Chúa Nhật 4 Mùa Chay
(Lu-ca 15: 1-3, 11-32)
Một
trong những khẳng định cốt lõi của bài giảng trên núi trong Tin Mừng Lu-ca là: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là
Đấng nhân từ” (Lc 6:36). Lòng nhân từ ấy
đã được thể hiện qua những việc làm của Chúa Giê-su, nhất là trong giao thiệp với
những người bị xã hội kết án và xa lánh.
Tuy nhiên kẻ thù của Chúa không muốn chấp nhận một lối cư xử nhân từ như
vậy, nên họ luôn chống đối Người. Do đó,
để nói về lòng nhân từ của Thiên Chúa và khuyên ta thực hành lòng nhân từ ấy,
Chúa Giê-su đã kể một dụ ngôn được coi là hay nhất trong sách Tin Mừng: dụ ngôn người cha nhân hậu. Vậy dụ ngôn người cha nhân hậu trong Phụng vụ
Lời Chúa mùa Chay muốn dạy ta điều gì?
1) Mỗi người dù là người tội lỗi cũng đều có một
giá trị đặc biệt trước mặt Chúa
Lòng
thương xót là tình yêu đặc biệt dành cho một người trong hoàn cảnh đáng thương. Đối với người tỏ lòng thương xót, đối tượng để
họ thương xót có một giá trị nào đó đặc biệt khiến họ không thể bỏ mặc làm ngơ. Để nói lên giá trị của người con thứ, tức “người
con hoang đàng” như ta thường lấy làm tựa đề cho dụ ngôn trước đây, thánh sử
Lu-ca có biệt tài sắp xếp ba câu truyện dụ ngôn theo diễn tiến con số. Trước hết với dụ ngôn thứ nhất, con chiên bị
mất là một trong một trăm. Tiếp đến, trong
dụ ngôn thứ hai, đồng bạc bị đánh mất là một trong mười. Cuối cùng, trong dụ ngôn người cha nhân hậu, người
con đã mất là một trong hai.
Sắp
đặt như thế, Lu-ca muốn đi từ tình cảm đối với một vật có ít giá trị nhất tới tình
cảm dành cho một người có nhiều giá trị nhất.
Đối tượng của lòng thương xót càng có giá trị thì lòng nhân hậu của người
tỏ lòng thương xót càng lớn lao.
Mỗi
người chúng ta đều có một giá trị độc đáo trước mặt Chúa. Với cách ví von đơn sơ, Chúa Giê-su đã nói với
ta về giá trị của ta trước mặt Thiên Chúa.
“Hãy xem chim trời: chúng không
gieo, không gặt, không thu tích vào kho;
thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” (Mt
6:26).
Nhưng
ta có thể thắc mắc dựa vào đâu để khẳng định người con thứ, tức người con hoang
đàng, có một giá trị độc đáo trước mặt cha của anh. Ta hãy xem cách người cha cư xử đối với anh
ta đã phản ảnh những giá trị của anh. Trước
khi anh ta đi hoang đàng, người cha đã chấp nhận lời yêu cầu của anh xin ông
chia cho anh phần gia tài anh được hưởng.
Dĩ nhiên người cha có quyền từ chối hoặc chỉ cho anh một phần nào. Nhưng ông đã tôn trọng con mình nên ông “đã
chia của cải cho hai con”. Kế tiếp là
khi anh ta trở về, ông đã phục hồi cho anh những giá trị bị mất đi. Nếu không có và không bị mất đi thì làm sao gọi
là phục hồi được. Anh ta đã đánh mất giá
trị của một người con để tụt thang xuống làm thằng chăn heo thuê. Giờ đây, dù anh “chẳng còn đáng gọi là con
cha nữa” thì người cha lại “phớt lờ” đi lời thú tội ấy và nhắn khéo với đám gia
nhân rằng một điều “con ta đây”, hai điều “cậu ấm” của ta… Ông đã dẹp mọi lời bàn tán dị nghị, xếp lại
nhân phẩm của một người cha, để phục hồi nhân phẩm của cậu con: nào là áo đẹp để mặc, nhẫn đeo, dép mang. Cuối cùng, ông còn “lý sự cùn” với cậu con cả
để kêu gọi cậu tỏ lòng nhân hậu với thằng em trót dại đi hoang. Tất cả chỉ vì giá trị độc đáo của đứa con ông
đã sinh ra và dưỡng dục. Liệu ta có dám
tin rằng mình có một giá trị độc đáo trước mặt Chúa hay không?
2) Lòng nhân hậu của Thiên Chúa
Dùng
hình ảnh một người cha tỏ lòng yêu thương con cái, nhất là khi nó làm điều sai
lỗi, Chúa Giê-su dạy một bài học vô cùng thực tế và thâm thuý về Thiên Chúa. Điều khiến ta chú ý trước tiên là người cha
nhân hậu rất ít nói. Điểm này cũng dễ hiểu
thôi. Ta thử tưởng tượng một người cha mà
cứ hay “lải nhải”, lắm điều, thì một là khó tính và nghiêm khắc, hai là nhỏ nhặt
và để ý từng ly từng tí một. Lòng nhân hậu
khó mà đi đôi với những “đức tính” ấy!
Trái lại, Thiên Chúa rất im lặng.
Trong lịch sử dân Chúa, gần như Thiên Chúa yên lặng chịu đựng loài người. Cùng lắm, Người sai các vị ngôn sứ tới để “nói
thay” cho Người. Ngôn sứ là “người nói
thay”.
Đặc
điểm thứ hai của người cha nhân hậu là hễ nói thì nói điều tốt cho con mình hoặc
bênh vực con mình. Khi ông nói với các
gia nhân, toàn là những lời tốt đẹp cho con ông, những lời phục hồi nhân phẩm
cho anh ta. Khi ông nói với cậu con cả,
lời lẽ của ông gần như xin xỏ, chứ không phải những lời đanh thép lý sự. Lòng nhân hậu đích thực không khi nào hạ nhân
phẩm người khác, nhưng trái lại, tích cực bênh vực người khác.
Đặc
điểm thứ ba của người cha nhân hậu là hành động thay cho lời nói. Ông nói ít và chỉ nói những điều cần. Còn bao nhiêu toàn là hành động. Những hành vi của ông tới tấp, dồn dập. Mà động lực của hành động là lòng nhân hậu. Hành
động nhắm mục đích duy nhất là biểu tỏ được lòng nhân hậu, càng nhiều càng tốt. Có những hành động do chính ông làm như: chạy ra, ôm cổ cậu con, hôn lấy hôn để cậu
con thứ, năn nỉ cậu con cả. Có những hành
động ông ra lệnh cho gia nhân làm như mặc áo, xỏ dép, xỏ nhẫn cho cậu con thứ,
bắt bê béo làm thịt ăn mừng. Đâu là những
hành động Thiên Chúa làm để tỏ lòng nhân hậu đối với ta? Nhiều lắm, làm sao kể cho xiết!
Đặc
điểm thứ tư của người cha nhân hậu là sự tế nhị. Ông tế nhị lúc đón đứa con trở về. Chỉ cần một lời nói, một cử chỉ thiếu tế nhị
cũng đủ làm cho đứa con mặc cảm không dám bước vào nhà. Trước lời thú tội của đứa con, ông làm như không
nghe thấy, hoặc coi như “chuyện nhỏ” thôi mà.
Sự tế nhị của ông không muốn nhắc đến dĩ vãng đen tối của đứa con, mà chỉ
để ý tới hiện tại. Ông cũng tế nhị với cậu
cả, chịu lép vế và xuống nước để dùng lời lẽ nhân hậu thuyết phục anh đừng nóng
giận và hãy chấp nhận việc trở về của cậu em.
Ta thử nghĩ xem, nếu Chúa không tế nhị với ta, hễ ta lỗi đâu Người đánh đó,
thì làm sao Người là Cha nhân hậu của ta được!
3) Lòng nhân hậu của Ki-tô hữu
Quả
thực ta phải nhìn nhận vẫn còn nhiều Ki-tô hữu không có lòng nhân hậu như “Cha
anh em là Đấng nhân hậu”. Họ không có
“những tâm tình của Chúa Giê-su”. Họ không
“học với Chúa Giê-su, vì Người hiền hậu và khiêm nhượng trong lòng”. Cho nên họ thường hành động theo thói thế
gian, ác độc ngay cả với anh chị em Ki-tô hữu khác.
Khi
Chúa Giê-su đưa ra nguyên tắc trở nên trọn lành là “Anh em hãy có lòng nhân hậu
như Cha anh em trên trời là Đấng nhân hậu, Người nhấn mạnh đến gương mẫu của
Thiên Chúa Cha. Nhưng Cha trên trời làm
sao ta thấy được mà bắt chước. Do đó, Người
cho Con Một xuống thế làm người phàm để nêu gương nhân hậu cho nhân loại. Vậy ta muốn sống nhân hậu, trước hết hãy nhìn
vào Chúa Giê-su qua những trang Tin Mừng.
Không phải Người chỉ nói, nhưng mọi hành động của Người đều toả ra ánh
nhân hậu của Thiên Chúa Cha, để ta nhìn thấy “một người như chúng ta” sống nhân
hậu như thế nào.
Mùa
Chay này, nếu ta chỉ học được một điều nhân hậu thôi, thì con đường nên thánh của
ta quả đã tiến được một bước thật xa rồi.
Mong được như vậy. A-men.
4) Suy nghĩ và cầu nguyện
Có
khi nào tôi nghĩ mình là “đồ bỏ” trước mặt Chúa không? Dụ ngôn người cha nhân hậu đã cho tôi ý tưởng
nào mới mẻ về chính mình?
Tôi
cảm động về điểm nào nhất khi suy niệm lòng nhân hậu của người cha? Nó nói lên hình ảnh nào của Thiên Chúa?
Tôi
xét mình về cách sống nhân hậu đối với những người chung quanh.
Cầu nguyện
“Lạy
Cha,
người
con thứ đã muốn tự định đoạt lấy đời mình.
Chúng
con vẫn rơi vào tội của người con thứ,
khi
coi Cha
như
người cản trở hạnh phúc của chúng con.
Chúng
con thèm được tự do bay nhảy
ngoài
vòng tay Cha,
nhưng
tự do ấy lại biến chúng con thành nô lệ.
Hạnh
phúc do thế gian ban tặng thì bọt bèo.
Như
người con thứ,
chúng
con bỗng thấy mình tay trắng,
rơi
xuống chỗ cùng cực và bị cái chết đe doạ.
Lạy
Cha đầy lòng bao dung,
xin
kéo chúng con trở về với Cha mỗi ngày,
giúp
chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc.
Xin
nâng chúng con đứng lên trong niềm vui
vì
tin rằng tình Cha lớn hơn tội chúng con vạn bội.
Ước
gì những vấp ngã khiến chúng con lớn lên,
thấy
mình mong manh, thấy Cha rộng lượng.
Ước
gì sau mỗi lần được Cha tha thứ,
chúng
con lại thấy mình hiền hoà hơn với tha nhân.”
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 95)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi