Chúa Nhật 13 quanh năm
(Lu-ca 9: 51-62)
Chúng
ta bắt đầu một đoạn đường mới trong cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng của Chúa
Giê-su. Người rời bỏ miền Ga-li-lê và
trực chỉ đi lên Giê-ru-sa-lem. Đây là
thời điểm quan trọng và quyết liệt cho sứ mệnh của Người. Trên đoạn đường này sẽ xảy ra rất nhiều biến
cố gian nan và ý nghĩa đối với chính Chúa Giê-su cũng như những ai theo
Người. Mở đầu cho cuộc lên đường là hình
ảnh Chúa Giê-su cương quyết và can đảm chấp nhận một khúc quanh nguy hiểm sẽ
đưa Người tới cái chết và lời Người kêu gọi môn đệ hãy kiên trì đi theo Người.
1) “Người nhất quyết đi lên
Giê-ru-sa-lem”
Đi
lên Giê-ru-sa-lem là niềm háo hức của mọi người Ít-ra-en, nhất là những người
miền Ga-li-lê. Một năm mà tới được thánh
đô một lần cũng mãn nguyện lắm rồi, mặc dù luật buộc phải hành hương mỗi năm ba
lần (Đnl 16:16). Thánh Lu-ca đã ghi lại
một lần hành hương của thánh gia thất năm Chúa Giê-su lên mười hai tuổi (Lc
2:41-50).
Chắc
hẳn Chúa Giê-su đã nhiều lần hành hương lên Giê-ru-sa-lem. Nhưng lần này, cuộc hành hương có một ý nghĩa
vô cùng quan trọng. Thánh Lu-ca đã sử
dụng một ngôn ngữ biểu tượng và trang trọng để giới thiệu hành trình của
Chúa: “Khi đã tới ngày Đức Giê-su được
rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem”. Được rước lên trời là thành ngữ diễn tả cuộc
Xuất Hành của Chúa Giê-su qua cái chết và sống lại, để trở về với Chúa Cha, tất
cả sẽ xảy ra tại Giê-ru-sa-lem.
Giê-ru-sa-lem là nơi Thiên Chúa đã ký kết giao ước cũ với ông Áp-ra-ham
và là nơi thể hiện cụ thể mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân tộc Ít-ra-en. Giờ đây, Chúa Giê-su quyết định lên
Giê-ru-sa-lem để thiết lập một quan hệ mới giữa Thiên Chúa và nhân loại. Người sẽ là Chiên Vượt Qua được sát tế, dâng
lên Thiên Chúa để xóa bỏ tội lỗi nhân loại, khôi phục cho họ quyền làm con cái
Thiên Chúa.
Khi quyết định lên
Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su đã nhìn thấy những gì có thể xảy ra cho Người. Ba lần Người đã nói trước cho các Tông đồ
biết về chuyến đi hãi hùng này. “Từ lúc
đó, Đức Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết:
Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các
thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt
16:21). Mặc cho ông Phê-rô can gián,
Chúa Giê-su vẫn không hề nao núng (Mt 16:22-23). Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su
càng tỏ ra cương quyết hơn. “Đức Giê-su
và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem. Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau
cũng sợ hãi” (Mc 10:32). Dẫn đầu cho ta
thấy thái độ quả cảm và cương quyết của Chúa.
Người muốn làm gương cho các môn đệ và giúp họ hiểu và chấp nhận chân lý
“có qua thập giá mới tới được vinh quang”.
2) Theo Chúa
Song
song với thái độ cương quyết của Chúa Giê-su trước thử thách là một bài học về
việc theo Chúa hoặc làm môn đệ Chúa.
Điều kiện tiên quyết để môn đệ theo Chúa là phải từ bỏ mọi sự. Để quảng diễn đề tài phải từ bỏ mọi sự, thánh
Lu-ca ghi lại ba mẩu đối thoại giữa Chúa và một “ứng viên” muốn làm môn đệ
Chúa.
Mẩu
đối thoại thứ nhất chú trọng vào việc phải theo Chúa đi tới bất cứ nơi
nào. Từ khi rời mái nhà Na-da-rét lên
đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su không có một nơi nào gọi là nhà cả. Ngay cả những người đi theo Chúa cũng
vậy. Nếu ta đi theo Chúa, mà chính Chúa
là “nhà” và là nơi trú ẩn của ta, thì ta còn cần gì phải bám víu vào chỗ nương
tựa nào trên trần gian này nữa. Nói khác
đi, theo Chúa là theo trọn vẹn, lấy Chúa làm lẽ sống và “chỗ tựa đầu” của ta.
Vậy
khi Chúa gọi ta bước theo Người, ta phải đáp lại thế nào? Mẩu đối thoại thứ hai với câu trả lời của
Chúa cho ta một thái độ dứt khoát. Chúa
bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của
họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều
Đại Thiên Chúa”. Nói như thế, Chúa muốn
so sánh giá trị giữa hai việc, chôn cất thân nhân và đi loan báo Tin Mừng, để cho
ta thấy ưu tiên của việc đi loan báo Tin Mừng.
Thế gian này quyến luyến với những cái “chết” của họ, nên thường không
muốn đáp lại lời gọi của Chúa. Chết đây
không những là kẻ chết thể xác, nhưng cũng là những kẻ chết về phần thiêng
liêng nữa.
Còn
mẩu đối thoại thứ ba chỉ gặp thấy trong Tin Mừng Lu-ca, cho thấy đòi hỏi theo
Chúa là tuyệt đối và trọn vẹn. “Ai tra
tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên
Chúa”. Mẩu đối thoại này làm ta nhớ lại
câu truyện Ê-li-sa đang cày ruộng được gọi làm ngôn sứ (1 V 19:16b,19-21). Ê-li-sa xin ngôn sứ Ê-li-a cho phép mình về
nhà hôn từ biệt cha và sẽ trở lại.
Ê-li-sa về nhà, “giết cặp bò làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi
người nhà”, rồi đi theo ngôn sứ Ê-li-a.
Cũng như Ê-li-sa đã dứt khoát với “dĩ vãng”, giã từ việc cày ruộng để đi
làm ngôn sứ, kẻ theo Chúa Giê-su cũng phải hoàn toàn hiến thân cho sứ mệnh được
kêu gọi.
3) Cùng đi với Chúa Giê-su
lên Giê-ru-sa-lem
Bài
học cùng đi với Chúa lên Giê-ru-sa-lem đã được trình bày ngay trước khi Chúa
đòi hỏi các môn đệ phải bỏ mọi sự. Đi
theo Chúa chắc chắn sẽ phải đối phó với nghịch cảnh và phũ phàng. Khi dân chúng một làng tại Sa-ma-ri không
muốn đón tiếp Chúa, thì hai ông Gia-cô-bê và Gio-an bực bội muốn xin Chúa trừng
trị họ. Nhưng Chúa trả lời đó không phải
là tinh thần của Người. Trái lại, người
môn đệ Chúa Ki-tô phải biết nhân từ, kiên nhẫn và quảng đại. Những đặc điểm của đức ái Ki-tô (1 Cr
12:31-13:13) sẽ là kim chỉ nam để môn đệ Chúa biết đối phó với những chống đối và
nghịch cảnh.
Ba
mẩu đối thoại cho ta những chỉ dẫn rõ ràng cho việc theo Chúa. Nhưng thường thì ta vẫn “ngần ngại”, tìm đủ
mọi lý do để không muốn nghe Chúa gọi hoặc không muốn đáp lại lời Chúa gọi. Thí dụ, Chúa gọi ta nên thánh, một lời gọi
chung cho tất cả mọi người không trừ ai.
Vậy mà ai cũng có lý do, giống như những người được mời đến dự tiệc do
vua khoản đãi đã nêu đủ mọi lý do để xin kiếu (Lc 14:15-24).
Chúa
Giê-su kết thúc cuộc đời trần thế và sứ mệnh của Người tại Giê-ru-sa-lem. Đó cùng là hình ảnh cuộc đời và sứ mệnh của
mỗi người Ki-tô hữu. Cuộc đời của ta là
để phục vụ và hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, Giê-ru-sa-lem không chỉ có nghĩa
là đau khổ và sự chết, nhưng qua đau khổ và cái chết là vinh quang Phục
sinh. Với hy vọng chắc chắn và được bảo
đảm do sự Phục sinh của Chúa Giê-su, ta xác tín rằng con đường lên
Giê-ru-sa-lem không phải là ngõ cụt, nhưng là con đường đưa ta tới quê hương
đích thực trên trời.
4) Suy nghĩ và cầu nguyện
Trong những đòi hỏi phải bỏ
mọi sự, tôi gặp trở ngại nào to lớn nhất khiến tôi không muốn đáp lại lời gọi
của Chúa?
Tôi
thử suy nghĩ về con đường lên Giê-ru-sa-lem của tôi. Tôi đã gặp những kinh nghiệm nào nói lên
quyết tâm theo Chúa?
Tôi
nghĩ thế nào về sự hiện diện của Chúa cùng đồng hành với tôi?
Cầu nguyện
“Giữa
một thế giới
chạy
theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin
cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa
một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin
cho con đừng thu tích của cải.
Giữa
một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin
cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa
một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin
cho con biết xây lại niềm tin.
Lạy
Chúa Giê-su,
xin
cho con cảm được
cơn
đói đang dày vò bao người,
xin
cho con nghe được lời mời của Chúa:
“Các
con hãy cho họ ăn đi.”
Ước
gì chúng con dám trao
tất
cả những gì chúng con có cho Chúa,
để
Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho
chúng con và cho cả nhân loại.”
(Trích
RABBOUNI, lời
nguyện 71)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi