Chúa Nhật 20 quanh năm
(Lu-ca 12: 49-53)
Chúa
Giê-su được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian với một sứ mệnh. Đang khi thi hành sứ mệnh ấy, Người luôn luôn
để cho Thánh Thần hướng dẫn và một mực trung thành với tôn ý của Chúa Cha. Tuy nhiên trong lòng Người cũng dâng lên niềm
thao thức khi nghĩ tới những khó khăn phải trải qua và cái giá đắt phải trả để
chu toàn sứ mệnh. Có mấy khi ta được đón
nhận những chia sẻ tâm tình của Chúa Giê-su như trong bài đọc Tin Mừng hôm
nay. Những chia sẻ ấy không phải chỉ
liên hệ tới Chúa, mà còn là những lo lắng của Người, mong đợi ta hãy dứt khoát
theo Người, gắn bó với Người và trở nên dụng cụ tiếp nối sứ mệnh của Người trên
trần gian.
1) “Thầy đã đến ném lửa vào
mặt đất”
Lửa mang nhiều ý nghĩa. Có thể là
lửa sứ mệnh của Chúa Giê-su cần phải được bùng lên và thanh tẩy thế giới. Cũng có thể là lửa của cuộc Phán Xét đốt cháy
“cỏ lùng” và “những kẻ xấu” (Mt 13:30.50).
Hoặc là lửa của Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần sẽ thanh
luyện và đổi mới bộ mặt trái đất (Cv 2:3-4).
Chúa
Giê-su dùng hình ảnh mạnh “ném lửa vào mặt đất” để diễn tả sứ mệnh của Người và
ước mong chu toàn sứ mệnh ấy thật tốt đẹp.
Người ta thường ấp ủ hoài vọng và mong thực hiện được nó cho trọn
vẹn. Cũng vậy, khi đến trần gian với kế
hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha, Chúa Giê-su những mong cho kế hoạch ấy được
tiến hành tốt đẹp và đạt kết quả. Chính
vì thế, ngay lúc vừa chập chững bước vào tuổi có thể tự mình quyết định một vài
điều, Chúa Giê-su đã mặc cho cha mẹ đi tìm kiếm Người khắp nơi trong thành
Giê-ru-sa-lem, Người đã ở lại Đền Thờ vì Người “có bổn phận ở nhà của Chúa Cha”
(Lc 2:49). Lúc nào Người cũng cảm nhận
“vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 2:17).
Khi
lên đường rao giảng Tin Mừng, lửa nhiệt tâm đã thúc giục Chúa đi hết nơi nọ đến
nơi kia thi hành những điều sách ngôn sứ I-sai-a đã viết (61:1-2). Những điều Người giảng dạy là giáo lý mới và
cách Người giảng dạy là cách của người thầy có uy quyền (Mt 7:28-29). Người ta cảm nhận giáo lý của Người là một
ngọn lửa cách mạng nhằm thay đổi lối sống của nhân loại và làm lung lay những
truyền thống vị luật đi ngược với bác ái yêu thương. Kèm theo những lời giảng, Chúa Giê-su đã đến
với những người bị xã hội khinh khi và áp bức.
Tuy nhiên, những hoạt động truyền giáo của Chúa Giê-su chưa đem lại
những kết quả đáng kể trông thấy, trái lại có vẻ như thất bại nhiều hơn là
thành công. Nào là dân chúng hờ hững,
các tông đồ và môn đệ vẫn chưa hiểu được sứ mệnh của Chúa. Nào là những chống đối mãnh liệt, nhất là từ
phía những người lãnh đạo cả trong tôn giáo lẫn ngoài xã hội. Trước tình trạng ấy, tâm tư của Chúa Giê-su
được bộc lộ: “Thầy đã đến ném lửa vào
mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12:49). Muốn nhìn thấy kết quả trước khi sứ mệnh chấm
dứt, đó là ước mong của mọi người, kể cả Chúa Giê-su. Nhưng dầu sao Người cũng phải chờ đợi cho tới
khi chu toàn sứ mệnh. Sứ mệnh chỉ kết
thúc bằng một cuộc tử đạo mà Người gọi là “một phép rửa phải chịu” và “một chén
đắng phải uống”. Người chờ đợi “giờ”
vinh quang của Người trên thập giá sẽ đến và quả thực là một chờ đợi “khắc
khoải”, nhưng đầy tin tưởng và phó thác.
2)
“Thầy đến không để ban hòa bình cho trái đất, nhưng là đem sự chia rẽ”
Các
môn đệ Chúa và cả ta nữa, ai nấy đều cảm thấy đây là điều nghịch lý. Một đàng Chúa nói Người ban cho ta bình an
của Người, bình an mà thế gian không thể cho ta. Đàng khác Chúa nói việc Người đến sẽ đem sự
chia rẽ cho nhiều người trong một nhà. Thực
ra đó là hai việc hoàn toàn khác nhau và không liên hệ với nhau. Chúa Giê-su là Đấng duy nhất có thể ban hòa
bình cho ta, hòa bình theo ý nghĩa tôn giáo và nội tâm khi ta được hòa giải với
Thiên Chúa và tha nhân nhờ Máu hy tế của Người đổ ra trên thập giá. Còn việc Người đến trần gian và đem theo giáo
lý Tin Mừng của Người thì không nhắm mục đích thiết lập một nền hòa bình có
tính cách chính trị, tuy nhiên lại có thể là nguyên nhân gây chia rẽ giữa những
người cùng một nhà khi họ tiếp nhận hay không tiếp nhận Người.
Chúa
đến mời gọi ta đón nhận Người và sống theo những giá trị Tin Mừng Người đã rao
giảng. Đáp lại lời mời gọi ấy là quyền
tự do của mỗi người. Do đó, không thiếu
gì cảnh cha con, vợ chồng, anh chị em không thuận nhau chỉ vì người này sống
đạo, còn người kia thì không. Thực vậy,
theo Chúa và làm môn đệ Người luôn luôn đòi hỏi một giá đắt. “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ
con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi
được. Ai không vác thập giá mình mà đi
theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14:26-27). Bất đồng trong niềm tin là nguyên nhân gây
chia rẽ. Hơn nữa, Chúa Giê-su và Tin
Mừng của Người có giá trị tuyệt đối, cho nên trong việc lựa chọn, một là chọn,
hai là không, chứ không có chuyện nửa vời (Kh 3:15-16).
Đối
với cá nhân từng người, ta cảm thấy sự chia rẽ ấy như một chống đối nội tâm, là
hai sức lôi kéo, một đàng hướng về Chúa và một đàng hướng về tội lỗi. Sự chống đối này tạo nên cuộc chiến bên trong
mà thánh Phao-lô đã mô tả trong thư Rô-ma 7:14-25. Nhưng thánh Tông đồ đã cảm tạ Thiên Chúa, vì
hoàn toàn nhờ Đức Ki-tô mà ngài đã chiến thắng trong cuộc chiến ấy.
3) Kết
hiệp với Chúa Ki-tô và Giáo Hội Người trong sứ mệnh ném lửa vào mặt đất
Sứ
mệnh biến đổi bộ mặt nhân loại là sứ mệnh khởi đầu do Đức Ki-tô với lửa của Chúa
Thánh Thần. Từ hai ngàn năm nay, nhân
loại đã biến đổi rất nhiều dưới ảnh hưởng của Tin Mừng. Lửa Tin Mừng được thắp sáng khắp nơi trên
toàn cầu và còn phải được bùng lên hơn nữa để diệt trừ tội lỗi và thanh luyện
mọi tâm hồn.
Ta
được mời gọi tiếp tục sứ mệnh ấy: “Anh
em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc
16:15). Chúa Giê-su đã ném lửa vào mặt
đất và Người hằng mong ước lửa ấy bùng lên.
Nhưng làm sao lửa ấy bùng lên được nếu không có người giúp nó bùng lên. Các thánh Tông đồ và những môn đệ tiên khởi
đã giúp lửa bùng lên ở những nơi các ngài đặt chân đến và rao giảng. Qua bao thế kỷ, các vị truyền giáo cũng đã
đem lửa ấy đến những vùng người ta chưa được nghe Tin Mừng và các ngài đã giúp
lửa ấy bùng lên. Đối với riêng ta, có
thể ta không cần phải đi đâu xa. Ta đã
không thấy có lửa ấy hay thấy lửa ấy đang tàn lụi ngay trong tim ta, ngay trong
gia đình và những người thân của ta, hoặc ngay nơi sở làm... Vậy thì sứ mệnh của ta là đem lửa Tin Mừng
của Chúa Ki-tô đến đấy và giúp lửa ấy bùng lên bằng chính lối sống theo Tin
Mừng. Đó cũng là cách ta sát cánh với
Chúa Ki-tô và Giáo Hội Người, để giúp cho ước mong của Người được thể hiện và
nỗi khắc khoải của Người được vơi đi.
4) Suy
nghĩ và cầu nguyện
Tôi
cảm thấy gì khi nghe Chúa Giê-su tâm sự với tôi: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất...”? Và tôi đáp lại lời Chúa thế nào?
Có
sự chia rẽ nào giữa những người trong gia đình tôi do vấn đề sống đạo? Chúng tôi có bao giờ thực sự nói chuyện với
nhau một cách cởi mở về vấn đề này không?
Lửa
Tin Mừng ở trong tâm hồn tôi như thế nào?
Leo lét sắp tắt? Hay đang biến
đổi tâm hồn tôi?
Cầu
nguyện
“Lạy
Chúa Giê-su thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm
của Chúa
đến mọi nơi chúng
con đi.
Xin Chúa hãy tràn
ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức
sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm
chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu
tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu
sáng qua chúng con,
để những người chúng
con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa
đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con
biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời
nói suông,
nhưng bằng cuộc sống
chứng tá,
và bằng trái tim
tràn đầy tình yêu của Chúa.”
- Mẹ Têrêxa Calcutta
(Trích RABBOUNI,
lời nguyện 68)
Lm. Đaminh Trần Đình
Nhi