Chúa Nhật 21 quanh năm

(Lu-ca 13: 22-30)

 

          Để tiếp nhận Nước Thiên Chúa và được cứu độ, người ta phải chấp nhận những hậu quả như phải sống trong sự chia rẽ, chống đối của những người không muốn đáp lại lời gọi của Chúa Giê-su, kể cả những người trong cùng một gia đình.  Tình trạng này được mô tả một cách cụ thể như “cha chống lại con trai, con trai chống lại cha;  mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ;  mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng” (Lc 12:53).  Bài Tin Mừng hôm nay trình bày một khía cạnh khác của việc tiếp nhận ơn cứu độ:  để được cứu độ, “hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc 13:24).  Vậy muốn qua được cửa hẹp của Nước Trời, ta phải chiến đấu với những gì?

 

1)  Cửa hẹp cứu thoát

 

          Trong Tin Mừng Gio-an, Chúa Giê-su đã ví Người là cửa chuồng chiên, để chiên ra vào và sẽ được sống đời đời (Ga 10:7).  Qua Đức Ki-tô, sự sống của Thiên Chúa đến với nhân loại; đồng thời cũng qua Đức Ki-tô, con người tiếp nhận sự sống ấy và đến với Thiên Chúa trong hành trình trở về nhà Cha (x. Ga 5:24.26).  Như thế ta nhận thấy tầm quan trọng của cánh cửa Ki-tô như thế nào, vì tất cả thân phận của nhân loại phải tùy thuộc vào cánh cửa ấy.

          Nhưng Chúa Giê-su lại làm ta hết sức ngạc nhiên khi Người xác định Người không phải là cánh cửa rộng thênh thang để người ta có thể ra vào thoải mái.  Trái lại, Người là “cửa hẹp” và muốn qua cửa hẹp này ta phải chiến đấu thật vất vả. 

          Chúa Giê-su là Đấng cứu độ phổ quát, được Chúa Cha sai đến để cứu thoát mọi người không trừ ai.  Tuy nhiên ơn cứu độ không phải là một phù phép tự nó sẽ đem mọi người về thiên đàng, mà là lời gọi Thiên Chúa mời gọi ta hãy lấy lối sống của Chúa Ki-tô, Con Một Người, như là mẫu mực để noi theo và biến đổi con người của ta nên giống như Chúa Ki-tô.  Chính Chúa Ki-tô đã bảo ta:  “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6).  Đường đi cũng có trăm nẻo vạn thứ, nhưng đối với số phận tương lai của ta thì chỉ còn hai con đường: đường thênh thang hay đường chật và cửa rộng hay cửa hẹp.  Rồi Người dặn dò ta:  “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó.  Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7:13-14).  Vậy tại sao cánh cửa Ki-tô lại hẹp và con đường Ki-tô lại chật?

          Khi Chúa nói cửa hẹp và đường chật thì Người không lấy bản thân Người làm đơn vị để đo lường rộng hay hẹp, chật hay thênh thang, nhưng là lấy chính kẻ vào cửa hoặc kẻ đi trên đường làm đơn vị đo lường.  Khung cửa sẽ rộng nếu người bước vào không đem theo những hành lý lỉnh kỉnh, vàng bạc nặng nề, vợ bé vợ nhỏ...  Con đường sẽ thênh thang nếu người đi đường chịu bỏ lại chiếc xe đắt tiền, căn nhà lộng lẫy, những tham vọng xấu xa...  Hình ảnh cửa hẹp và đường chật nhắc nhở ta phải từ bỏ mọi sự để bước vào cửa Nước Trời và đi theo con đường Ki-tô mà đến với Thiên Chúa Cha.  Đồng thời những hình ảnh ấy cũng mời gọi ta nhìn vào Chúa Ki-tô, Đấng đã từ bỏ vinh quang Thiên Chúa để nhận lấy thân phận con người khiêm hạ, dẫn ta bước theo con đường Tám mối phúc là con đường hoàn toàn đi ngược với con đường của thế gian (Mt 5:1-12).  Đọc Tám mối phúc thật, ta thấy rõ ràng những gì thế gian cho là cửa hẹp hay đường chật thì đó chính là cửa Chúa Giê-su đã qua và đường Người đã đi, rồi Người gọi ta bước theo Người cũng qua cửa ấy và cũng trên con đường ấy.

 

2)  “Hãy chiến đấu”

 

          Bước qua một khung cửa hẹp để vào tuy có thể là khó khăn một chút, nhưng chắc không đến nỗi phải “chiến đấu”.  Thế mà Chúa Giê-su không ngại khi nói “hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”.  Vậy nếu phải chiến đấu thì chiến đấu với ai hoặc chiến đấu với cái gì?  Chắc chắn đây không phải là chiến đấu để giành lối hay chỗ, như ta thấy cảnh chen lấn chà đạp nhau trong một rạp hát bị lửa cháy hoặc hình ảnh xô đẩy nhau giành lên máy bay Mỹ ngày 30-4-75.  Cánh cửa cứu độ luôn luôn mở sẵn.  Vấn đề là ở người muốn đi qua cửa ấy mà thôi.  Họ có thực sự muốn vào không?  Họ có sẵn sàng tuân thủ những điều kiện cần thiết của Đấng Cứu độ không?  Người tôn trọng sự tự do lựa chọn của họ chứ không áp đặt gì trên họ.  Người gọi họ:  “Hãy theo Thầy” (Mt 4:19; Mc 1:17; Ga 1:43; 21:19).  Phần họ, họ có thể suy nghĩ cân nhắc, có thể xin theo hoặc bỏ đi.  Cũng không phải Chúa gọi và ta đáp lại chỉ một lần, nhưng lời gọi của Người và tiếng đáp của ta là cả một đời người.  Có khi ta thấy hăng hái, nhưng cũng có lúc ta thấy chán nản muốn bỏ đi.  Quả thực là một cuộc chiến đấu nội tâm liên lỉ.  Khi ta yếu đuối bỏ đi, Chúa sẽ nói với ta như đã nói với các Tông đồ:  “Cả anh em em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6:67).  Chọn lựa giữa cửa hẹp và cửa rộng, giữa đường chật và đường thênh thang luôn luôn tạo nên một cuộc chiến đấu mãnh liệt trong tâm hồn ta.  Cho nên Chúa Giê-su mới nói “Hãy chiến đấu...” 

Một chi tiết thật ý nghĩa là thánh Lu-ca kể lại rằng Chúa Giê-su nói những điều này đang khi Người và các Tông đồ trên đường lên Giê-ru-sa-lem.  Chúa  “lên Giê-ru-sa-lem” có nghĩa là Người đi qua cuộc Thương Khó và cái chết khổ nhục, như đi qua cửa hẹp để tiến vào vinh quang Phục Sinh.  Chúa Giê-su đã phải chiến đấu để tuân hành thánh ý Chúa Cha đến độ đổ mồ hôi máu trong Vườn Dầu và chấp nhận chén đắng Người phải uống.  Người dạy ta phải chiến đấu mà qua cửa hẹp và Người đã sống những điều Người giảng dạy.

 

3)  “Có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”

 

          Có phải Chúa nêu lên một sự kiện có thực hay không?  Dĩ nhiên là một sự kiện đáng buồn, nhưng có thực.  Nhiều người muốn được cứu độ, nhưng họ không theo cách của Chúa Giê-su, nghĩa là không muốn qua cửa hẹp và đi con đường chật mà Người đã đề ra.  Họ muốn mục đích là được Thiên Chúa cứu độ, nhưng lại không chấp nhận đường lối của Đấng Cứu độ là Chúa Ki-tô do Thiên Chúa sai đến, giống như bệnh nhân muốn được chữa lành mà lại không muốn gặp bác sĩ. 

Nói đến những người này, Chúa Giê-su muốn ám chỉ những người Do-thái bất trung không muốn nhận Người là Đấng Cứu độ.  Nhưng nếu ta muốn hiểu đó là những người Công giáo hôm nay tuy mang danh Công giáo muốn được lên thiên đàng, nhưng lại không muốn theo lối sống của Chúa Giê-su, thì cũng không sai!  Họ muốn được rỗi linh hồn, nhưng lại sống ác độc kiêu căng, chứ không hiền lành và khiêm nhường như Chúa Giê-su. Họ muốn được “cứu độ” bằng đô-la, bằng những tham vọng bất chính, bằng bạo lực...  thay vì theo con đường sống khó nghèo, chuyên chăm thi hành ý Chúa.  Họ từ chối những phương tiện gây đau đớn vất vả cho họ, như thập giá hằng ngày, những hy sinh và tự chế, để chọn những phương tiện của họ là sống theo vật chất và hưởng thụ.  Như thế không phải vì cửa quá hẹp mà là cái tôi của họ quá lớn.  Họ mang danh người Công giáo, nhiều khi còn được tiếng là ngoan đạo nhất cộng đoàn, làm những việc đạo đức mà chỉ một ít người có thể làm.  Nhưng thực ra họ đang đi theo con đường của họ chứ không phải của Chúa.  Rồi một ngày Chúa sẽ nói với họ cũng những lời này:  “Ta không biết các anh từ đâu đến.  Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!” (Lc 13:27).

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Lời gọi nên thánh là một mệnh lệnh chung cho mọi người trong mọi bậc sống.  Lý tưởng của tôi là nên thánh.  Vậy tôi đang đáp lại lời gọi ấy như thế nào?

          Tôi có xác tín cuộc sống của Ki-tô hữu là một cuộc chiến đấu nội tâm để luôn trung thành với niềm tin vào Chúa Ki-tô không? 

          Những lúc phải hy sinh hoặc chọn lựa thiệt thòi để sống theo lời dạy của Chúa, tôi có nghĩ đến Chúa Ki-tô là gương mẫu và được thêm phấn khởi không?  Lời Chúa dạy “hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” có tác động nào nơi tôi lúc ấy?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa,

          Chúa đã làm người như chúng con,

          nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.

          Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc

          mà con người lại yếu đuối mong manh.

          Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,

          và giữa ánh sáng cũng có những bóng mờ đe dọa.

          Lạy Chúa Giê-su,

          nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,

          xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu

          Chúa đã buồn muốn chết được.

          Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,

          xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá

          Chúa đã thốt lên:  Sao Cha bỏ con?

          Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.

          Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.

          Xin cho con yêu đời luôn

          dù đời chẳng luôn đáng yêu.

          Xin cho con can đảm

          đối diện với những thách đố

          vì biết rằng cuối cùng

          chiến thắng thuộc về người

có niềm hy vọng lớn hơn.  A-men.”

          (Trích RABBOUNI, lời nguyện 28)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C