KẸT !

 

Chúa Nhật 22C Thường Niên.

 

Đức khiêm nhường giúp chúng ta nhận biết mình yếu đuối và bất xứng trước nhan Thiên Chúa toàn hảo và nhân lành.   Người khiêm nhường nhận thức rằng người nghèo nhất tại bàn tiệc cũng xứng đáng, có lẽ xứng đáng hơn họ, vì người nghèo gần Đức Giêsu và sứ vụ của Người nhất (x. Fahey 1994:577, 579).

 

HAI THÁI ĐỘ SỐNG.

 

Đức Giêsu đã đưa ra những hình ảnh thật sống động để diễn tả đức tính vô cùng cần thiết trong Nước Chúa: khiêm nhường.   Nói khác, sống trong Nước Chúa cũng giống như  trường hợp “anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất.  Trái lại, hãy ngồi vào chỗ cuối.” (Lc 14:8, 10)  Đó là thái độ của người được mời vào dự hôn lễ Con Chiên (Kh 19:7)   Chỉ có thái độ đó mới thực sự làm cho người dự tiệc cưới Con Chiên được hạnh phúc.   Thái độ khiêm cung là thái độ của người nghèo Giavê, người được hưỡng mối phúc đầu tiên và được mời vào chung vui trong Nước Chúa.   Chỉ những người nghèo như thế mới được mời mà thôi.   Trên đời, họ bị thiệt thòi đủ mặt, nhưng lại được Chúa chúc phúc :  “Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới của Con Chiên !” (Kh 19:9)

 

Khi đón nhận được hạnh phúc đó, họ sẵn sàng lên đường.   Hành trình của họ rất đơn giản.  Họ chỉ cần một chiếc áo cưới là lòng khiêm cung.   Aùo đó rất đơn sơ.   Lối phục sức và thái độ của họ không lôi kéo nổi ai, ngoài Chúa.   Chính khi tìm đến chỗ cuối, họ đã biết rõ thân phận và địa vị của mình.  Cuộc sống đã đẩy họ vào đường cùng.  Nhưng Thiên Chúa luôn xuất hiện ở đường cùng để giải cứu những ai hết lòng tin tưởng nơi quyền năng vô biên của Người.   Cách xử sự đó khác hẳn với người đời.   Người đời chỉ chú trọng đến những ai ăn trên ngồi trốc và tranh giành miếng đỉnh chung.   Bởi đó mới có những cảnh vinh nhục.   Vinh nhục đó có khi diễn ra ngay trong bàn ăn.   Người tự kiếm vinh hoa không tương xứng với mình có thể trải qua những giây phút bàng hoàng, “phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối.” (Lc 14:9)   Ngược lại, có những cảnh vinh thăng bất ngờ.   Giá trị được nâng cao khi chủ tiệc phát hiện : “Xin mời ông bạn lên trên cho.” (Lc 14:10)  

 

Cảnh vinh nhục đó chỉ diễn ra tại một xó góc nào trong bữa tiệc, nhưng cũng trở thành một bài học khôn ngoan cho hậu thế : “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 14:11; Ed 22:32)   Sự thật vẫn là sự thật.   Đánh giá quá mức về mình nhiều lúc không phù hợp với thực tế.   Thái độ khôn ngoan đòi phải kiên nhẫn chờ đợi Thiên Chúa.   Tính chủ quan dễ mê hoặc lòng người.   Đức Giêsu muốn tránh cho môn đệ khỏi mắc tính chủ quan đó.   Nên Người dặn dò kỹ lưỡng.

 

Tuy nhiên Đức Giêsu chỉ mượn khung cảnh tiệc cưới để dạy một bài học cao siêu hơn.   Thiên Chúa chính là chủ tiệc cưới Con Chiên.   Tiệc cưới chính là Nước Trời.  Chính Người sắp xếp mọi thứ bậc trong bữa tiệc.   Con người không có quyền định đoạt cho chính mình.   Bởi vậy thái độ tự tôn không thể chấp nhận được.   Nếu biết mình, con người sẽ thấy ngay vị thế của mình trong bữa tiệc.   Ai chẳng muốn tìm chỗ “ngon” ?  Nhưng chỉ có những người đánh giá mình thấp hơn những người khác, mới được vinh dự nghe lời chủ tiệc : “Xin mời ông bạn lên trên cho.” (Lc 14:10)   Chỗ vinh dự này không ai tự dành cho mình.   Nhưng Chúa cho ai, nấy được.   Không phải vì tài năng hay đức độ, con người có thể đạt đến công trạng xứng đáng hưởng vị thế đó.   Nhưng con mắt Chúa để ý đến những ai hèn mọn.   Chính Đức Maria đã phải thốt lên : “Phận nữ tì hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1:48) khi cảm nhận hồng ân Chúa vượt ngoài mọi dự tính.   Chính vì hạ mình quá sâu thẳm, nên Mẹ đã được Chúa cất nhắc lên trên các thiên thần và loài người.   Không còn vinh dự nào lớn hơn !   Mẹ là người khách đã ngồi chỗ thấp nhất trong bữa tiệc. Mẹ đã hoàn toàn từ bỏ chính mình,.   bởi thế Mẹ đã có thể hòa mình với mọi người và có thể trải rộng tình thương trên toàn thể nhân loại.   Bởi đó đã được vào dự hội vui với Chúa. Mẹ đã được mời lên cao hơn chín phẩm thiên thần !

 

Chính vì thế Mẹ đã trở thành gương mẫu cho những ai muốn vào dự tiệc cưới Con Chiên.   Thái độ khiêm cung đã khiến Mẹ gần gũi những người khó nghèo và đau khổ.  Nếu đứng vai chủ tiệc, chắc chắn Mẹ đã mời “những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.” (Lc 14:13)   Họ là những người bị gạt ra ngoài xã hội chỉ vì “không có gì đáp lễ” (Lc 14:14) theo lối sống “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại” hay “bánh ích đi, bánh qui lại” ngoài xã hội.    Nhưng chính khi mời những người như thế, mới thấy tính cách vô tư và quảng đại của người chủ tiệc.   Phải có một tấm lòng, một lối sống và một cái nhìn khác thường mới có thể thái độ như vậy.  Một tấm lòng vô vị lợi.   Một lối sống khiêm cung, hòa mình với những người nghèo khổ.   Một cái nhìn vượt khỏi những tính toán trần tục và vươn cao trên những biên giới đời này.   Có thế “ông mới thật có phúc : vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14:14)   Chính niềm hi vọng đó đã khiến ông coi tất cả chỉ là phương tiện phục vụ con người. Càng phục vụ những người nghèo khổ, càng nắm chắc niềm hi vọng.  “Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao : Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.” (Hc 3:20)  Trước mặt ông, con người không được đánh giá qua của cải trần thế.   Chỉ có niềm tin mới có thể xác định giá trị con người mà thôi.   Niềm tin đó mạc khải cho ông thấy mọi người đều là hình ảnh Thiên Chúa và là đối tượng cứu độ của Đức Giêsu.   Đó chính là giá trị đích thực khiến Thiên Chúa mời mọi người vào dự tiệc Nước Trời.

 

TÌM MỘT CHỖ TRONG TIỆC CƯỚI.

 

Thiên Chúa chính là chủ tiệc đích thực.   Khi sai Con Chúa đến trần gian, Người muốn chuyển thiệp hồng đến từng người trong cộng đồng nhân loại.   Bữa tiệc khoản đãi mọi người không phân biệt giàu nghèo, nam nữ, chủng tộc, văn hóa, tôn giáo v.v.   Con Chúa đã hạ mình xuống làm người tôi tớ chuyển thiệp hồng khắp ngang cùng ngõ hẻm.  Nhưng hỏi mấy người đến dự tiệc ?  (Mt 22:1-10)  Cuối cùng chỉ có “những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” nhập tiệc mà thôi.   Vâng lời Chúa, Giáo hội đã xả thân giúp đỡ những người nghèo khổ, xấu số.   Giáo hội mong đợi gì ?  Phải chăng mong chiêu dụ tín đồ ?   Thực ra, Giáo hội chỉ biết phục vụ.   Nếu người ta đọc được ý nghĩa chứng từ, Giáo hội hân hoan cảm tạ Chúa.  Nếu họ muốn giải thích sai chứng từ, Giáo hội cũng chỉ biết cầu nguyện và kiên nhẫn làm chứng.  Muốn hay không muốn trở thành tín đồ, việc hoàn toàn tùy thuộc quyết định cá nhân.

 

Trước ông chủ tối cao là Thiên Chúa, chúng ta đều là “những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” cả.   Thế nhưng có lẽ chúng ta vẫn cứ tưởng mình đáng chiếm chỗ tốt hơn, ngon hơn những người khác.  Nhất là khi có chức có quyền, chúng ta lại càng tưởng mình xứng đáng hơn.   Nhưng thật ra “càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa” (Hc 3:18) và chiếm được lòng người nữa.   Chức vị không làm con người cách xa anh em đồng loại, nhưng chỉ là một phương tiện đưa mọi người “tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời.” (Dt 12:22-23)   Đại hội đó phải diễn ra ngay tại thế, giữa các cộng đồng dân Chúa.   Thế nhưng, nhiều cộng đồng vẫn chưa chấp nhận sự có mặt của những người anh em khác màu da, phong tục, văn hóa.  Trong Đại Hội Liên Dòng Toàn Quốc Hoa Kỳ mới đây, nữ tu Mary Mollison cho biết trong lịch sử phần đông các dòng tu tại Hoa Kỳ đã không thâu nhận các thành viên thuộc các sắc tộc khác.   Ngày nay nhiều dòng “đang thực hiện tìm đường lối để xóa bỏ sự kỳ thị chủng tộc trong các cộng đoàn chúng ta.” (VietCatholic 29/8/2001)  Như thế, chính những người hiến trọn đời cho Tin Mừng vẫn chưa thực hiện được một đòi hỏi căn bản của Tin Mừng.  Có những cấp độ mâu thuẫn ngay trong Giáo hội Hoa Kỳ.  Ví dụ giáo phận cho phép thành lập các giáo xứ Việt Nam biệt lập, trong khi Hội Dòng Hoa Kỳ vẫn bắt buộc anh em Việt Nam lệ thuộc. Hi vọng chính sách toàn cầu hóa sẽ ảnh hưởng lớn tới các cộng đồng dòng tu tại đây.  Vấn đề kỳ thị phải chấm dứt, Tin Mừng mới có thể rao giảng cho mọi người.

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C