CHÚA NHẬT THỨ IV MÙA CHAY, năm C

Lc 15, 1-3.11-32

 

NGƯỜI CHA NHÂN LÀNH

 

Thiên Chúa là Cha đầy lòng nhân hậu, hiền từ, luôn chạnh lòng thương xót đối với mọi người, đặc biệt là đối với những tội nhân. Lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa đạt tới tuyệt đỉnh nhờ Chúa Giêsu. Tin Mừng của thánh Luca 15, 1-3.11-32 đã được Chúa Giêsu bầy tỏ rõ ràng lòng yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa qua dụ ngôn:” Người con hoang đàng”.

LÒNG NHÂN HẬU CỦA THIÊN CHÚA : Dụ ngôn :” Người con hoang đàng “ hay “ Người Cha nhân từ “ nói lên tính nhân hậu của một người cha, người cha rất đỗi hiền từ, nhân hậu, luôn tôn trọng tự do của con cái, sẵn sàng trao ban tài sản cho người con thứ. Người con thứ hai đã có trong tay một gia tài tương đối lớn. Anh đi xa phung phí tất cả tiền tài, vàng, của quí giá cha mình đã chia cho mình ( Lc 15, 13 ).Giờ anh không còn gì, nên quay trở về với cha. Theo sự thường, khi trở về, anh sẽ gặp khó khăn, bị trách móc, bị khinh chê. Nhưng không, anh về nhà, người cha ấy cũng không trách mắng, la rầy, trừ khử. Trái lại “ Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để “( Lc 15, 20 ). Lòng nhân hậu, hiền từ, thứ tha đã khiến ông quên hết mọi ưu phiền, quên hết mọi lỗi lầm, tội lỗi của đứa con mất dậy, mà chỉ còn thấy sự hiện diện của đứa con đáng thương mà bao ngày ông đã mòn mong chờ đợi. Người con mà ông tưởng:” Đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”( Lc 15, 32 ). Do đó, ông truyền cho đầy tớ:” Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo mà làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng”( Lc 15, 23 ). Đúng là một cuộc tiếp đón tưng bừng, nồng hậu, ngoài dự đoán, ngoài sức tưởng tượng của anh.

Người con cả ở đồng trở về, chẳng những không vui mừng, phấn khởi mà còn nổi giận, phiền trách cha già, khiến người cha phải chịu đựng, nhẫn nhục ra tận cổng nài nỉ, van xin cậu và mời cậu vào nhà vì :” Tất cả những gì của cha đều là của con “ ( Lc 15, 31 ).

CẢ NGƯỜI CON CẢ VÀ NGƯỜI CON THỨ ĐỀU PHẢI TRỞ VỀ: Cái trớ trêu của đoạn Tin Mừng này là người con cả đáng lẽ phải có tâm tình như cha, phải vui mừng, phải hân hoan, phải ăn tiệc mừng vì em của anh chết nay đã sống lại, đã mất nay lại tìm được. Đáng lẽ anh phải có thái độ nhân từ và lòng yêu thương vô biên của người cha vì anh và em đều cùng máu thịt với mẹ, với cha. Anh không vào nhà, không vui mừng rạng rỡ vì anh không thể tha thứ lỗi lầm của em, anh sợ đặc quyền đặc lợi của mình bị xâm phạm, anh không thể hiểu được lòng tốt của cha mình. Hoá ra từ xưa đến giờ anh sống trong nhà với cha nhưng lại như người ở ngoài, anh không hề thông cảm với em, không coi em là em, cùng dòng máu với mình mà gọi em là “ đứa con của cha”. Anh chỉ ích kỷ, keo kiết lo cho quyền lợi của mình, lo cho đời sống riêng tư của mình. Anh là đại diện cho những kinh sư, biệt phái, Pharisiêu, tư tế thời Chúa Giêsu, luôn tự mãn về cách sống đạo, về nhân đức của mình. Anh muốn cho kẻ lỗi lầm phải chết và không được cứu thoát. Do đó, cả người con cả, cả người con thứ đều phải thống hối, đều phải ăn năn, quay trở về với cha, trở về với Chúa nhân từ, bao dung, tha thứ.

Dụ ngôn:” Người con hoang đàng” nói lên tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa đối với mọi người, đối với nhân loại, đối với mỗi người chúng ta là kẻ tội lỗi.

Trở về với cha là cảm thông với người em lỗi lầm và cảm thông với tất cả anh em cùng một cha trên trời.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết cảm thông với những yếu đuối, lỗi lầm của anh chị em chúng con như Chúa đã tha thứ và yêu thương chúng con. Amen.

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C