Chúa
Nhật 15 quanh năm, C
(Lu-ca 10:25-37)
Không
biết thánh sử Lu-ca có đặt câu truyện “người thông luật hỏi Chúa Giê-su ai là
người thân cận của ông ta” trong mạch văn về việc rao giảng Tin Mừng hay
không. Nếu có thì hẳn câu truyện đã giúp
ta hiểu phải rao giảng Tin Mừng cho mọi người và không chỉ rao giảng bằng những
bài vở thuộc lòng, mà là bằng việc làm cụ thể và biểu lộ được căn tính bác ái
Ki-tô. Ta thử suy nghĩ xem người
Sa-ma-ri trong câu truyện Tin Mừng hôm nay có thực sự là một môn đệ của Chúa Giê-su
không.
1) Động lực rao giảng Tin
Mừng là đức mến
Chúa
Giê-su gọi các môn đệ và sai họ đi rao giảng Tin Mừng. Người huấn luyện họ, căn dặn những điều cần
thiết và cho họ đi tập sự để rút kinh nghiệm và học hỏi thêm. Tuy nhiên trong việc đào tạo ấy, Chúa Giê-su
muốn họ phải nhớ kỹ động lực nào thúc giục họ ra đi để mang Tin Mừng đến với
mọi người. Động lực ấy là lòng mến. Vì yêu thế gian nên Thiên Chúa Cha đã sai Con
Một Người đến với gian trần (Ga 3:16).
Giờ đây với cùng động lực ấy, Chúa Giê-su sai các môn đệ ra đi. “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con
cũng sai họ đến thế gian” (Ga 17:18).
Trước
hết người môn đệ ra đi vì yêu mến. Vâng
lời Thầy để ra đi là cách tốt nhất để môn đệ biểu tỏ lòng mến đối với Người, vì
Người đã thương kêu gọi họ làm môn đệ.
Thánh Phao-lô đã cảm nghiệm tình yêu Chúa Ki-tô thôi thúc ngài thi hành
sứ vụ Tông Đồ và lên đường truyền giáo (2 Cr 5:14-20). Lòng yêu mến Chúa Ki-tô có thể hiểu theo hai
chiều, hoặc tình yêu của Chúa Ki-tô dành cho môn đệ, hoặc tình yêu của môn đệ
đáp lại tình yêu của Chúa Ki-tô. Rao
giảng không đặt căn bản trên lòng yêu mến thì đâu khác gì hành nghề, có khi kỹ
thuật hành nghề rất là ấn tượng và thành công, nhưng không cho người nghe thấy
được họ đang rao giảng về Đấng yêu mến họ hoặc Đấng họ yêu mến.
Theo
gương Chúa Ki-tô, môn đệ ra đi vì yêu mến anh chị em. Nếu “Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người” để
rao giảng cho họ biết tình Thiên Chúa yêu ta, thì môn đệ cũng phải ra đi dù
trong gian truân để làm chứng cho tình yêu của Đức Ki-tô. Lòng yêu thương anh chị em giúp ta thắng vượt
được mọi trở ngại do kỳ thị phân biệt.
Các vị truyền giáo đã từ phương xa tới, nhưng các ngài đã sẵn lòng nhận
nơi các ngài đến làm quê hương. Lòng yêu
mến của người Sa-ma-ri là động lực khiến ông dừng lại và chỉ còn thấy người nằm
bên đường là một con người, chứ không phải kẻ đó là người Do-thái hay dân ngoại
nữa. Dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành
được Chúa Giê-su kể là để nói lên “điều răn lớn” mến Chúa yêu người, nhưng cũng
để nói lên động lực rao giảng Tin Mừng là lòng mến Chúa yêu người vậy.
2) Ra đi như một người thân
cận
Trong
dụ ngôn, có ba người đã đi qua chỗ người bị nạn đang cần sự giúp đỡ. Nếu nhìn theo viễn tượng rao giảng Tin Mừng,
ta cứ tạm hiểu người bị nạn ấy tượng trưng cho những người đang cần được nghe
lời Chúa và ba người kia là những người có bổn phận phải rao giảng Tin
Mừng. Nhưng để đến và giúp đỡ người bị
nạn, họ cần phải có lòng yêu mến đích thực, hay nói khác đi, họ phải “tỏ ra là
người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp”.
Môn
đệ Chúa phải là “người thân cận” với anh chị em. Người thân cận không dựa trên danh nghĩa họ
hàng hay bạn bè thân hữu, nhưng trên tình yêu thương người ấy tỏ ra qua lối
sống yêu thương của Chúa Ki-tô. Tình yêu
thương đích thực là tình được biểu lộ bằng việc làm. Ta cứ nhìn vào những việc làm của người
Sa-ma-ri tốt lành là thấy được ông ta yêu thương người khác như thế nào. Ông không sợ nguy hiểm nơi hoang dã, biết đâu
tụi cướp còn ẩn núp đâu đó. Ông không
ngại vấn đề vệ sinh, làm công việc băng bó cho nạn nhân. Ông không tiếc tiền bạc tốn kém, sẵn sàng bỏ
ra để săn sóc nạn nhân. Tất cả những
việc làm đó là bởi đâu? Bởi yêu thương. “Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới
ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và CHẠNH LÒNG THƯƠNG” (Lc 10:33). Như thế, ta nhận thấy người môn đệ ra đi thi
hành sứ vụ tông đồ trước hết phải là người thân cận, hoặc phải là người biết
chạnh lòng thương. Ta đọc trong Tin Mừng
bao nhiêu lần Chúa Giê-su đã chạnh lòng thương đối với đám đông dân chúng đến
với Người. Người chạnh lòng thương đám
dân chúng “vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6:34). Hoặc Người chạnh lòng thương đám đông, “vì họ
ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói
mà về, sợ rằng họ xỉu dọc đường” (Mt 15:32).
Quả thực, Chúa Giê-su là Người Thân Cận của toàn thể nhân loại đang cần
được cứu chữa. Người được Chúa Cha sai
đến trần gian để làm người thân cận của ta.
Bây giờ đến lượt Người sai ta đến với anh chị em để làm người thân cận
của họ.
3) “Ông hãy đi, và cũng hãy
làm như vậy”
Lệnh
truyền của Chúa Giê-su nói với người thông luật cũng tựa như lệnh truyền cho
bảy mươi hai môn đệ đi giảng: “Anh em
hãy ra đi” (Lc 10:3). Có lẽ chính ở điểm
này mà ta thấy câu truyện người thông luật cùng với dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt
lành có liên hệ với việc các môn đệ được Chúa sai đi rao giảng. Chúa bảo người thông luật hãy ra đi làm người
thân cận của mọi người. Lề luật trói
buộc ta trong đủ mọi những giới hạn, trái lại, lòng yêu mến giải phóng ta và mở
ra một chân trời mới cho ta đến với mọi người.
Có một phương trình giữa “anh em hay đi rao giảng Tin Mừng” và “ông hãy
đi và cũng hãy làm như vậy”. Rao giảng
Tin Mừng cũng là làm những gì người thân cận Sa-ma-ri đã làm.
Chung
quanh ta có biết bao người đang bị “lột sạch, bị đánh nhừ tử, nửa sống nửa
chết” về cả thể xác lẫn tinh thần. Ta
nghe Chúa Giê-su bảo: Con hãy đi. Con hãy “lại gần” họ chứ đừng lảng tránh họ
như vị tư tế hay thầy Lê-vi. Con hãy xoa
dịu vết thương của họ bằng “dầu và rượu” tình yêu của con. Con hãy đưa họ về “quán trọ” là Giáo Hội để ở
đó họ được chăm sóc. Con hãy quảng đại
thời giờ tiền bạc vì lợi ích của họ.
Đi
rao giảng không nhất thiết là phải nói, phải thuyết phục... Thánh Phao-lô đã học được bài học này tại
A-then sau diễn từ của ngài trước Hội đồng A-rê-ô-pa-gô (Cv 17:16-34). Nhưng đi rao giảng trước hết phải là “cũng
hãy làm như vậy”, tức là biểu lộ những việc làm phản ảnh tình yêu Chúa Ki-tô,
hoặc là “thực thi lòng thương xót” đối với anh chị em.
4) Suy nghĩ và cầu nguyện
Có
khi nào tôi đọc dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành trong mạch văn làm người môn đệ
của Chúa Giê-su không? Tại sao?
“Chạnh
lòng thương” có phải là động lực thúc đẩy tôi đến với anh chị em không? Tại sao tôi có thể giữ thái độ dửng dưng đối
với việc rao giảng Tin Mừng? Tại tôi
không biết chạnh lòng thương?
Qua
kinh nghiệm sống, ai đang là “người thân cận của tôi”? Hoặc tôi đang là “người thân cận” của người
nào?
Cầu nguyện
“Lạy
Chúa,
những
lúc con cảm thấy đói,
xin
ban cho con một ai đó đang cần của ăn.
Khi
con khát,
xin
gởi đến cho con
một ai đó đang cần nước uống.
Khi
con lạnh lẽo,
xin gởi đến cho con
một
ai đó đang cần được sưởi.
Khi con bị xúc phạm,
xin ban cho con một cai đó đang cần ủi an.
Khi
thập giá của con trở nên nặng nề,
xin
ban cho con
thập
giá của một người khác để cùng chia sẻ.
Khi
con túng nghèo,
xin
dẫn con đến cho con một người thiếu thốn.
Khi
con không có thì giờ,
xin
ban cho con ai đó để con giúp họ giây lát.
Khi
con nản chí,
xin
gởi đến cho con một người cần khích lệ.
Khi
con chỉ biết nghĩ đến minh,
xin
xoay chuyển tư tưởng con hướng đến tha nhân.”
-
Trích
trong PRIER
(Trích
RABBOUNI, lời
nguyện 113)
Lm. Đaminh Trần Đình
Nhi