh có thể làm ta bối rối và quên đi mối quan hệ giữa ta với Chúa.  Nhưng nếu ta có quan hệ tốt với Chúa như Chúa Giê-su có đối với Cha Người, thì ta sẽ cầu nguyện khởi đi từ mối quan hệ ấy.  Với con tim yêu thương, ta sẽ nhìn nghịch cảnh theo lăng kính của tình yêu.  Mà giả như ta không nhìn ra được, ta sẽ tín thác vào lối nhìn của Thiên Chúa để hiểu được ý nghĩa đích thực của nghịch cảnh.  Cuộc Thương Khó làm cho Chúa Giê-su lo lắng bồi hồi, nhưng không thể lung lạc được tình yêu của Người đối với Chúa Cha.  Chính vì thế, Người đã “cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục” (Dt 12:2) để hoàn tất công trình cứu độ Chúa Cha đã trao phó cho Người thực hiện.

          Cầu nguyện trước nghịch cảnh luôn mở ra cho ta một chân trời mới để từ đó ta có một cái nhìn rộng rãi và bao dung, đối với ta và đối với người khác.  Nhưng quan trọng nhất, đó là nó giúp ta nhìn về Thiên Chúa và nhận ra tình yêu đặc biệt Người tỏ ra cho ta trong hoàn cảnh đặc biệt hiện thời.

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su dạy tôi bài học nào ý nghĩa nhất?

          Suy nghĩ lại về cách cầu nguyện của tôi mỗi khi gặp khó khăn hoạn nạn.  Có bao giờ tôi nghĩ đến cách cầu nguyện của Chúa Giê-su trước và trong cuộc Thương Khó không?  Tại sao những lần cầu nguyện ấy không đem lại cho tôi bình an và tin tưởng vào Chúa?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,

          đó là ơn nhận ra Thánh giá của Con Cha

          trong mọi nỗi khổ đau của đời con,

          và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh giá,

          bao lâu tùy ý Cha định liệu.

          Xin đừng để con trở nên chua chát

          nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ

          với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ

          và lòng khát khao nóng bỏng

          có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.

          Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ

          của những người đã yêu mến Cha,

          đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ,

          tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.

          Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con

          nói lên lòng tin của con vào những lời hứa của Cha,

          lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha,

          và lòng mến mà con dành cho Cha.

          Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân

          và yêu Cha chỉ vì Cha,

          chứ không mong phần thưởng.

          Ước gì Thánh giá trở nên mẫu gương cho con,

          là ánh sáng cho đêm tăm tối,

          nhờ đó con không còn coi khổ đau

          như một tai họa hay một điều vô lý,

          nhưng như một dấu chỉ cho thấy

          con đang thuộc về Cha mãi mãi”.

    - Cha Karl Rahner

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 63)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C