THỨ
SÁU TUẦN THÁNH, năm 2007
Ga
18,1-19,42
CHÚA
CHẾT ĐỂ CHÚNG TA ĐƯỢC SỐNG
Ngày thứ sáu
thánh vẫn là ngày dưới con mắt xác thịt của con người xem ra u ám và buồn thảm.
Đây có thể là một ngày thê lương ảm đạm, ngày đau buồn vì Đức Giêsu Kitô đã
chết, là một thất bại ê chề cho các môn đệ và cho những ai tin vào Người nếu
nhìn theo khía cạnh con người yếu đức tin. Ngày thứ sáu thánh vẫn còn đó vì một
người vô tội đã bị giết, bị treo trên thập giá rất tàn nhẫn và ác tâm. Cuốn sổ
của những con người vô tội vẫn gia tăng. Họ bị oan ức, bị dầy vò, bị áp bức, bị
đánh đập, doạ nạt và bị giết chết. Theo nghĩa này và nhìn ở góc độ này, ngày
thứ sáu thánh là ngày tệ hại, ngày xấu xa, ngày ê chề, thê lương, đen đủi.
Với con mắt đức
tin, ngày thứ sáu thánh là ngày vinh quang của Chúa, ngày vui mừng của toàn thể
Giáo Hội hoàn vũ vì Đức Kitô đã tự nguyện chịu chết để đem lại hạnh phúc và ơn
cứu độ cho nhiều người. Do đó, cái chết thập giá của Chúa Giêsu là sự chiến
thắng oai phong của Ngài.
1.CHIÊM NGƯỠNG
THẬP GIÁ: Trên thập giá, Chúa Giêsu bị dân Do Thái, thượng tế, kinh sư, biệt
phái và Pharisiêu coi như đã hết, coi như bị thất bại. Bởi vì, họ tưởng đóng
đinh được Chúa Giêsu là chấm dứt mọi sự. Họ tưởng rằng Chúa chết là chết luôn,
chết vĩnh viễn. Họ có ngờ đâu đối với Chúa chết là sống lại, chết là toàn
thắng. Thánh Augustinô đã thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người
trộm lành như sau:
-Làm sao ông có
thể hiểu được những gì xẩy ra bên cạnh ông, trong khi chúng tôi là những nhà
chuyên môn, chúng tôi lại không hiểu được những điều Kinh Thánh ứng nghiệm ngay
trước mắt chúng tôi ? Ông có đọc Kinh Thánh không ?Ông có biết ngôn sứ Isaia đã
loan báo về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu như thế nào không ?
-Người trộm lành
trả lời :
-Tôi chưa bao
giờ học hỏi về Kinh Thánh; nhưng Chúa Giêsu đã nhìn tôi, và trong cái nhìn ấy,
tôi đã hiểu được tất cả.
Đứng trước thập
giá của Chúa Giêsu đặc biệt trong ngày thứ sáu thánh, chúng ta hãy thinh lặng
như Đức Mẹ, như thánh Gioan và như các bà đạo đức. Thinh lặng là đi sâu vào mầu
nhiệm thập giá và nhận ra thân phận tội lỗi của mình. Trường hợp của người trộm
dữ và người trộm lành là hai điển hình trái ngược nhau. Một người rủa Chúa, la
hét to tiếng, một người im lặng nhận mình là tội nhân. Chiêm ngưỡng thập giá để
chúng ta nhận ra khiếm khuyết, yếu hèn, tội lỗi của mình và thú nhận lỗi lầm
xin Chúa thứ tha. Chiêm ngắm thập giá để chúng ta nhận ra tình yêu vô cùng
tuyệt vời của Chúa Giêsu:” tình yêu nhân từ và tha thứ”.
Chúng ta hãy
thinh lặng chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trên thập giá để nhận ra ánh mắt nhân từ và
trìu mến của Chúa như Chúa đã nhìn người trộm lành, đã nhìn Đức Mẹ, thánh Gioan
và những người đạo đức thân thiết. Aùnh mắt của Chúa có uy lực tha thứ, cảm
thông và cứu vớt.
2.HÃY ĐI ĐÀNG
THÁNH GIÁ : Học lại gương của Chúa Giêsu, đi con đường thống khổ của Chúa Giêsu
là ta chiêm ngưỡng vinh quang Chúa qua sự toàn thắng tử thần của Chúa Giêsu. Đi
đàng thánh giá là sống lại những chặng đường đau khổ Chúa Giêsu đã trải qua nơi
trần gian này. Đàng thánh giá là phương thế đạo đức bình dân nhưng lại đầy hiệu
quả.Hội Thánh kêu mời con cái chiêm ngắm thập giá và đi lại quãng đường của
Thầy Chí Thánh đã đi qua. Trong năm sống đạo 2007, Hội thánh Việt Nam mời gọi
các tín hữu sống yêu thương và phục vụ. Lời Chúa là đèn soi chiếu con đường
nhân loại đang đi. Nhờ Lời Chúa hướng dẫn, soi sáng, những chặng đường trong
cuộc khổ nạn của Chúa sẽ là những nấc thang cho người tín hữu tới gặp chúa.
Cùng với Đức
Trinh Nữ Maria, chúng ta hãy để tâm hồn lắng đọng và đi sâu vào mầu nhiệm thập
giá Chúa Giêsu. Ơn cứu độ chứa chan nơi thập giá của Người.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã chết để cứu rỗi nhân loại, xin cho chúng con luôn biết yêu mến thập giá
của Chúa. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT