TỰ DO HAY LÀ CHẾT.
Chúa Nhật 23C Thường Niên.
Con người khao khát
tự do, nhưng cũng cần một hướng để xác định rõ mục tiêu cuộc sống. Nếu không, cuộc đời sẽ phí phạm và vô
nghĩa. Đức Giêsu đem lại cho nhân loại
một phương hướng giải thoát hoàn toàn.
GIẢI THOÁT HOÀN TOÀN.
Tự do vẫn là khát
vọng muôn đời. Nhưng cho tới nay, con
người vẫn chưa đạt được giấc mơ đó. Bởi
vậy, Đức Giêsu mới đến để mạc khải cho mọi người biết tự do là một hồng ân của
Thiên Chúa, chứ không phải của con người. Thực vậy, “chính để chúng ta được tự
do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5:1) bằng cái chết trên thập
giá. Nhờ đó, Người trở thành Môsê mới
đưa Dân Chúa vào Đất Hứa. Người được tôn
làm Đức Chúa. “Người đã lên cao dẫn theo một đám tù” (Ep 4:8) tức là nhân loại
trong vòng xiềng xích quỉ ma. Nếu không trút bỏ hoàn toàn mạng sống, Người đã
không thể nào giải thoát toàn thể nhân loại.
Thầy đã vạch
đường. Muốn làm môn đệ, phải bước theo
Thầy. Đúng là “trò không hơn thầy, tớ
không hơn chủ.” (Mt 10:24) Đó là lý do
tại sao Đức Giêsu quyết liệt đòi hỏi : “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ,
vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi
được.” (Lc 14:16) Có đòi hỏi nào khủng
khiếp hơn không ?! Điều kiện theo Người
quá khắt khe ! Thực ra, “dứt bỏ” chỉ là
giá phải trả cho tự do. Dứt bỏ những
liên hệ gia đình phải chăng làphủ nhận những giá trị lớn lao đó ? Không phải thế. Nhưng đòi hỏi như thế, Người muốn mạc khải
mình là một giá trị tuyệt đối, vượt trên mọi giá trị trần gian. Không có một giá trị nào cao cả và thân
thiết hơn Người. Bởi vì tất cả mọi giá
trị đều tương đối và mau qua. Chỉ một
mình Người mới toàn hảo, toàn chân, toàn mỹ.
Trong Người có thể tìm thấy mọi sự.
Người mở lối vào Đất Hứa.
Trên đường về Đất
Hứa, nhiều mối nguy hiểm chất chồng.
Nguy hiểm lớn nhất là cái tôi của mình.
Thập giá có mặt khắp nơi và đủ mọi chiều kích. Tin hay không, con người vẫn phải vác thập
giá. Nhưng có nhiều người vác thập giá
theo cái tôi của mình. Không lối
thoát. Cả một cơn hỏa mù dầy đặc. Trái lại, khi vác thập giá theo Đức Giêsu,
người ta có thể có một hướng đi lên tới tận nguồn sống. Vì chỉ có Người “là con đường, là sự thật và
là sự sống.” (Ga 14:6) Không thể có con
đường giải thoát nào khác ngoài Đức Giêsu Kitô.
Người chính là một
bảo đảm lớn lao cho sự tự do của con người. Đúng hơn, Người là suối nguồn tự
do. Thật vậy, “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người
Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống” (Cv 2:33) trên tất cả những ai tin vào
Người. Vậy mà, “ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do.” (2 C 3:17) Bởi thế, nếu đòi hỏi môn đệ “dứt bỏ”, Đức
Giêsu chỉ muốn người môn đệ hoàn toàn tự do, thoát khỏi mọi vướng mắc tình cảm
và của cải. Người quả quyết : “Ai trong
anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”(Lc
14:33) Còn bám víu vào những giá trị
trần thế đó, con người không thể bay bổng theo Người.
Bay bổng không có
nghĩa là xa rời thực tế. Trái lại, Đức
Giêsu nhấn mạnh : “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm
môn đệ tôi được.” (Lc 14:27) Thập giá
là những thách đố rất thực tế trong hoàn cảnh và thân phận con người. Tuy nhiên trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu mới
chỉ đòi hỏi hi sinh mạng sống, quyền sở hữu và những thứ tình cảm bên
ngoài. Ngay cả mạng sống cũng chưa phải
là điều gì thâm sâu lắm. Nhưng trong
Tin Mừng Mathêu và Marcô, Đức Giêsu quyết liệt hơn : “Ai muốn theo Thầy, phải
từ bỏ chính mình.” (Mt 16:24; Mc 8:34)
Từ bỏ chỉ là mặt trái của tự do.
Càng từ bỏ càng thanh thoát. Như
vậy, khi từ bỏ, con người hoàn toàn tan biến trong Đức Giêsu. Chính thánh Phaolô đã cảm nghiệm sâu xa về
sự thật đó : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong
tôi.” (Gl 2:20) Nghĩa là, khi đã từ bỏ
hoàn toàn, thánh nhân cảm thấy mình như bay bổng trong bầu trời tự do là Đức
Giêsu.
Trong tinh thần đó,
thánh nhân đã đề nghị với ông chủ Philêmôn nhận lại người nô lệ Onêsimô như
“một người anh em rất thân mến, cả về tình người cũng như về tình anh em trong
Chúa.” (Plm 16) Nếu không cùng chia sẻ
một niềm tin nơi Đức Kitô, làm sao thánh nhân dám nói như vậy ? Thánh nhân còn nhấn mạnh : “Nếu anh coi tôi
là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi.” (Plm
17) Thực tế, niềm tin Kitô mạc khải cho
chúng ta thấy : “Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hi lạp, nô lệ hay tự
do, đàn ông hay đàn bà ; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô.” (Gl
3:28) Còn phân biệt tức là chưa từ bỏ
để hòa mình với mọi người.
Chưa hòa mình với
mọi người chưa thể làm môn đệ Đức Kitô.
Vì Đức Kitô đã chết là để hòa giải muôn loài (x. Cl 1:20) Muốn tiếp nối sứ mạng đó, người môn đệ phải
tìm hiểu rõ ý Chúa. Trong khi sách Khôn
Ngoan băn khoăn về thánh ý Thiên Chúa (Kn 9:13), thì Đức Giêsu quả quyết : “Ý
của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được
sống muôn đời.” (Ga 6:40) Sứ mạng người
Con đã được xác định rõ : “Nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới
thực sự là những người tự do.” (Ga 8:36)
Tại sao được chia sẻ sứ mệnh cao cả như thế người môn đệ lại phải lệ
thuộc vào những ranh giới chủng tộc, văn hóa, quốc gia … để không thèm nhìn đến
người anh em ? Đó là một phản chứng tệ
hại nhất trong hàng ngũ những môn đệ Chúa Kitô. Tất cả sứ mệnh lớn lao đều tùy thuộc chứng
từ hòa giải này.
GIẢI PHÁP THỰC TẾ.
Chứng từ hòa giải đó
đang gặp khủng hoảng ngay chính trong cộng đồng dân Chúa. Khủng hoảng vì con người chỉ biết luẩn quẩn
trong cái tôi của mình. Chẳng hạn, theo ĐHY Cormac Murphy-O’Connor, não trạng
thời nay cho rằng : “chỉ có cái gì tôi thích mới tốt, chỉ mình tôi mới có những
quyền đó và chỉ có một cuộc sống có ý nghĩa hay giá trị đó là cuộc sống tôi
muốn chọn cho chính mình.” (CWNews 6/9/2001)
Thật là một bế tắc. Bế tắc đó
bắt nguồn từ “một cuộc khủng hoảng đức tin đang ảnh hưởng tới toàn thể cộng
đồng Kitô giáo …” (CWNews
6/9/2001) ĐHY nói về Giáo hội Anh quốc
trước Hội Nghị Linh Mục Quốc gia tại Leeds như sau : “Giới trẻ ngày nay, và
không phải chỉ có bạn trẻ, đang thờ ơ trước những giá trị Kitô giáo và Giáo
hội.” (CWNews 6/9/2001) Nói khác, các
bạn trẻ đang mất hướng. Sau khi đã
nhận định như thế, ĐHY dí dỏm : “Chúng ta tự hỏi phải chăng vì chúng ta chưa cố
gắng xem chính xác dân đang ngứa ở chỗ nào.
Và họ đang ngứa thật.” (CWNews 6/9/2001) Muốn đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thời đại,
theo ĐHY, phải thiết lập các nhóm nhỏ học Thánh Kinh và cầu nguyện. “Các cộng đồng tí hon này là bí quyết cho
tương lai Giáo hội.” (CWNews 6/9/2001)
Vì từ chính những cộng đoàn tế bào đó, dung nhan Đức Kitô sẽ hiện rõ nét
hơn và tiếng Chúa sẽ nghe rõ hơn. Một
cộng quá lớn sẽ loãng. Tiếng Chúa như
rơi trong sa mạc. Lời Chúa chỉ triển nở
trong nơi sâu đậm tình người. Từ đó, những
đòi hỏi của Đức Giêsu mới đạt tới cường độ như Chúa muốn.
Đòi hỏi môn đệ phải
“từ bỏ hết những gì mình có” và cả “mạng sống mình”, Đức Giêsu muốn họ thi hành
sứ mạng giải thoát nhân loại. Phải
chăng đó là một tính toán khôn ngoan ? Dưới
cái nhìn trần thế, hi sinh như vậy chỉ là ngu si và ngông cuồng. Nhưng “cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn
cái khôn ngoan của loài người.” (1 C 1:25)
Huống nữa, sự khôn ngoan của Thiên Chúa là chính Đức Giêsu (x. 1 C 24)
còn lớn lao hơn gấp mấy ! Chính “nhờ Đức Khôn Ngoan (đó) mà (loài người) được
cứu độ” (Kn 9:18) !