Chúa Nhật 22 quanh năm, C
(Lu-ca 14: 1.7-14)
Nội dung bài Tin
Mừng tuần trước khẳng định nếu muốn vào Nước Thiên Chúa, ta phải phấn đấu đi
qua cửa hẹp mà vào. Tỉ dụ thực tiễn này
chuẩn bị đưa ta đến một thái độ cần thiết để ta được thuộc về vương quốc ấy, đó
là sự khiêm nhượng. “Phàm ai tôn mình
lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống
sẽ được tôn lên” (Lc 14:11). Để nói lên
bài học khiêm nhượng, Chúa Giê-su lợi dụng ngay một hoàn cảnh sống trong xã
hội: khung cảnh khách dự tiệc lựa chỗ
trọng vọng nhất mà ngồi.
1) “Người nhận thấy khách dự
tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi”
Không phải mọi người
Pha-ri-sêu đều là kẻ thù của Chúa, điển hình là ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu
trong câu truyện hôm nay đã mời Chúa Giê-su đến dùng bữa tại nhà ông chắc phải
là một người bạn của Chúa. Bữa ăn đông
người, vì có Chúa là thượng khách. Quang
cảnh nhộn nhịp của bữa tiệc cũng không che nổi hình ảnh nhiều người đến dự tiệc
đã dành chỗ ăn trên ngồi trốc, một thái độ không thể chấp nhận đối với những
người được mời đến dự tiệc Nước Trời.
Khách được mời đến
dự tiệc cưới là do lòng tốt của người mời, chứ không phải họ có quyền muốn đến
là đến. Do đó, được mời đến là một ân
huệ khách nhận được từ người mời và mục đích họ đến là để đáp lại ân huệ của người
mời chứ không phải để tìm vinh dự chỗ cao trọng cho mình. Việc sắp xếp chỗ ngồi hoàn toàn do người mời,
không phải do đòi hỏi của khách dự tiệc.
Một ngày kia, anh em ông Gia-cô-bê và Gio-an đến xin Chúa Giê-su cho các
ông được ngồi hai bên tả hữu của Chúa, Người đã trả lời: “Chén Thầy uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa
Thầy chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc
ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã
dọn sẵn cho ai thì kẻ ấy được” (Mc 10:39-40).
Cũng vậy, Thiên Chúa
Cha là chủ tiệc cưới Nước Trời và Chúa Giê-su là chàng rể, còn toàn thể nhân
loại là khách được mời. Khi ta đáp lời
mời cứu độ của Chúa, đến gia nhập vào Vương quốc của Người, điều kiện trên hết
ta phải có là có lòng khiêm nhượng.
Khiêm nhượng để nhận biết đây là một ân huệ vô cùng lớn lao Chúa ban cho
ta. Nếu không khiêm nhượng, ta sẽ lầm
tưởng mình xứng đáng được mời vào và sẽ coi thường ân huệ mà không hết lòng hết
sức làm bất cứ gì để đền đáp ân huệ ấy.
Lãnh nhận ơn cứu độ là để cho mình được biến đổi, như cục đất sét mặc
cho bàn tay thợ gốm uốn nắn. Vì thế lời
đầu tiên Chúa Giê-su rao giảng khi Người khai mở Triều Đại Thiên Chúa là: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc
1:15), hoặc: “Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ
em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc10:15).
Làm sao sám hối và đón nhận ơn cứu độ như trẻ em được, nếu ta không có
lòng khiêm nhường?
2) “Phàm ai tôn mình lên sẽ
bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ
được tôn lên”
Châm ngôn người xưa
nói về cách xử sự khôn ngoan của người được mời đi ăn cưới là hãy chọn chỗ thấp
để được chủ mời lên chỗ cao hơn. Nhưng
Chúa Giê-su không dạy ta làm điều ấy, mà Người chỉ mượn hình ảnh người khách
được chủ tiệc mời ngồi lên cỗ trên và người khách bị mời xuống cỗ dưới để nói
lên một chân lý: phàm ai tôn mình lên
sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ
được tôn lên.
Thực vậy, trước mặt Chúa ta có là gì đâu. Tác giả Thánh Vịnh đã nhận thức thân phận
mình: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm
nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8:4-5).
Vậy mà A-đam và E-và những tưởng mình là quan trọng, còn muốn được như
Thiên Chúa nên đã bất tuân mệnh lệnh Người.
Thế là đang được ở trong Vườn địa đàng bị đuổi ra và thân phận trở nên
khốn nạn và đau khổ. “Ai tôn mình lên sẽ
bị hạ xuống”.
Tuy nhiên trong kế hoạch cứu độ Thiên Chúa muốn
phục hồi thân phận làm con cái cho A-đam bằng một nguyên lý ngược lại: ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. Vậy để thực hiện kế hoạch theo nguyên lý này,
Thiên Chúa đã sai Con Một xuống trần gian.
Chúa Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, đã hạ mình xuống làm người (Ga 1:14) và
nhận lấy thân phận tôi đòi và vâng phục Thiên Chúa hoàn toàn đến nỗi bằng lòng
chịu chết trên thập giá. Chính nhờ hạ
mình và khiêm nhượng tuyệt đối, Chúa Ki-tô đã được Thiên Chúa siêu tôn (Pl
2:7-9).
Chúa Ki-tô đã vạch sẵn con đường cứu độ để
những ai theo Người và tin vào Người thì sẽ không phải hư mất đời đời. Nhiều người Do-thái đã không tin vào Chúa
Ki-tô, nhưng hãnh diện vì có Lề Luật và tin rằng việc giữ Lề Luật sẽ cứu độ
họ. Họ đặt việc giữ Lề Luật lên trên
việc sống theo Tin Mừng của Chúa Ki-tô cho nên họ sẽ bị hạ xuống, nghĩa là
không được cứu độ. Trái lại, dân ngoại
đã khiêm nhượng đón nhận Tin Mừng và đáp lại lời gọi của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô đã nói với người Do-thái về
thực trạng này: “Anh em phải là những
người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời
ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay
về phía dân ngoại...” (Cv 13:46).
Não trạng của người Do-thái vẫn còn nằm trong
nhiều người Công giáo hôm nay. Họ nghĩ
rằng họ mang danh là Công giáo thì thế nào cũng tốt hơn người không có
đạo. Có những người Công giáo khác thì
cho rằng họ làm những việc đạo đức trong giáo xứ, như làm thừa tác viên cho
rước lễ, đem Mình Thánh Chúa cho người già cả, điều khiển ca đoàn... thì chắc
chắn họ là những người đạo đức hơn những người khác. Đúng là một cách “tôn mình lên” thật kín đáo
và nguy hiểm.
3) “Khi đãi khách, hãy mời
những người nghèo khó”
Chỉ một bữa ăn cũng
đủ là đề tài để Chúa dạy nhiều bài học.
Bài học cho những kẻ được mời là hãy khiêm nhượng nhìn nhận việc mình
được mời là một ân huệ. Nhưng cũng thêm
một bài học cho chủ nhà là người mời. Tuy Chúa Giê-su kêu gọi chủ nhà hãy tỏ lòng
hào hiệp đối với kẻ nghèo khó, nhưng Người cũng mở cho ta thấy một khía cạnh
khác của bữa tiệc Nước Trời. Được mời
gọi lãnh nhận ơn cứu độ và đáp trả không chỉ là việc cá nhân, nhưng mang chiều
kích cộng đồng. Nếu chính ta đã được
Thiên Chúa mời gọi lãnh nhận ơn cứu độ thì ta cũng phải chia sẻ ơn cứu độ ấy
với nhau. Mỗi Ki-tô hữu phải là người
đãi tiệc, giúp đem ơn cứu độ đến với những anh chị em nghèo khó, tức là những
người đang cần được cứu độ.
Ta có trách nhiệm
đối với phần rỗi của anh chị em, nhất là đối với những người ta có trách
nhiệm. Linh mục là người đãi tiệc. Cha mẹ cũng là những người đãi tiệc. Thầy cô dạy giáo lý cho các em cũng đóng vai
trò đãi tiệc. Triều Đại Thiên Chúa là
thời gian Người đãi tiệc. “Ngày ấy, trên
núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy,
rượu ngon tinh chế” (Is 25:6). Ta tiếp
tay với Thiên Chúa để giúp cho bữa tiệc cứu độ càng thêm đông, bằng cách kêu
mời anh chị em đến. Ta làm công việc ấy
khi ta cho họ thấy cuộc sống của ta đang được ơn cứu độ biến đổi và ta đang
sống như con cái Thiên Chúa.
4) Suy nghĩ và cầu nguyện
Được Chúa mời gọi
đến dự tiệc cánh chung, tôi đã đáp lại như thế nào? Từ chối vì bận rộn? Lần lữa nói với Chúa để ít nữa sẽ lo lắng
phần hồn? Khiêm tốn và vui mừng đến để
thi hành ý Chúa muốn cứu độ tôi?
Có khi nào tôi vỗ
ngực cho mình là người Công giáo tốt không?
Việc “tôn mình lên” thường biểu lộ bằng những cách nào nơi tôi? Lời nói?
Thái độ khinh người? Thích so
sánh hơn thiệt?
Nếu tôi là bậc làm
cha mẹ, tôi nghĩ gì khi nghe người bạn phàn nàn về con cái rồi kết luận: “Thôi,
kệ xác nó. Nó lớn rồi, có linh hồn thì
phải lo mà giữ!”?
Cầu nguyện
“Lạy Chúa Giê-su,
xin cho con trở nên
đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe
được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện
diện
và hoạt động trong
đời con.
Sống giữa một thế
giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở
nên cứng cỏi,
khép kín và nghi
ngờ.
Xin dạy con sự hiền
hậu
để con biết cảm
thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm
nhu
để con dám buông đời
con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho
con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con
đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được
cùng Ngài chịu khổ đau. A-men.”
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 14)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi