CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN, năm C

Lc 10, 25-37

 

TÌNH YÊU KHÔNG BIÊN GIỚI

 

Đạo của Chúa Giêsu thiết lập là đạo tình thương. Cái khác lạ và kỳ diệu đến ngạc nhiên của mọi người vẫn là đạo do Chúa Giêsu thành lập ở trần gian hoàn toàn dựa trên tình bác ái, yêu thương. Một thứ luật vượt ngoài sự suy nghĩ của con người. Đạo dậy yêu thương người thù địch, kẻ làm hại, người bắt bớ. Đúng là một thứ luật ở ngoài tầm hiểu biết của con người, của mỗi người. Chúa nói đạo của Ngài không chỉ  yêu thương bằng môi miệng nhưng “ yêu bằng việc làm “. Tin Mừng Luca 10, 25-37 và hai bài đọc Chúa Nhật XV thường niên, năm C sẽ minh chứng điều đó.

ĐẠO CỦA CHÚA GIÊSU :” ĐẠO TÌNH THƯƠNG “ : Khi thiết lập đạo tình thương, Chúa Giêsu họa lại chính con người thật của Ngài như thánh Gioan diễn tả :” Thiên Chúa là tình yêu “. Đã sống tình yêu, thờ phượng Thiên Chúa trên hết mọi sự thì cũng phải thương yêu anh em. Tình yêu thương kẻ khác phải trải rộng đến mọi người, không phân biệt mầu da, ngôn ngữ, chính kiến vv…Đạo Do Thái chắc chắn cũng đã qui định tình yêu thương đối với người khác. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo tôn giáo, những kinh sư, tư tế, biệt phái và pharisiêu vì bầy ra quá nhiều điều luật tỉ mỉ, chi tiết, nên đã tìm cách giới hạn điều luật đó.Do đó, một người thông luật trong Tin Mừng hôm nay đã hỏi Chúa Giêsu:” Ai là người thân cận của tôi ?”. Chúa Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn, một câu chuyện để trả lời cho vị thông luật. Để dễ hiểu hơn câu chuyện này, ta hãy trở về bối cảnh của Do Thái Giáo lúc đó. Người Do Thái và người Samaria đã có mối hiềm khích từ lâu đời. Cho nên, khi Chúa Giêsu có dịp đi ngang qua xứ Samaria đến thành Sichem, Ngài mệt mỏi vì đường sá, nên ngồi phệt xuống bên bờ thành giếng Giacóp. Một người đàn bà xứ Samaria ra múc nước, Chúa liền xin bà nước uống cho đỡ khát, bà liền sửng sốt thưa Chúa:” làm sao ông là người Do Thái lại xin nước uống với tôi là người Samaria, vì người Do Thái và người xứ Samaria không bao giờ được phép giao thiệp với nhau ( Ga 4, 5-9 ). Thế mà, trong câu chuyện này, ta thấy một người Do Thái bị cướp bóc lột và đánh nửa sống nửa chết trên đường đi Giêricô, rồi có một thầy tư tế và một thầy Lêvi cũng là người Do Thái, đi ngang qua, thấy vậy tránh lối mà đi, không hề đoái hoài, thương giúp người bị nạn. Chỉ có người Samaritanô vốn là thù địch với người Do Thái, khi đi qua thấy người đó lại động lòng thương săn sóc họ hết sức tận tình. Chúa Giêsu hỏi người thông luật :” Vậy ai là người thân cận của kẻ bị cướp “ ( Lc 10, 36 ). Người thông luật thưa:” Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy “. Đức Giêsu bảo ông ta :” Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy “( Lc 10, 37 ). Đây là tấm gương bác ái thật cao cả, cho nên Chúa dậy ta cũng hãy làm như vậy.

HÃY YÊU BẰNG HÀNH ĐỘNG, BẰNG GƯƠNG SÁNG, BẰNG VIỆC LÀM TỎA SÁNG : Yêu như Chúa yêu. Yêu như người Samaritanô yêu không chỉ bằng đầu môi chóp lưỡi mà yêu bằng việc làm. Yêu bằng chính con tim. Mẹ Têrêsa Calcutta nói : “ Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình”. Chúa Giêsu đã nói và đã thực hiện tình yêu vô vị lợi, tình yêu phục vụ, tình yêu tự hiến của mình bằng chính mạng sống của mình :” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình thương mến”( Ga 15, 13 ). Chúa dậy và làm gương cho ta để ta thực hiện tình thương mến thương. Sở dĩ có khi ta chưa dám thể hiện tình thương là vì ta sợ mất giờ, sợ thiệt thòi, sợ liên lụy, sợ phải trả giá, sợ đụng đến sự an tòan, sợ đụng đến tiện nghi, vật chất của mình. Tất cả những nỗi sợ ấy làm ta co cụm lại, làm ta không dám tung ra, không dám phá tan rào cản của ích kỷ, lòng tham vô đáy của ta. Yêu như Chúa yêu là dám hy sinh cho người khác dù phải thiệt thân. Yêu như người Samaritanô nhân hậu là dám phá tan cái rào cản giữa thù hiềm dân tộc, màu da, ngôn ngữ để giúp người anh em mà luật không cho phép. Yêu như người Samaritanô là dám chịu thiệt thòi về thời gian, công sức, tiền của để cứu người anh em xa lạ. Đạo Kitô là đạo tình thương. Người Kitô hữu mang danh Chúa Kitô mà không thực hành bác ái, yêu thương, không sống tình yêu, không viết lên hai chữ yêu thương bằng chính việc làm tỏa sáng của mình trong đời sống thường nhật với những người thân cận, người đó chỉ là người Kitô hữu hữu danh vô thực, giả hiệu, giả danh. Vì yêu chính là trao ban. Yêu người sẽ gặp Chúa và yêu Chúa sẽ gặp được người.

Lạy Chúa Giêsu, xin tăng thêm đức tin cho chúng con, để chúng con biết sống và biết yêu như Chúa đã yêu ( Ga 15, 12 ). Amen.

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi    DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C