Chúa Nhật 23 quanh năm

(Lu-ca 14: 25-33)

 

          Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật!  Từ nhiều tuần nay, bài Tin Mừng Chúa Nhật đã đề cập tới việc theo Chúa Ki-tô và gia nhập Nước Trời dưới nhiều góc cạnh khác nhau.  Tuy nhiên vẫn chưa tới hồi quyết liệt để kẻ muốn theo Chúa phải dứt khoát lựa chọn:  theo hay không theo Chúa Giê-su.  Bài Tin Mừng hôm nay đưa ta đến đối mặt với “sự thật phũ phàng” của việc làm môn đệ Chúa.

 

1)  “Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su”

 

          Những người “cùng đi đường với Đức Giê-su” chưa hẳn đã là bạn đồng hành với Người.  Bao nhiêu người đi trên cùng con đường với ta, trên xe riêng, xe buýt, xe điện, máy bay, nhưng sự hiện diện của họ bên cạnh ta chẳng có liên hệ hay ảnh hưởng gì tới cuộc sống của ta.  Mỗi người đi với Lm.mục đích riêng.  Tuy nhiên nếu ta thuộc về một đoàn thể, một nhóm, cùng nhắm tới một mục đích thì việc đồng hành lại là điều vô cùng cần thiết.

          Trước khi ghi lại lời tuyên bố có tính cách đòi hỏi tuyệt đối của Chúa, thánh Lu-ca nêu lên một chi tiết có vẻ tầm thường, nhưng lại rất quan trọng, là “có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su”.  Hình ảnh này thật lạc quan, vì bình thường ta vẫn nghĩ rằng không có mấy người cùng đi đường với Chúa.  Con đường Người đi là con đường hẹp, còn con đường của thế gian là con đường thênh thang dẫn đến hư mất.  Chúa Giê-su đã trở thành lạc lõng giữa thế hệ này vì người ta từ chối tiếp nhận Tin Mừng và không muốn đi con đường của Người.  “Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’” (Lc 7:34).  Nhưng nếu có rất đông người cùng đi đường với Chúa thì tại sao Người lại cô độc như thế?  Tuy là “cùng đi đường”, nhưng quan trọng là đường đi tới đâu.  Đường Chúa Giê-su đang đi lúc này là đường lên Giê-ru-sa-lem, dẫn tới cuộc Thương khó và cái chết trên Đồi Sọ.  Do đó, đi vào con đường dẫn ta tới hy sinh và cái chết thì khó có ai dám lựa chọn!  Trên đường đi Giê-ru-sa-lem, các môn đệ có vẻ ngần ngại muốn bỏ cuộc vì thấy kẻ thù đang ráo riết tìm cách bắt Chúa Giê-su, nhất là sau khi Người bị họ ném đá vì khẳng định “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10:30-31).  Nhưng ông Tô-ma Đi-đy-mô đã khơi lại tinh thần theo Chúa khi kêu gọi anh em Tông đồ:  “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11:16).

          Nhưng nếu nhìn theo viễn tượng thời gian, từ khi có lời hiệu triệu của Chúa Giê-su “Hãy theo tôi” cho đến nay, thì sự kiện “có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su” không phải là lời quá đáng.  Kể từ khi ấy cho đến ngày thế mạt, qua Giáo Hội sẽ còn rất đông người muốn làm môn đệ Chúa và chọn đi con đường của Người.  Như vậy, Lu-ca đã cho ta một cái nhìn phổ quát về ơn cứu độ, một đặc tính nổi bật trong sách Tin Mừng của ngài.  Cảm tạ Chúa, ta cũng được ở trong số những người ấy.

 

2)  Dứt bỏ và vác thập giá, một đòi hỏi tuyệt đối

 

          Ta cứ tưởng tượng một đám người rất đông đang đi theo sau Chúa Giê-su, họ hồ hởi, lòng đang suy nghĩ và xây những giấc mộng cuộc đời.  Ngay đến ông Phê-rô cũng không tránh khỏi tâm trạng ấy.  Ông hỏi Chúa:  “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy.  Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19:27).  Bỗng nhiên, Chúa Giê-su quay lại nói với họ những lời họ không ngờ:  “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.  Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14:26-27).  Thật như một tiếng sét đánh ngang tai khiến đám đông điếng người khiếp sợ.  Lời của Chúa chắc nịch, rõ ràng, không nhưng nhị gì cả.  Nếu không dứt bỏ gia đình cũng như chính bản thân và không vác thập giá, thì không thể làm môn đệ Chúa.

          Vậy đòi hỏi của Chúa có quá đáng không?  Chắc chắn là Người không dạy ta bất hiếu bất mục với cha mẹ hoặc dứt tình với vợ con và anh chị em (Lc 18:20).  Nếu thế thì “dứt bỏ” phải hiểu như thế nào?  Các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng phải hiểu “dứt bỏ” theo ngôn ngữ Cựu Ước, nghĩa là “yêu ít hơn”.  Cho nên lời của Chúa sẽ được hiểu là nếu ta yêu gia đình và bản thân hơn cả yêu Chúa thì ta không thể làm môn đệ Người.  Gia đình và bản thân có chỗ đứng và giá trị riêng của nó.  Nhưng nếu ta đặt chỗ đứng và giá trị của nó lên trên giá trị của Tin Mừng và nhu cầu biến đổi nên giống Chúa Ki-tô, ta sẽ không thể học được gì nơi Người cả.  Một thí dụ cụ thể, em nhỏ lớp một hoặc lớp hai ở trường về đến nhà, bất cứ điều gì cũng khăng khăng là:  “Cô giáo bảo thế”.  Ta có cảm thưởng em đã “dứt bỏ” gia đình rồi, để chỉ cho cô giáo là nhất thôi.  Chẳng thế mà Chúa lại dạy ta phải trở nên như trẻ nhỏ, để ta hoàn toàn tin tưởng vào Người như em nhỏ tin vào cô giáo, để Người uốn nắn đào tạo ta thành một Ki-tô hữu, người có Đức Ki-tô.

          Điều kiện thứ đến là “vác thập giá”.  Không phải là vác thập giá của người khác như ta thường phàn nàn, nhưng thập giá của chính ta.  Người môn đệ phải “dứt bỏ” chính mình và những gì thuộc về mình như gia đình và bản thân.  Chắc chắn đây không phải là điều dễ làm, nhưng khó khăn vô cùng.  Thực hành việc “dứt bỏ” này quả là một gánh nặng, một “thập giá” ta phải mang suốt đời.  Như thế, thập giá của ta không phải ở nơi khác tới, mà là do chính việc thực hành sự “dứt bỏ” để hoàn toàn tín thác vào Chúa Ki-tô và giáo huấn của Người.  Học sinh muốn thành đạt cần phải học hành vất vả, đó là thập giá họ phải vác hằng ngày.  Cũng thế, cuộc đấu tranh nội tâm để đặt giá trị Đức Ki-tô và Tin Mừng lên trên hết đã là thập giá cho tất cả những ai muốn đi con đường làm môn đệ Người rồi.

 

3)  Cân nhắc trước khi quyết định

 

          Chúa Giê-su không độc đoán, nhưng Người tôn trọng tự do của ta.  Một đàng Người kêu gọi ta theo làm môn đệ Người.  Đàng khác Người để cho ta suy tính cân nhắc rồi mới quyết định.  Có vẻ như Chúa muốn đề cao sự tôn trọng tự do này, vì rõ ràng Người đã sử dụng tới hai dụ ngôn nói về việc phải tính toán kỹ lưỡng trước khi làm một việc quan trọng.  Xây nhà hoặc khởi động một cuộc chiến tranh là những việc hết sức quan trọng đối với một gia đình hay một quốc gia.  Muốn xây nhà cần phải tính toán rõ ràng và muốn đem quân đội đi đánh xứ người cần phải điều nghiên kỹ lưỡng.  Thời mua bán nhà cửa hiện nay đã làm cho bao nhiêu người vỡ nợ mất nhà và cuộc chiến Iraq đang là một nhức nhối cho chính phủ Hoa-kỳ.  Tuy nhiên quyết định làm môn đệ Chúa quan trọng hơn thế nhiều, bởi vì khủng hoảng mậu dịch nhà cửa và chiến tranh chỉ kéo dài trong ít năm, còn việc làm môn đệ Chúa kéo dài suốt cuộc đời.

          Nếu vậy, phải chăng việc làm môn đệ Chúa là điều không thể?  Hẳn ta còn nhớ sau bài giảng về Thánh Thể, có nhiều người bỏ đi, các môn đệ xầm xì và toan bỏ cuộc.  Làm môn đệ Chúa khó quá.  Trong hoàn cảnh này, Chúa Giê-su đã nói với những kẻ toan bỏ đi về quyết định họ phải chọn lựa:  “Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”.  Và kết cục là:  “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa” (Ga 6:65-66).  Chúa Giê-su khẳng định việc làm môn đệ Người là một ân huệ do Chúa Cha ban cho ta.  Dĩ nhiên Chúa Cha ban ân huệ ấy cho mọi người.  Vấn đề là ta có sẵn sàng đón nhận và sống với ân huệ ấy hay không.

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Ý tưởng “làm môn đệ Chúa” có phải là một điều xa lạ hoặc mới mẻ đối với tôi không?  Tại sao tôi ít khi hoặc không nghĩ tới điều này?

          Có điều gì ngăn cản tôi quyết định đi theo lối sống, cách suy nghĩ và hành động của Chúa Ki-tô?

          Nếu quyết định làm môn đệ Chúa, tôi sẽ bắt đầu từ đâu và thế nào?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

sống cho Chúa thật là điều khó.

          Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

          Chúa đòi con cho Chúa tất cả

          để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

          Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa

          để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.

          Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà

          để cây đời con sinh thêm hoa trái.

          Chúa cương quyết chinh phục con

          cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

          Xin cho con dám ra khỏi mình,

          ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan

          để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,

          dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

          Ước gì con cảm nghiệm được rằng

          trước khi con tập sống cho Chúa

          và thuộc về Chúa

          thì Chúa đã sống cho con

          và thuộc về con từ lâu.  A-men.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 30)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C