PHỤC VỤ

Chúa Nhật 27C Thường Niên

 

Đức tin là tất cả sức mạnh chúng ta.   Chính nhờ đức tin, con người đã có thể đi vào thế giới Thiên Chúa và trở thành bạn hữu của Người.   Chính niềm tin xác định giá trị và ý nghĩa cuộc đời.   Lý do vì càng tin, con người càng thấy rõ mình trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.

HAI LUỒNG TƯ TƯỞNG.

Trong cộng đồng nhỏ bé của Đức Giêsu, có hai luồng tư tưởng luôn đi ngược chiều giữa Thày trò.   Trò lúc nào cũng nghĩ mình phải là một cái gì giá trị.   Ngay cả trong lãnh vực đức tin, họ cũng tưởng mình đã đạt tới chiều kích nào rồi.  Bởi vậy, họ mới thưa với Chúa : “Thưa Thày, xin thêm lòng tin cho chúng con.” (Lc 17:5)   Thực tế, biết bao lần Đức Giêsu đã trách các môn đệ : “Oâi những kẻ kém tin !” (Lc 12:28; Mt 6:30) Hôm nay, Chúa mới cho biết lòng tin của các ông bé tới cỡ nào : “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải …” (Lc 17:6)  

Lòng tin vào Thiên Chúa chưa bằng hạt cải.   Nhưng lòng tin vào cái tôi lớn bàêng cây dâu, thân vươn cao tới 60 feet, rễ cắm sâu xuống lòng đất.  Để có thể bứng cây dâu lớn đó, chỉ cần lòng tin bằng hạt cải.   Câu trả lời của Chúa Giêsu như một cú sét đánh mang tai.  Chưa hoàn hồn, họ lại hoa mắt vì xem thấy cảnh tượng không hợp nhãn chút nào.  Chúa giả thiết họ là chủ “có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên.” (Lc 17:7)   Nhưng cuối cùng mở mắt ra họ thấy mình rơi tuột xuống vai người đầy tớ đó.    Họ vẫn chưa ý thức về chỗ đứng của mình trong tương quan với Thiên Chúa và anh em.   Cái tôi vẫn còn quá lớn.   Nếu có đức tin bằng hạt cải, chắc chắn họ sẽ hiểu biết Thiên Chúa là ai và mình là ai.   Mình chỉ là “những đầy tớ vô dụng.” (Lc 17:10), trong khi Thiên Chúa là ông chủ toàn năng.   Đây không phải chỉ là một lời khuyên sống khiêm nhường, nhưng còn là một mạc khải về bản chất và khả năng con người trong tình liên đới với Thiên Chúa và anh em đồng loại.   Trước Đấng Tạo Hóa, con người chỉ là hư vô.  Nhưng chỉ cần một chút niềm tin vào Chúa tể càn khôn, con người có thể “xoay bạch ốc thành lâu đài”.  

Thực ra tương quan chủ tớ vẫn chưa diễn tả nổi khoảng cách vô cùng giữa Đấng Tạo Hóa là Thiên Chúa và tạo vật là con người.  Một tâm tình như thế không phải là lời phủ nhận tất cả những công sức của người đầy tớ, nhưng cần thiết để đón nhận những hồng ân cao trọng hơn.   Có sống trong tương quan sâu xa này với Thiên Chúa, mới thấy tất cả chỉ là hồng ân.   Dĩ nhiên, “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa … Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu.” (Ga 15:15) 

Dù vậy, Tin Mừng hôm nay chỉ muốn mạc khải một sự thật : muốn làm môn đệ Chúa Kitô, tín hữu chỉ cần một chút niềm tin bằng hạt cải, không phải để làm phép lạ, nhưng để truyền cho trái núi kiêu ngạo hay cây dâu ích kỷ rời khỏi lòng mình.   Nếu không, làm sao môn đệ Chúa Kitô có thể thấy lý do phải tha thứ cho anh em một ngày bảy lần (Lc 17:4) ?    Làm sao có thể nhận ra hồng ân Thiên Chúa là một quà tặng vô giá và nhưng không ? Làm sao có thể thấy được việc phục vụ Thiên Chúa và anh em là một hồng phúc  ?

Chính vì có lòng tin, không phải bằng hạt cải, nhưng bằng trái núi, nên Đức Trinh Nữ Maria đã có thể khiến Con Thiên Chúa rời bỏ ngai vàng Thiên quốc xuống ngự trong cung lòng nhỏ bé.    Chính đức tin đã khiến Mẹ vui sướng kêu lên: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa,” (Lc 1:38) sau khi đón nhận lời sứ thần truyền tin.  Niềm vui tràn ngập tâm hồn Mẹ khi thấy mình được sống trong tương quan huyền nhiệm đó.   Mẹ chẳng cảm thấy một chút gì sợ hãi hay gò bó khi phục vụ Thiên Chúa.   Như Mẹ, “thiết tưởng chúng ta cũng tình nguyện phục vụ Chúa trong niềm vui, tình yêu và cảm tạ.” (Ezeogu, Homily for 27th Sunday in Orinary Time, 3/10/2001)   Không có niềm tin, không thể sống khiêm cung và thành tín như Mẹ.

Chính khi sống trong thân phận “nữ tì của Chúa”, Mẹ đón nhận tất cả hồng ân vĩ đại từ tay Thiên Chúa.   Mẹ thấy mình hoàn toàn mắc nợ Thiên Chúa.     Không có lý do gì khiến Mẹ nghĩ rằng mình có quyền đòi hỏi Thiên Chúa.   Trái lại, suốt đời Mẹ sống trong niềm cảm tạ tri ân.   Từ lòng tin sâu thẳm, Mẹ đã thốt lên : “Vâng, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1:38)   Từ đó cuộc đời Mẹ là một chuỗi ngày giờ “đồng lao cộng khổ để loan báo Tin Mừng” (2 Tm 1:12) với Chúa và “làm chứng cho Chúa.” (2 Tm 1:8)    Lòng khiêm cung của Mẹ đã thu hút tất cả sức mạnh Thần khí, “một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.” (2 Tm 1:7), khiến Mẹ có thể đứng vững dưới chân thập giá.   Nếu không có lòng tin sâu thẳm, nhất định Mẹ không thể sống khiêm cung như thế.   “Thiếu lòng khiêm cung là một cám dỗ nguy hiểm hơn các cám dỗ khác.   Nó khiến chúng ta không cảm nghiệm được tình yêu sâu xa của Thiên Chúa đối với chúng ta,” (NIB 1995:324) và không thấy được tương quan với anh em đồng loại.     Do đó sinh ra những bất ổn trong đời sống cá nhân và cộng đồng cũng như đe dọa sự sống còn nhân loại.  Từ lòng khiêm cung, “người công chính sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình.” (Kb 2:4)

NHÌN LẠI TƯƠNG QUAN HÔM NAY.

Nhân loại hôm nay đang lo sợ trước sự sống còn của mình.   Chiến tranh đang xuất hiện cuối chân trời.  Làm sao có thể tồn tại sau những xung đột lớn lao đó ?   Hơn lúc nào, công lý là một bảo đảm cho sự sống còn đó.   Nhân loại đã kinh hoàng trước cuộc khủng bố Nữu Ước và Hoa thịnh đốn ngày 11/9/2001.   Lương tâm nhân loại đều nhất trí lên án những hành động phi nhân đó.   Thế nhưng, cuộc khủng bố đó chỉ là hậu quả tất yếu của những chính sách bất công.   Gieo gió thì phải gặt bão !   Bởi thế, theo La Civilta Cattolica, một tạp chí có tầm cỡ của các cha Dòng Tên, “cuộc vận động chống khủng bố phải phát hiện ra những nguồn gốc khủng bố, và phải giải quyết vấn đề tận gốc.” (CWNews 5/10/2001)   Nói khác, đây là lúc Tây Phương cần phải đặt lại vấn đề về tất cả những chính sách của mình.   Tạp chí đó lý luận : “Muốn thành công, trận chiến chống khủng bố đòi Tây Phương phải có một cuộc cách mạng văn hóa.  Chủ yếu là phải làm cạn nguồn nước đang nuôi sống những kẻ khủng bố, tức là sự nghèo đói và tuyệt vọng.” (CWNews 5/10/2001)    Mọi người đều có quyền sống và hưởng mọi hoa màu trái đất.   Đó là đòi hỏi tuyệt đối của công lý !   Chỉ có công lý mới có thể chấm dứt cảnh nghèo đói.   Chỉ có niềm tin mới đem lại niềm hi vọng cho con người.

Để thức tỉnh mọi người trước công lý, “Giáo Hội Công giáo phải trung thành với đặc sủng ngôn sứ và kêu gọi mọi người phải xây dựng con đường hòa bình cho gia đình nhân loại.” (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 1/10/2001)    Không thể chấp nhận cảnh “người giàu, mặc lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”, còn người nghèo phải chết đói trong khi cơn “thèm được những thứ trên bàn ăn rớt xuống” (Lc 16:19-21) vẫn chưa được thỏa mãn. Đặc sủng ngôn sứ sẽ giúp Giáo hội can đảm nói cho người giàu biết ý thức về tình liên đới và chia sẻ ân lộc với người nghèo. Yù thức đó chỉ có thể sống dậy nếu người ta biết mình chỉ là “đầy tớ vô dụng,” không thể tạo nên những của cải trần gian.   Chỉ một mình Thiên Chúa mới có khả năng đó.  Con người chỉ là đầy tớ “làm theo lệnh truyền” (Lc 17:9) của Thiên Chúa mà thôi.  Lệnh truyền đó đòi họ phải chia cơm sẻ áo cho người nghèo đói (x. Mt 25:31:46)  Nhưng làm sao thi hành lệnh truyền đó, nếu họ không ý thức của cải chỉ là hồng ân. Có giúp đỡ người nghèo cũng chỉ là chia sẻ một chút hồng ân với anh em kém may mắn hơn mình mà thôi.  Không chia sẻ không thể có công lý. Không có công lý không thể có hòa bình.  “Chắc chắn hòa bình không thể tách biệt với công lý, nhưng công lý luôn luôn đi đôi với lòng xót thương và tình yêu.” (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 1/10/2001)  Không thấy được bổn phận thi hành công lý, ít nhất người giàu cũng phải thấy mình có liên đới với người nghèo.   Nếu không, hòa bình chỉ là một giấc mơ mà thôi !

 

Lm. Giuse Đỗ vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C