NIỀM VUI TRỌN VẸN.
Chúa Nhật 2C Thường Niên
Is 62:1-5
Ga 2:1-11
1 Cr 12:4-11
Đời có gì vui bằng tiệc cưới ?
Tất cả đều rạng rỡ. Cảnh vật và
con người đều mang nét mới. Một cuộc đổi thay lớn lao. Một bước ngoặt cuộc đời. Cả một diễn biến hào hứng trong cõi nhân
sinh. Thiên Chúa có thể có mặt trong niềm
vui hoàn toàn trần tục đó không ? Làm
sao có thể hiểu được hai thế giới thánh thiêng và trần tục hòa hợp với nhau
? Đức Giêsu sẽ cho thấy một hòa điệu tuyệt vời nơi tiệc cưới
Cana.
VUI VỚI NGƯỜI VUI
Chưa có tiệc cưới nào vui bằng tiệc cưới Cana. Gia đình nào được vinh hạnh mời cả Đức Giêsu
và Mẹ Maria tới chứng kiến cảnh sắt cầm hòa hợp như vậy ? Thêm vào đó, các môn đệ Đức Giêsu cũng chia
sẻ niềm vui với tân lang và tân giai nhân.
Bỗng một tin như sét đánh khiến Đức Maria phải thở dài với Chúa Giêsu :
“Họ hết rượu rồi.” (Ga 2:3) Với con tim
phụ nữ, Mẹ nhạy cảm hơn ai hết. Nhạy cảm
đến nỗi Mẹ đã quyết liệt can thiệp để phá tan cơn bế tắc của chủ nhà hôm đó. Khác hẳn với các thực khách, Mẹ tự coi như người
phải lo lắng cho tiệc cưới thoát cơn bí hiểm.
Không ngờ thực khách hôm đó đông hơn dự tính ban đầu.
Mẹ nói với gia nhân : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Ga
2:5) Bên ngoài, có vẻ như Mẹ ra lệnh, bất
chấp thái độ lạnh lùng của Đức Giêsu. Nhưng
thực tế, đó là một lời tuyên tín tuyệt đối vào quyền năng Con Thiên Chúa và cũng
là Con Mẹ giữa muôn vàn thực khách hôm nay.
Niềm tin của Mẹ đặt nơi Con đã trở thành sự thật. Đức Giêsu đã truyền lệnh cho các gia nhân đổ đầy
“sáu chum đá, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.”
(Ga 2:6) Thực ra, đó không phải là một lệnh
truyền. Nhưng đó là một nghĩa cử đẹp Chúa
dành làm vinh danh Mẹ. Nói khác, như một
người con ngoan, Chúa đã vâng lời Mẹ để tỏ lộ quyền năng và vinh quang trước thời
hạn.
Khi nước đầy chum, Đức Giêsu đã không nói một lời hay làm bất cứ hành
động nào trên lượng nước lớn lao đó. Người
chỉ truyền gia nhân múc nước và đem cho ông quản tiệc. Rõ ràng, đó là sự vâng lời Đức Mẹ núp dưới bóng
một lệnh truyền cho gia nhân. Sự vâng lời
đó đã khiến nước thành rượu.
Khi hòa mình với quần chúng, để “vui cùng kẻ vui,” Đức Giêsu đã mạc
khải một mầu nhiệm vĩ đại về Nước Thiên Chúa.
Ở đây không phải bằng dụ ngôn, nhưng bằng chính thực tế cuộc sống, Đức Giêsu
muốn cho mọi người thấy Nước Thiên Chúa đã thực sự hiện diện nơi trần
gian. Chàng rể là chính Đức Giêsu. Cô dâu chính là Hội thánh, hiện thân qua con
người Đức Maria như một gương mẫu tuyệt vời, “rất xinh đẹp, không tỳ ố, không vết
nhăn.” (Sách Lễ Roma 1992:744) Đây chính
là giai đoạn “Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.” (Is 62:5) Niềm vui dâng trào khắp mặt đất, vì “muôn dân
sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi.” (Is 62:2)
Mầu nhiệm lớn lao đó cũng chính là sự kết hiệp giữa Ngôi Hai Thiên
Chúa và bản tính loài người. Mầu nhiệm
chỉ được mạc khải cho những người bé mọn, điển hình là các gia nhân. Các môn đệ cũng được vinh dự ấy. Quả thực, “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này
tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.” (Ga 2:11) Tin vào Người không phải vì “phép lạ” phi thường. Nhưng vì “dấu lạ” dẫn tới mầu nhiệm Nước Thiên
Chúa giữa trần gian.
GIỜ HÀNH ĐỘNG
Nhờ vâng phục như Đức Giêsu, Giáo hội đang tạo được rất nhiều “dấu
lạ” khắp nẻo đường đời. Những kỳ công đang
thực hiện qua nhiều hoạt động khác nhau.
Chỉù con mắt đức tin mới cho Kitô hữu thấy rằng : “Có nhiều việc phục vụ
khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều
hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là
vì ích chung.” (1 Cr 12:5-7) Tất cả đều nhằm
mục đích để “đức công chính xuất hiện tựa hừng đông.” (Is 62:1) Đức công chính là vinh quang khiến mọi đế vương
phải kinh ngạc. Thiên Chúa đang ra tay hành động cứu thoát nhân loại khỏi họa
diệt vong. Giữa thời đại khủng bố này, Hội
thánh không ngừng nhấn mạnh rằng “hoạt động cho hòa bình phải đi đôi với việc cổ
động những giá trị thiêng liêng, luân lý và tôn giáo.” (Zenit 8.12.2003) Những giá trị đó đã bị những bụi khói bom đạn
phủ lấp. Bởi thế, con người không còn tôn
trọng nhau.
Chính vì lý do đó, “cần phải hoạt động tích cực để giáo dục về sự
chung sống và tin tưởng lẫn nhau, dựa trên sự tôn trọng tôn giáo, lịch sử, văn
hóa và giá trị bên trong mỗi người.” (Parolin: Zenit 8.12.2003) Có thế mới có thể đánh thức lương tâm con người
và chuẩn bị cho một tương lai tươi sáng hơn cho toàn thể nhân loại. Đặc biệt, Tòa Thánh Vatican nhấn mạnh các chương
trình giáo dục của các quốc gia phải tôn trọng bản chất tôn giáo của các học
sinh và quyền cha mẹ giáo dục con cái.
“Việc tôn trọng bản chất và quyền lợi, cũng như việc hành xử tự do tôn giáo hoàn toàn, góp phần
quyết định vào việc chiến đấu chống lại sự bất khoan dung và những thành kiến về
chủng tộc.” (Parolin: Zenit 8.12.2003)
Việc giáo dục và ý thức đó vô cùng hệ trọng. Chính Giáo hội đã trải qua những giai đoạn khó
khăn trong việc giáo dục đó. Hòa bình
chính là con đẻ của giáo dục kiên trì. Có
giáo dục đúng chiều hướng Thiên Chúa, mới có thể “duy trì giá trị hòa bình quí
báu cho mọi người thuộc thiên kỷ thứ ba : hòa bình trong tâm hồn, gia đình, cộng
đoàn và giữa các dân tộc, đặc biệt hòa bình cho các dân tộc đang diễn ra chiến
tranh và chết chóc mỗi ngày.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 8.12.2003) Càng ngày con người càng khép kín cõi lòng. Thực vậy, sự tin tưởng và tha thứ ngày càng
hiếm hoi. Đó là nguyên nhân sinh ra mọi
bế tắc. Muốn giải quyết vấn đề, phải “giúp
đỡ mỗi người, mọi chủng tộc và văn hóa gặp gỡ và chấp nhận Đức Giêsu, Đấng đã
giáng trần để ban hòa bình cho chúng ta trong mầu nhiệm Giáng sinh.” (ĐGH Gioan
Phaolô II: Zenit 8.12.2003)
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP