Lễ
Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô
(Lu-ca 9: 11b-17)
Suy
niệm về Bí tích Thánh Thể, các bài Tin Mừng của chu kỳ phụng vụ trình bày những
góc cạnh khác nhau về việc Chúa Giê-su ban Mình và Máu Thánh Người cho nhân
loại. Năm A, với bài Tin Mừng Gio-an
6:51-58, ta lắng nghe lời giảng của chính Chúa Giê-su nói về ý nghĩa và hiệu
quả của Thánh Thể. Bài Tin Mừng năm B
(Mc 14:12-16.22-26) kể lại chính biến cố Chúa lập Bí tích Thánh Thể trong bữa
Tiệc ly. Năm nay (C), bài Tin Mừng Lu-ca
kể lại phép lạ Chúa làm cho bánh hóa nhiều nuôi đám đông dân chúng và các Tông
đồ giúp Chúa phân phát bánh cho họ. Ta
thử tìm hiểu ý nghĩa của phép lạ này và suy nghĩ về bữa tiệc Thánh Thể của toàn
thể Giáo Hội mà ta tham dự.
1) “Dân chúng đi theo
Người... Người tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai
cần được chữa”
Chúa
Giê-su sai các Tông đồ đi tập sự loan báo Tin Mừng trong một thời gian. Khi trở về, họ vui vẻ thuật lại cho Người
những gì họ đã thực hiện. Nhưng con
đường huấn luyện còn dài và các ông còn cần rất nhiều những chỉ bảo dạy
dỗ. Do đó, Chúa Giê-su đưa các ông về
Bét-xai-đa, tránh xa đám đông dân chúng để các ông có cơ hội chia sẻ kinh
nghiệm tông đồ và học hỏi thêm. Thế mà
dân chúng cũng biết được Người đang ở đâu và tìm đến với Người.
Dân
chúng đi theo Người vì nhiều lý do. Một
đàng Chúa Giê-su có quyền lực thu hút dân chúng. Đàng khác dân chúng có những nhu cầu chỉ có
Chúa Giê-su mới có thể giúp họ được thỏa đáng.
Giữa Chúa Giê-su và dân chúng đã bắt đầu có một mối quan hệ, quan hệ
giữa Mục Tử nhân lành và đoàn chiên.
Trong quan hệ ấy, họ cần đôi tay giang rộng của Chúa để tiếp đón họ,
lắng nghe những thao thức trăn trở của họ.
Họ cần nghe được một giáo lý mới mẻ đem lại cho họ luồng sinh khí mới,
chứ không phải mớ luật lệ nặng nề máy móc như họ vẫn thường phải nghe và tuân
giữ. Họ có bao nhiêu vết thương cần được
chữa lành, vết thương thể xác do bệnh tật hay lam lũ, vết thương tinh thần do
mất mát đổ vỡ trong cuộc sống hoặc bị xã hội áp bức bất công. Trong hoàn cảnh ấy, Chúa Giê-su đã cảm thông
với họ bằng trái tim của Thiên Chúa.
Thánh sử mô tả Chúa Giê-su đã thi hành sứ mệnh đối với dân chúng như thế
nào: “Người tiếp đón họ, nói với họ về
Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được cứu chữa” (Lc 9:11).
Đối
với các Tông đồ, các ông vừa thực tập việc tông đồ nên đã bắt đầu biết theo
gương Thầy, quan tâm tới người khác.
Nhưng các ông chỉ có thể đưa ra những sáng kiến hợp lý và trong tầm mức
loài người thôi. Giải pháp tốt nhất các
ông đề nghị để giải quyết vấn đề của dân chúng lúc này là “Xin Thầy cho đám
đông về” để họ tự lo cho những nhu cầu ăn uống ngủ nghỉ của họ. Tuy nhiên lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng
của Chúa và lòng khao khát đón nhận Tin Mừng của dân chúng còn to lớn hơn cả
những nhu cầu cấp thiết của họ nữa. Vì
thế, Chúa có lối giải quyết của Người.
2) “Chúa Giê-su cầm lấy năm
cái bánh và hai con cá...”
Ta
cứ tưởng tượng ra khung cảnh hơn năm ngàn người, chưa kể đàn bà và trẻ em, yên
lặng và trang nghiêm ngước mắt nhìn lên Chúa Giê-su. Trước khi làm phép lạ cho bánh hóa nhiều,
Người không hô hoán phù phép như một ảo thuật gia, cũng không nghênh ngang đắc
chí như một người ban phát ân huệ cho đám lê dân. Nhưng Người có những cử chỉ cung kính, trân
trọng và cầu nguyện: “ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho
môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông”, đúng như một bữa ăn gia đình Do-thái.
Phong
cách ấy được lập lại trong bữa Tiệc Ly khiến ta xác tín phép lạ hóa bánh ra
nhiều này là hình bóng báo trước biến cố trọng đại Chúa lập Bí tích Thánh
Thể. Đám đông dân chúng là hình ảnh Giáo
Hội, với những người anh chị em có những nhu cầu chỉ Chúa Giê-su mới đáp ứng
cho họ. Không chỉ là những nhu cầu “tìm
chỗ trọ và kiếm thức ăn”, nhưng là những nhu cầu thiêng liêng, đói khát lời
Chúa và tình yêu Thánh Thể của vị Mục Tử nhân lành. Giáo Hội quây quần chung quanh bàn tiệc Thánh
Thể, để đón nhận lời Chúa và rước lấy Mình Máu Thánh Chúa làm lương thực. Cũng giống như đám đông dân chúng ngày xưa đi
theo Chúa cần đến phép lạ bánh và cá hóa nhiều, thì Giáo Hội mọi thời cũng cần
Thánh Thể trong cuộc hành trình theo Chúa đi về nhà Cha. Phép lạ bánh hóa nhiều chỉ xảy ra một hoặc
hai lần, nhưng phép lạ bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa Giê-su thì
xảy ra từng giờ từng phút khắp nơi trên mặt đất khi các linh mục dâng Thánh Lễ.
Về
phép lạ hóa bánh ra nhiều, thánh Lu-ca đã ghi lại sự phong phú dư dật của bữa
ăn lạ lùng: “Mọi người đều ăn, và ai nấy
được no nê. Những miếng vụn còn thừa,
người ta thu lại được mười hai thúng”.
Suy nghĩ về sự phong phú của Bí tích Thánh Thể, ta có thể cảm nghiệm
được tình yêu của Chúa bao la như thế nào.
Sự phong phú này được thể hiện qua mỗi Thánh Lễ, giúp ta nhớ lại lời
Chúa Giê-su đã hứa: “Thầy ở cùng anh em
mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).
Tình yêu của Thiên Chúa đầy tràn đến độ không những Người sai Con Một
đến ở giữa nhân loại, mà Người Con ấy còn tự nguyện ở lại với họ mọi ngày cho
đến tận thế. Cùng với tình yêu của Thiên
Chúa, ta cũng nhận ra tình yêu của con người.
Đến với Bí tích Thánh Thể và Thánh Lễ, mọi người lãnh nhận tình yêu của
Chúa, nhưng cũng sẵn sàng biểu lộ tình yêu thương nhau, để sự phong phú tình
yêu được lan tràn theo mọi chiều kích dọc ngang.
3) “Chính anh em hãy cho họ
ăn”
Thánh
Thể là phương cách biểu lộ tình yêu.
Chúa Giê-su muốn ở gần ta nên Người chọn phương cách này để làm thỏa mãn
cơn đói Thiên Chúa của ta. Người truyền
dạy các môn đệ: Chính anh em hãy cho họ
ăn. Trong tinh thần chia sẻ “cùng một
bánh và một chén”, Bí tích Thánh Thể đưa ta đến hành động. Nếu ta đã được phúc lãnh nhận tình yêu Thiên
Chúa, thì đến lượt ta cũng phải chia sẻ tình yêu đó với anh chị em. Dĩ nhiên, vốn liếng tình yêu của ta thật
nghèo nàn, giống như các Tông đồ “chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá”. Nhưng Chúa chỉ cần có thế thôi, Người sẽ sử
dụng sự nghèo nàn của ta để thực hiện sự phong phú của Bí tích Thánh Thể.
Điều
quan trọng khác để ta sống Bí tích Thánh Thể là ta có biết nhận ra sự đói khát
của anh chị em hay không. Các Tông đồ đi
theo Chúa nên đã học theo gương Chúa lo lắng cho tha nhân. Các ông đã nhận ra được những nhu cầu của dân
chúng, dù chỉ là những nhu cầu vật chất.
Dần dần, họ nhận ra những nhu cầu tinh thần và thiêng liêng của nhân
loại và đã ra đi thi hành sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Cũng vậy, nếu ta không uốn nắn con tim và tập
nhạy cảm trước những nhu cầu của anh chị em, ta sẽ không thể nhận ra được những
nhu cầu ấy. Những người đi theo Chúa đâu
có kêu ca với các Tông đồ là họ đang đói lắm.
Thế mà các ông nhận ra được. Tình
yêu đích thực luôn nhìn thấy trước được những nhu cầu người khác chưa nói lên.
4) Suy nghĩ và cầu nguyện
Thánh
Lễ là bữa tiệc của toàn thể Giáo Hội.
Nhưng tôi có ý thức tầm quan trọng của Thánh Lễ không? Tôi có sống ngoài vòng liên kết tình yêu của
Thánh Thể không?
Thánh
Thể liên kết tôi với Chúa và tôi với anh chị em. Vậy sự liên kết ấy đòi tôi phải làm những gì
cho Chúa và cho anh chị em?
“Chính
anh em hãy cho họ ăn” có phải là một mệnh lệnh quá đáng đối với tôi không? Tôi đã làm được gì để xoa dịu cơn đói tinh
thần của anh chị em?
Cầu
nguyện
“Lạy
Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa
đến với chúng con
dưới
dạng tấm bánh bình thường.
Tấm
bánh chẳng nói gì, chỉ biết lặng lẽ chờ đợi.
Tấm
bánh hiện diện là để phục vụ con người.
Tấm
bánh quá đỗi mong manh, nhỏ bé,
có
thể bị ẩm mốc làm hư hoại,
và
tan rất mau sau khi được nhận lãnh.
Lạy
Chúa Giê-su, có cái gì tương tự
giữa
phận làm người và phận làm bánh của Chúa.
Xin
cho chúng con biết cách đến với con người hôm nay:
đơn
sơ, khiêm hạ,
không
chút vinh quang hay quyền lực.
Nhờ
ăn tấm bánh của Chúa,
chúng
con cũng trở nên tấm bánh ngon,
được
bẻ ra để đáp ứng khẩu vị của nhiều người.
Ước
gì chúng con dám rước Chúa
đi
vào mọi vùng mờ tối của lòng mình,
để
sự hiện diện của Chúa trong con được lớn lên.
Và
ước gì chúng con trở thành
những
Nhà tạm di động,
đem
Chúa đến cho đồng bào
và
quê hương chúng con. A-men.”
(Trích
RABBOUNI, lời
nguyện 106)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi