THIÊN CHÚA TỪ BI.

Chúa Nhật 24C Thường Niên.

 

 

Niềm vui phát xuất từ đâu ?   Tình yêu là một nguồn vui lớn.    Hôm nay, Đức Giêsu muốn mạc khải bản chất tình yêu Thiên Chúa qua những nét từ bi lạ lùng.   Nói khác, lòng thương xót là chiều kích thực tế của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người.

 

LÒNG XÓT THƯƠNG.

 

Đức Giêsu đã phải dùng ba dụ ngôn liên tiếp để diễn tả phần nào một khía cạnh của tình yêu Thiên Chúa. Lòng xót thương chính là một đặc tính vô cùng cao quí của Thiên Chúa.  Nếu không đầy lòng thương xót, chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ có thể đi sâu vào lòng người đến thế.  Chính vì lòng thương xót trời bể, Thiên Chúa mới cảm thấy “vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.” (Lc 15:7, 10)   Niềm vui không đến với Chúa qua đường lối thông thường “có vay có trả”.  Lòng thương xót đó rất nhiệm mầu nhưng cũng rất thực tế.  Chẳng ai hiểu thấu bản chất lòng xót thương.   Nhưng ai cũng có thể cảm nhận lòng xót thương đó. Chính vì thế Đức Giêsu phải dùng nhiều dụ ngôn để khai sáng những chiều cạnh bí hiểm của mầu nhiệm lớn lao này.

 

Trước hết, ngược với mọi toan tính thường tình, người Mục tử nhân lành dám để chín mươi chín con chiên ngoài đồng hoang, để tìm con chiên bị mất  (x. Lc 15:4)   Ngoài đồng hoang chín mươi chín con chiên đó dễ trở thành mồi ngon cho bọn chó sói hay những quân đạo chích.  Nhưng vì lòng xót thương đối với con chiên thất lạc, ông đã quên tất cả.   Oâng liều mạng xông vào những chỗ nguy hiểm để tìm lại một giá trị đã mất.   Mỗi người là một giá trị độc đáo đối với Thiên Chúa.   Không ai không được hưởng lòng thương xót của Chúa.   Chính Chúa đã âu yếm gọi con người là “con chiên của tôiù.” (Lc 15:6)  Thiên Chúa tìm lại được tội nhân, giống như tìm lại được hình ảnh mình.   Thánh Phaolô đã bám chặt vào lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, đến nỗi ông dám thách thức : “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ?” (Rm 8:35)   Tình yêu Đức Kitô là nguyên nhân tạo nên mọi giá trị đích thực.

 

Giá trị đó có thể ví như đồng quan người phụ nữ đánh mất.    Mất một đồng bà cũng cặm cụi tìm kiếm.   Tìm được rồi, “bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại” (Lc 15:9) chung vui với bà.   Niềm vui đó thật chẳng có ý nghĩa gì đối với những người giàu có.   Nhưng đối với bà, một đồng thực là ý nghĩa và quan trọng.   Cũng như một con chiên vẫn có một giá trị hơn chín mươi chín con kia.   Thiên Chúa cần phẩm chứ không cần lượng.  Quả thế, Thiên Chúa “sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.” (Lc 15:7)   Chỉ có tấm lòng sám hối mới tạo nên tất cả giá trị con người.   Đó là một sự thật !

 

Sự thật đó có thể tìm thấy nơi người con hoang đàng.   Trong cảnh cùng cực, anh đã thấy tất cả sự thật và ý nghĩa cuộc đời.   Anh không thể chịu nổi cảnh phi lý : “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói !” (Lc 15:17)   Không thể phung phí cuộc đời trong vô vọng như thế !    Khi trở về, đụng chạm trực tiếp với người cha bao dung, anh đã để những giọt nước mắt tự do tuôn rơi.  Anh chẳng còn gì ngoài lòng sám hối.   Nhưng đó mới là tất cả lý do khiến người cha nhân lành “mở tiệc ăn mừng !” (Lc 15:23)   Oâng như tìm được một giá trị vô cùng lớn lao trong người con trở về đó, “vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15:24)   Chính lòng sám hối có khả năng phục hồi tất cả những gì đã mất và tạo được niềm vui vô cùng lớn lao.  

 

Phải có một con mắt nhân hậu như người cha mới thấy được giá trị cao cả của tấm lòng sám hối.   Người con thứ đã trải qua những giây phút tan nát như thế và đã cảm thấy phải lệ thuộc hoàn toàn vào tình thương của cha. Nhờ lòng sám hối, người con thứ mới hưởng được một bữa tiệc thịnh soạn.  Ngồi giữa bàn tiệc với “thịt con bê béo” (Lc 15: 27) và “đàn ca nhảy múa” (Lc 15:25), chắc chắn anh không thể tưởng tượng được lòng cha bao dung tới mức đó !   So với lúc còn xa cha, “anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho dầy bụng, nhưng chẳng ai cho,” (Lc 15:16), thật là một trời một vực !  Anh thấy rõ cảnh trái ngược giữa tình cha nồng thắm và tình đời bạc đen.  

 

Đại diện cho tình đời đen bạc đó là người anh cả, một con người chỉ biết sống với lý trí.   Anh không thể hiểu được con tim người cha.  Anh chỉ sống theo lẽ công bình.  Suốt đời phục vụ cha, anh chỉ nhằm “một con dê con để ăn mừng với bạn bè.” (Lc 15:29)   Anh lại còn cố cắt nghĩa cho cha hiểu về công trạng cồng kềnh của mình.   Bởi vậy anh không thể chung vui với cha.   Không cảm thấy mất mát khi em lìa xa mái ấm, nên anh cũng chẳng thấy tìm lại được gì sau khi em trở về.  Cha không chỉ bao dung với người em, nhưng cũng quảng đại với người anh nữa : “Tất cả những gì của cha đều là của con.” (Lc 15:31)   Anh hoàn toàn không hiểu biết chút gì về tấm lòng trời bể của cha.   Bởi thế anh không hòa nhập và chia sẻ với cha trong nếp sống gia đình.   Anh không có một cái nhìn khoan dung và bao quát để đi sâu vào tâm hồn thân phụ.   Tâm hồn anh hoàn toàn khép kín với cha và em.

 

HÒA BÌNH VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT.

 

Ngày nay, chính sự khép kín đó là sinh ra mọi thứ chiến tranh.   Mặc dầu sống giữa thời đại đầy ắp những phương tiện thông tin hiện đại, người ta vẫn không hiểu biết nhiều về nhau.   Bởi vậy mới có những thái độ bất khoan dung và thù nghịch.  Biến cố 11/9/2001 tại Hoa Kỳ là một bằng chứng.   Hàng ngàn người vô tội tại World Trade Center đã phải thiệt mạng vì sự thù hận.   “Không thể kiếm được từ nào để diễn tả ảnh hưởng của một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất thời đại.” (Federico Lombardi, CWNews 111/9/2001)   Toàn thể thế giới kinh hoàng khi nhìn thấy hai chiếc phản lực dân sự do bọn không tặc lao vào hai ngôi nhà chọc trời, trung tâm dịch vụ thế giới.  Trong phút chốc hai biểu tượng của đất nước giàu có nhất thế giới đã sụp đổ tan tành, đè chết hàng ngàn người dưới đống gạch vụn. 

 

Không ngờ con người có thể có những hành động quái ác như vậy !  Đó là “một hành động lăng mạ khủng khiếp tới phẩm giá con người.” (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 12/9/2001)    Con người chưa thể thương yêu nhau vì chưa ý thức về lòng xót thương Chúa dành cho mỗi người và cộng đồng nhân loại.   Lòng xót thương của Thiên Chúa chính là động lực giúp cho con người nhìn nhau như anh em và tha thứ cho nhau.   Trong hoàn cảnh nhân loại, không thể tìm thấy điều kiện lý tưởng cho tình yêu.   Nếu cứ chờ đợi có đủ lý do mới yêu nhau, con người sẽ thất vọng, vì trần gian là một cõi tương đối.   Chỉ có lòng thương xót hay lòng khoan dung mới giúp nhân loại tồn tại.  

 

Trước thảm họa khủng bố hôm nay, chúng ta phải làm gì ?    “Các nhà lãnh đạo thế giới đừng để sự thù hận và tinh thần trả thù thống trị mình, hãy làm tất cả những gì có thể làm để kìm giữ những vũ khí phá hoại gieo rắc sự hận thù và chết chóc mới và cố gắng chiếu ánh sáng vào nơi tăm tối của mối lo âu nhân loại bằng những việc làm hòa bình.” (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 12/9/2001)   Việc làm hòa bình đó chắc chắn phải phát xuất từ niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa.  Tình yêu Thiên Chúa đã in dấu từ bi vào bản tính nhân loại.    Nhưng không hiểu tại sao “từ tận tầng thẳm sâu của tâm hồn con người đôi khi nổi lên những mưu kế độc ác ngoài sức tưởng tượng, có thể phá hủy trong chốc lát đời sống thường ngày của một dân tộc.   Nhưng khi chữ nghĩa không diễn tả nổi, thì đức tin đến giúp chúng ta.” (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 12/9/2001)    Đức tin đem lại niềm hi vọng.   Chỉ vì không đặt niềm tin nơi Đức Giêsu, hiện thân lòng Thiên Chúa xót thương, nên “những tên khủng bố là những người tuyệt vọng; họ cảm thấy không có gì để mất.  Họ không nhìn thấy tương lai, bởi thế họ sẵn sàng giết người khác và chính mình.” (TGM Renato Martino, CWNews 13/9/2001)   Đúng là một thảm họa cho nhân loại.    Thảm họa đó chỉ có thể diệt trừ nếu “cả thế giới thành thật cam kết tìm kiếm hòa bình” và đừng chỉ “chú tâm tới quyền lợi riêng” (TGM Renato Martino, CWNews 13/9/2001). 

 

Chính vì chỉ chú ý tới quyền lợi riêng, nên lòng người anh cả không bao giờ bình an.    Nhưng bình an bao giờ cũng là mối phúc chính yếu Chúa gởi đến nhân loại. Bằng chứng , ngay sau khi Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới sụp đổ, hàng ngàn nhân viên cứu trợ tình nguyện đã túa đến tìm kiếm những người còn sống sót trong đông gạch vụn.  Khắp nơi dân chúng đã rủ nhau đi hiến máu. Dân chúng New York “thi đua tỏ lòng liên đới” (TGM Renato Martino, CWNews 13/9/2001) với những nạn nhân khủng bố. 

 

Khủng bố chỉ là một dấu chỉ sự xáo trộn cực độ trong tình liên đới nhân loại.   Con người không thèm nhìn nhau là anh em, chỉ vì không thấy được hình ảnh Thiên Chúa nơi anh em.   Để có thể thấy được hình ảnh Thiên Chúa, con người cần sám hối.   Lý do vì nhờ sám hối, con người nhìn lại được hình ảnh Thiên Chúa trong đáy lòng mình.   Nhờ đó, họ mới thấy được tình liên đới với anh em.

 

Tóm lại, dù nhiều người đang chìm ngập trong thất vọng, nhưng Kitô hữu vẫn vững tin.  Vì tình yêu Thiên Chúa còn đó !   Lòng sám hối còn đó !   Sám hối có thể  phục hồi tất cả.   Người con thứ đã dạy chúng ta bài học lớn lao đó.   Nhưng có sám hối được hay không, đó là nhờ lòng tin tưởng sâu xa vào Thiên Chúa.   Càng tin tưởng sâu xa, càng cảm nghiệm lòng thương xót trời bể của Thiên Chúa.  Thánh Phaolô cảm nghiệm sâu xa về lòng Chúa xót thương : “Tôi đã được Người thương xót.   Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên.” ((1 Tm 1:13.16)    Xưa kia, trước cơn đe loi của Thiên Chúa, “ông Môsê cố làm cho nét mặt Đức Chúa, Thiên Chúa của ông, dịu lại.  Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.” (Xh 32:11.14)

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C