Chúa Nhật 17 quanh năm, C (2007)

(Lu-ca 11: 1-13)

 

          Để cố gắng giúp những người hiểu cầu nguyện một cách thích đáng hơn, người ta thường đưa ra lời khuyên:  đừng nghĩ cầu nguyện chỉ có nghĩa là xin xỏ, nhưng cầu nguyện là chúc tụng, tạ ơn, xin tha thứ tội lỗi và xin ơn.  Tuy nhiên, theo mạch văn của bài Tin Mừng hôm nay, ta có cảm tưởng Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh đến một khía cạnh rất “bình dân” của cầu nguyện:  cầu nguyện là cứ xin sẽ được!

 

1)  “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”

 

          Ta không lấy làm lạ khi thấy môn đệ tới xin Chúa dạy cho biết cách cầu nguyện.  Thánh Lu-ca ghi lại rằng trước khi môn đệ ấy đến, thì “có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia”.  Có quá nhiều lần và quá nhiều nơi Chúa đã cầu nguyện, do đó thánh sử không sao nhớ nổi nên mới viết “có một lần” và “ở nơi kia”.  Đối với Chúa, cầu nguyện lúc nào và ở đâu không còn là vấn đề, vì đó là lẽ sống của Người.  Nhưng đối với người môn đệ, lần này và ở đây rất quan trọng, là thời điểm để anh ta quyết định thay mặt tất cả anh em môn đệ đến thưa với Người:  “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện.”  Anh xin Chúa điều ấy sau khi đã chứng kiến Chúa cầu nguyện.  Có thể anh không nghe được Chúa đã nói lên điều gì khi cầu nguyện, nhưng chắc chắn phong thái của Chúa khi Người cầu nguyện đã làm cho anh phải suy nghĩ, so sánh với những kinh nghiệm cầu nguyện anh đã học được hoặc nghe được từ đâu đó và anh đã khám phá thấy có một điều gì vô cùng đặc biệt về việc cầu nguyện của Chúa Giê-su.

          Tin Mừng thánh Gio-an đã cho ta một vài dịp nghe những lời cầu nguyện của Chúa Giê-su dâng lên Chúa Cha (Ga 11:41-42; 12:27-28) và nhất là chương 17 mà các học giả Kinh Thánh không ngần ngại gọi đó là kinh Lạy Cha mẫu dài.  Những lời cầu nguyện của Chúa Giê-su nói lên quan hệ mật thiết giữa Người với Thiên Chúa và nhân loại.  Kinh Lạy Cha Người dạy các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay cũng mang cùng một hình thức là nói lên quan hệ mật thiết giữa ta với Thiên Chúa và tha nhân.  Trong quan hệ với Thiên Chúa là Cha, trước hết ta nói với Thiên Chúa về những gì thuộc về Người.  Là con thảo, ta cũng phải để tâm tới những gì Cha mình quan tâm, như danh thánh Người được rạng sáng hơn và vương quốc tình yêu của Người được rộng mở hơn.  Rồi ta cũng nhìn về mình, nói với Cha về mình và về những nhu cầu mình có.  Nhu cầu vật chất như “lương thực hằng ngày”, nhu cầu phần hồn như ơn tha thứ cho tội lỗi ta và việc ta cần phải tha thứ cho tha nhân, nhất là được sức mạnh để thắng vượt thử thách cám dỗ.  Trong quan hệ với anh chị em, ta lưu ý tới một điểm quan trọng nhất, đó là làm sao duy trì được tình yêu thương đối với nhau.  Do đó, ta lấy gương mẫu của Thiên Chúa tha thứ cho ta để sống mà tha thứ cho anh chị em.

          Đã là mối quan hệ đích thực thì bao giờ cũng sống động và có thể biểu lộ dễ dàng.  Vì thế nếu cầu nguyện là sống chính mối quan hệ ấy, thì việc cầu nguyện không còn phải là điều gượng ép hay tùy trường hợp nữa, mà là một dòng sống luân lưu giữa ta với Chúa và với tha nhân.  Ta lấy thí dụ từ Tin Mừng Gio-an 12:27-28 để hiểu cầu nguyện là một điều tự nhiên trào dâng tự tâm hồn.  Đang nói với các môn đệ thì Chúa Giê-su hướng về Chúa Cha và cầu nguyện:  “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.  Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha”.

 

2)  Cầu nguyện như “người bạn quấy rầy”

 

          Chúa Giê-su đã dạy ta phải nói gì khi cầu nguyện, nhưng Người cũng chỉ cho ta một phương thức cầu nguyện:  quấy rầy Thiên Chúa.  Cách sắp đặt hai đoạn kế tiếp kinh Lạy Cha, tấm gương người bạn quấy rầy và lời khuyên cứ xin thì sẽ được, khiến ta hiểu đây là những phân đoạn của bài học về cầu nguyện.

          Chúa Giê-su dạy bằng thí dụ thực tế.  Người không thích những mỹ từ như kiên trì, khiêm tốn, vô vị lợi... để mô tả những cách thức ta phải có khi cầu nguyện.  Nhưng Người lấy một hình ảnh cụ thể từ kinh nghiệm sống thường ngày:  một người bạn quấy rầy.  Ta cứ lấy kinh nghiệm cá nhân để hiểu quấy rầy là gì.  Ta vừa mới chợp mắt, điện thoại kêu reng reng.  Đầu giây đằng kia là một người bạn cần hỏi ta điều gì đó.  Ta bực mình vì bị quấy rầy, nhưng cũng ráng mà trả lời kẻo người bạn ấy lại kêu nữa.

          Nhưng đã gọi là bạn, thì quấy rầy không còn phải là quấy rầy nữa, trái lại quấy rầy chỉ là một trong những cách biểu lộ tình bạn.  Trong thí dụ Chúa Giê-su kể, ta thấy ai cũng là bạn cả.  Người bị quấy rầy và người bạn quấy rầy là bạn với nhau.  Người bạn quấy rầy lại có thêm một người bạn lỡ đường nữa.  Thế là qua người bạn quấy rầy, người bạn lỡ đường đã nghiễm nhiên là bạn của người bị quấy rầy!  Tình bạn nào cũng ràng buộc con người lại với nhau để chia sẻ giúp đỡ nhau.  Câu truyện đơn sơ của Chúa Giê-su diễn tả sâu xa mối quan hệ giữa Thiên Chúa với ta và với anh chị em.  Cầu nguyện phải dựa trên mối quan hệ ấy và phải nói lên được mối quan hệ ấy.

 

3)  Thiên Chúa nhận lời cầu xin của ta

 

          Khi đã đặt cầu nguyện trên nền tảng là mối quan hệ rồi, ta không còn phải lo lắng gì về hiệu quả của cầu nguyện nữa.  Cho dù cầu nguyện có là cầu xin đi nữa thì Thiên Chúa cũng sẵn sàng nhậm lời, nếu ta thực sự sống mối quan hệ cha con và mối quan hệ ấy không bị thương tổn do những xin xỏ không hợp lý.  Trong quan hệ ấy, chính ta có thể ý thức được đâu là những nhu cầu thực và đâu là những nhu cầu giả.  Cũng trong quan hệ ấy, Chúa thấy điều gì ta xin thực sự có ích cho ta và điều gì có hại cho ta.  Một khi lấy mối quan hệ làm tiêu chuẩn để xét thực giả, có ích có hại, ta sẽ hiểu được lòng yêu thương của Cha và sẽ không bao giờ kêu trách Cha là không nhậm lời ta cầu xin.  Trái lại, ta có thể nhận ra thay vì cho ta điều ta xin, Cha còn cho ta điều tốt nhất, hơn cả điều ta xin, đó là Thánh Thần, ân huệ tuyệt hảo của Thiên Chúa.

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Tôi đã nghe và học hỏi nhiều về cầu nguyện.  Nhưng bài Tin Mừng hôm nay đem lại ánh sáng nào cho tôi về cầu nguyện?

          Tôi đã cầu nguyện trong mối quan hệ, tức là về cả hai phía giữa tôi với Chúa và tha nhân, hay chỉ đơn phương về phía tôi?

          Đôi khi tôi cầu nguyện như một người quấy rầy “dễ thương” theo gương ông Áp-ra-ham (St 18:20-32), hay như một người quấy rầy khó chịu?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa,

          con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,

          không có giờ đi vào sa mạc

          để ở bên Chúa và trò truyện với Ngài.

          Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.

          Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu

          là con có thể tạo ra sa mạc.

          Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa

          mà con đã bỏ mất:

                   Khi chờ một người bạn,

                   chờ đèn xanh ở ngã tư,

                   chờ món hàng đang được gói.

                   Khi lên cầu thang,

                   khi đến nơi làm việc,

                   khi kẹt xe,

                   khi cúp điện bất ngờ.

          Thay vì bực bội hay nóng ruột

          con lại thấy mình sống an bình

          trong sự hiện diện của Chúa.

          Lạy Chúa,

          những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày

          giúp con tỉnh thức

          để nhạy cảm với Chúa.

          Xin cho con yêu mến Chúa hơn

          để tìm ra những sa mạc mới

          và vui vẻ bước vào.”

                   (gợi hứng từ Madeleine Delbrêt)

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 23)

         

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C