CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN, năm C

Lc 12, 32 – 48

 

TỈNH THỨC TRONG PHỤC VỤ

 

Khuynh hướng của con người thường thích tích trữ cho nhiều của cải, bôn ba để kiếm sống và lo thụ hưởng càng nhiều càng tốt, họ làm như không bao giờ họ phải chết. Song song với đa số lớp người ham sống, thích hưởng thụ, thích dễ dãi, rất ít người luôn ngẫm nghĩ về cái chết của chính mình và coi của cải trần gian chỉ là tạm bợ, chóng qua, mau tàn. Tin Mừng Lc 12, 32 – 48 nhắc nhở mọi người :” Tỉnh thức và sẵn sàng “.

HÃY TỈNH THỨC : Chúa Giêsu luôn mời gọi mọi người tỉnh thức :” Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn”  ( Lc 12, 35 ). Tỉnh thức như  năm cô trinh nữ khôn ngoan, mang đèn mà lại mang cả dầu; như người đầy tớ trung tín đợi chủ về; như người khôn ngoan canh chừng tên ăn trộm; như người quản lý khôn ngoan làm theo ý chủ. Tỉnh thức không có nghĩa la ngủ no say, ngủ li bì nhưng mà là tỉnh thức trong khi ngủ. Tỉnh thức cũng có nghĩa là luôn khôn ngoan, chóng vánh làm theo ý của chủ mình. Thường người Kitô hữu rất tỉnh thức trong các kinh nguyện, trong những nghĩa vụ đạo đức như giữ các ngày thứ sáu đầu tháng, như đi lễ,sáng chiều, nhưng lại rất mê ngủ trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Đạo Kitô giáo không phải là đạo ru ngủ con người. Đạo là tình thương, là con đường, đạo luôn luôn thức tỉnh mọi người. Đã là con đường đi, người Kitô hữu phải tỉnh thức, không được ngủ, không ngủ gà ngủ gật, bởi vì có tỉnh thức, có mở to mắt, họ mới thấy hướng đi, thấy bến bờ, mục đích để đến đích bình an. Tỉnh thức để nhận ra Nước Trời đang hiện diện. Tỉnh thức để không gây ngộ nhận cho người khác, không bóp méo Tin Mừng và Giáo Hội. Tỉnh thức chính là phục vụ. Và phục vụ càng nhiều, người Kitô hữu sẽ nhận ra Nước Trời đang đến, càng phục người Kitô hữu càng trở nên giống Chúa trong cung cách phục vụ yêu thương của Ngài. Ai làm lớn phải phục vụ anh em. Đây là cung cách phục vụ khiêm tốn của Chúa. Phục vụ như người tôi tớ. Phục vụ bằng cách rửa chân cho các môn đệ. Ân huệ người Kitô hữu nhận được nơi phép rửa là để san sẻ. Tình yêu nhưng không người Kitô hữu nhận được trong đức tin là để trao ban vì “Sống là để yêu thương và phục vụ “.

CHÚA ĐẾN CÁCH BẤT NGỜ : Con người sống trên thế gian đâu có biết trước được lúc nào, giờ nào, phút nào họ sẽ chết ? Có những con người vẫn tưởng rằng chẳng bao giờ họ phải chết. Do đó, họ vẫn bám víu thế gian, sống để hưởng thụ, sống để vui chơi vv…Tuy nhiên, đa số con người rất đỗi hoang mang, lo âu, xao xuyến vì Chúa sẽ đến thật bất ngờ :” Vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến “ ( Lc 12, 40 ). Chúa sẽ đến không ai ngờ được. Kẻ trộm bao giờ cũng đột nhập cách thật bất ngờ và vũ khí sắc bén nhất của anh ta là bất ngờ. Chúa cũng đến cách rất bất ngờ và Ngài chỉ nhắc nhở mọi người phải tỉnh thức. Đừng quá bám víu, miệt mài trong những của cải chóng tàn, chóng phai của đời tạm này mà quên đi đời sống vĩnh cửu, sự sống đời đời mai sau. Chúa đến bất ngờ nhưng lại rất thú vị và hạnh phúc cho những người biết tỉnh thức như năm cô trinh nữ khôn ngoan, như người quản lý luôn biết khôn ngoan làm theo ý chủ của mình. Chẳng ai biết mình sẽ chết lúc nào, chết khi nào, nhưng cái chết sẽ trở nên hạnh phúc cho những ai luôn biết thức tỉnh. Chỉ sợ, con người cứ tưởng mình còn ngày mai, còn giờ để chuẩn bị, nhưng kỳ thực giờ chết sẽ đến một cách rất đột ngột phũ phàng. Do đó, Chúa luôn nhắc nhở con người  hãy tỉnh thức. Tỉnh thức để chiêm ngắm, trân trọng và khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa và những ơn lành Người ban, làm cho đời con người sáng hơn, tươi hơn, có ý nghĩa hơn.

 

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống thế nào để đạo lý của Chúa và Hội Thánh không bị hoen ố, không gây ngộ nhận cho những người ngọai giáo, nhưng được trình bầy bằng những hình ảnh cao đẹp của Tin Mừng: “ Công bằng, bác ái và yêu thương “.

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi,   DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C