KHỦNG HOẢNG

Chúa Nhật 24C Thường Niên. (2007)

 

 

 

Công bình vô cùng cần thiết cho cuộc sống.   Chính sự bất công đã kéo sập cơ quan Thương Mại Quốc Tế tại Nữu Ước ngày 11/9/2001 vừa qua.   Khủng bố chỉ là hệ lụy bất công.   Tin Mừng hôm nay muốn trình bày bộ mặt thật của bất công và những giải pháp chấm dứt cảnh bất công đó.

 

MA LỰC KIM TIỀN.

 

Tất cả chủ đề Tin Mừng hôm nay đều xoay quanh tiền bạc vật chất.   Đây là một vấn đề lớn không thể không đề cập đến trong cuộc sống.   Bởi vậy, Đức Giêsu phải dùng một dụ ngôn để rút ra những kết luận cụ thể cho những môn đệ trên bước đường theo Chúa.   Chính lúc túng quẫn nhất, sự thật mới được phơi bày.   Cháy nhà ra mặt chuột. Cũng như người con thứ trong Tin Mừng tuần trước, người quản gia tự bàn tính : “Mình phải làm gì đây ?” (Lc 16:3), sau khi nghe tiếng sét đánh mang tai : “Từ nay anh không được làm quản gia nữa !” (Lc 16:2)   Sau nhiều ngày theo dõi và nghe ngóng, ông chủ mới đi đến quyết định đó.

 

Quyết định đó đã thay đổi đời anh.   Nhìn vào cuộc sống, anh thấy nghề nào cũng không thích hợp.   Chỉ còn mỗi cách cứu vãn là lấy lòng những “con nợ của chủ” (Lc 16:5).   Những tính toán nhanh chóng của anh vừa chứng tỏ anh đã “hành động khôn khéo” (Lc 16:8), vừa phơi bày bộ mặt “quản gia bất lương” (Lc 16:8) của anh.   Anh nắm vai trò trung gian giữa chủ và con nợ.   Thực tế, nếu mua thẳng từ chủ, khách hàng đã không phải chịu một khoản nợ lớn lao như thế.   Rõ ràng anh đã lợi dụng vai trò trung gian đó để chém con nợ khi thì năm mươi phần trăm, khi thì hai mươi phần trăm (xc. Lc 16:5-7).   Cuối cùng anh không phải là người phục vụ chủ hay khách hàng. Trái lại anh lợi dụng cả hai bên đểø chỉ phục vụ chính cái tôi của mình !   Anh đã chém con nợ tối đa và đã gian manh trong việc sổ sách để bớt xén cho vinh thân phì da.   Bởi vậy, chủ mới nói : “Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi.” (Lc 16:2)   Anh đã đánh mất chữ tín đối với chủ và tạo một bất công quá lớn đối với khách hàng.   Đồng tiền đã làm anh tối tăm mắt mũi.

 

Tự bản chất, đồng tiền không xấu.   Bằng chứng chính Chúa cho biết có thể “dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.” (Lc 16:9)    Nghĩa là tiền bạc cũng có thể là một phương tiện phục vụ hữu hiệu cho tình liên đới nhân loại và ý nghĩa cuộc đời.   Tiền bạc chính là một cái thước đo lòng người.   Trung thành cũng từ đó !   Phản bội cũng từ đó !    Số lượng không quan trọng.  Quan trọng là lòng người trong những cảnh huống lớn nhỏ  (x. Lc 16:10)  Không phải đợi chuyện đại sự mới thấy rõ lòng người.   Nhưng cuộc sống hằng ngày càng phơi bầy tất cả ngóc ngách trong lòng dạ con người dễ dàng hơn.    

 

Chính “từ lòng người, phát xuất những ý định xấu”(Mc 7:21) như bất công, khủng bố, phá thai v.v. Bao nhiêu tiền của đã đổ vào đó.  Tiền của đã trở nên xấu xa vì lòng dạ tăm tối.  Tiền của có thể trở thành phương tiện cho “những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ.” (Am 8:4)  Họ tôn thờ tiền bạc.  Họ lợi dụng tất cả : “ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ  bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán.” (Am 8:6)   Hành động đã phơi bày tất cả lòng dạ xấu xa.  Họ tiêu tan cùng với những của cải bất chính, vì Thiên Chúa “sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.” (Am 8:7)   Ngược lại, Người để ý đến những người biết kính sợ Chúa và tôn trọng tha nhân, những người biết vận dụng tiền của để tạo nên ý nghĩa đích thực cho cuộc đời.

 

Yù nghĩa đích thực đó chỉ đến vơi những con người thiện chí.  Quả thực, nếu có ý tốt, người ta có thể dùng “tiền của bất chính” (Lc 16: 9.11) “tạo lấy bạn bè” (Lc 16:9) và “của cải chân thật” (Lc 16:11)   Chỉ có của cải chân thật, tức là hồng ân Thiên Chúa,  mới đem lại hạnh phúc đích thực mà thôi.   Tiền của bất chính sẽ có ngày tiêu hao lụn bại.   Nhưng của cải chân thật không thể bị mối mọt và trộm cướp đe dọa.  Sống trên đời, con người chỉ là quản gia trên những của cải trong một thời gian ngắn.   Nghĩa là con người không phải là sở hữu chủ tuyệt đối.   Trái lại, họ chỉ có quyền “sử dụng của cải của người khác.” (Lc 16:12)   Người khác đây chính là Thiên Chúa, Đấng sẽ ban “của cải dành riêng cho anh em.” (Lc 16:12)   Quá lo cho mình, con người sẽ mất tất cả.   Trái lại, nếu biết vận dụng tất cả tài năng, tiền của phục vụ Thiên Chúa, họ tìm lại được trọn vẹn bản thân.   Trần gian chỉ là nơi để học hỏi cách phục vụ Thiên Chúa nơi tha nhân.   Nên nhớ : “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.” (Lc 16:13)   Đó là nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất phải nắm vững khi sống giữa những “tiền của bất chính”.

CON ĐƯỜNG HÒA BÌNH.

Thực tế, biết bao người đang rời xa nguyên tắc quan trọng đó.   Họ là những quản  gia nhưng đã lấn lướt cả ông chủ và khách hàng.   Nắm quyền sinh sát trong tay, họ lạm dụng tiền của và quyền bính để tác oai tác quái.  Bởi thế, thánh Phaolô “khuyên ai nấy dâng lời cầu xin khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh.” (1 Tm 2:1-2)    Quyền bính cũng như tiền của chỉ để phục vụ chứ không phải đàn áp con người.   Bởi vậy mới cần cầu nguyện để những người cầm quyền xử dụng những tiền của và quyền bính cách khôn ngoan để “mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2:4) là Đức Giêsu như cao điểm cuộc sống.

 

Đạt tới cao điểm đó rất khó khăn!   Nhưng “cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin” (Mc 9:23) vào “Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người : đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.” (1 Tm 2:5-6)  Nhờ thế, tình yêu Thiên Chúa và giá trị con người được mạc khải.  

 

Nhưng trong khi Thiên Chúa vận dụng mọi cách để nâng cao con người, thì chính con người lại tìm cách chà đạp con người.   Tiền của là phương tiện hữu hiệu để thực hiện mưu đồ đó.   Bất công tràn ngập.   Tiền bạc có thể tạo nên kẻ thù.   Bởi vậy, ngày tận cùng chẳng có ai đón mời vào nơi vĩnh cửu.   Bất công sẽ tạo nên thế bất quân bình cho cả hiện tại và tương lai.   Ngược lại, nếu biết dùng tiền của tạo liên đới giữa người với người, ảnh hưởng còn lâu dài tới thiên thu.   Muốn thế, phải lấy con người làm trung tâm và cứu cánh mọi sinh hoạt xã hội và kinh tế.   Nói khác, “con người phải kiểm soát được vận mạng đời mình và có quyền kiếm công ăn việc làm cho mình.” (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 14/9/2001)   Bất cứ những gì không phục vụ con người đều phải bị loại bỏ, dù điều đó có đem lại những lợi nhuận lớn lao và những khám phá mới lạ.  Có những người muốn đổi mới tận nền tảng.   Nhưng ĐGH nhận xét : “trong khi những hình thức lịch sử lao động thay đổi, những vấn đề nền tảng vẫn bất di bất dịch.”   Người kêu gọi mọi người cố gắng hình thành những hình thức “kinh tế mới” để cổ động “liên đới mới”, bảo vệ môi sinh, và tạo những cơ hội mới cho mọi người. (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 14/9/2001)  

 

Muốn thực hiện được những điều tốt đẹp ấy, dĩ nhiên cần phải đổ rất nhiều tiền của vào những dự án lớn lao.   Nhất là đừng ngại vận dụng tất cả mọi phương tiện để làm cho mọi người lớn lên trong việc tôn trọng và liên đới với những người bị tổn thương vì hành động bất công của người khác (xc ĐHY Murphy- O’ Connor và TGM Kelly, CWNews 20/9/2001)    Bất công chính là kẻ thù của hòa bình.   Bởi thế, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 1971 mới nói việc cổ động công lý là một “yếu tố tạo nên việc phúc âm hóa” và đem lại hòa bình cho nhân loại.  Để thực hiện lý tưởng đó, hơn ai hết, “người Kitô hữu phải trung thành với giới răn tình yêu lớn lao: yêu Thiên Chúa, tha nhân và ‘kẻ thù’ mình.” (Murphy- O’ Connor và Kelly, CWNews 20/9/2001)   

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C