TỈNH THỨC.

Chúa Nhật 19C Thường Niên.

 

 

Làm sao con người có thể tránh hấp lực vật chất ?   Của cải đã chi phối sâu xa cuộc sống con người.   Không tiền bạc không thể làm được việc gì có giá trị.   Vật chất đã trở thành tiêu chuẩn đánh giá mọi thực tại và tương quan.   Bởi thế, làm sao người ta có thể tưởng tượng có một thứ tiêu chuẩn nào khác ngoài vật chất ?   Thế nhưng, Đức Giêsu muốn đưa ra một thực tại siêu việt, ngược với vật chất.  Thực tại đó là  Nước Trời, một thách đố lớn lao đối với những ai chỉ tin vào vật chất.

 

TIN ĐỨC KITÔ : MỘT LỰA CHỌN.

 

Trước thực tại siêu nhiên, của cải vật chất vẫn có một chỗ đứng.   Đức Giêsu không hề phủ nhận những giá trị vật chất.   Nhưng Người đã vạch ra một chiều hướng lớn lao cho những thực tại trần thế.   Quả thực, Đức Giêsu gọi người phú hộ là “đồ ngốc” vì chỉ “biết thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa.” (Lc 12:21)   Khác với người phú hộ chỉ lo “tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình,” (Lc 12:18) người môn đệ Chúa Kitô phải “bán tài sản của mình đi mà bố thí” và “sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời.” (Lc 12:33)    Bỏ qua những thực tại trần thế để đuổi theo những thực tại “trên trời”, phải chăng đó là thái độ khôn ngoan ?  

 

Chúa Giêsu quả quyết đó là thái độ khôn ngoan.  Tại sao ?   Cái nhìn của Chúa về của cải rất chính xác.   Người không bi quan về của cải.  Nhưng Người đề nghị cách dùng của cải sao cho ích lợi nhất.   Muốn thế, phải tìm được một hướng đi và ý thức rõ ràng về vị trí của mình trên những thực tại trần gian.  Con người có thể tạo ra của cải.  Của cải tạo ra cảm tưởng an toàn cho con người.   Nhưng thực tế, của cải bị đủ thứ đe dọa : cũ rách, hao hụt trộm cướp, mối mọt, bão lụt, chiến tranh v.v.  Con người cứ tưởng mình có thể làm chủ tất cả những gì mình có và làm tất cả những gì mình muốn.   Nhưng của cải trần thế không đủ sức giúp con người làm chủ thời gian.   Chính thời gian sẽ là câu trả lời cho con người biết vị trị của mình trước những thực tại trần thế đó.   Khi người phú hộ tưởng có thể ăn chơi “nhiều năm”, thì Thiên Chúa lại cảnh cáo : “Nội đêm nay …” (Lc 12:19.20)   Chính thời gian sẽ bắt  buộc con người phải buông tất cả.   Hơn nữa, có ai biết được giờ phút từ giã cuộc đời.   Bởi vậy, Đức Giêsu cảnh giác : “Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Lc 12: 40)   Cuộc đời rất vắn vỏi và kết thúc bất ngờ.   Vì không thể làm chủ thời gian, vai trò làm chủ của cải của con người trở thành tương đối.   Chỉ một mình Thiên Chúa mới là chủ tuyệt đối trên mọi tài sản.   Sống trên trần gian, con người giống như người đầy tớ “đợi chủ đi ăn cưới về.” (Lc 12:35)   Hay như người quản gia, con người phải khéo léo vận dụng tất cả tài năng quản trị và phải báo cáo với chủ về tất cả những tài sản và công việc mình làm.  

 

Nếu thế, vấn đề không phải là có bao nhiêu tài sản, nhưng là làm cách nào quản trị những tài sản đó.   Người quản gia phải hai thái độ : chuẩn bị sẵn sàng và làm theo ý chủ.   Thái độ sẵn sàng đòi hỏi người đầy tớ hay quản gia phải “tỉnh thức” (Lc 12:37)   Nếu không, họ sẽ đánh mất phần thưởng dễ dàng.   Phần thưởng chắc chắn sẽ có, nhưng chẳng biết bao nhiêu.    Oâng chủ chắc chắn sẽ trở về, nhưng không biết lúc nào.   Bổn phận người quản gia là “cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc” (Lc 12:42) đúng người và đúng nơi.   Nếu phung phí tiền của vào những nơi đàng điếm, “chè chén say sưa” (Lc 12:45)  người quản gia sẽ “phải chung số phận với những tên thất tín.” (Lc 12:46)   Đó là thái độ của một quản gia vô ý thức, cứ tưởng “còn lâu chủ ta mới về.” (Lc 12:45)   Chính sự lầm tưởng ấy đã dẫn anh đến thái độ hống hách, “đánh đập tôi trai tớ gái” (Lc 12:45) y như một ông chủ hách dịch.  

 

Nếu lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi chủ về, các người đầy tớ sẽ chứng kiến một cảnh ngược đời.   “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.” (Lc 12:37)   Chưa thấy một ôâng chủ nào lạ lùng như vậy !   Oâng đã quên hẳn địa vị để phục vụ người đầy tớ.   Đó phải chăng là cách diễn tả “vai trò phục vụ của Đức Giêsu, xuyên suốt trong toàn thể sứ vụ và giáo huấn của Người, giờ đây được trình bày trong một khung cảnh cánh chung.” (Fahey 1994:535)   Chính Đức Giêsu đã hé mở thái độ như thế khi sống giữa các môn đệ : “Thày sống giữa anh em như một người phục vụ.”  (Lc 22:27)  Thật là một vinh dự và phần thưởng lớn lao !   Chẳng cần đợi tới ngày cánh chung, nhưng ngay khi sống giữa các môn đệ, Đức Giêsu đã cho các ngài nếm trước tình yêu êm dịu nơi thái độ phục vụ đó.  Bởi vậy, các môn đệ là những người có phúc và được khen tặng là những “người quản gia trung tín, khôn ngoan,” (Lc 12:42) bởi vì các ông đặt tất cả niềm tin và hi vọng nơi Đức Giêsu.   Tất cả ý nghĩa cuộc đời đều hệ tại thái độ chờ  “đợi chủ đi ăn cưới về.” (Lc 12:36)

 

Niềm hi vọng đó cũng là nét đặc trưng của toàn thể dân Chúa thời xa xưa.  “Dân Chúa đã trông đợi đêm cứu thoát người chính trực và tiêu diệt kẻ địch thù,” (Kn 18:7) sau bao nhiêu thế hệ mong Chúa thực hiện lời hứa.   Vì “Chúa là niềm hi vọng của con.” (Tv 71:5)    Nhưng làm sao hi vọng được, nếu không tin ?  Quả thực “đức tin là bảo đảm cho những điều ta hi vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.” (Dt 11:1)   Chính “những điều không thấy” có giá trị gấp ngàn lần “những điều trông thấy mà đau đớn lòng.” (Truyện Kiều)    “ Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12:15)  Càng nhiều của cải vật chất càng đâm lo.  Bao nhiêu đe dọa và hiểm nguy vây bọc chung quanh.   Có thể tiêu tan và mất mát bất cứ lúc nào.   Giữa những hoang mang lo lắng đó, Đức Giêsu khích lệ các môn đệ : “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.” (Lc 12:32)   Nước Người tràn ngập bình an.

 

Chỉ có Nước Chúa mới là nơi an toàn tuyệt đối.  Vào được Nước Trời sẽ thấy Chúa khoản đãi một bữa tiệc thịnh soạn và chăm sóc tận tình.  Con người sẽ hoàn toàn hạnh phúc, vì “Thiên Chúa của tôi sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Kitô Giêsu.” (Pl 4:19)   Đó là lý do tại sao nhiều người “bán tài sản của mình đi mà bố thí.” (Lc 12:33)    Không những bán tài sản, nhưng họ còn liều mạng vì Nước Chúa nữa.   Chính tổ phụ Abraham đã đi tiên phong trong niềm tin tuyệt đối nơi Thiên Chúa. “Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ lãnh nhận làm gia nghiệp.   Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa, vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng,” (Dt 11:8.9.10) tức là Nước Chúa, nơi tràn ngập “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần,” (Rm 14:17) vì Đức Giêsu Phục sinh sẽ là “Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh,” (Kh 7:27) chan hòa niềm vui.

 

Niềm vui ấy chính ông Abraham đã nếm trước.   Quả thực, “dù đã nhận lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một” (Dt 11:17) là Isaac.   Vì “ông Abraham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy.   Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng” (Dt 11:19) cho Đức Giêsu Phục Sinh.   Sau khi phục sinh, Đức Giêsu đã trở thành “Chúa các chúa, Vua các vua.” (Kh 17:14)   Người đích thực là ông chủ sẽ trở về vào lúc bất ngờ để đem lại niềm vui bùng vỡ cho các đầy tớ trung tín và khôn ngoan.   Niềm vui lớn nhất là họ sẽ được Chúa “đặt lên coi sóc tất cả tài sản của mình.” (Lc 12:44)  Làm sao những tài sản trần gian có thể so sánh với tài sản muôn đời đó ?   Cuộc trao đổi thật lạ lùng !   Cho đi cái tương đối để lấy cái tuyệt đối.  Hi sinh cái hữu hạn để đổi lấy cái vô hạn.   Làm sao hi sinh nếu không tin ?   Nhưng nếu Đức Giêsu không phục sinh, làm sao củng cố niềm tin đó ?   Đức tin sẽ cho ta thấy phải làm gì “để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” (Lc 12:36)  Chính đức tin sẽ giúp ta tỉnh thức.   Nhưng “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.”(Gc 2:17)

 

Chỉ có “bố thí” mới đánh thức nổi đức tin.   Vì chính khi giúp đỡ những anh em nghèo khó, chúng ta sống hết lòng với Chúa, như  Chúa đã nói : “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25:40)   Thực tế, càng bố thí càng thanh thoát, vì “kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó,” (Lc 12:34)   vì chính Đức Giêsu đã giải thoát nhân loại khỏi mọi nô lệ và tội lỗi.   Đức Giêsu chính là kho tàng Thiên Chúa đặt giữa trần gian.  Người đã tự đồng hóa với người nghèo.   Bởi vậy, người nghèo chính là kho tàng cho mọi người ký thác tài sản.  

 

 

TỈNH THỨC TRONG ĐỜI SỐNG HÔM NAY.

 

Nhờ đức tin, nhiều người khôn ngoan đã ký thác tiền của vào những kho tàng đó.  Họ có thể là tỷ phú hay triệu phú một mình xây dựng học đường, bệnh viện, viện dưỡng lão, cô nhi, phong cùi v.v.  Họ cũng có thể là nhiều công nhân hay nông dân nghèo phải gom tiền mới tài trợ nổi những người di cư và các nạn nhân chiến tranh, bão lụt v.v.   Họ hành động như một thái độ tỉnh thức mong chờ Chúa đến.   Họ không giống người phú hộ ngốc nghếch, chỉ biết thu tích của cải cho mình.  Họ là những “quản gia trung tín, khôn ngoan” biết chia sẻ với những người nghèo và bất hạnh.

 

Trong khi đó, biết bao người đầy quyền lực, tiền của và tri thức đang lâm vào tình trạng u mê của tên phú hộ ngốc nghếch.    Làm cách nào chống lại những người đang nhân danh quyền làm người để giết chết con người ?   Họ đang đổ tiền của vào việc nghiên cứu tế bào gốc để tìm cách chữa trị những bệnh như Parkinson.  Dưới cái nhìn của họ, tế bào gốc không phải là bào thai, nên có quyền thí nghiệm hay hủy diệt tự do.   Thực tế, “theo tiến sĩ Dianne Irving, hiện là một nhà luân lý sinh học lừng danh thế giới, cái gọi là ‘tế bào gốc của bào thai’ thực sự là chính bào thai.” (CWNews 10/8/2001)   Như thế, hủy diệt tế bào gốc là giết người.    Không luân lý nào cho phép giết người để cứu người cả.   Nhiều người còn dùng quyền lực và tiền bạc áp đặt những biện pháp phá thai, tạo sinh vô tính.  Chẳng hạn “chính phủ Trung Cộng đã ra lệnh cho một tỉnh nghèo nàn và hẻo lánh phải thực hiện 20,000 vụ phá thai vào cuối năm sau khi biết chính sách mỗi gia đình một con bị dân chúng coi thường.” (CWNews 10/8/2001)   Làm sao chống cưỡng được một lệnh giết trẻ em vô tội tàn bạo như thế ?  Nhiều nhà khoa học đang gầm thét đòi quyền tự do theo đuổi những chủ trương tạo sinh vô tính.  Tiến sĩ Severino Antinori chủ trương “quyền làm người cho phép ông nghiên cứu việc  tạo sinh vô tính.” (CWNews 10/8/2001)     “Oâng gọi ĐGH Gioan Phaolô II và Tổng thống Mỹ George W. Bush là ‘tội phạm’ vì chống lại việc tạo sinh vô tính.” (CWNews 10/8/2001)  

 

Tất cả những thái độ chống lại con người như thế phải chăng phát xuất từ những con người đầy ý thức ?   Ngày nay con người không phải chỉ muốn làm chủ của cải, nhưng cả vận mệnh mình nữa ?   Thực ra, con người chỉ là đầy tớ hay quản gia trên mặt đất thôi.   Muốn đạt tới hạnh phúc đích thực và sâu xa, con người cần phải tìm hiểu cho “biết ý chủ” và “làm theo ý chủ” (Lc 12:47)   Người Chủ duy nhất đó chính là Thiên Chúa, Đấng Tạo thành vũ trụ và là Cha đầy lòng yêu thương chúng ta trong Đức Giêsu Kitô.

 

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP

  

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C