LẠY CHA CHÚNG CON …

Chúa Nhật 17C Thường Niên.

 

Cầu nguyện là một nhu cầu đặc biệt.   Tôn giáo được lập ra để đáp ứng nhu cầu căn bản và lớn lao đó.   Cầu nguyện là một hành vi cao cả nhất của con người và đặc tính xác định bản chất và giá trị con người.  Tất cả tinh túy Kitô giáo đều tìm thấy trong lời kinh  “Lạy Cha …” (Lc 11:2)

 

CẦU NGUYỆN LÀ LẼ SỐNG.

 

Đức Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện.   Nói khác, chính Chúa đã dẫn các môn đệ đi vào tương giao sâu xa với Chúa Cha.   Khi đã bắt được tương quan sâu xa đó, họ sẽ không còn thấy một cản trở nào và cũng chẳng cần một trung gian nào nữa.   Sự thánh thiện không làm Chúa xa lạ với những nhu cầu con người. Quyền năng tuyệt đối không khiến Người độc đoán và cao ngạo trước số kiếp lầm than của nhân loại.  Vấn đề là con người có dám  thưa  “lạy Cha” với Đấng Tạo Hóa hay không.   Càng gần Thiên Chúa, con người càng thánh thiện vì “danh Người thật chí thánh chí tôn.” (Lc 1:49)  Sự thánh thiện của tín hữu làm vinh danh Thiên Chúa, vì phản ánh vinh quang Thiên Chúa.  Chính vinh quang đó đã chiếu tỏa mãnh liệt trên dung nhan Đức Giêsu, Đấng khai mạc triều đại Thiên Chúa.   Bởi vậy, xin cho “Triều Đại Cha mau đến,” (Lc 11:2b) nghĩa là xin cho ơn cứu độ mau thành tựu nơi nhiệm thể Đức Giêsu.

Đó là chiều kích cánh chung của kinh “Lạy Cha”.   Chiều kích cánh chung phải gắn liền với chiều kích “hôm nay” (Lc 19:9 tt) với những nhu cầu rất thực tiễn của cuộc sống cộng đoàn và cá nhân.    Quả thế, thực tế chừng nào khi Chúa dạy chúng ta “xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy.” (Lc 11:3)   Lời cầu nguyện phát xuất từ niềm tin.   Niềm tin không xa rời thực tế để chỉ cắm chặt vào những thực tại trên trời.  Trái lại, niềm tin cho thấy ngay cả những nhu cầu hiện tại con người cũng tùy thuộc vào lòng từ bi và quyền năng Cha trên trời.   Bởi thế, cầu xin Cha ban cho lương thực hằng ngày là điều hợp lý. 

Phải chăng lương thực hằng ngày chỉ đáp ứng cho những nhu cầu cấp bách ?   Nếu thế, làm sao con người bắt kịp tốc độ triều đại Chúa đang đến ?   Quả thực, cần phải có một thứ lương thực tương lai, tức là Thánh Thể, để con người có thể nếm trước và nhập tiệc cánh chung với Chúa.   Cả hai thứ lương thực trần gian và thiên quốc đều cần thiết cho cuộc sống hiện tại và tương lai.   Tình yêu Thiên Chúa tràn ngập trong những lương thực này.   Thiên Chúa lo lắng cho cuộc sống con người.   Người muốn con người thực sự hạnh phúc ngay trong phút giây hiện tại.   Hạnh phúc đó không dừng lại trong hiện tại và phải vượt qua ranh giới cánh chung, để tìm đến hạnh phúc đích thực trong Thiên Chúa.   Chỉ có lương thực tương lai mới bảo đảm những bước tiến đó mà thôi. Không có lương thực tương lai, lương thực hiện tại hoàn toàn bất lực trong việc chuẩn bị con người nhập tiệc vui với Chúa.

Căn cứ vào đâu biết Thiên Chúa lo lắng đến tương lai chúng ta ?   Nếu Người không lo lắng đến hạnh phúc con người, chắc chắn không bao giờ Người được gọi là “Cha”.  Đúng hơn, Người vượt trên mọi người cha trần gian trong việc thi thố tình yêu đối với con cái.   Đức Giêsu quả quyết : “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?” (Lc 11:13)    Chỉ những người có đức tin mới có thể thấy được sức nặng của lời quả quyết đó.   Quả thực, đức tin mạc khải rõ Cha quan tâm sâu xa đến nhu cầu đời sống hằng ngày của mỗi người chúng ta.

Nhưng tình yêu Thiên Chúa không chỉ thể hiện qua lương thực hằng ngày, dù là vật chất hay thiêng liêng.   Tình yêu Chúa chính là sức mạnh cứu độ.  Cứu độ có nghĩa là tha thứ.   Chính vì thế, Đức Giêsu không quên dạy chúng ta xin Cha “tha tội cho chúng con.” (Lc 11:4)   Đây là một lời cầu xin quan trọng.   Vì nếu không được tha thứ, chúng ta vẫn còn là thù địch của Thiên Chúa.   Như thế, làm sao chúng ta có thể sống hạnh phúc ?   Không có Chúa, chúng ta sẽ hoàn toàn mất bình an.   Chính vì thế “Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.” (Cl 2:13)   Một bằng chứng rõ ràng là “Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Kitô.” (Cl 2:13) Nói khác, Thiên Chúa đã giao hòa với chúng ta trong Con Một Chí Aùi Người.  

Nhưng cuộc giao hòa này không chỉ có một chiều.   Nói khác, không thể xin Cha tha thứ nếu chính chúng ta không tha thứ cho anh em.   Bởi vậy, sau khi “xin tha tội cho chúng con”, chúng ta phải thưa ngay : “vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con.” (Lc 11:4)   Cuộc sống hằng ngày với những tương quan chằng chịt lại có sức tạo một nền tảng vững chắc cho lời cầu xin tha thứ tự trời cao.   Hai chiều ngang dọc liên đới với nhau trong một huyền nhiệm tình yêu tuyệt vời.   Tinh thần Kitô hữu không thể rời xa mối liên đới sâu xa đó.

Sau cùng, trước những hiểm nguy tiến về nhà Cha, con người không thể không cần đến sức mạnh cứu độ của Chúa.   Đức Giêsu chính là sức mạnh đó.   Thực tế, chúng ta “đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, lại   cùng được trỗi đậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết,” (Cl 2:12)    Chỗi dậy với Người tức là thoát ách tử thần mà bước vào cõi hằng sống.   Đó là cơn thử thách lớn nhất con người không thể vượt qua được nếu không nhờ sức mạnh Chúa Thánh thần.     Chính vì thế, Đức Giêsu mới quả quyết Cha trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người (Lc 11:13) .    Thánh Thần là bảo đảm lớn nhất và vững chắc nhất cho những ai đang đặt tất cả niềm hi vọng nơi Thiên Chúa.

Nhưng muốn lãnh nhận được Thánh Thần, cần phải kiên trì cầu nguyện hằng ngày.  Lời cầu xin hằng ngày cũng là một thách đố lớn.   Không phải lúc nào cũng đón nhận kết quả mau lẹ như ý muốn. Nhiều khi kéo dài hằng mấy chục năm.   Điển hình là trường hợp thánh nữ Monica.   Nhờ ơn Chúa, thánh nữ đã vượt qua thử thách đó và đã chứng kiến sức mạnh lời cầu nguyện nơi Augustinô.   Chắc chắn thánh nữ đã hiểu rõ dụ ngôn về người bạn quấy rầy và lì lợm trong Tin Mừng Lc 11:5-8.   Chúa quá yêu thương chúng ta, không thể cầm lòng nổi trước tiếng nài van khẩn thiết của đoàn con bé mọn.   Khác hẳn với các người cha trần gian, Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng.  Tình yêu đó đã hoạt động mãnh liệt ngay từ Giáo hội tiên khởi.  Thánh Thần là một bảo chứng lớn lao của tình yêu đó và là một tặng phẩm tuyệt vời Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội.   

Giáo hội tiên khởi may mắn được Mẹ Maria hợp lực nài xin Chúa sai Thánh Thần.  Các tông đồ đã xác tín tuyệt đối vào lời Chúa : “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” (Lc 11:9)   Chúa đã nhận lời Đức Mẹ và các tông đồ vì các ngài là những người công chính.   Sự công chính là một sức mạnh kéo Thiên Chúa chú ý đến lời cầu nguyện.   Từ xưa, Abraham cũng đã được Chúa lắng nghe vì là người công chính.  Lời cầu nguyện của ông giống như một sự mặc cả.   Từ con số năm mươi người lành, ông đã rút dần xuống mười người để cứu vãn thành Xơđôm.  Thật là đơn sơ và chân thành !  Không ngờ Chúa cũng chấp nhận tất cả những đề nghị của ông Abraham. Ngày nay, nếu có phải “mặc cả”, chúng ta không mất công “cò kè bớt một thêm hai” như kiểu Abraham.  Chúng ta đã có một thế lực rất lớn là giá máu Thánh Tử Chí Aùi là Đức Giêsu.   Đức Giêsu là người công chính.   Người công chính nói gì Chúa cũng lắng nghe.  Bao lâu sống bất chính và bất công, chúng ta không xứng đáng dâng lên Chúa một lời nguyện nào, chứ đừng nói đến chuyện được Chúa chấp nhận.  Thánh Phaolô đã vạch trần sự thật : “trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã.” (Cl 2:13)     Nhưng giờ đây “Người đã xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta. Người đã hủy bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.” (Cl 2:14)   Thế là chúng ta an tâm khi dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa. 

 

CỘNG ĐỒNG CẦU NGUYỆN.

 

Lời cầu nguyện được thốt lên từ lòng người và trong cộng đồng.   Con người được kêu gọi để làm thành những cộng đồng cầu nguyện, tức là tôn giáo.  Càng cầu nguyện, càng thấy mình phải hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa.   Cá nhân hay tập thể đều thấy mức độ lệ thuộc lớn lao đó.   Đứng trước nhan Chúa, cá nhân có những ưu thế hơn tập thể, vì có thể chìm sâu trong tương quan vô tận với Thiên Chúa.   Nhưng cá nhân vẫn cảm thấy thiếu thốn và cần đến chiều kích cộng đồng trong lời cầu nguyện.  Bởi đấy, trong lời kinh Lạy Cha, Đức Giêsu đã dạy chúng ta phải cầu nguyện trong thế liên kết với anh em.   Nói khác, người ta không thể đọc kinh Lạy Cha trong tư thế cá nhân.  Cầu nguyện Kitô giáo luôn mang tính cộng đồng.   Dù cầu nguyện một mình, người tín hữu cũng đọc : “Lạy Cha chúng con …”    Đúng hơn, Giáo hội là một cộng đồng cầu nguyện với Thiên Chúa.  Cộng đồng có nhiều cách sống niềm tin.   Nhưng cầu nguyện là cách thể hiện niềm tin mãnh liệt nhất của cộng đồng.

          Ngày nay cộng đồng niềm tin đang bị cản trở cầu nguyện dưới mọi hình thức.   Khi không tôn trọng tự do tôn giáo, các chính quyền độc tài đã khinh thường và chà đạp nhân phẩm con người.   Tôn giáo là cao điểm của mọi hoạt động nhân loại.   Tôn giáo nâng cao con người trên vạn vật.   Chỉ con người mới có tôn giáo.  Nói khác, nếu không có tôn giáo, con người hoàn toàn giống con vật với những nhu cầu trước mắt mà thôi.   Bởi thế, “tự do tôn giáo là một trong những cách diễn tả cao độ nhất lòng kính trọng nhân phẩm con người.” (CWNews 23/7/2001)   Không tôn trọng tự do tôn giáo, các giá trị khác sẽ bị đe dọa trầm trọng.

          Tôn giáo không tách rời khỏi cuộc sống và không phải là một cản trở bước tiến nhân loại.   Trái lại, càng sống niềm tin tôn giáo, người ta càng cảm thấy liên đới và thấy rõ hướng tiến của nền văn minh.   Thực vậy, có lẽ vì thấm nhuần tinh thần Kinh Lạy Cha, “Hoa Kỳ đã nêu gương trong việc xóa nợ cho 18 nước Phi châu.” (Tổng thống Abdoulaye Wade, Senegal, CWNews 24/7/2001)   Theo Tổng thống Wade, “các nước giàu đang bắt đầu lắng nghe những đòi hỏi thúc bách của những nước nghèo.   Đến lượt mình, các nước trong thế giới thứ ba phải có những cam kết cụ thể nhập cuộc vào tiến trình toàn cầu hóa.” (CWNews 24/7/2001)   Tiến trình toàn cầu hóa phải làm cho mọi người liên đới với nhau trong trách nhiệm và quyền lợi như  Kinh Lạy Cha đã vạch ra.   Nếu không liên đới như thế, nhân loại sẽ không tránh được tai họa tự hủy diệt.   Đó là sự dữ lớn nhất chúng ta phải cầu xin hằng ngày.

          Con đường dẫn tới sự dữ đó chính là cám dỗ đang vây bọc quanh ta.   Bởi đấy chúng ta không ngừng thưa với Chúa : “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” (Lc 11:4)   Cám dỗ là sản phẩm của “văn minh sự chết”, đối nghịch với “văn minh sự sống”.   Trước những cám dỗ thời đại như việc tạo sinh vô tính con người hay cuộc nghiên cưú lấy tế bào gốc từ phôi thai người, chúng ta phải cầu nguyện cùng Cha trên trời ban cho nhân loại khả năng liên đới với nhau để xây dựng “nền văn minh sự sống”.   Hiện tại, “nền văn minh sự sống” đang gặp nhiều vấn đề.   Trong niềm tin, Kitô hữu xác tín rằng “Đức Giêsu Kitô là giải pháp duy nhất giải quyết những vấn đề thế giới hôm nay.  Tin Mừng là liều thuốc chữa trị những khủng hoảng của một xã hội đầy ‘tự mãn và thất vọng’, và đó cũng là nguồn gốc phát sinh một ‘cuộc cách mạng văn hóa’ cần thiết cho việc phát triển các dân tộc Miền Nam thế giới.” (CWNews 24/7/2001)   Nhưng giải pháp duy nhất đó chỉ đến với nhân loại khi tất cả đều nhất trí cầu nguyện: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến” (Lc 11:2) nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ duy nhất của toàn thể nhân loại.   Maranatha !  Lạy Chúa, xin mau đến !

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C