CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN, năm C

Lc 11, 1-13

 

LỜI KINH TUYỆT DIỆU

 

Bất cứ một tôn giáo nào cũng có một hình thức cầu nguyện nào đó. Và lời kinh là phương thế để các tín  hữu, tín đồ dùng để cầu nguyện, để họ đi vào liên lạc mật thiết với Đấng họ tôn thờ, yêu mến. Các môn đệ và tông đồ của Chúa Giêsu sau những năm đi theo Chúa, vẫn không biết phải cầu nguyện làm sao. Do đó, họ khẩn khỏan nài xin Chúa Giêsu dậy họ cầu nguyện. Chúa Giêsu đã dậy họ kinh lạy Cha.

CÁC MÔN ĐỆ CHẲNG BIẾT PHẢI CẦU NGUYỆN THẾ NÀO ? : Vẫn biết cầu nguyện là điều cần thiết tromg cuộc đời của mình khi các môn đệ dấn thân đi theo Chúa Giêsu, nhưng ông vẫn chưa biết phải cầu nguyện thế nào? Tuy, các ông đã được chiêm ngắm Chúa Giêsu cầu nguyện và Chúa Giêsu luôn đặt ưu tiên đời sống của Ngài : “ cầu nguyện “. Chúa Giêsu đã vào sa mạc 40 đêm ngày để ăn chay, cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa Cha. Chúa đã dành nhiều giờ để vào nơi thanh vắng cầu nguyện và tâm sự với Cha của Ngài sau mỗi lần rao giảng, làm phép lạ. Chúa đã thức thâu đêm cầu nguyện và hỏi ý Chúa Cha trước khi tuyển chọn các môn đệ. Trong ba năm rao giảng, rầy đây mai đó, Chúa Giesu đã dành rất nhiều thời giờ để trò chuyện, thân tình tâm sự với Thiên Chúa Cha bằng lời cầu nguyện. Các môn đệ đã chứng kiến Thầy mình luôn yêu thích cầu nguyện, luôn tỏ ra việc tối quan trọng trong đời sống là cầu nguyện. Chính vì thế, một bữa kia các ông đã mạnh dạn xin Chúa Giêsu dậy các ông cầu nguyện. Chúa Giêsu đã dậy các môn đệ kinh lạy Cha. Chúa không ngần ngừ và không dậy bất cứ một lời kinh cầu nguyện nào nữa ngọai trừ kinh lạy Cha. Trong kinh lạy Cha, Chúa dậy các môn đệ thưa với Thiên Chúa là Cha của mình. Lời thưa với Thiên Chúa” Abba” là Cha chứng tỏ Thiên Chúa nhân từ và đầy lòng xót thương. Danh xưng Thiên Chúa là Cha không chỉ phổ thông trong dân tộc Do Thái. Vì trong Cựu Ước, nhờ giáo huấn của các ngôn sứ, dân Do Thái gọi Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa là Cha của mọi người, của tòan dân. Các dân tộc vùng Tiểu Á cũng gọi các thần linh của họ là Cha. Tuy nhiên, danh xưng Thiên Chúa là Cha mà Chúa Giêsu đã dậy cho các môn đệ trong kinh lạy Cha, hoàn toàn khác biệt với dân Do Thái gọi các thần linh của họ là Cha. Đây là tiếng thông dụng trẻ Do Thái thường gọi Cha của mình. Nên, tiếng Abba trong kinh lạy Cha :” Cha, ba ơi “ là mạc khải của Chúa Giêsu cho các môn đệ và nhân lọai và là lời tuuên tín của các môn đệ, của người Kitô hữu, của Hội Thánh do Chúa Giêsu thiết lập, kêu lên với Thiên Chúa.

LỜI KINH LẠY CHA CÓ Ý NGHĨA GÌ ĐỐI VỚI CÁC MÔN ĐỆ VÀ ĐỐI VỚI HỘI THÁNH, ĐỐI VỚI CHÚNG TA : Được Chúa Giêsu dậy kinh lạy Cha. Các môn đệ đã sốt sắng cầu nguyện hằng ngày và suốt cuộc hành trình truyền giáo của mình bằng kinh lạy Cha. Các Ngài coi đó là kim chỉ nam cho đời sống Kitô của mình, đời sống tông đồ của mình. Hội Thánh luôn dùng kinh lạy Cha như là hơi thở của lời cầu nguyện. Chúng ta đã cầu nguyện, đã đọc kinh lạy Cha nhiều lần và có thể hằng ngày đọc kinh lạy Cha, nhưng chúng ta đã có thái độ thế nào ? Chúng ta đọc một cách máy móc hay đã cầu nguyện hết mình, hết tâm tình như Chúa Giêsu? Chúng ta đã cầu nguyện có hồn hay lơ là ? Chúng ta đã đặt hết tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha, đã đi vào quan hệ mật thiết với Chúa Cha như người con ngoan hiền đi tới với cha của mình để trình bầy, để tâm sự, để giải tỏ những nỗi niềm của mình hay chưa ? Kinh lạy Cha do Chúa Giêsu dậy, giúp chúng ta phải cầu nguyện thế nào, cầu nguyện làm sao ? Chúng ta phải xin điều gì trước, điều gì sau. Chúng ta nên làm những điều gì và nên tránh những điều gì ?

Chúa luôn dậy chúng ta khi cầu nguyện phải kiên trì và tin tưởng . Tin Mừng hôm nay ngoài  việc  Chúa dậy các môn đệ cầu nguyện bằng kinh lạy Cha, Chúa Giêsu lại đưa ra dụ ngôn:” Xin bánh ban đêm “ để dậy chúng ta phải có thái độ kiên trì, nhẫn nại trong khi cầu nguyện. Sở dĩ Chúa muốn như thế vì  Ngài muốn củng cố đức tin và xem đức tin chúng ta ra sao ? Đức tin của chúng ta có vững chắc hay hời hợt, thiếu kiên trì, thiếu kiên nhẫn. Khi chúng ta cầu xin, Chúa luôn nghe lời chúng ta, nhưng ban lại là cách khác của Ngài. Chúa thấy điều gì cần Ngài sẽ ban cho chúng ta theo ý định của Ngài. Do đó, điều chúng ta xin mà không được không phải Chúa không nhậm lời nhưng Ngài thấy điều gì cần hơn, Ngài ban cho trước. Điều quan trọng nhất là khi chúng ta cầu nguyện chúng ta luôn luôn phải tin tưởng, cậy trông và phó thác cho tình thương quan phòng  của Chúa.

Xin Chúa củng cố đức tin cho chúng ta để chúng ta biết sống và cầu nguyện, biết kiên trì, cậy trông và phó thác vào tình yêu vô biên cao vời của Thiên Chúa. Amen.

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi   DCCT

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C