Chúa Nhật 19 quanh năm

(Lu-ca 12: 32-48)

 

          Những năm tháng sống trên trần gian này là thời gian để người môn đệ Chúa sử dụng những tài năng và của cải tiền bạc Chúa ban mà “làm giầu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12:21) cho đến khi Chúa Ki-tô trở lại.  Tuy nhiên đây cũng là thời gian thử thách cho họ bởi chính những tài năng và của cải tiền bạc ấy lại có thể làm họ sao lãng bổn phận và rơi vào tình trạng của nhà phú hộ muốn nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã.  Do đó, song song với lời khuyên về cách sử dụng tiền bạc của cải, Chúa Giê-su thêm một lời khuyên, dạy các môn đệ cần phải “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn, làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về”, nói khác đi là phải sẵn sàng luôn.

 

1)  “Như những người đợi chủ đi ăn cưới về”

 

          Ta đều biết Chúa Ki-tô sẽ trở lại với ta để phán xét trong cái chết của mỗi người và trong ngày tận thế.  Vì thế, cuộc đời ta từ lúc sinh ra cho đến khi lìa đời là một chờ đợi, chờ đợi Chúa đến.  Để diễn tả tư thế phải chờ đợi như thế nào, Chúa Giê-su dùng một hình ảnh tỉ dụ cụ thể:  Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về.

          Đám cưới ở đông phương là dịp vui mừng, ăn uống và gặp gỡ, bất kể ngày giờ.  Ông chủ đi ăn cưới không thể hẹn với gia nhân là vào giờ nào ông sẽ về nhà.  Có thể ban chiều, ban tối hoặc khuya khoắt hơn nữa.  Cho nên gia nhân phải luôn sẵn sàng chờ đợi, hễ chủ vừa gõ cửa là mở ngay.  Một chi tiết khác là cách ăn mặc thắt lưng cho gọn và thắp đèn cho sẵn chứng tỏ họ là những người đang làm việc, chứ không phải đang ăn uống vui chơi.  Hình ảnh này đem áp dụng cho mọi Ki-tô hữu, môn đệ Chúa, những người chờ đợi Chúa đến, nói lên một lối sống phục vụ Chúa và anh chị em.  Bình thường chờ đợi mang chiều hướng thụ động, không làm gì cả, nhất là trong đời sống văn minh, đúng giờ giấc và máy móc.  Mọi sinh hoạt đều theo giờ giấc và như vậy ta không cần phải chờ đợi gì cả.  Nếu chuyến bay là 10g sáng thì trước đó vài ba tiếng, ta cứ việc làm những việc khác, đến giờ đi là lên xe ra phi trường.  Nhưng giờ Chúa đến với mỗi người thì chẳng bao giờ được báo trước.  Nhiều cái chết của người thân hay bạn bè làm ta sửng sốt, không thể tin được.  Mới hôm qua, người ấy còn đi cùng chuyến xe buýt với tôi, vậy mà hôm nay không còn nữa.  Hoặc tôi không ngờ lần gặp mặt và nói chuyện với người bạn này mấy hôm trước lại là lần cuối...

          Vậy trong thời gian chờ đợi Chúa đến gõ cửa đời ta và ta sẽ mở cửa ngay, ta phải làm gì?  Hình ảnh người đầy tớ thắt lưng gọn gàng và đèn sáng trong tay dạy ta phải làm việc, vì tư thế đó là tư thế của người làm việc.  Làm việc bổn phận của ta đối với gia đình, với sở làm, với cộng đoàn, với Giáo Hội và quốc gia.  Và làm việc bổn phận của ta một cách chu toàn, sử dụng tất cả những gì Chúa ban, từ tài năng cho đến tiền bạc để làm công việc phục vụ Chúa và anh chị em.

 

2)  “Như những đầy tớ đang tỉnh thức”

 

          Trong tỉ dụ người đầy tớ luôn sẵn sàng khi đợi chủ về, Chúa Giê-su nhấn mạnh đến thái độ tỉnh thức.  Có nhiều cách nhìn về sự tỉnh thức.  Nhưng trong bất cứ cách nhìn nào ta cũng không thể loại bỏ mục đích khiến ta không được lơ là và chú ý đến điều nào khác.  Lần nào đó ta quan sát một con chim mẹ tha mồi về mớm cho đám chim non ở tổ.  Mấy con chim con đang nằm im, trông như ngủ, thế mà chim mẹ vừa bay tới gần tổ là lũ chim con đã ngóc ngay đầu dậy, há mồm chờ mớm.  Mục đích là chờ được ăn, nên lũ chim non rất... tỉnh thức.  Tuy nhiên đối với Ki-tô hữu, thức tỉnh còn mang ý nghĩa sâu xa hơn thế nữa, vì mục đích của họ hết sức lớn lao là được tiếp đón Con Người sẽ đến.  Khi tới Rô-ma dự cuộc triều yết của Đức Giáo Hoàng, vị đại diện Chúa Ki-tô ở trần thế, ta coi là một vinh dự khi được bắt tay ngài.  Giờ đây, được tiếp đón chính Chúa Ki-tô thì hẳn đó phải là mục đích cao cả nhất.  Chúa Ki-tô là Alpha và Omega, là Đầu và Cuối cuộc đời ta, nói khác đi, là tất cả đời ta.  Vì thế, chờ đợi và hướng đến Mục Đích đòi ta phải tuyệt đối chú ý đến Mục Đích ấy, chứ không thể để tâm tới những mục đích khác.

          Mà nói đến Chúa Ki-tô là nói đến Nước Trời.  Chúa Ki-tô là Nước Trời đã được thể hiện.  Do đó, để chiếm đoạt được Nước Trời tựa như chiếm được kho báu và ngọc quý, ta phải “bán đi tất cả những gì mình có” (Mt 13:44-45).  Hay nói theo thánh Phao-lô, “tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người...  Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước.  Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 3:8-9.13-14).

          Nếu tỉnh thức là chú ý đến mục đích duy nhất thì quả thực có nhiều Ki-tô hữu còn đang ngủ mê trên tiền bạc, danh vọng, những thú vui... và Đức Ki-tô không phải là Mục Đích của họ. Để kêu gọi họ, thánh Phao-lô gửi gấm lời ngài viết cho giáo đoàn Ê-phê-xô:  “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ!  Từ chốn tử vong, chỗi dậy đi nào!  Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi!” (5:14).

 

3)  “Thầy bảo thật anh em:  chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”

 

          Ta có thể tin được điều này không?  Làm sao lại có chuyện ông chủ phục vụ đầy tớ!  Đó là chuyện không thể có đối với người đời, còn với Chúa Giê-su thì ngược lại, và quả thực Người đã nhận lấy thân phận nô lệ để phục vụ nhân loại (Pl 2:7).  Có gì lạ đâu.  Nếu ta hướng về Chúa Ki-tô như Mục Đích đời ta, sống quan hệ mật thiết với Người thì Người đâu còn gọi ta là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu (Ga 15:15).  Người đã rửa chân cho các môn đệ, thì Người cũng sẵn sàng “thắt lưng” và phục vụ ta nơi bàn tiệc Nước Trời của Người.

          Một người tôi tớ “canh hai hoặc canh ba mà vẫn còn tỉnh thức” để chờ đợi chủ về và canh phòng nhà cửa cho chủ, thì đó là người tôi tớ đã hết lòng vì chủ, sống mối quan hệ chân thành nhất đối với chủ.  Đáp lại mối chân tình ấy, ông chủ lại muốn làm hơn cả những gì đầy tớ mong đợi, không phải là cho chút tiền thưởng, nhưng là đưa đầy tớ vào bàn tiệc và đích thân phục vụ đầy tớ.  Có thế mới là tình yêu đích thực.

          Ở đời chỉ có ta hướng đến và di chuyển tới mục đích để đạt được mục đích, chứ mục đích không mọc chân mọc cánh để đến với ta.  Nhưng đối với Mục Đích Ki-tô (Omega) và Nước Trời lại khác.  Mục Đích đến với ta và mời gọi ta tiếp nhận.  Vấn đề là ta có nhận biết giá trị tuyệt đối của Mục Đích để dám đánh đổi mọi sự mà tiếp nhận Mục Đích hay không.

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          “Kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó”.  Kho tàng đích thực của tôi là gì?  Tiền bạc của cải hay là Chúa?

          Tôi đợi Chúa đến phán xét riêng trong tư thế nào?  Sợ hãi?  Sẵn sàng và vẫn tiếp tục làm việc phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân?

          Chúa Giê-su là Tất Cả cho đời tôi.  Mất Người là mất tất cả.  Vậy tôi phải làm gì để gắn bó với Người?  Người có thực sự là Lẽ Sống của tôi không?

 

Cầu nguyện

 

          “Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,

          những ơn con thấy được,

          và những ơn con không là ơn.

          Con biết rằng

          con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,

          biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

          Con thường đau khổ vì những gì

                   Cha không ban cho con,

          và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

          Tạ ơn Cha vỉ những gì

                   Cha cương quyết không ban

          bởi lẽ điều đó có hại cho con,

          hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

          Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha

          dù con không hiểu hết những gì

                   Cha làm cho đời con.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 100)

 

Lm. Đaminh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C