CẦU NGUYỆN NHƯ MỘT THÁCH ĐỐ.

Chúa Nhật 29C Thường Niên.

 

Theo Viện Thống kê Gallup, “cuộc thăm dò dư luận từ ngày 21-23 tháng 9 cho biết sáu mươi tư phần trăm dân chúng Hoa Kỳ đã cho rằng tôn giáo ‘rất quan trọng’ trong đời sống của họ.   Bốn mươi bảy phần trăm nói họ đã dự lễ ở nhà thờ hay hội đường trong tuần lễ trước đó.” (CWNews  5/10/2001)    Sau đó cả nước Mỹ đã tổ chức ngày cầu nguyện cho các nạn nhân.  Nhưng một số người vô thần phản đối, vì theo họ không cần phải cầu xin ai cả.   Chỉ cần dựa vào sức con người cũng có thể giải quyết vấn đề !   Nếu không có liên hệ chặt chẽ giữa niềm tin và lời cầu nguyện, liệu có sự phản đối đó không ?  Chúng ta chờ đợi câu trả lời của Chúa trong dụ ngôn hôm nay.

HAI KHUÔN MẶT.

Đức Giêsu là một họa sĩ đại tài.   Để thu hút giới hâm mộ, Người đã tô đậm một nền đen nghịt, tức là ông quan tòa “chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì.” (Lc 18:2)    Con người ông là một khối băng giá ngất ngưởng giữa trời.   Bằng chứng ông ngâm tôm vụ bà góa kiện đối phương “trong một thời gian khá lâu.” (Lc 18:4)   Chỗ dựa duy nhất của bà là người chồng không còn nữa.   Bà mất tất cả.   Bởi vậy, bà mới dễ dàng bị đối phương ăn hiếp.   Ai muốn hại bà cũng được.   Cuối cùng vì  không thể chịu không nổi, bà mới lôi đối phương ra tòa.  Hẳn vụ kiện không phải nhỏ.     Sau bao ngày tháng kêu réo, bà đã thắng lòng lì lợm của quan tòa.  Bà chỉ còn một phương tiện tranh đấu duy nhất là kiên nhẫn kêu than suốt đêm ngày tại cửa quyền.  Quan tòa bực bội hết sức.   Cuối cùng, “ông ta nghĩ bụng : ‘Mụ góa này quấy rầy mài, thì ta sẽ xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.’” (Lc 18:5)    Dầu sao, công lý đã trở lại pháp đình, không phải vì quan tòa công minh hay có lòng thương cảm đối với những người thấp cổ bé họng, nhưng chỉ vì một lý do hoàn toàn cá nhân.   Con người có thể ích kỷ cả khi làm một việc tốt cho người khác !   Dầu sao, việc bà bị đối phương hãm hại đã được đưa ra ánh sáng.

Sau khi đã tạo được một nền mờ tối như thế, Đức Giêsu đặt vấn đề : “Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao ?   Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi ?   Thày nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ.” (Lc 18:7)  Mặc dù cao vượt hơn con người, nhưng “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,” (Lc 2:78) chứ không vô tâm như  “quan tòa bất chính ấy.” (Lc 18:6)   Thực tế, Thiên Chúa luôn dấn thân vào lịch sử nhân loại và can thiệp để kịp thời giải cứu những người cô thế cô thân.

Thiên Chúa sẵn sàng đáp ứng những khát vọng chính đáng của con người.   Nhưng không thể hiểu Thiên Chúa như một cái máy rút tiền lúc nào cũng sẵn sàng nhả tiền cho khách hàng.   Thiên Chúa thấu hiểu tất cả hiện tại và tương lai.    Con người giống như người đứng dưới chân núi, không thể bao quát toàn cảnh như Thiên Chúa ở trên cao.   Bởi đấy những nhận định của họ nhiều khi có tính cách chủ quan và hạn hẹp.  Đó là nguyên nhân khiến lời cầu nguyện trở thành một thách đố.   Những lúc lâm vào hoàn cảnh như thế, con người thường đồng hóa Thiên Chúa với bộ máy lạnh lùng, lạnh lùng hơn cả quan tòa trong dụ ngôn hôm nay.   Bởi thế, có nhiều người không tin vào lời cầu nguyện, nghĩa là không tin có Thiên Chúa lắng nghe khát vọng con người và giải quyết những khó khăn cuộc sống nhân sinh.   Họ mất kiên nhẫn.   Từ đó, họ có ác cảm với Thiên Chúa và mọi hình thức cầu nguyện.

Nhưng đối với tín hữu, cầu nguyện là lẽ sống.   Con người có thể gặp thử thách, nhưng không tuyệt vọng khi chưa đạt được điều mong ước khi cầu nguyện.   Thiên Chúa chưa đáp ứng không có nghĩa là Người từ chối lời cầu nguyện.  Trái lại, cần phải biết chuẩn bị và biết lắng nghe Thiên Chúa.  Nếu bà góa cũng chóng nản lòng thối chí, chắc chắn chẳng bao giờ vụ kiện được minh xét.   Lòng kiên nhẫn đã trở thành một sức mạnh khiến cho lời bà thấu đến tai quan tòa.   Đó là một bài học đắt giá cho những ai muốn lời cầu nguyện thấu đến Thánh Nhan.   Chính Đức Giêsu đã quả quyết : “Ai kiên nhẫn tới cùng sẽ được cứu thoát.”  

Không những cần kiên nhẫn, người tín hữu còn phải cầu nguyện không ngừng.  Chính Đức Giêsu đã làm gương rất lớn và còn dạy chúng ta cầu nguyện cùng với Chúa Cha. Lời cầu nguyện của Người vào giờ phút bi thương nhất tưởng như rơi vào hư vô.   Thế nhưng, Chúa Cha đã sai Thánh Linh phục sinh thân xác Đức Giêsu.   Đó là lời đáp trả kỳ diệu của Thiên Chúa cho người công chính như Đức Giêsu.   Lời cầu nguyện tuyệt vời của Đức Giêsu đã cuốn hút tất cả con người của Người vào trong tình yêu Thiên Chúa.  

Vì thế, khi lắng nghe và nhìn thấy Đức Giêsu cầu nguyện, chúng ta mới biết mình phải làm gì để Thiên Chúa nhận lời.  Dĩ nhiên cần phải “mặc lấy Chúa Kitô” nghĩa là phải sống công chính như Chúa, để lời cầu nguyện có một sức mạnh.  Hơn nữa, “chính việc trung thành với Thiên Chúa của Đức Giêsu là động lực cầu nguyện.” (The New Jerome Biblical Commentary 1990:710)   Nhưng nếu cho rằng lời cầu nguyện chỉ là một hành động chủ quan, một cách biến đổi chúng ta hay là cách diễn tả một sự bất lực hoặc một thứ hứng khởi tâm lý, đức tin chúng ta sẽ khác lạ với đức tin trong Thánh kinh.  Tự căn bản Thiên Chúa chẳng màng gì tới những nhu cầu nhân loại và không đáp ứng nhu cầu đó.   Thực tế, Thiên Chúa lắng nghe và đáp ứng lời cầu nguyện của “những kẻ Người tuyển chọn, hằng đêm ngày kêu cứu với Người.” (Lc 18:7)    “Lời cầu nguyện thực sự có ảnh hưởng nào đó trên cách Thiên Chúa hành động trong thế giới.” (The New Dictionary of Catholic Spirituality 1993:766)   Bằng chứng, khi giao chiến với quân Amalếch, chính nhờ lời ông Môsê cầu nguyện, dân Do thái đã chiến thắng (x. Xh 17:8-13)

KHỦNG HOẢNG ĐỨC TIN.

Chính nhờ niềm tin sâu xa nơi Thiên Chúa, ông Môsê đã đem lại sức mạnh cho dân Do thái.   Con người hoàn toàn bất lực trước những nhu cầu giải thoát vô cùng lớn lao.   Nhưng những ai hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa, sẽ thấy Người hành động để “hạ bệ những ai quyền thế” và “nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1:52)   Niềm tin đó phải được thể hiện qua việc cầu nguyện.  Nói khác, cầu nguyện chính là một cách diễn tả niềm tin cách sống động và sâu xa nhất.  “Vì khi cầu nguyện, chúng ta diễn những gì chúng ta tin về Thiên Chúa và về mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa.” (The New Dictionary of Catholic Spirituality 1993:766)   Lời cầu nguyện quả thật có một tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc sống.   Nhưng lời cầu nguyện chỉ thực sự có giá trị và sức mạnh khi phát xuất tự một “đức tin có chất lượng và sống động.” (NIB 1995:339)   Nếu tin, chúng ta sẽ thấy “chính Thiên Chúa quan tâm tới tạo vật và đáp ứng tiếng chúng kêu xin.” (The New Dictionary of Catholic Spirituality 1993:766)

Nhưng niềm tin đó đang gặp khủng hoảng lớn lao trên thế giới.   Nhân loại đang đánh mất chiều kích lớn lao nhất, chiều kích Thiên Chúa.  Vì thế, con người không thể giải quyết những vấn đề phức tạp.  Tương quan nhân loại trở thành nhạt nhẽo và trống rỗng.   Bởi không tin Thiên Chúa và khinh thường anh em, nên họ cũng chẳng cần phải gắn bó với ai.   Nhân loại phân rẽ thành các khối thù nghịch.  Vết nứt càng ngày càng lớn thành một hố sâu sẽ nuốt sống toàn thể nhân loại.  Để lấp đầy hố sâu đó, con người cần phải chạy đến với Thiên Chúa.   Vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có khả năng “xẻ núi lấp sông” mà thôi.   Bởi đấy, các tín hữu hoàn toàn tin tưởng sẽ tìm được sức mạnh đích thực trong lời cầu nguyện.    Nhờ sức mạnh đó, con người có thể lớn lên theo một tầm vóc Đức Kitô.    Càng dựa vào Thiên Chúa, con người càng trưởng thành.   Niềm tin vô cùng quan trọng cho thăng tiến nhân loại theo chiều hướng cánh chung. cần kiên trì mới thấy được tất cả sức mạnh của niềm tin.    “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?” (Lc 18:8)

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C