KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN

Chúa Nhật 20C Thường Niên.

 

 

Lửa đang bùng lên khắp nơi. Từ những vụ ôm bom tự sát tại Trung Đông tới những cuộc đặt bom phá hoại các nhà thờ tại Nam Dương, lửa đã thiêu sống bao sinh mạng và sản nghiệp.  Lửa cũng được đề cập trong Tin Mừng hôm nay như mạc khải về sứ mạng Đức Giêsu nơi trần gian.  Sứ mạng đem lại hòa bình hay phân hóa nhân loại ?

 

BẬP BÙNG

 

Ngày Chúa sinh ra, thiên thần ca hát : “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”(Lc 2:14)   Đức Giêsu chính là sự bình an Chúa Cha ban tặng cho nhân loại.   Người từng nói : “Thầy để lại bình an cho các con.” (Ga 14:25)   Người vẫn được tôn xưng là “Thái Tử hòa bình.”   Vậy tại sao hôm nay Chúa quả quyết ngược lại (Lc 12: 51) ?   Lời quả quyết đó làm nhiều người ngạc nhiên và nghi ngờ về sứ mệnh của Chúa trên trần gian.   Nếu Người đến “đem sự chia rẽ” đến mối tương quan sâu xa nhất giữa các phần tử trong gia đình, làm sao tránh khỏi chiến tranh ngoài xã hội, quốc gia và quốc tế  ?

 

Tự bản chất sứ mệnh Đức Giêsu là sứ mệnh hòa bình.   “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.” (Ga 14:27)   Sứ mệnh đó đã được thực hiện nhờ cuộc hòa giải giữa Thiên Chúa và con người trên thập giá.   Thực tế không thiếu người ngộ nhận hay khước từ công cuộc cứu độ của Chúa.  Như thế, họ tự tách lìa khỏi đoàn người đón nhận ơn cứu độ.   Không đón nhận ơn cứu độ tức là còn sống trong thế đối nghịch với Thiên Chúa.  Chính vì thế mới thấy tự do như một định mệnh. Thiên Chúa tôn trọng tự do con người.  Lời Chúa như một tặng phẩm, chứ không như một gông cùm xiềng xích nhân loại.

 

Nhưng nếu chấp nhận sứ mệnh cứu độ của Chúa, đương nhiên con người phải có một quyết định dứt khoát và cam kết sống chết với Đức Kitô.   Chính ý chí cương quyết này sẽ làm cho môn đệ Chúa khác với mọi người.  Sở dĩ có thể quyết định và cam kết như thế, vì lòng người môn đệ nung nấu ngọn lửa do Thầy đã ném vào mặt đất (Lc 12:49).   “Lửa ấy đã cháy bùng lên !” (Lc 12:49)   Lửa đã lan khắp mặt đất.   Đó là “lửa thanh tẩy của Chúa Thánh Linh đã đến với các môn đệ trong Tông Đồ Công Vụ, chứ không phải lửa thiêu hủy trong ngày phán xét.” (NIB 1995:266)   Trong sách Ngụy Phúc âm cũng nói đến lửa sứ mệnh Đức Giêsu : “Ai gần Tôi là gần lửa; ai xa Tôi là xa Nước Chúa.” (Tin Mừng Thomas 82)   Khi Thánh Linh xuất hiện, một dân mới đã được tách ra khỏi thế gian.

 

Nhưng trước khi ngọn lửa Thánh Linh lan khắp thế gian, chính Đức Giêsu cũng đãbị ngọn lửa đó thiêu đốt, đến nỗi “lòng Thầy khắc khoải biết bao.” (Lc 12:50)    Ngọn lửa đã thiêu Thầy tới chết mà Thầy gọi là “phép rửa Thầy phải chịu.” (Lc 12:50)   Tâm hồn Thầy bị giằng co và chìm ngập trong buồn sầu ứa lệ.    Toàn thân Thầy rúng động “cho đến khi việc này hoàn tất.” (Lc 12:50)    Thầy đã trải qua một cơn xao động tột độ khi đến gần Giêrusalem.  Sự dằng co đó đánh dấu một chuyển mình lớn lao đưa Đức Giêsu vào một khúc ngoặt quan trọng. Quả thực, chính Người cũng phải làm một quyết định rất lớn trước khi thực hiện sứ mệnh Chúa Cha trao cho Người.   Sứ mệnh đó khởi đầu bằng việc rao giảng Tin Mừng và kết thúc nơi cái chết thê thảm trên thập giá.   Đó là đường lối Người đã chọn.  Vì quyết định và lựa chọn đó, Người đã trở thành nạn nhân đầu tiên của sự chia rẽ giữa những người tin và không tin (NIB 1995:266).  Đúng như lời ông Simêon đã nói tiên tri từ thuở xa xưa (Lc 2:34-35).  Người đã từng bị cả đối phương lẫn người thân chống đối (Ga 1:11; Lc 4:28-30)   Kết quả Người đã bị dồn vào chân tường, bị kẹt cứng giữa hai lằn đạn.  Người đã chết để lộ ra những nét kinh hoàng trong cuộc đối đầu đó, đồng thời mạc khải trọn vẹn Nước Thiên Chúa.

 

Nước Thiên Chúa đã tạo thành một lằn ranh giữa những người tin và không tin. Nghĩa là Đức Giêsu đến để “đem sự chia rẽ” (Lc 12:51) và chống đối.   Ngay từ xa xưa tiên tri Giêrêmia cũng đã từng đóng vai trò tương tự.   Oâng đã tuyên sấm ngược với lòng mong đợi của mọi người.   Bởi vậy ông đã bị kết án : “Con người ấy chẳng mưu hòa bình cho dân này, mà chỉ gây tai họa.” (Gr 38:4)   Biết làm sao được ?!   Ngôn sứ chỉ nói sự thật.   Sự thật mất lòng.   Căng thẳng.   Căng thẳng đến độ ngôn sứ Giêrêmia suýt chết đói “trong hầm không có nước, mà chỉ có bùn.” (Gr 38:7)   Còn Đức Giêsu thì chết khát thực sự trên thập giá.   Đúng là “sứ điệp ‘bình an dưới thế’ bao giờ cũng phải kèm theo sự đối kháng man dại (2:14; 12:51; 19:42; 24:36).  Thật là ngược đời, trong khi hòa giải là công tác của vị tiền hô thiên sai (Ml 4:5-6; Lc 1:17), thì đặc điểm của cuộc khủng hoảng cánh chung là sự chia rẽ bi thảm.” (NIB 1995:267)  

 

Cái gì cũng có mặt trái, kể cả mạc khải của Thiên Chúa.   Quả thế, nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật, không bao giờ Đức Giêsu nói những lời chói tai hôm nay.  Nói khác, Lời Chúa “phơi bày mặt trái của mạc khải, lời cam kết, và những giá trị Nước Trời.” (NIB 1995:267)   Lời Chúa đã can thiệp sâu vào những tương quan rất thân mật giữa các phần tử trong gia đình.   Không phải chỉ phân rẽ những mối tương quan đó, nhưng Lời Chúa còn “xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy.” (Dt 4:12)  Nghĩa là một cuộc chiến xảy ra ngay trong bản thân mỗi người khi quyết định nghe theo Tin Mừng Bình an của Chúa.  

 

Bình an nào cũng phải trả giá.  “Bất cứ nơi đâu Lời Chúa được đón nghe, sự chia rẽ cũng xảy ra giữa những người lắng nghe Lời Chúa (xc Ga :43; 9:16; 10:19).” (NIB 1995:267)  Không thể không có mâu thuẫn và xung đột trong chính cá nhân và cộng đoàn.  Có thế mới thấy Nước Chúa không dựa trên sức mạnh con người.   Chúa có thể lợi dụng cả những đối kháng đó để mưu ích cho Nước Chúa.   Vấn đề còn lại là con người có dám quyết định bước theo tiếng Chúa mời gọi hay không.   Thực tế, “lời mời gọi con người đi tới quyết định là lời mời gọi ‘phân rẽ.’” (E.Earle Ellis 1966:182)   Đó là một bi kịch.   Nhưng đó cũng là sự thật cho những ai sống theo tiếng mời gọi liên tục của Thiên Chúa.

 

Lời mời gọi đó nhắm tới việc tạo lập “bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc 2:14)    Nhưng không thể chiếm sự bình an đó một cách dễ dãi.   Phải có một cuộc phấn đấu cam go mới có thể cam kết sống với Chúa và khước từ những tiêu chuẩn trần thế.   Từ đó, “thái độ chúng ta đối với của cải vật chất cũng phải thay đổi và những trách nhiệm tinh thần phải được quan niệm một cách nghiêm chỉnh hơn.” (NIB 1995:267)    Chính vì thế, theo Đức Giêsu có nghĩa là thay đổi não trạng và nếp sống cho phù hợp với những tiêu chuẩn Nước Trời.   Nghĩa là, mọi sự phải được đánh giá theo thánh ý Chúa.   Từ nay, “những ai cam kết sống theo Đức Giêsu đều thấy mối tương quan với tha nhân, kể cả với những người thân thương nhất, đều bị sự cam kết đó chi phối.” (NIB 1995:267)   Đức Giêsu đã cống hiến cho các môn đệ một tiêu chuẩn sống : “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11:28)    Nói khác, không còn con đường hạnh phúc nào ngoài việc theo sát lời Chúa.   Chính Đức Giêsu đã tìm được sức mạnh nơi thánh ý Chúa Cha để đem lại hạnh phúc cho chính mình và toàn thể nhân loại. 

 

Nếu Đức Giêsu đã không sống theo Lời Thiên Chúa, chắc chắn Người đã không thể thành công khi ném lửa xuống trái đất.   Ngày nay, muốn tiếp tay với Chúa thiêu đốt cả trần gian, chúng ta phải để lời Chúa xâm chiếm trọn con tim và cuộc đời mình.  Từ đó, “chúng ta sẽ thay đổi nếp sống cũ, dựa trên những giá trị, thứ bậc ưu tiên, mục đích và hành vi thành hình từ sự cam kết sống với Chúa Kitô.   Những thay đổi này sẽ nhanh chóng tạo nên những khủng hoảng trong những mối tương liên quan trọng.” (NIB 1995:267)   Mọi suy nghĩ sẽ đảo ngược.   Mọi vấn đề sẽ phải đặt lại.   Cuộc đời thánh Phaolô là một điển hình.   Sau khi trở lại, thánh nhân đã chứng kiến một thay đổi ngoạn mục trong tâm hồn và nếp sống : “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi, vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô.” (Pl 3:8)

 

 

HAI CUỘC KHỦNG HOẢNG.

 

Kinh nghiệm của thánh Phaolô cũng là kinh nghiệm của tất cả những ai đang nung nấu ngọn lửa Thánh Linh trong tâm hồn.   Ngọn lửa lan tới đâu, tất cả đều biến đổi tới đó.   Tất cả đều bứt tung trong lửa.   Trong ngọn lửa đó, “chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình.” (Dt 12:1)   Ngọn lửa đó cũng soi sáng để “mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin.” (Dt 12:2)    Từ đó, chúng ta mới thấy tất cả đổi mới.   Chính niềm tin là ánh sáng hắt ra từ ngọn lửa Thánh Linh sẽ cho ta thấy hết mọi sự, từ những giới hạn, thiếu sót và tội lỗi chúng ta đến hồng ân Thiên Chúa tuyệt vời trong vũ trụ và con người.  

 

Chính vì thiếu vắng niềm tin đó, nhân loại hôm nay vẫn chưa tìm được lối thoát.  Cơn khủng hoảng hôm nay bắt nguồn từ việc chối từ Thiên Chúa trong cuộc sống.  Bởi vậy, muốn có hòa bình, phải tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.  Muốn đạt tới niềm tin đó, con người sẽ trải qua một cuộc khủng hoảng.  Cuộc khủng hoảng này khác hẳn cuộc khủng hoảng vô thần. Một bên báo hiệu sự trưởng thành. Một bên dẫn tới tiêu vong.  Những khủng hoảng đó dẫn tới những đối kháng khác nhau về mức độ và bản chất.

 

Hôm nay, Kitô hữu đang trải qua những khủng hoảng và gặp những đối kháng khắp nơi trên thế giới.   Từ những cuộc bắt bớ, chém giết tại những nước không tôn trọng nhân quyền đến những giới hạn về nhiều mặt đối với những tín hữu đang tranh đấu cho sự sống.   Ngay trên đất nước tôn trọng tự do và nhân quyền như Hoa kỳ, Kitô hữu cũng có thể bị bách hại.  Chẳng hạn, hiện nay “Hội Đồng Thành Phố New York đang cứu xét một đề nghị cấm phổ biến truyền đơn, lên tiếng phản đối, cố vấn, hay đến gần các phụ nữ nằm trong bệnh viện phá thai.   Biểu tình phản đối phá thai có thể là một hành vi phi pháp và những người phạm pháp có thể lãnh sáu tháng tù.” (CWNews 16/8/2001)   Phong trào ủng hộ phá thai phải mạnh tới mức nào mới ảnh hưởng tới cơ quan lập pháp như thế !   Nhưng ĐGM Thomas Daily đã công khai phê bình: dự luật đó “trực tiếp tấn công những quyền tự do của người dân New York và đặc biệt nó giới hạn việc thực thi quyền tự do ngôn luận và tôn giáo không thể chấp nhận được.”  (CWNews 16/8/2001)

 

Cuộc đối kháng giữa những người phò và chống sự sống con người đang tạo nên khủng hoảng khắp nơi.   Những người ủng hộ phá thai hay những kẻ sát nhân đang bách hại con người một cách có hệ thống và tổ chức trên cấp độ quốc gia cũng như quốc tế.  Chẳng hạn, Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân hàng Thế giới, và Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ Châu chỉ chi viện nếu các nước Châu Mỹ La tinh tham dự vào những chương trình kế hoạch hóa gia đình của Liên hiệp quốc.  Bằng chứng, sau cơn động đất tàn hại vừa qua, El Salvador đã được Quĩ Tài trợ Dân số của Liên Hiệp Quốc viện trợ cả những viên thuốc và dụng cụ phá thai (CWNews 16/8/2001)  

 

Rõ ràng niềm tin đang mất dần ảnh hưởng trên lương tâm con người.  Cuộc khủng hoảng vào tận gia đình và lan tới phạm vi quốc tế.   Cuộc khủng hoảng đó bắt nguồn từ niềm tin nơi Thiên Chúa.   Đức tin cũng là ngọn lửa Đức Giêsu ném vào mặt đất.   Ngọn lửa ấy đang bùng lên từ trong tâm hồn đến cộng đoàn, mặc dù đang gặp trở ngại từ nhiều phía.  Nhưng cuối cùng ngọn lửa sẽ lan ra khắp vũ trụ, vì Đức Giêsu đã quả quyết : “Thầy đã chiến thắng thế gian !” (Ga 16:33)  

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C