THỜI CƠ ĐÃ
ĐẾN !
Chúa Nhật 1C Mùa Chay
Đnl 26:4-10
Lc 4:1-13
Rm 10:8-13
Cuộc đời dệt bằng những
thách đố liên tục. Không có thách đố,
con người không thể lớn lên. Cám dỗ là một thách đố hay một trở ngại cản bước
tiến nhân loại ? Đức Giêsu sẽ vạch rõ tất
cả bộ mặt của tên cám dỗ và sẽ cho thấy khả năng của lời Chúa trong việc chiến
thắng kẻ tử thù lớn lao đó.
CUỘC GIAO TRANH TRỐNG
MÁI.
Hoang địa vẫn là hình ảnh lý tưởng cho dân Do thái gặp gỡ Thiên Chúa. Nhưng hoang địa cũng là nơi đầy thử thách. Bốn mươi năm lang thang trong hoang địa đã
tạo nên cảmột lịch sử Dân Chúa. Hôm nay
sắp thành lập một dân mới, Đức Giêsu cũng “được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa
và chịu quỷ cám dỗ.” (Lc 4:2) Hai hình
ảnh Thánh Thần và quỉ dữ đã nói lên tất cả những gì lý tưởng nhất và thử thách
nhất trong lịch sử dân mới. Đức Giêsu
muốn hoàn toàn chia sẻ tất cả những thách đố trong thân phận làm người. Cám dỗ sẽ là một dịp để con người lớn lên và
xác định rõ nhân cách và địa vị của mình
Cám dỗ trước tiên có liên quan tới sự sống vật chất. “Suốt bốn mươi ngày, Người không ăn gì cả, và
khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói.” (Lc 4:2) Trong cảnh thiếu thốn cùng cực đó, người ta
mới thấy rõ tất cả nhân cách con người.
Tên quỉ vừa mời mọc vừa thách thức : “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền
cho hòn đá này hóa bánh đi !” (Lc 4:3)
Còn cơ hội nào lớn hơn cho Đức Giêsu xác định dứt khoát bản tính cao cả
của mình ? ! Nhưng Người không mắc mưu
một cách dễ dàng như vậy, mặc dù thực sự Người là Con Thiên Chúa và có dư uy
quyền để làm chuyện đó. Nhưng lúc này,
Người cần phải lên tiếng xác quyết có những giá trị cao vượt hơn những nhu cầu
vật chất: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.” (Lc 4:4) Kinh khủng thật ! Giữa lúc bụng cồn cào, gào thét như thế mà
miệng vẫn khăng khăng xác định một giá trị lớn hơn. Giá trị đó chính là “mọi lời miệng Thiên Chúa
phán ra.” (Đnl 8:3; Mt 4:4) Thật vậy,
“vũ trụ đã được hình thành bởi lời của Thiên Chúa; vì thế, những cái hữu hình là
do những cái vô hình mà có.” (Dt 11:3)
Như vậy, Người suy tôn giá trị tối thượng của Lời Chúa tức là chính
mình.
Cơn cám dỗ vật chất vẫn không buông tha Người, nhưng xuất hiện ở dạng
tinh vi hơn. Tên cám dỗ vẽ lên một hình
ảnh tuyệt vời về thế gian với “quyền cai trị và vinh hoa lợi lộc” (Lc 4:6) Quyền bính vẫn là một cám dỗ đáp lại nhu cầu
thống trị của con người. Tên cám dỗ đầy
tưởng tượng khi xác quyết : “Quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn
cho ai tùy ý.” (Lc 4:6) Nó tự nhận mình
là Chúa tể muôn loài. Bởi vậy, nó mới lên
giọng : “Nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” (Lc 4:7) Thật là
kinh khủng ! Nó muốn đưa Đức Giêsu vào
mê hồn trận ! Nhưng cơn đói vẫn không làm
lu mờ trí phán đoán của Người. Người khẳng
khái phản đối : “Đã có lời chép rằng : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa
của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” (Lc 4:8) Con người đứng trước hai lựa chọn : Thiên Chúa
hay ma quỉ. Bên nào cũng đòi phải vâng
phục. Nhưng hai vâng phục hoàn toàn khác
nhau. Vâng phục Thiên Chúa sẽ nâng cao và
giải thoát con người. Trái lại vâng phục
ma quỉ chỉ là nô lệ tội lỗi. Chính vì
thế, khi Đức Giêsu chịu cám dỗ, “Thiên Chúa làm cho Đức Kitô liên đới với loài
người tội lỗi (Rm 8:3; Gl 3:13) để loài người được liên đới với lòng vâng phục
và sự công chính của Đức Kitô (Rm 5:19)” (Nhóm Phiên Dịch CGKPV 1995: 722) Trở nên công chính tức là được cứu độ. Như thế, qua cơn cám đỗ này, Đức Giêsu đã xác
định mình chính là Đấng Cứu thế đem lại niềm hi vọng lớn lao cho toàn thể nhân
loại.
Thực vậy, từ nay “mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng.”
(Rm 10:11) Thực tế, quyền lực và lợi lộc
không đủ bảo đảm hạnh phúc con người.
Khi vượt lên trên những cám dỗ vật chất , Đức Giêsu đã đem lại hạnh phúc
đích thực và đã qui tụ được muôn dân.
Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra sau khi Người đã vượt qua cơn cám dỗ lớn
nhất chính là cái chết trên thập giá.
“Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết” để từ nay “không có sự
khác biệt giữa Do thái và người Hy lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng
quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người.”( Rm 10: 9,12) Kêu cầu với niềm tin tưởng tuyệt đối, con
người “sẽ được cứu độ.” (Rm 10:9)
Sau cơn cám dỗ quyền lực và lợi lộc vinh hoa, Đức Giêsu bước vào cơn
cám dỗ về niềm tin. Địa vị và bản tính
Người bị đặt thành vấn đề trước một thách thức : “Nếu ông là Con Thiên Chúa . .
.” (Lc 4:9) Trong cám dỗ thứ nhất Đức Giêsu
đã gặp thách thức đó rồi. Nhưng ở đây,
mức độ cám dỗ mãnh liệt hơn vì xoáy sâu vào tương quan giữa Người và triều thần
Thiên quốc và chính Thiên Chúa. Nhưng Đức
Giêsu chứng tỏ tất cả quyền uy và bản tính Người để kết thúc những màn vật lộn
với quỷ thần : “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (Lc
4:12) Tên quỉ không ngờ đã đụng phải uy
quyền tuyệt đối trong một thân phận mỏng manh như thế.
CON ĐƯỜNG CỨU ĐỘ.
Cơn cám dỗ vẫn còn đó. “Quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ,” (Lc 4:13) để cám
dỗ huyền nhiệm của Đức Kitô là Giáo hội.
Quyền bính và lợi lộc vinh hoa vẫn là những cơn cám dỗ muôn đời. Nhưng Giáo hội vẫn tồn tại vì đã không ngừng
“rao giảng (Lời Thiên Chúa) để khơi dậy niềm tin” (Rm 10:8) trong lòng dân Chúa,
hầu đem lại sức mạnh chiến thắng tên cám dỗ và đạt đến ơn cứu độ nhờ Đức Giêsu
Kitô.
Con đường cứu độ duy nhất chính là “phủ phục trước tôn nhan Đức Chúa,
Thiên Chúa của anh (em)” (Đnl 26:10), vì “tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa
sẽ được cứu thoát.” (Rm 10:13) Con người
phải tự quyết định vận mệnh của mình. “Ơn cứu độ nơi Đức Kitô thuộc về cá nhân, sâu xa
trong nội tâm,” (Fahey 1994:219) nhưng cũng gắn liền với nhiệm thể Đức Giêsu là
Giáo hội, tức là anh em đang chia sẻ cùng một niềm tin vào sứ mệnh cứu độ do Đức
Giêsu dành cho thế giới hôm nay và ngày mai.
Lý tưởng là như thế. Nhưng
thực tế vẫn đầy những cám dỗ. Cùng rao
giảng Tin Mừng, cùng chia sẻ một niềm tin và hi vọng, và cùng cầu nguyện với một
Chúa, nhưng anh em Kitô hữu hôm nay vẫn chưa vượt qua được cơn cám dỗ chia rẽ
chúng ta. Cuộc giao tranh sống mái với
“cái tôi” cồng kềnh trong mọi định hướng và chương trình vẫn lấn át cả tiếng Chúa. Cám dỗ không còn là cơ hội xác định mình chỉ
là nơi để Đức Kitô lớn lên. Nếu chỉ nghĩ
đến những quyền lợi vật chất, vinh hoa lợi lộc trước mắt, chắc chắn Đức Kitô đã
ngã gục trước mưu kế thâm độc của Satan.
Sở dĩ sau bốn mươi ngày ăn chay, Người vẫn còn đủ sức chống lại mọi cám
dỗ, vì “lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất
công trình của Người.” (Ga 4:34) Ý muốn
đó rhể hiện rõ ràng trong Lời Chúa. Công
trình của Người là cứu độ trần gian, một công trình còn dở dang trong huyền nhiệm
Đức Giêsu Kitô.
Công trình đó không thể hoàn thành, nếu không bắt đầu từ việc lắng
nghe Lời Chúa. “ Lời Chúa là ngọn đèn
soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119:105) Nếu không, cơn cám
dỗ sẽ đưa con người vào cơn lầm tưởng mình là Thiên Chúa. Kết quả chỉ là khổ đau
và bất công. Tình trạng cấp bách lắm rồi
! Hơn lúc nào, người Kitô hữu “trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công
chính của Người.” (Mt 6:33)
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực,
OP