Chúa Nhật 16 quanh năm
(Lu-ca 10: 38-42)
Hẳn
ta còn nhớ cốt lõi của sứ điệp Tin Mừng mà các môn đệ được Chúa sai đi rao
giảng là: Triều Đại Thiên Chúa đã đến
gần. Triều Đại ở đây không phải là một
khoảng thời gian trị vì của vua chúa trần gian, nhưng là sự hiện diện của Thiên
Chúa giữa chúng ta – Emmanuel – qua con
người Đức Giê-su Ki-tô. Mà đã nói tới trọn vẹn con người Đức Giê-su Ki-tô là
phải nói tới lời giảng và việc làm của Người.
Câu truyện hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a trình bày hai lối tiếp nhận
Triều Đại Thiên Chúa, hay nói khác đi là tiếp nhận chính Đức Giê-su Ki-tô, đồng
thời cũng là cơ hội để ta xét lại cách thức ta đang tiếp nhận và sống thực tại
của Triều Đại ấy như thế nào.
1) “Cô Mác-ta thì tất bật lo
việc phục vụ”
Tiếp
đón quý khách là điều quan trọng, nhất là đối với người đông phương. Nếu việc tiếp đón quá chú trọng tới bề ngoài,
nhiều khi việc tiếp đón lại trở thành mất hết ý nghĩa và làm cho khách phải
nghĩ ngợi. Đó là những người đặt nặng
hình thức và không nhìn thấy ý nghĩa đích thực của mục đích cuộc viếng
thăm. Chắc chắn đây không phải là trường
hợp của cô Mác-ta, vì chính cô đã “đón Người vào nhà”, tức là cô chân thành và
quý mến vị thượng khách và Chúa Giê-su không phải là vị khách bất đắc dĩ. Tuy nhiên phải tiếp đãi như thế nào để biểu
lộ được mối chân tình ấy? Bản chất cô
Mác-ta là một người thực tế, khởi đi từ những kinh nghiệm sống hằng ngày và sử
dụng những khả năng sẵn có để tiếp đón Chúa Giê-su. Có thể vì thế mà cô Mác-ta chưa thể nhận ra
được Triều Đại Thiên Chúa hoặc sự hiện diện của Thiên Chúa qua Đức Giê-su. Do đó, cô đã tiếp đón Chúa Giê-su như một con
người vô cùng đặc biệt trước khi nhận biết và tin Người là “Đức Ki-tô, Con
Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (Ga 11:27).
Nhưng
ta tự hỏi tiếp nhận Triều Đại Thiên Chúa trên bình diện nhân bản như cô Ma-ri-a
đã làm có phải là một điều sai không?
Chắc chắn là không. Vì Chúa
Giê-su không xét đoán điều đó là sai, nhưng Người muốn cô Mác-ta hãy rời bỏ chứ
đừng bám lấy cái khởi điểm nhân bản ấy, để đi tới một thái độ tiếp nhận Triều
Đại Thiên Chúa mang tính chất thiêng liêng.
Triều Đại Thiên Chúa không ở đây hay ở kia, nhưng ở ngay trong tâm hồn
ta. Dầu sao thì cô Mác-ta cũng để lại
cho ta một bài học là khởi đầu của việc tiếp nhận Triều Đại Thiên Chúa phải đi
từ lãnh vực con người. Ta không thể chối
bỏ những gì là thể chất, cảm xúc, tình cảm của con người. Nhưng ta cũng đừng quên chúng chỉ là phương
tiện để đưa ta đến với Thiên Chúa. Tuy nhiên ta cũng không thể đi tới thái cực
kia. Ta không thể vịn lẽ “đạo tại tâm”,
đạo trong lòng chứ đâu phải bề ngoài, để rồi không tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật,
không xưng tội rước lễ...
Nhận
định chỗ đứng và giá trị đích thực của hình thức và những gì bề ngoài là điều
Chúa Giê-su hết sức quan tâm. Người
không tiếc lời chỉ trích những kẻ vị luật, chú trọng những hình thức mà gạt đi
tinh thần, thí dụ các người Pha-ri-sêu và thông luật. Họ dừng lại ở hình thức luật và coi đó là mục
đích. Chúa Giê-su không muốn cô Mác-ta
rơi vào tình trạng vị hình thức. Người
đã thấu hiểu lòng thành của cô và không ngại ưu ái dạy dỗ cô bằng một lời rất
chân tình: “Mác-ta! Mác-ta ơi!
Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.” Chuyện cần thiết ấy chính là phải di chuyển
ra khỏi hình thức để đi vào nội dung, tức là đừng quá lo lắng việc bề ngoài để
chú trọng đến việc lắng nghe lời Chúa.
2) “Cô Ma-ri-a cứ ngồi bên
chân Chúa mà nghe lời Người dạy”
Nếu
ta nhìn nhận cách cô Mác-ta tiếp đón Chúa Giê-su như là căn bản và khởi đầu cho
việc tiếp nhận Triều Đại Thiên Chúa, thì việc làm của cô Ma-ri-a sẽ làm sáng tỏ
phải tiếp nhận như thế nào mới là “tốt nhất”.
Ta
thường giải thích việc tiếp đãi của cô Mác-ta biểu trưng cho hoạt động và việc
lắng nghe của cô Ma-ri-a biểu trưng cho cầu nguyện hay chiêm niệm. Tuy nhiên, nếu ta hiểu việc tiếp nhận Triều
Đại Thiên Chúa là ý thức và sống sự hiện diện của Thiên Chúa nơi ta, thì ta sẽ
thấy những gì cô Ma-ri-a đã làm là đúng như vậy. Cầu nguyện hay chiêm niệm là sống sự hiện
diện, sự hiện diện của Chúa nơi ta và sự hiện diện của ta trong Chúa. Sự hiện diện của Thiên Chúa thể hiện qua lời
của Người là Đức Ki-tô và sự hiện diện của ta thể hiện qua việc ta lắng nghe
lời Chúa. Cô Ma-ri-a tiếp nhận Triều Đại
Thiên Chúa bằng cách nhận ra sự hiện diện của Triều Đại ấy nơi Đức Ki-tô đang
hiện diện với cô và đáp lại sự hiện diện
của Người khi cô “cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy”. Ngồi bên chân Chúa là thái độ của người môn
đệ. Quả thực, cô Ma-ri-a là một môn đệ
của Chúa, một môn đệ muốn được thấm nhuần lời dạy dỗ của Thầy để biến đổi con
người mình.
Đến
đây ta lại nhận ra một khía cạnh mới của việc tiếp nhận Triều Đại Thiên
Chúa. Tức là muốn tiếp nhận Triều Đại
Thiên Chúa, ta phải trở thành môn đệ Chúa Giê-su và phải để cho lời dạy dỗ của
Người thay đổi ta thành con người mới.
Đó chính là “phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”. Những điều cô Mác ta làm là phần tốt, nhưng
không phải là tốt nhất vì nó có thể bị lấy đi.
Tiếp đãi Chúa nồng hậu, rồi sau đó có khi cũng không để lại cho cô
Mác-ta điều gì lớn lao. Việc tiếp đãi
không thay đổi con người cô Mác-ta gì cả.
Trái lại, cô Ma-ri-a thì để cho lời Chúa hoạt động và để lại nơi cô
những hiệu quả sâu xa và lâu bền.
Điều
quan trọng để đạt được phần tốt nhất là phải biết “chọn”. Những người Pha-ri-sêu và thông luật “chọn”
dừng lại ở lề luật và hình thức. Cô
Mác-ta thì được Chúa dạy phải “chọn” gác sang một bên việc tiếp đón bằng tiệc
tùng để sống và say sưa với sự hiện diện của Chúa, tức là Triều Đại Thiên Chúa. Còn cô Ma-ri-a đã trở thành một gương mẫu của
việc “chọn” rồi.
3) Ki-tô hữu phải tiếp nhận
Triều Đại Thiên Chúa như thế nào?
Câu
truyện hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a tiếp đón Chúa đã vạch cho ta con đường
tiếp nhận Triều Đại Thiên Chúa. Cách
tiếp đón của mỗi người nói lên một giai đoạn và giá trị của việc tiếp
nhận. Trước hết, ta tiếp nhận với tất cả
khả năng và giới hạn của con người. Nhái
lại hai giới răn trọng đại nhất, ta cũng có thể nói ta phải tiếp nhận Triều Đại
Thiên Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn” (Lc 10:28).
Ta
ý thức Chúa là “phần tốt nhất” và khi ta chọn Người rồi thì không ai có thể lấy
Chúa đi khỏi ta. Chúa Giê-su gọi điều
này là “chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi”.
Nhưng điều nguy hiểm là ta lại không thấy đó là chuyện cần thiết. Có bao nhiêu Ki-tô hữu đóng khung trong việc
đạo đức hình thức mà không muốn ra ngoài khởi điểm ấy để đến với Chúa mới là
“phần tốt nhất”. Đọc kinh, dự Thánh Lễ
là phần tốt, nhưng hiện diện được với Chúa và cảm nghiệm được Chúa hiện diện
với mình mới là “phần tốt nhất”. Chúa
Giê-su là Triều Đại Thiên Chúa. Lắng
nghe Chúa Giê-su là tiếp nhận Triều Đại Thiên Chúa.
Ki-tô
hữu là người môn đệ Chúa, biết lắng nghe lời Chúa và sống lời Chúa. Nhưng người môn đệ không chỉ lắng nghe, mà
lắng nghe để rồi dấn thân ra đi rao giảng về Triều Đại Thiên Chúa. Nơi nào họ giúp cho Chúa Ki-tô hiện diện là ở
đó Triều Đại Thiên Chúa được hiện diện.
Cứ thế, họ sẽ là những sứ giả Tin Mừng, giúp cho Triều Đại Thiên Chúa
được lan tràn và phát triển ngay tại trần thế này.
4) Suy nghĩ và cầu nguyện
Câu
truyện hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a nói gì về quan hệ giữa tôi với Chúa
Giê-su? Cách tôi tiếp đón Chúa có những
điểm nào vụ hình thức và những điểm nào thể hiện thái độ lắng nghe?
Chúa
bảo cô Mác-ta lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chúa cũng bảo tôi như vậy thì tôi phải hiểu
thế nào?
Suy
nghĩ về việc “chọn” của tôi mỗi ngày.
Cầu
nguyện
“Lạy
Chúa Giê-su,
nhiều
bạn trẻ đã không ngần ngại
chọn
những cầu thủ bóng đá,
những
tài tử điện ảnh
làm
thần tượng cho đời mình.
Hôm
nay
Chúa
cũng muốn biết chúng con chọn ai,
và
chúng con thật sự đắn đo
trước
khi chọn Chúa.
Bởi
chúng con biết rằng
chọn
Chúa là lội ngược dòng,
theo
Chúa là bước vào con đường hẹp:
con
đường nghèo khó và khiêm nhu,
con
đường từ bỏ và phục vụ.
Hôm
nay, chúng con chọn Chúa
không
phải vì Chúa giàu có,
tài
năng hay nổi tiếng,
nhưng
vì Chúa là Thiên Chúa làm người.
Chẳng
ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.
Chẳng
ai hoàn hảo như Chúa.
Ước
gì chúng con can đảm chọn Chúa
nhiều
lần trong ngày,
qua những chọn lựa nhỏ bé,
để
Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,
và
để chúng con
thông
hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa.
A-men.”
(Trích
RABBOUNI, lời
nguyện 26)
Lm. Đaminh Trần Đình
Nhi
20-7-2007