CHÚA NHẬT THỨ III MÙA CHAY, năm C
Lc 13, 1-9
ĐÂU LÀ HỌA, ĐÂU LÀ TỘI ?
Chúa có cái nhìn
của Chúa, con người có cái nhìn của con người. Vì thế, trước một sự cố đem lại
tai họa và chết chóc cho con người, Chúa Giêsu không luận bàn hay bình luận
theo góc độ, theo quan niệm của người Do Thái thời đó. Hai mẫu chuyện, hai mẩu
thời sự nóng lúc đó là quan tổng trấn Philatô tàn sát mấy người Galilêa nổi
loạn, ngay chính trong đền thờ và máu của họ hòa lẫn với vật tế sinh và việc
tháp Siloê đổ xuống đè bẹp 18 nạn nhân. Người Do Thái kể lại cho Chúa Giêsu với
dụng ý xin Chúa vạch rõ ai là người có tội. Chúa Giêsu không nghĩ ai là người
có tội hay những người bị nạn là tội lỗi hơn những người đồng hương của người
Do Thái. Người muốn nhấn mạnh rằng ai cũng là tội nhân, ai cũng có tội, ai cũng
đáng chịu án phạt của Người, do đó, cần phải ăn năn sám hối, để tránh hình phạt
của Thiên Chúa.
HỌA ĐÂU, TỘI ĐÓ
: Quan niệm xưa cũng như nay, vẫn cho rằng họa đâu thì tội đó. Và khi nói đến
tội, người ta thường nghĩ tới tội của người khác hơn là tội của chính mình. Và
khi không đổ tội cho kẻ khác được, họ lại đổ cho Thiên Chúa :” Tại sao Chúa lại
để cho bị thế này, thế nọ ?“. Trong Tin Mừng Lc 13, 1-9, dân chúng qui lỗi cho
những nạn nhân và những người có liên quan:” Tội của chúng nó hay của cha ông
chúng nó”.Chúa Giêsu nhân cơ hội này nói với họ và qua họ, nói với tất cả nhân
loại :” Nếu chúng ta không ăn năn sám hối thì chúng ta cũng sẽ chết tất cả”.
Vâng, con người thường có quan niệm đổ lỗi cho người khác. Ai cũng tưởng mình
là đạo đức, thánh thiện. Ai cũng tự kiêu cho mình là hơn người khác. Người ta
làm lỗi chứ tôi không phạm tội. Thái độ này là thái độ tự mãn của” người
Pharisiêu “ trong đền thờ cầu nguyện. Trong ta phải chăng cũng có con người tự
mãn hay người Pharisiêu tự mãn ? Thái độ kiêu ngạo là thái độ bị Chúa khinh chê
và lên án. Quan niệm của con người vẫn thường cho những người bị nạn, bị thử
thách, bị đau ốm là những người có tội . Họ cho rằng hoạ đâu, tội đó.
CHÚA GIÊSU KÊU
MỜI TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU PHẢI SÁM HỐI, ĂN NĂN, ĐỔI MỚI: Thiên Chúa đã chọn lựa
dân tộc Israen làm dân riêng và ban cho họ nhiều ân huệ đặc biệt. Chúng ta thấy
rõ lập trường của Chúa trong dụ ngôn cây vả. Thiên Chúa là người trồng cây ,
Chúa Giêsu là người làm vườn, dân Israen là cây vả không sinh trái. Dân Israen
luôn bất trung với Thiên Chúa, họ không sinh hoa kết trái, không trung thành
với lề luật, không sống chính trực, và không thờ phượng một mình Thiên Chúa.
Chúa đã cho họ một cơ hội mới để họ ăn năn sám hối, đổi mới cuộc đời với những
lời giảng dậy của Chúa Giêsu và các phép lạ Người làm. Tuy nhiên, dân Do Thái
vẫn ngoan cố, vẫn cố chấp. Chính vì thế, họ đã bị Thiên Chúa loại trừ bằng biến
cố Giêrusalem bị tàn phá bình địa vào năm 70 sau Công Nguyên.
Do đó, sám hối
là điều cấp bách mọi người phải làm. Đây là tất cả Tin Mừng Chúa Giêsu rao
giảng :” Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng vì Nước Trời đã gần đến “.
Thiên Chúa cũng
kêu mời chúng ta và tuyển lựa chúng ta làm con của Người qua Bí Tích Thanh Tẩy.
Người yêu thương chúng ta, chăm sóc chúng ta qua bàn tay yêu thương của Người,
và Người chờ mong chúng ta sinh hoa kết quả tươi tốt. Vì thế, nếu chúng ta chưa thực hiện được
những ước mơ của Người, thì Người cũng cho chúng ta một cơ hội, một dịp thuận
tiện để chúng ta cải hoá tự tân, đổi mới cuộc đời hầu chúng ta có thể sinh hoa
kết trái tươi tốt. Thánh Phaolô hôm nay cũng nhắc nhở mọi người:”Ai tưởng mình
đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã “.
Mùa chay là cơ
hội tốt và vận may cho chúng ta trở về với Chúa, chúng ta hãy vận dụng tốt nhất
cơ hội này để sinh nhiều hoa trái tốt đẹp.
Lạy Chúa, xin
thương xót chúng con là kẻ tội lỗi. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT