Chúa
Nhật 3 Quanh Năm
(Lu-ca 4: 14-21)
Khi Thiên Chúa tỏ mình ra trong việc làm của Chúa Giê-su
tại tiệc cưới Ca-na, Người chính thức khởi sự công cuộc cứu độ qua sứ mệnh của
Đấng Mê-si-a. Biến cố tỏ mình ra tại
Ca-na đã phác họa nét chính kế hoạch tình thương vô điều kiện của Thiên
Chúa. Bước sang bài Tin Mừng hôm nay của
thánh sử Lu-ca, ta có dịp nhận biết chương trình hoạt động nói chung mà Chúa
Giê-su sẽ thực hiện khi thi hành sứ mệnh cứu độ trần gian. Chương trình ấy đã được sách ngôn sứ I-sai-a nói
đến khoảng 500 năm trước Chúa Giê-su giờ đây được Người tuyên đọc tại hội đường
Na-da-rét. Vậy Chúa Giê-su đã làm, đang
làm và sẽ làm gì cho ta với chương trình hoạt động của Thiên Chúa? Động lực nào thúc đẩy và hướng dẫn Người thực
hiện chương trình?
1) Chúa Thánh Thần, động lực thúc đẩy và hướng
dẫn
Chúa Thánh Thần giữ vai trò chính yếu trong suốt cuộc đời
của Chúa Giê-su. Ngay từ khi Mẹ Ma-ri-a
được Thiên Thần truyền tin, ta được biết về quyền năng và ảnh hưởng của Chúa
Thánh Thần rồi. Sứ thần giải thích cho
Đức Mẹ rõ việc thụ thai Chúa Giê-su:
“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng
trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa”
(Lc 1:35). Thánh Thần làm công việc tác
tạo khi Thiên Chúa dựng nên trời đất muôn loài (St 1:2; Tv 104:30). Giờ đây nơi Mẹ Ma-ri-a, Thánh Thần Chúa bắt
đầu một cuộc tạo dựng mới khi Chúa Giê-su được thụ thai trong lòng Đức Trinh
Nữ.
Trong cuộc đời thơ ấu và ẩn dật của Chúa Giê-su, sách Tin
Mừng nói rất ít về Người. Dù vậy, chắc
chắn đó phải là những ngày Thần Khí Thiên Chúa giúp cho Chúa Giê-su “ngày càng
lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”
(Lc 2:40), hoặc “ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người
thương mến” (Lc 2:52).
Tuy nhiên khi Chúa Giê-su bắt đầu thi hành sứ vụ, vai trò
của Chúa Thánh Thần thường được nhắc tới dưới hình thức Chúa Giê-su “được đầy
Thánh Thần, được Thánh Thần dẫn đi, được quyền năng Thánh Thần thúc
đẩy”... Thánh Thần là tinh thần Thiên
Chúa đã đầy ắp tâm hồn Chúa Giê-su, nên Chúa Giê-su sẽ hành động theo tinh thần
của Thiên Chúa chứ không phải theo tinh thần của thế gian. Có lẽ ta nên đọc lại những gì thánh sử Lu-ca
viết về những gì xảy ra khi Chúa Giê-su chịu phép rửa: “Đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra,
và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu” (Lc
3:21-22). Hình ảnh này cũng chẳng khác
gì điều sách ngôn sứ I-sai-a đã nói:
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi”(Lc
4:18). Xức dầu tấn phong là nghi thức
trao ban sứ mệnh, không chỉ là sứ mệnh của ngôn sứ, nhưng sứ mệnh cứu độ của
Đấng đến để chu toàn tất cả những gì Lề Luật và các ngôn sứ đã nói về Người.
2) Thông điệp và hoạt động cứu độ của Chúa
Giê-su
Với những điều kiện được thánh sử mô tả như “vững mạnh,
khôn ngoan, được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến”, hẳn Chúa Giê-su sẽ
là nhà lãnh đạo thành công trên trường đời.
Nhưng Người lại chọn con đường Thiên Chúa muốn Người đi, đó là:
“Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Người đã sai tôi đi công bố
cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
cho người bị áp bức biết họ được trả lại tự do,
công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4:18-19).
Từ nay, cuộc đời
Chúa Giê-su gắn liền với thông điệp nói trên.
Thông điệp ấy gồm hai điểm: loan
báo Tin Mừng và đi công bố những gì Thiên Chúa muốn thực hiện cho nhân loại. Đúng vậy, trước mắt Thiên Chúa, con người chỉ
là kẻ nghèo hèn, anawim, tức là phải hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Vậy Tin Mừng được loan báo cho họ như thế
này: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã
ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống
đời đời” (Ga 3:16). Thiên Chúa đã bỏ qua
đi sự bất xứng của nhân loại để sẵn sàng nhận họ làm “nghĩa tử” và “đồng thừa
kế với Đức Ki-tô” (Rm 15:15-17).
Ngoài việc loan báo Tin Mừng, Chúa Giê-su sẽ đi khắp nẻo
đường từ Ga-li-lê xuống Giu-đê để công bố những gì Thiên Chúa muốn làm cho nhân
loại khốn cùng. Mà không chỉ công bố
bằng lời nói, nhưng bằng việc làm. Biết
bao người tội lỗi đã “bị giam cầm” nay sẽ được tha thứ. “Tội con đã được tha” là lời nói được lập đi
lập lại trên những người thành tâm hối cải đến với Chúa Giê-su. Không chỉ là những người mù thể xác được Chúa
Giê-su mở mắt, nhưng thật nhiều người mù thiêng liêng còn được mở mắt linh hồn
để nhìn thấy “sự thật” Thiên Chúa muốn tỏ ra nơi Chúa Giê-su. Sau nữa là những người “bị áp bức”, họ bị vùi
dập đè nén đủ cách, thể xác cũng như tinh thần.
Những thống khổ của kiếp người , lo lắng, bệnh tật, bất công xã hội...
làm cho họ thành nô lệ hoặc mất đi phẩm giá.
Giờ đây Chúa Giê-su đến để phục hồi phẩm giá cho họ khi Người chữa lành
bệnh tật, bênh vực kẻ yếu và duy trì công bình xã hội.
Nội dung của thông điệp nói lên đầy đủ sứ mệnh Chúa Giê-su
sẽ thi hành. Giờ đây đứng trước cộng
đoàn Na-da-rét là đại diện cho toàn thể nhân loại, Chúa Giê-su dõng dạc tuyên
bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh
Thánh quý vị vừa nghe”. Lời khẳng định
của Chúa Giê-su không những nói lên một sự kiện có thực, mà còn là lời cam kết
thi hành sứ mệnh trước mặt Thiên Chúa và nhân loại nữa.
3) “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị
vừa nghe”
Ơn cứu độ của Thiên Chúa luôn mang tính cách hiện đại. Ngay từ lúc Chúa Giê-su giáng sinh, sứ thần
Chúa đã nói với các người chăn chiên tại Bê-lem: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh
em” (Lc 2:11). Hoặc khi đến với gia đình
ông Da-kêu, Chúa Giê-su tuyên bố với những kẻ chỉ trích Người: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc
19:9). Lời khẳng định của Chúa Giê-su
trước hết nói về việc Người khai mở thời đại cứu độ. Tuy nhiên lời ấy cũng thách thức ta có muốn
nhìn nhận Người là Đấng Cứu Độ không.
Nếu lời Kinh Thánh chỉ “ứng nghiệm” cho Chúa Giê-su mà không ứng nghiệm
cho ta, thì cũng chẳng đi tới đâu. Hoặc
cũng giống như thánh Gio-an đã viết mà thôi, là “Người đã đến nhà mình, nhưng
người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1:11)!
Như thế, tính cách hiện tại của ơn cứu độ đòi ta phải cộng
tác và đáp lại trong tư thế hiện tại, nghĩa là ta được cứu độ với tất cả cuộc
sống hằng ngày của ta bằng cách để cho “ứng nghiệm lời Kinh Thánh”. Ứng nghiệm khi ta tin vào Chúa Giê-su là Đấng
Cứu Độ. Ứng nghiệm khi ta tiếp tay với
Người trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng và thực thi những điều Chúa Giê-su đã làm
theo thông điệp truyền giáo. Thí dụ, ta
giúp đỡ những anh chị em bần cùng, an ủi những người đau khổ, bênh vực những
nạn nhân của bất công xã hội... Đó là
những khi ta làm cho lời Kinh Thánh ứng nghiệm vậy.
4) Suy nghĩ và cầu nguyện
Tôi đang sống theo Thần Khí của Thiên Chúa hay theo tinh
thần của người đời?
Thánh sử Lu-ca đã mô tả Chúa Giê-su như một người tuyên đọc
Lời Chúa gương mẫu, khiến cho mọi người đều “chăm chú nhìn Người”. Mỗi khi tham dự Thánh Lễ, hoặc đọc và suy
niệm Lời Chúa, thái độ của tôi như thế nào?
Tôi có chăm chú lắng nghe Lời Chúa không? Tôi có nhận ra tầm quan trọng của việc lắng
nghe Lời Chúa không?
Chúa Giê-su đã nói ở Na-da-rét: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị
vừa nghe”. Tôi có thể nói với những
người chung quanh như Chúa đã nói không?
Tại sao không?
Cầu nguyện
“Lạy Chúa Giê-su,
dân làng Na-da-rét đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người.
Cũng có lúc chúng con không tin chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.”
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 52)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi
19-1-2007