TỰ
DO
Chúa Nhật
13C Thường Niên
Khát vọng tự do
rất mãnh liệt trong tâm hồn con người.
Nhưng đâu là tự do đích thực của người môn đệ Chúa Kitô ?
MÔN ĐỆ ĐÍCH THỰC
Làm sao tìm được
chân chung đích thực của người môn đệ Chúa Kitô ? Câu trả lời nằm gọn trong Tin Mừng hôm
nay. Môn đệ phải phản ánh hình ảnh Thày. Nếu Thày “nhất quyết đi lên Giêrusalem” (Lc
9:51), môn đệ cũng phải có một gương mặt quả cảm như thế. Nhưng làm sao có thể thênh thang trên thiên
lộ như vậy, nếu Thày không phải là con người tự do ? Từ tinh thần cho đến lối sống, Thày không bị
hoàn cảnh hay con người chi phối.
Tận thâm tâm,
Thày không bị đam mê khuấy đục. Thất
tình không thể lung lạc tinh thần Người.
Dù bị dân làng Samari lạnh nhạt, Thày cũng không màng. Khác hẳn các môn đệ, Thày không muốn khiến
lửa thiêu hủy dân làng Samari. Trái
lại, “Đức Giêsu quay lại quở mắng” (Lc
9:55). Nhờ đó, các môn đệ mới thấy rõ
tất cả giới hạn của lòng mình. Họ không
thể bắt chước ngôn sứ Êlia khiến lửa từ trời đốt cháy quân thù (2 V
1:10,12). Người không muốn người môn đệ
nuôi mối hận thù hay tìm cách ăn miếng trả miếng. Trái lại phải “yêu thương kẻ thù” (Mt
5:44). Dù bị ghét bỏ và khinh dể, Người
cũng như giả điếc làm ngơ. Tim Người
không bao giờ sôi sục niềm ân oán. Đó là
một tinh thần tự do tuyệt đối. Tinh thần
đó sẽ tạo nên những giá trị lớn lao và siêu vượt những tầm thường cuộc
sống.
Tinh thần Thày
vô cùng siêu thoát ! Làm sao có thể siêu
thoát như thế ? Trước hết, lối sống vừa
phản ánh vừa góp phần xây dựng tinh thần siêu thoát đó. Người sống khó nghèo đến nỗi “không có chỗ
tựa đầu” (Lc 9:58). Một cuộc đời từ bỏ
hoàn toàn. Từ một nơi vô cùng cao trọng,
Người đã hạ mình xuống đất đen. Cuộc
sống không có ngày mai. Theo Thày là dấn
thân vào một cuộc mạo hiểm vô cùng thú vị, nhưng cũng đầy thách đố. Cuộc sống không bị lệ thuộc vào bất cứ nhu
cầu nào. Có gì ăn nấy. Không đòi hỏi. Sống nay chết mai. Không có gì để mất. Không có gì tồn trữ. Nay đây mai đó. Nếu quá lệ thuộc vào những điều kiện sống vật
chất, làm sao có thể chấp nhận lối sống bấp bênh như vậy ?
Khó nghèo là
điều kiện đầu tiên và tối thiểu một môn đệ phải có trên con đường theo Đức
Kitô. Nhưng để loan báo Tin Mừng, họ còn
phải có một tinh thần siêu thoát với những liên hệ tình cảm gia đình nữa. Trước
bổn phận báo hiếu đối với thân phụ mới qua đời của người thanh niên, tại sao
Đức Giêsu trả lời : “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ” (Lc 9:60) ? Phải chăng Chúa là một con người lạnh cảm
?
Dĩ nhiên, Người không dạy môn đệ khinh dể hay
loại bỏ bổn phận đối với gia đình. Gia
đình là một giá trị thiêng liêng cao quí.
Nhưng đứng trước giá trị siêu việt của Tin Mừng, gia đình phải nhượng
bộ. “Những đường lối của Nước Thiên Chúa không nhất thiết sóng bước với đường
lối con người” (The New Jerome Biblical Commentary 1990:701). “Loan báo Triều Đại Thiên Chúa” (Lc 9:60) là
một bổn phận tối thượng.
Nước Thiên Chúa
phải chiếm địa vị ưu việt. Giá trị tuyệt
đối. Thực vậy, “ai đã tra tay cầm cày mà
còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” (Lc
9:62). Ngoái lại đằng sau có thể làm cho
luống cày không thẳng đường ngay lối.
Làm việc trong cánh đồng truyền giáo cũng đòi môn đệ phải tập trung cao
độ mới có thể đem lại kết quả tốt đẹp.
Nếu còn để cho những quyến rũ bên đường thu hút, chắc chắn sẽ đánh mất
giá trị lớn lao và công việc phục vụ mất hiệu lực. Chính vì thế, một khi hiến trọn đời loan báo
Tin Mừng, thánh Phaolô phải “quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía
trước” (Pl 3:13). Người không bao giờ
ngoái lại đằng sau với bao nhiêu mối liên hệ tình cảm chằng chịt và địa vị lớn
lao trong hàng ngũ Pharisêu. Bởi vì,
không giá trị nào có thể vượt trên Nước Thiên Chúa.
Chỉ có con người
tự do mới có một tinh thần siêu thoát khỏi những nhu cầu tình cảm và vật chất
như thế. Đó mới là tự do đích thực. Tự do đem lại sự giải thoát hoàn toàn. Lên tới cấp độ tự do đó, người môn đệ sẽ thấy
rõ mình “được gọi để hưởng tự do” mà “phục vụ lẫn nhau” (Gl 5:13). Họ rất trân trọng giá trị siêu việt của tự
do, vì niềm tin mạc khải : “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải
thoát chúng ta” (Gl 5:1) bằng cái chết và sự phục sinh của Người.
Chính nhờ Thần
Khí, Đức Giêsu đã hoàn thành sứ mệnh lớn lao đó. Cũng như Đức Kitô, môn đệ cũng có sứ mạng
giải thoát nhân loại để đem họ vào miền tự do làm con cái Thiên Chúa. Nhưng sứ mệnh đó chỉ có thể thực hiện khi
người môn đệ “sống theo Thần Khí” (Gl 5:16).
Chỉ Thần Khí mới có thể hướng dẫn họ tới miền đất tự do. Họ sẽ phóng mình theo Đức Kitô để giải thoát
nhân loại khỏi vòng nô lệ tội lỗi.
TỰ DO HÔM NAY
Hôm nay khát
vọng tự do vẫn sôi sục trong lòng người.
Nhân danh tự do, người ta tranh đấu cho quyền phụ nữ phá thai, bất chấp
tiếng nói lương tâm. Thực tế, “mặc dù
tất cả chúng ta phải theo tiếng lương tâm, nhưng lương tâm không có nhiệm vụ
sáng tạo ra chân lý đạo đức, mà phải nhận thức ra chân lý đó. Có thể một cá nhân nhận thức sai lạc thực tại
luân lý của một hoàn cảnh đặc biệt. Họ
có thể thành thực, nhưng là sai lầm một cách thành thực” (John Myers TGM Newark
: Zenit 6/5/04).
Lúc đó, cần phải
có những tiêu chuẩn khách quan để hướng dẫn
mới có thể xử dụng tự do đúng mức và đạt tới lý tưởng cuộc đời. Thực tế, có những mâu thuẫn. Chẳng hạn, “một số người Công Giáo muốn tin
tất cả những gì Giáo Hội tin, nhưng lại muốn để cho người khác tiếp tục trực
tiếp giết người vô tội. Đó là một gương
mù lớn” (John Myers TGM Newark : Zenit 6/5/04).
Tự do đã đưa con người tới những chủ trương trái nghịch với đạo lý Giáo
Hội.
Nếu muốn sống
theo tự do như thế, họ phải chấp nhận một thực tế. “Những người Công Giáo công khai chống lại
giáo huấn Giáo Hội về quyền sống của tất cả các trẻ chưa sinh nên nhận thức
rằng qua hành động họ đã tự do muốn tự tách biệt khỏi những điều Giáo Hội tin
tưởng và giáo huấn. Một cách nghiêm
trọng họ cũng tự tách biệt khỏi cộng đoàn Công Giáo. Tuy nhiên, “họ vẫn còn là người Công Giáo về
một phương diện nào đó, nhưng không còn đức tin
Công Giáo toàn vẹn nữa. Đối với
người như thế, diễn tả việc hiệp thông với Chúa Kitô và Giáo Hội qua việc chịu
lễ là một hành vi thực sự thiếu lương thiện” (John Myers TGM Newark : Zenit
6/5/04).
Nhân danh tự do, con người tưởng đạt tới đỉnh cao quyền làm người. Thực tế, “không có quyền nào căn bản hơn quyền được sinh ra và nuôi dưỡng với toàn thể phẩm vị xứng đáng với con người.” Do đó, “phá thai là một trong những bất công nghiêm trọng nhất” (John Myers TGM Newark : Zenit 6/5/04). Lý do vì con người không phải là “một hạt bụi vô dụng mất hút trong không gian và thời gian vô nghĩa, nhưng là một phần trong chương trình đầy khôn ngoan phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa” (Gioan Phaolô II : Zenit 5/5/2004).
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP